Dây chuyền đóng gói hạnh phúc hoàn hảo.
Mỗi lần khui thùng đồ gửi từ quê, mình luôn tưởng tượng cách bố mẹ đóng gói nó. Rộn ràng như những chú thợ trong nhà ông già Noel chuẩn...
Mỗi lần khui thùng đồ gửi từ quê, mình luôn tưởng tượng cách bố mẹ đóng gói nó. Rộn ràng như những chú thợ trong nhà ông già Noel chuẩn bị quà cho các bạn nhỏ vậy.
Đó là bởi mình có một niềm yêu thích đặc biệt với Giáng sinh mà không thể giải thích nổi. Và dù có đôi chút ngớ ngẩn, khi đã lớn, khi đã từng treo tất ngoài sân (vì nhà không có ống khói) háo hức cả đêm và tất nhiên không nhận được món quà nào, mình đến giờ vẫn tin Mr Santa Claus là có thật. Mình cũng đặc biệt thích xem mấy bộ phim hoạt hình Giáng sinh, nhất là mấy đoạn đóng gói quà tặng trong Klaus hay The Nightmare before Christmas thì lại vô cùng thích thú.
Đối với mình, khui đồ luôn là một nghi thức hết sức thú vị và tất nhiên là vô cùng hào hứng nữa. Mình sẽ cố tình và cố gắng kiềm chế không hỏi mẹ, rằng mẹ gửi gì ra cho mình, mẹ có mua cho mình cái này cái kia hay không. Để cả tối đó, mình háo hức, rồi sáng ra có những thứ làm mình thật bất ngờ.
Lúc nào cũng đóng gói rất chắc chắn, tên viết hoa nắn nót kèm theo số điện thoại đầy đủ. Mình vừa cảm ơn chú phụ xe, vừa hình dung cảnh bố mẹ đứng đầu ngõ nối ra đường lớn, hai người rủ rỉ trò chuyện với nhau, trong lúc xe chạy từ dưới mạn Văn Sơn lên, đỗ ngay chỗ ngân hàng nông nghiệp mình hay xuống. Bố sẽ trao đồ, hỏi mấy giờ xe đến bến và nhắc họ gọi cho mình. Còn mẹ sẽ nhắn tin hoặc gọi điện nhắc mình mai liệu hồn đừng có ngủ nướng mặc dù sáng mai mẹ sẽ tiếp tục nhắc nữa.
Mình khệ nệ bê thùng lên ba tầng, đặt một tiếng bịch xuống sàn. Chà chà, có vẻ là nhiều thứ để ăn đây!
Trên cùng, mẹ sẽ xếp đủ các loại rau, mùa nào thức nấy. Mùa này vườn bố trồng sẽ có rau cải, đậu cô ve, rau khoai, rau hẹ... Bố sẽ ra hái tầm 3-4 h chiều gì đó, rồi sắp vào từng túi riêng một. Sẽ có cả một túi rau gia vị: rau mùi, tía tô, kinh giới, lá lốt, hành lá... để mình cho vào tùy từng món ăn nữa.
Bên dưới mẹ thường sẽ để làm ba. Một góc để thịt, cá, tôm... chia theo từng bữa vừa mình ăn. Mẹ đi chợ sớm, làm thịt gà, mua đồ rồi về mang ra giếng sơ chế, sau đó sẽ cho vào phần rồi bỏ ngăn đá, để hôm sau lúc mình nhận được chúng vẫn còn mang hơi lạnh và tất nhiên không bị hỏng. Hoặc trong đơn vị mổ lợn, đánh cá, ai cho hay đi đâu có gì ngon, bố mẹ sẽ để dành gửi ra cho mình một ít.
Một góc thì sẽ là hộp trứng, luôn luôn có trứng gà mỏng vỏ, lòng đỏ vàng ươm, lẫn trong đám trấu hoặc mùn cưa xin bên nhà bà Tâm. Trứng lấy từ chuồng bố luôn rửa sạch, lau khô, còn mẹ ngồi xếp ngay ngắn từng quả từng quả một cách thần kì để cho dù có xóc nẩy gì thì chúng vẫn không hề bị vỡ. Sẽ có thêm vài hộp đồ khô như lạc hoặc đỗ đen đã rang để mình nấu nước uống. Rồi có cả gừng, tỏi, ớt, hành tăm hoặc cả tiêu và bột nghệ nữa. Mùa hè, mẹ sẽ gửi cả nước chanh leo đã xay sẵn bố trồng ở góc vườn. Khi thì sẽ có cả mớ bồ kết, hay vỏ bưởi mẹ phơi khô để mình nấu nước gội đầu.
Góc còn lại, mẹ để cho các loại củ quả. Có mấy quả cà chua đỏ au, mấy quá chanh xanh rì sần sùi. Rồi có quả bí đỏ, ôi trời, lần nào mẹ cũng không thể thiếu bí đỏ. Vì mẹ bảo bí tốt, mà mình thì ăn hoài ăn đến chán vẫn phải ăn. Rồi su hào, cà rốt, củ cải, khoai tây... mỗi thứ một ít nằm lăn lông lốc. Mấy món này, mẹ hay mua chỗ cô ở gần hàng thịt cá, mẹ bảo cô ấy bán sỉ nên đồ rẻ mà tươi nữa. Kèm theo đó sẽ là xoài, khế, bưởi, na, cam... trong vườn. Bố có một khu quy hoạch trồng cây ăn quả cho cháu ngoại bố. Vì bố chưa có cháu, nên mình vẫn được hưởng đãi ngộ cao cấp này. Kì lạ thật, bố trồng cây gì cũng sai quả và quả to. Mẹ bảo như vậy là mát tay. Chỉ có mỗi trồng ra mình là còi dí, mặc dù yêu thương chăm bẵm kinh khủng lắm.
Chỉ cái thùng xốp nhỏ, nhưng mẹ luôn có siêu năng lực xếp tất cả ngàn thứ đồ linh tinh vào đó đẹp mắt, gọn gàng. Để đến khi mình mở ra, cứ lôi hoài lôi mãi không hết, y như niêu cơm của Thạch Sanh vậy.
Mẹ sẽ ngồi ở ngoài thêm, xếp hết cái này cái nọ. Sau đó lại chạy vào tủ lạnh, lấy thêm cái gì vừa nghĩ ra. Rồi bố trong bếp đi ra, hỏi có gửi thêm cái kia không, vì ngoài này sợ không có, sợ con đi làm về muộn, sợ con lười đi chợ (đúng là chỉ có bố hiểu mình). Mẹ sẽ tận dụng mọi kẽ hở để có thể thêm nhiều thứ nhất có thể, rồi đứng dậy phủi tay, tự hào về thành quả của mình. Rồi bố đi tìm cuộn băng keo, dán chằng chịt chỉ thiếu điều sợ thùng có một kẽ hở. Phải đi tìm cái bút lông nữa, ghi HUYỀN TRANG thật to để con dễ tìm. À phải ghi số điện thoại nữa, lỡ may có ai cùng tên sẽ bị nhầm. Tối đó sẽ ăn cơm sớm, có đi đâu thì cũng nhấp nhổm để về, đợi cuộc gọi từ nhà xe.
Mình hay gọi đó là dây chuyền đóng gói hạnh phúc hoàn hảo nhất. Vì từng bó rau, khúc cá, củ hành... đều thấm đẫm những chắt chiu, yêu thương của bố mẹ. Thùng đồ của mẹ như chứa cả thế giới. Giống như bố đi khắp ngang dọc, đi sớm về hôm chỉ để mang những điều tốt đẹp nhất trên thế giới đặt vào tay mình vậy.
Bởi vậy, dù không có quà của một ông già râu trắng vận bộ đồ đỏ nào, mình cũng đã có trong tay tất cả mọi điều. Mình cũng không cần chờ đợi dịp gì đặc biệt, không cần mỗi năm ngóng chỉ một lần, mình luôn luôn quá giàu có vì những yêu thương đó.
Mình bật bếp, đổ dầu, cho nhánh gừng, rồi đảo qua mấy con tôm. Cho rau cải xắt nhỏ vào đảo cùng, chế nước, đợi sôi, hương rau quyện mùi gừng thơm nức nở. Nồi canh có tôm ngọt lừ đổ ra chiếc bát sứ. Rồi lại chế dầu, vo từng viên chả cá cho vào chảo nóng. Lật đều hai mặt, mùi nghệ, ớt, tiêu tiếp tục thơm lừng. Miếng chả vàng hai mặt thì cho vào dĩa. Lấy một chút tương ớt, xới một bát cơm nóng. Cảm giác như bữa cơm ấm hơn vì có bàn tay bố mẹ.
Có ai đó đã nói, nếu yêu thương nhau, ta luôn hiện hữu trong từng giây phút cuộc đời nhau bằng cách nào hay cách khác? Mỗi tế bào của mình là từ bố và từ mẹ. Hơn nữa, chúng luôn được dung dưỡng bằng thứ tình cảm bình dị thiêng liêng, đó là gia đình.
Mèn đét ơi, hạnh phúc làm sao!
P/s: Tặng cậu bài hát giáng sinh mình thích nhất, dù rất thích Last Christmas. Mỗi lần nghe, cứ tưởng tượng thấy niềm hạnh phúc ấm áp vô bờ. Con đường đẹp nhất là con đường về nhà. Cuộc đời đẹp nhất là được về nhà với những người yêu thương <3
* Bài viết nhân dịp nhận đồ mẹ gửi ở quê *
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất