Để biết mình tồn tại
Nói đến Trái Đất và bước chân ra thế giới, bạn có thể nghĩ ngay về những chuyến đi của tuổi trẻ trong “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của chị Roise Nguyễn hoặc những câu chuyện đầy cảm hứng từ “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” của cô Nguyễn Phi Vân...
Mình cảm giác khi cả thế giới có thể thu nhỏ trong lòng bàn tay, thế giới ảo khiến mọi thứ ngày càng phẳng thì đời thực đâu đó lại có phần thu hẹp. Chỉ cần chiếc điện thoại là ta đã có thể nhìn thấy cả thế giới, từ nhà ra ngõ, đông tây nam bắc chuyện gì cũng biết. Nhưng ngõ này giờ đây không phải là con đường bé xíu vài mét đi bộ, mà nó có thể dài đến tận nửa vòng Trái Đất.
Nói đến Trái Đất và bước chân ra thế giới, bạn có thể nghĩ ngay về những chuyến đi của tuổi trẻ trong “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của chị Roise Nguyễn hoặc những câu chuyện đầy cảm hứng từ “Quảy gánh băng đồng ra thế giới” của cô Nguyễn Phi Vân. Mình xin lỗi sẽ làm bạn thất vọng vì mình sẽ bảo rằng bạn đừng bước vội ra thế giới bao la kia khi điều bạn cần làm trước mắt là bước ra khỏi nhà và ngắm nhìn cuộc sống xung quanh, để thấy rằng cuộc sống vẫn tươi đẹp.
Sáng thứ bảy, cũng như mọi ngày, những bước căn bản đầu tiên mình cần làm nhằm kiểm chứng bản thân còn sống là mở mắt và hít thở. Và vì là cuối tuần nên mình quyết định đi bộ ra khỏi nhà đến công viên để ngắm nhìn những “cá thể sống” khác ngoài kia như thế nào.
Mình đi bộ một dọc đường Sài Gòn ở trung tâm, những con đường song song nhiều cây xanh và bóng mát. Đi đến đâu, nhắm mắt ghi lại vài khung hình rồi ra công viên viết lưu trữ lại. Não cá vàng mà, không ghi là mình sẽ quên hết.
Nếu bạn thích tưởng tượng, hãy đọc và hình dung ra bức tranh dưới đây cùng mình nhé:
Sài Gòn tháng 7 mưa lâm râm nên trời cũng chẳng có những nền xanh mây trắng, không gian tuy có hơi ảm đạm nhưng chẳng thể nào đọ lại sự nhộn nhịp của âm thanh đường phố – còi xe inh ỏi, nhạc cà phê xập xình, quán ăn ì xèo khắp mọi ngõ ngách. Ai chà, đúng là thành phố không ngủ ha, đêm có thể thức trắng nhưng sáng đến năng lượng luôn dồi dào ^^
Bên kia đường, chị gái mặc áo trắng đang lau kính cho cửa hàng quần áo, ta nói sáng choang. Hèn chi lúc nào đi qua khúc đó cũng thấy ưng con mắt liền, mẩm đoán là chị ấy ngày nào cũng lau, kì và cọ.
Dọc đường, cà phê cóc phải nói như đặc sản không thể thiếu. Mấy thanh niên áo hoodie đen, quần jean bạc màu ngồi tụm năm tụm ba nhâm nhi ly cà phê bên lề phố, tám chuyện rôm rả “sao dzỡn vậy bro”.
Đám sinh viên lớp trẻ sáng sớm rủ nhau ăn bánh canh vỉa hè – xe bánh canh chút xíu xiu mà khách hàng xếp hàng lớp lớp một dọc để ngồi ăn, húp ì xèo, sột soạt, khói phì phèo như mấy cảnh mùa đông đi nhậu trong phim Hàn Quốc.
Chị gái đứng trông sạp hàng trong hội chợ nọ mắt nhìn ra ngoài xa xăm. Mình vô tình va phải ánh mắt ấy và đọc được tâm tư “chị ơi, ghé mua ủng hộ em với” trong tích tắc rồi lướt qua nhau như người lạ từng quen.
Ông bác đầu hai thứ tóc cầm xấp báo Lao động ngồi trên vỉa hè, làm rớt xấp báo kêu cái “bộp”. Mình giật mình. Bác bình tĩnh nhặt xấp báo lên rồi đâu lại vào đấy. Không biết ông bác đọc gì nhỉ?
Bác bảo vệ áo xanh, bắc cái ghế đỏ ngồi ngoài cửa hàng quần áo, tay cầm điếu thuốc phì phèo, xả khói um tùm. Hút thuốc hại phổi lắm bác ơi…
Ông chú du khách nước ngoài đứng ngay ngã tư, nhìn qua nhìn lại, nom muốn băng qua đường mà sợ xe cộ. Thôi thì để cháu, nào cháu kêu “let’s go” thì qua chung nhé. Nhìn vậy chứ đơn giản mà chú ha, đèn đỏ xe dừng rồi từ từ bình tĩnh mình qua thôi.
Dọc đường sơ bộ vậy đi, để vào công viên đón tí gió mát lành xem có gì khác không ^^
Bước vào công viên, làn gió trong lành cùng không khí tươi mát trở thành ông trùm, không ai có thể làm lung lay vị thế vững vàng đó. Trời có âm u, nhưng nét đẹp của những cây cổ thụ không tài nào lu mờ được. Những cành lá sum suê, khỏe khoắn vươn cao trải rộng. Từng đường nét, nhánh to, nhánh nhỏ in rõ thanh đậm trên nền lá xanh biếc. Đẹp! Không cần dùng từ nào khác để tả. Vậy thôi.
Ngửa đầu ngắm cây bỗng nhiên lại thấy mấy chú “thợ làm tóc” đung đưa trên cây. Cứ đến mùa mưa là “salon cây” phải làm việc gia tăng hiệu suất hơn bình thường để tránh trường hợp bão lớn. Mấy chú “thợ làm tóc” bận áo xanh dương, đội nón vàng kéo xe ầm ầm cùng bộ môn kết hợp đồng đội đã xử xong những “cành tóc xơ rối” với khả năng gãy rụng cao.
Bên dưới, trong lùm kiểng vòm cong, trên nền nhạc sôi động, hai cô chú bắt nhịp 1 2 cha cha cha nhịp điệu tango với những động tác dẻo dai và sự hòa quyện nhịp nhàng.
Bà cụ chống gậy đi dạo, mắt nhìn xa xăm phía trước, nhưng lời nói về cuộc đời dẫn thẳng mũi tên về đứa con trai đang đi cạnh mình. Bà dặn này dặn kia, nhắc này nhắc nọ. Hai mẹ con dìu nhau đi từ từ chậm rãi và nhẹ nhàng.
Xa xa lại có ông bố nắm tay con gái đi dạo, ông bố bự con, còn con bé chút xíu, mặc chiếc đầm hồng công chúa, nom cưng xỉu.
Hai nhóc học sinh một nam, rủ nhau chơi xích đu, đứa lên, đứa xuống nhìn cứ như phim thanh xuân vườn trường, dễ thương và năng lượng.
Chị gái vừa chạy bộ về, ghé vào ghế ngồi gọi cho người thân ở Nhật. Ông chú tập thể dục xa xa vẫn kiên trì lắc eo, cứ lắc qua, lắc lại, trông vừa buồn cười vừa dễ thương.
Ba nhóc nghệ sĩ, đứa xách guitar, đứa vác organ, đứa luyện kim đan, à nhầm, luyện giọng lập nên band nhạc ba chàng lính ngự lâm, cũng mắc hỏi là mấy nhóc lập band nhạc hay biểu diễn gì à, nhưng thôi, hôm nay mình quan sát thôi mà.
Hiệp hội đá cầu ban đầu chỉ có hai thành viên góp vốn, sau một chốc đã trở thành hiệp hội đa quốc gia khi có sự đồng hành cổ vũ của mấy anh tây balo. Người cầm điện thoại quay hình, người cầm ô nhiệt tình hò hét.
Nhóc con bé xíu chạy vù vù như con nhím Sonic rồi la lên “Ba ơi, hết mưa rồi kìa”. Chắc là còn muốn ở Công viên chơi nữa mà ông trời lỡ thả vài giọt lệ sầu bi nên ông bô quyết định đi về. Làm nhớ hồi nhỏ mình cũng y chang, chỉ mong ông trời đổi ý thì ba mẹ cũng đổi ý theo để có thể được tung tăng thêm nữa.
Mấy ông bác sơ mi, quần tây nom đĩnh đạc tụm lại chỉ trỏ lên mấy cái cây rồi nhanh tay rút ra “vũ khí” để “săn sóc”, cười nói rôm rả. Mấy bác ấy chắc là nhiếp ảnh gia, thấy quả len dài hơn gang tay là thấy uy tín rồi. Nhìn thấy cảnh đó, tui tự hỏi: “không biết sau này khi mình tầm tuổi mấy bác, mình có vui như vậy không ta?”
Ngồi 1 tiếng, quan sát một mảnh ghép xíu xiu của cuộc sống đã thấy đủ thứ màu sắc, muôn hình vạn trạng với những câu chuyện khác nhau, nhân vật khác nhau. Trên đây không phải là tất cả những gì mình thấy, chỉ là những gì mình chọn viết ra thôi.
Mình thấy bây giờ, ai đi đâu cũng đem theo điện thoại, cứ như một phần của cơ thể không tài nào tách rời. Không phải là lòng yêu nước, nhưng ai cũng nhìn về một hướng – màn hình điện thoại hoặc nếu lớn hơn thì là điện thoại 15 inch. Người ta hay bảo internet, mạng xã hội giúp mọi người kết nối gần với nhau hơn. Hmm, đúng là gần thì có gần thiệt nhưng lại là kết nối gần nhau trong thế giới ảo và làm con người ta càng ngày càng xa cách với đời thực đúng không ta, mình thấy vậy. Như trong ảnh cap màn hình mình để ở trên, có người băn khoăn về việc trở thành “zombie” trong cuộc sống thường ngày vậy. Suy nghĩ này chạm vào suy nghĩ thoáng qua của mình trong vài chốc lát, rằng:
“liệu mình có đang thực sống và cảm nhận cuộc sống không?”
Băn khoăn thì mình đi tìm câu trả lời…
Đi ra khỏi nhà trong phạm vi 5km đổ lại thôi cũng đã thấy muôn màu muôn vẻ. Biết bao con người ngoài kia vẫn sống. Bản thân mình cũng như một “con người ngoài kia” mà mình đã thấy. Nói chung là vẫn là bài học cũ: Ngắt kết nối ảo, ra ngoài đời sống thực để biết mình vẫn đang tồn tại.
Sài Gòn 21/07/2024.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất