Tôi nghe cái tên Warhol khá nhiều trong khắp những cộng đồng về phim, về tranh,... Tôi tự thấy tò mò về gã này. Gã là ai mà có ảnh hưởng đến nhiều ngành nghệ thuật đến như vậy?
Tình cờ hôm trước đi hiệu sách. Nhà sách Cá Chép... đã đóng cửa. Tôi mua cuốn này giảm giá đâu 50%. Chủ nghĩa vật chất và tiêu dùng mà. Thế nên càng thấy là mua Warhol không sai chút nào, vì gã là đại diện rõ nhất của một lối sống đậm đặc trong cái thế giới bão hòa bởi sản phẩm tiêu dùng những năm 50s.
Andy Warhol
Andy Warhol
WARHOL là ai?
Warhol tên thật là Andy Warhol , sinh năm 1928 tại Pittburg, Mỹ. Nhưng nguyên quán của cả bố mẹ Andy đều là người Rusyn ở Tiệp Khắc, ông được nuôi lớn trong một môi trường khá lạ- quê hương thu nhỏ giữa một tập thể 3 người với ngôn ngữ không lẫn với cộng đồng bên ngoài. Ông vẫn giữ cho mình thói quen gắn bó với các nề nếp văn hóa được lưu giữ bởi bố mẹ.
Một phần nữa đến từ người mẹ của ông, bà Julia, một nghệ sĩ nhiều sáng tạo ở mảng hội họa. Vì cái chết của một đứa con của bà, bà luôn chăm sóc Andy như một báu vật. Andy mắc phải một căn bệnh khiến ông chỉ có thể ở trên giường trong suốt mùa hè những năm tuổi thơ. Thời gian này ông làm quen với hội họa, sao chép lại các bức tranh từ áp phích, ảnh chụp của các minh tinh. Thế giới vuông vức và giới hạn ấy lại là tiền đề cho kiểu tiếp cận vào một chiều không gian sáng tạo vô cùng độc đáo, riêng biệt đậm chất Warhol.
HẤP DẪN trong tác phẩm của WARHOL?
Trước tiên, hãy xem thử những bức tranh này.
Bạn nghĩ sao?
Phải, chúng chỉ là những bức tranh truyền thần có màu mà thôi. Nhưng điều đặc biệt lại nằm ở cá tính Warhol. Bạn có thể vẽ ra mấy bức tranh truyền thần gì đó, giống y ảnh chụp, và rất nhiều nghệ sĩ truyền thống sẽ có thể làm được.
Warhol đã áp dụng in lụa trên toan, với nhiều chất liệu màu khác nhau, tạo nên những phiên bản khác nhau của cùng một nhân vật. Mục đích là "lặp lại". Đây là tuyên ngôn kiêu ngạo về một kiểu nghệ thuật không tuân thủ truyền thống, đầy thách thức và có phần đùa cợt với thứ được gọi là nghệ thuật.
Andy luôn muốn tạo ra những sản phẩm có giá trị vật chất, dễ hiểu, dễ cảm hơn là thứ tranh trừu tượng, biểu hiện đòi hỏi ở người xem một trình độ hay tâm hồn. Nghệ thuật của Andy là nghệ thuật bình dân, ông đóng gói lại thế giới của thời đại mình trong các bức tranh. Qua tranh của Warhol, chúng ta không chỉ đọc về kỹ thuật vẽ, mà chúng còn có ý nghĩa như bản ghi chép chân thực về.
Warhol không chỉ là chính ông, ông là một phản chiếu của thế hệ ông một cách bạo tàn. Ông yêu tất cả phát triển và cũng căm ghét nó, ông phản ánh nó bằng những thể hiện cực kỳ rập khuôn, nhằm mang lại cho người xem những ấn tượng về một sự bão hòa về các sản phẩm văn hóa đại chúng. Đi ngược lại tất cả thẩm mỹ nghệ thuật truyền thống, ông tạo ra một thời đại pop đầy màu sắc, nơi nghệ thuật trở nên đơn giản và rộng mở hơn chứ không giới hạn chỉ dành cho những người có năng khiếu, ở đó cả người ăn mày cũng có thể là nghệ sĩ. Ở một thời kỳ giao thoa, nghệ thuật của Warhol xây trên chính những thứ mà các tác giả truyền thống chối bỏ: vật chất và chủ nghĩa tiêu dùng, tái định nghĩa lại nghệ thuật.
Một WARHOL tăm tối.
Đã có một thời kỳ, Warhol chuyển hẳn sang một trường phái tả thực đến mức rợn người. Chủ thể chính của các tác phẩm là cái chết được thể hiện dưới nhiều bản dạng. Đó là những công cụ gợi nhắc đến sự chết chóc hoặc các di sản của người đã khuất.
Những bức hình mô phỏng thực tế tàn khốc vẫn nằm trong thứ tuyên ngôn vững chắc của Warhol về phản ánh thế giới. Nó như thế nào, thì để nguyên nó như thế là cách tốt nhất để nghệ thuật tỏa sáng. Tất nhiên các bức tranh trên đây đều lại tiếp tục được sử dụng cách in quen thuộc để tạo ra nhiều phiên bản với tông màu khác. Việc lặp lại liên tục gây ra hiệu ứng về sự ám ảnh, cảm giác ngợp và bị thao túng của thị giác. Cái Warhol muốn không phải là tác phẩm bản thân nó có ý nghĩa gì cao siêu, mà khả năng khơi gợi từ trong mỗi người xem một cảm giác riêng, một sự kết nối bằng cảm xúc.
WARHOL với ĐIỆN ẢNH.
Tư duy Warhol không chịu ở yên trong những bức tranh mà rốt cuộc đã lấn sân sang cả những môn nghệ thuật khác như nhiếp ảnh và điện ảnh. Là tín đồ công nghệ và cuồng các sản phẩm tiêu dùng của thế hệ ông, Warhol tìm hiểu về quay phim, rồi tiếp theo là thực hành các tác phẩm của mình.
Quan điểm của gã là giữ sự chân thực của mọi thứ, vậy nên kiểu phim của Warhol là một dạng gần như tài liệu, khi hình ảnh, những vết cắt dựng và tạp âm chồng lên nhau cùng lúc. Ở nhiếp ảnh có thuật ngữ "lomography" với ý tưởng "dont think, just shoot". Kiểu của Warhol cũng vậy, nhưng có script trước. Khi xem phim của Warhol, mình có cảm giác là không hiểu đang xem gì, nhưng mình vẫn nắm được phần nào đó cái tương tác của nhân vật. Một hỗn loạn bên trong trật tự.
Lonesome Cowboys (1968)
Lonesome Cowboys (1968)
Sleep (1964)
Sleep (1964)
Các phim của ông VD như Lonesome Cowboys hay Sleep là các thể nghiệm về hình ảnh, ở cái thời mà người ta còn xa lạ với điện ảnh nặng tính kỹ thuật thì việc của Warhol chỉ là cố gắng ghi lại một câu chuyện. Đánh giá phim của Warhol, sẽ luôn có khán giả nằm ở 2 thái cực rõ rệt: thích vô cùng hoặc ghét thậm tệ. Có cả những phản hồi cho rằng đó là một đống rác của nền văn hóa đại chúng.
Sau tất cả, Warhol chỉ đối diện bằng một thái độ bình thản. Với ông, chính bản thân của người họa sĩ cũng là một triển lãm, một tác phẩm để bị đánh giá và soi xét, nên cần phải biết cách chấp nhận việc đó.
Cách tiếp cận với vấn đề thông thường của Warhol sáng tạo, khác biệt. Ông không quan tâm về góc máy, cú máy nhiều bằng cảm giác để lại cho người xem. VD trích đoạn trong Blow Job ( 1964) của Warhol.
Cần nói thêm rằng, Warhol là một người đồng tính, đó không phải là một hạn chế, ngược lại còn là ưu điểm giúp ông cởi mở với nhiều đề tài mà người khác khó chạm tới. Trong Lonesome Cowboys, câu chuyện của mấy tên du đãng ở miền Tây Mỹ thể hiện được sự quyến luyến theo kiểu nam tính- kiểu yêu đương bằng bạo lực và cơ bắp, mồ hôi, khác hẳn với cách âu yếm nam- nữ bình thường. Trong Sleep, ông đơn giản chỉ là quay lại giấc ngủ của người bạn trai trong căn hộ chung.
Đọc xong cuốn này, bạn có hiểu về Warhol hơn? Chắc chắn là có rồi. Nhưng đủ chưa thì chưa chắc. Đây là một nhân vật thú vị vì chỉ riêng sự tồn tại của ông cũng gây ảnh hưởng cho cả một phong trào, một thời đại, ảnh hưởng đến tầm nhìn về nghệ thuật đương đại. Phần còn lại, là ở người đọc còn muốn đồng cảm hay không. Không nhất thiết mọi người khen Van Gogh bạn cũng phải khen đúng không, sự chấp nhận Warhol cũng cần thời gian như vậy thôi.