Khi mà mỗi thứ 2 đều mệt mỏi để bắt đầu một tuần mới, hoặc đơn giản là cảm giác sợ hãi khi trời sáng, phải thức dậy và lao ra đường, tới công ty để bán máu, bán sức mình đổi lấy cơm áo gạo tiền.
Từng chút một những căng thẳng, mệt mỏi, áp lực tích tụ lại như một chiếc bong bóng lớn, rồi trực chờ để vỡ òa, chợt hóa thành ngòi lửa thiêu rụi hết sạch những đam mê, hứng thú của bạn thuở mới vào làm.
Tóm lại, burn out chính là một trạng thái tiêu cực khi đi làm - nó đeo bám con người ta dai dẳng như một thứ bệnh kinh niên, làm mục ruỗng cả thể chất, tinh thần và hao mòn động lực cố gắng hay lý do mà bạn đã bắt đầu.
Tôi thì không có cách để hết sạch burn out, tôi chỉ cầu mong là nó đỡ hơn một chút. Tôi cũng có kinh qua rất nhiều cách khác nhau, đúc rút kinh nghiệm và sau đây có thể là một số gợi ý giúp bạn được phần nào. (mong là vậy :3)

1. Thư giãn một chút nào!

Một số người sẽ nghĩ tới việc né tránh burn out bằng những hoạt động gây xao nhãng kiểu như đi chơi với bạn bè, người yêu, du lịch đây đó hoặc bất kỳ thứ gì có thể làm họ vui vẻ ngay trong chốc lát. Tôi cũng từng thử như vậy. Nhưng sau những cuộc vui, tôi lại trở về với vấn đề của mình, thậm chí còn cảm thấy tồi tệ hơn vì vừa phải rời xa cái thế giới tươi đẹp ban nãy mà về với thực tại.
Tóm lại, như câu chuyện chìa khóa và ổ khóa. Vấn đề nào thì phải có đúng cách giải quyết của nó. Nhưng khoan trước khi nghĩ tới giải pháp, ta có thể làm bản thân đỡ căng thẳng hơn một chút - về mặt thể chất ấy nhé! Và điều tôi muốn nhắc đến ở đây là: Xách mông lên và đi tập thể dục đi!
Ảnh bởi
Arek Adeoye
trên
Unsplash
Tập thể dục không thể giúp bạn giải quyết vấn đề thật, nhưng mà nó giúp bạn phê hơn - một cách lành mạnh - vì cơ thể sẽ giải phóng hormone hạnh phúc endorphin, giúp bạn hưng phấn, vui vẻ, tràn đầy năng lượng - trên mạng nói vậy ấy =))
Nhưng mà sự thật là vậy đó mấy má, có rất nhiều ngày mà tôi phát rồ vì công việc nhưng vẫn ngậm đắng vào trong, xỏ giày rồi nâng tạ hùng hục kể cả khi đang rất căng thẳng hoặc chạy lòng vòng quanh nhà. Và kể cả hôm đó tôi có burn out kinh khủng tới cỡ nào thì sau khi tập xong khoảng ~ 1 tiếng, tôi cảm thấy thoải mái hơn, đầu óc có vẻ minh triết hơnsuy nghĩ tích cực hơn rất nhiều. Đơn giản mình ra ngoài đường, ngắm cây ngắm hoa, nghe bản nhạc yêu thích rồi chạy bộ thong dong qua mấy hàng cây cũng chill cực kỳ.
Cứ nghe tôi, cho cái thân khỏe trước đã rồi mình tính tiếp sau!

2. Chuyển từ đau khổ sang chấp nhận

Sau khi đã trui rèn cho cái thân đủ khỏe mạnh thì đến lượt cái tâm - cách chúng ta đón nhận sự vật sự việc. Chấp nhận ở đây không có nghĩa là chúng ta phó mặc cho số phận, mà là chấp nhận những thứ mình không thể thay đổi được.
Theo "Phép lưỡng phân của quyền kiểm soát" trong Chủ nghĩa Khắc kỷ, có những thứ ta có thể hoàn toàn kiểm soát, hoàn toàn không thể kiểm soát và chỉ có thể kiểm soát một phần.
Việc hoàn toàn có thể kiểm soát: Mục tiêu, giá trị của bản thân -> tập trung hoàn toàn vào những thứ này.
Việc hoàn toàn không thể kiểm soát: Ngày mai mặt trời có mọc hay không? -> kệ bà nó đi.
Việc chỉ có thể kiểm soát một phần: Thắng hay bại trong một trận tennis -> nên quan tâm tới những việc này nhưng cần thận trọng nội tại hóa những mục tiêu đã đặt ra cho bản thân.
Tam phân quyền kiểm soát
Tam phân quyền kiểm soát
Hãy phân vấn đề của bạn vào 3 mục hoàn toàn có thể kiểm soát, kiểm soát một phần và hoàn toàn không thể kiểm soát. Đối với những mục ta sẽ có mức độ hành động khác nhau, và nếu bạn không thể giải quyết vấn đề làm mình burn out thì hãy giải quyết người tạo ra vấn đề =)) Đùa thui, cái gì ngoài tầm kiểm soát thì cứ biết là vậy, và hãy tập trung hết công sức và thời gian vào những thứ mình tự chủ động được, tâm trí ta sẽ nhẹ nhàng và minh mẫn hơn rất nhiều.

3. Work smart, not hard only

Khi cái thân và cái tâm đã ngon rồi thì ta bổ quả sẻ tới cái trí. Một trong những điều làm tình trạng burn out trở nên hãm hơn đó chính là sự đông đảo về mặt số lượng của các đầu việc. Tuy nhiên, làm nhiều, làm lâu không có nghĩa là bạn làm hiệu quả. Nhiều người than trời rằng họ bận quanh năm suốt tháng với những cái sớ task dài dằng dặc nhưng thực sự lại cực kỳ lười, chẳng hề tối ưu quy trình làm việc của mình để nó tinh gọn và hiệu quả hơn qua thời gian.
Tất nhiên, bạn vẫn cần sự chăm chỉ để tích lũy kinh nghiệm sau những lần vấp ngã, nhưng hãy tích lũy chúng một cách thông minh. Hãy xem lại tổng quan một lượt xem bạn đã thực sự tối ưu những việc mình đang làm hay chưa, hay chỉ đang làm chúng theo cách bạn vẫn đang làm.
Nếu có một task việc cần 60 phút để hoàn thành, hãy nghĩ xem bạn có thể cắt bỏ những phần râu ria, ốp theo một khung có sẵn để hoàn thành nó trong 50 phút, 45 hay 40 phút hoặc ít hơn hay không.

4. Thành tựu nhỏ, lực đẩy lớn

Thường thường, mục tiêu quá đao to búa lớn mà chưa tương thích với khả năng sẽ khiến ta bị choáng ngợp và cực kỳ dễ nản. Giống như bạn nhìn thấy một ao nước ngọt ở xa nhưng trước mặt lại có cả sa mạc rộng lớn cần phải vượt qua, bản thân lại đang trong tình trạng kiệt quệ, thiếu nước và không biết mình có còn đủ sức để đi tới đó hay không.
Trước một cục mục tiêu to đùng thì bạn nên chia nhỏ nó thành các mốc nhỏ hơn, ngắn hơn và dễ dàng hơn vừa với sức bản thân. Đừng coi thường những mốc nhỏ này vì nghĩ chúng chẳng mang lại thành quả đáng nhớ gì. Không chỉ có tác dụng giúp chúng ta đặt từng viên gạch nhỏ trên hành trình xây dựng một căn nhà lớn khang trang, chúng còn tạo ra lực đẩy lớn đưa bạn bước tiếp bằng cảm giác thỏa mãn sau khi hoàn thành.
Sau khi chia nhỏ mục tiêu và đầu việc ra rồi thì hãy theo dõi chúng sát sao để đảm bảo bạn vẫn đang kiểm soát chúng và không để chúng quay ngược lại làm bạn phát rồ =)) Nếu phát rồ xin mời quay lại bước 1 để rèn luyện tâm - thân - trí từ đầu.
Sau khi viết tới dòng này thì tôi cũng đang trong giai đoạn burn out và bắt đầu thực hiện từ bước 1. Mong tôi và các bạn đều có thể giảm thiểu tình trạng này đi theo cách lành mạnh hơn ^^