Bạn đang ở trên một cục đá, trôi nổi trên không gì cả, vô hạn không gì cả, và vô hạn không gì cả đang giãn nở. Điều đó có nghĩa là sự vô tận đang giãn nở.
Trích Pete Holmes: Dirty Clean
Khi Pete đứng trên sân khấu diễn hài độc thoại, anh đã nói về sự vô lí của cuộc sống, và trích dẫn trên là mở đầu của chủ đề. Mình thấy khá buồn cười vì sự sáng tạo của anh, và dường như khán giả cũng như vậy. Nhưng tại sao nó lại đáng cười? Có lẽ mình đang cười vì nó đã quá đúng và cố gắng không cảm thấy điên khùng vì những dẫn chứng mà anh đưa ra để chỉ về một cuộc sống trên một cục đá nào đó.
Tại sao phản xạ đầu tiên của chúng ta lại là tiếng khóc? Có phải vì "Đời là bể khổ" theo Phật giáo? Và được sinh ra cũng không phải là chủ ý của chúng ta, chúng ta được sinh ra theo ý nguyện của ba mẹ và mọi thứ đều bắt nguồn từ đó. Đó cũng là lí do mà Raphael Samuel đã kiện chính cha mẹ ruột của mình vì đã sinh anh ra mà chưa được sự đồng ý của anh. Theo lập luận của anh, vì không thể yêu cầu sự đồng ý của trẻ em trước khi chúng được tạo ra, thật sai lầm khi có chúng. Ý tưởng này nghe có vẻ vô lý, nhưng nó có liên quan đến một loạt tư tưởng triết học nghiêm trọng, thách thức ý tưởng rằng việc tạo ra những con người mới là tốt. Samuel là một người tin vào triết học gọi là thuyết tiền sinh sản, cho rằng việc tạo ra những người mới là sai lầm. Nó đã được phổ biến ở phương Tây bởi các triết gia như David Benatar, người đã viết một cuốn sách vào năm 2006 có tên Better Never to Have Been: The Harm of Coming Into Existence.
Từ những thời điểm xa xưa, lúc những hiện tượng tự nhiên chưa được làm sáng tỏ, con người đã sáng tạo ra những thế lực to lớn hơn để giải thích cho những điều xa lạ. Từng nền văn minh khác nhau lại có những truyền thuyết khác nhau như Thần thoại Bắc Âu, Thần thoại Hy Lạp,... Dần dần, con người lập nên các tôn giáo để thờ phụng các vị thần như Đức Phật Thích Ca, Chúa Giêsu,... các văn bản tôn giáo ra đời như là những lời từ các vị thần truyền lại cho những người theo đuổi tôn giáo đó.
Tại sao con người lại tạo ra những thế lực bậc cao hơn chúng ta để thờ phụng? Sự trốn tránh trách nhiệm cho cuộc đời của chính mình có lẽ là một trong số những lí do hợp lí, họ không tin vào bản thân mình, sự nhỏ bé của một con người trong một thế giới quá nhiều những sự vô định đã làm họ nghĩ ra những người vận hành thế giới, những người có thể chỉ lối cho họ, thay vì "tôi không cướp của vì tôi không phải là người xấu" thì với góc nhìn của tôn giáo"tôi không cướp của vì vị thần của tôi nói như vậy là điều sai trái". Các vị thần có sức mạnh và vị thế của mình nhờ vào những người tin tưởng vào họ và họ cũng sẽ yếu đi, bị quên lãng và biến mất khi những người tin tưởng cuối cùng biến mất. Một góc nhìn nào đó, các vị thần cũng giống như những người nổi tiếng nhỉ?
Cơ thể chúng ta 99% được cấu tạo từ những phân tử oxi, hydro, nitơ, cacbon, canxi và photpho, các phân tử ấy được tạo ra nhờ hạt nhân và các electron bay vèo vèo xung quanh, cũng giống như Trái Đất và Mặt Trăng, Trái Đất của chúng ta lại tồn tại trong Hệ Mặt Trời với Mặt Trời làm trung tâm, Hệ Mặt Trời lại đang là một thành phần của Dải Ngân Hà, là một Thiên Hà nằm trong Không Gian vẫn đang ngày càng mở rộng ở mọi phía. Một con kiến thực sự nhỏ bé so với một con người và một con người cũng như vậy so với một hành tinh và cứ tiếp tục chuỗi so sánh đó cho tới những thứ to lớn nhất.

Và mình có thể làm gì với đống thông tin này? Mình cũng chả biết nữa. Cuộc sống của mình có lẽ là quá nhỏ bé so với những thứ đang tồn tại ngoài kia, mình chỉ là một hạt bụi trong một cái gì đó không ai biết điểm bắt đầu và kết thúc là ở đâu. Nhưng nếu thực sự là như vậy thì sao? Mọi việc chúng ta làm đều là vô nghĩa so với bức tranh toàn cảnh của cả vũ trụ rộng lớn, chúng ta có thể làm mọi thứ và một thời điểm nào đó chúng ta sẽ bị quên lãng mãi mãi, tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta đều là một trò chơi xếp hình của các phân tử. Khi được hình thành trong bụng mẹ chúng ta được xếp từng mảnh phân tử để tạo nên cơ thể, đến khi chúng ta chết đi chúng ta lại giải phóng những phân tử đó trở lại thế giới và chính những phân tử đó lại kết hợp thành những tạo vật khác để tạo nên một vòng lặp không hồi kết.
Nếu không gì thực sự quan trọng đến thế, tại sao chúng ta không làm những gì chúng ta muốn? Một ngày nào đó chúng ta sẽ chết, dần dần mọi người quen biết chúng ta sẽ mất đi, mọi thứ rồi sẽ bị lãng quên, vậy thì tại sao chúng ta lại nghĩ quá nhiều về việc phải làm việc này vì lí do a hay việc kia vì một người b mà không làm những gì chúng ta thực sự mong muốn? Bạn quan tâm mình là ai trong mắt người khác, vậy thì bạn là ai trong mắt mình? Không ai chọn được cách mình sinh ra, chí ít hãy chọn cách mình sống và ra đi như thế nào.
Vậy thì, buổi tối thứ bảy của các bạn như thế nào rồi?