Chúng ta muốn được yêu theo cách chúng ta muốn. Nhưng không phải cứ muốn là được.
Lướt một dạo trên Facebook hay Youtube có thể dễ dàng tìm thấy những video dạy mọi người cách tán đổ crush, nhưng cũng giống như trong những bộ phim tình cảm, câu chuyện tiếp tục với nhau trong tình yêu thế nào sau đó thì không ai nói tới. 
Nếu các bạn đã từng đọc các bài viết trước đây của tôi, hay xem các Vlog trên kênh Youtube Đàn Ông Học, chắc hẳn các bạn cũng đã rõ cách tâm lý cũng như những nhu cầu trong tình yêu của đàn ông và phụ nữ khác nhau như thế nào. Tuy nhiên, có một sự thực là, có những sự khác biệt tạo nên sự hấp dẫn, sự thu hút, nhưng cũng có sự khác biệt mâu thuẫn, bài xích lẫn nhau. 
Ví dụ, ai cũng biết là, khi bực tức, đàn ông thường muốn được ở một mình, còn phụ nữ thì lại muốn có người bên cạnh để xả. Với hai nhu cầu hoàn toàn trái ngược nhau như vậy, nếu Đàn Ông cứ phải là Đàn Ông, còn Phụ Nữ cứ phải là Phụ Nữ, thì mâu thuẫn đó có lẽ sẽ không bao giờ có thể được giải quyết, và xung đột thì sẽ cứ thế mà leo thang.
Researchers Explain Why Men And Women Argue (And 5 Ways to Stop)

Đáng nguy hiểm ở đây, là rất nhiều người ngoài kia, nhất là những người trẻ còn chưa có đủ kinh nghiệm sống, lại đưa ra những lời khuyên một chiều. Bạn nam thì khuyên các bạn nữ phải đặt nhu cầu của các bạn nam lên trước, bạn nữ thì khuyên ngược lại. Ví dụ, có bạn nữ trên Youtube khuyên rằng khi hai người cãi nhau, các bạn nam không nên để các bạn nữ một mình mà nên ngồi nghe bạn nữ xả và giải quyết xong vấn đề mới thôi, vì nhu cầu muốn kết nối của các bạn nữ lúc này rất mạnh. Nghe thì tưởng như rất hợp lý và có thể khiến nhiều bạn nữ gật đầu lia lịa, nhưng... còn nhu cầu của bạn nam thì sao? Việc trong lúc bực tức, lại phải đi ngược lại nhu cầu của bản thân để nghe những lời làm mình nóng tính thêm sẽ làm cho các bạn nam cảm thấy thế nào? Có ai để ý tới không?
Vì vậy, việc hiểu được sự khác biệt trong tâm lý của hai giới không phải là để biện minh cho hành động của mình, càng không phải là cuốn sách hướng dẫn sử dụng để bắt người khác làm theo ý mình. Nó nên là cuốn sách tham khảo để hai người trong một mối quan hệ có thể dạy nhau cách yêu. 
Nên nhớ rằng, chuyện tình yêu, và tôi đang nói tới một tình yêu nghiêm túc và mong muốn được lâu dài, là chuyện của HAI NGƯỜI, mà đã là HAI thì có nghĩa nó không phụ thuộc vào một mình bạn, càng không thể chỉ xoay quanh một mình bạn. Dù hai bạn có hợp tới mấy đi chăng nữa, chắc chắn bạn vẫn có nhu cầu riêng, người ấy cũng có nhu cầu riêng. Thay vì ngay từ đầu đã nói "Ồ, nhu cầu của anh/cô khác tôi, chúng ta không hợp rồi", thì phải dựa vào kiến thức để cùng "thương lượng" và tìm ra cách để đáp ứng nhu cầu của cả hai, nhất là những nhu cầu mang tính mâu thuẫn, bài xích.
Đây cũng là thiếu sót của nhiều bạn trẻ trong chuyện tình cảm. Ngay từ lúc tán tỉnh nhau, họ đã cố gắng lờ đi những sự khác biệt mang tính đối khắc nhau giữa hai người, vì họ sợ làm hỏng hình tượng đẹp đẽ của mình trong mắt đối phương. Tới lúc yêu nhau rồi, biết nhiều về nhau hơn, tìm ra được nhiều mâu thuẫn hơn, họ lại cố huyễn hoặc bản thân rằng "Mình có thể thay đổi người ấy theo ý mình, chỉ cần thời gian và tình yêu thôi". Mà đấy là còn chưa sống chung với nhau đấy. Mải tận hưởng vị ngọt của tình yêu, họ quá tập trung tới những khoảnh khắc đẹp đẽ mà quên tính tới bức tranh xa hơn: Lúc cãi nhau, hai người sẽ ứng xử thế nào?
Relationship Communication: How to Talk So That Your Partner Will Listen |  HuffPost Life

Câu hỏi đó quan trọng, bởi những thời khắc quan trọng nhất trong tình yêu, trong quan điểm của tôi, không phải là lúc vui, bởi khi vui thì ai chả nói được lời hay ý đẹp, chả là tấm gương sáng. Chính cái lúc có biến cố, những lúc mà sự khác biệt giữa hai người xung đột, mới là cái lúc chúng ta cần nhau nhất, cũng là cái lúc tình yêu được thử thách thật nhất.
Một phần vì kinh nghiệm, một phần vì phương châm sống "Hope for the best, prepare for the worst", những ngày đầu tiên tôi và vợ chính thức hẹn hò, tôi đã cùng ngồi thỏa thuận với vợ tôi về cách chúng tôi sẽ xử lý thế nào khi hai người cãi nhau. Tôi nhớ ngày hôm đó là một ngày vô cùng bình thường, hai đứa vẫn đang tíu tít vui vẻ cười đùa với nhau. Và tôi chọn thời điểm đó để nói việc đó là bởi khó có ai có thể bình tĩnh bàn về việc mình muốn được đối xử thế nào trong khi đầu đang nóng máu đâu. (Kể cả có thì cũng không hiệu quả, vì người kia thì cũng đang điên tiết)
Tôi thì có nhu cầu kinh điển của đàn ông khi bực tức là muốn được ở một mình. Lý do của người khác là gì thì tôi không biết, nhưng lý do của tôi là vì tôi không muốn lỡ mồm nói ra những lời gây tổn thương nếu tiếp tục ở cạnh cô ấy và nói về vấn đề gây bực tức. Tôi biết rõ về sức nặng trong giọng nói của đàn ông khi tức giận, về chênh lệch thể hình giữa tôi và vợ, và về ti tỉ thứ khác mà nếu tôi mất kiểm soát dù chỉ một giây cũng có thể làm vợ tôi sợ hãi, và tôi không muốn vợ tôi sợ tôi. Cô ấy cũng có nhu cầu kinh điển của phụ nữ đó là muốn được kết nối. Mà chuyện hai người cãi nhau thì chả hay ho gì mà đem kể cho người khác, vậy nên tôi trở thành người duy nhất cô ấy có thể dựa dẫm vào những lúc như vậy. Chưa kể, cô ấy vốn dĩ là người đúng-sai rõ ràng, và nếu cô ấy thấy mình đúng thì cô ấy sẽ cãi lại ngay lập tức. Vậy chúng tôi đã giải quyết hai nhu cầu mâu thuẫn đó như thế nào? 
Chúng tôi thỏa thuận rằng, khi thấy xung đột có vẻ leo thang, cả hai sẽ dừng lại và cô ấy sẽ đồng ý để tôi một mình cho tới khi tôi bình tĩnh lại rồi mới giải quyết sau. Tôi cũng gợi ý những việc khác mà cô ấy có thể làm để bớt cô đơn trong khi chờ tôi. Về phần tôi, tôi sẽ không được ra nằm ngoài sofa và để cô ấy ngủ một mình. 
Đây không phải là những thỏa thuận theo kiểu one size fits all. Tôi kể ra chỉ để làm rõ điểm rằng, phải thỏa thuận với nhau để tìm ra cách ứng xử phù hợp nhất làm hài lòng hai người khi cả hai bực tức. Một khi hai bạn có thể đối xử với nhau một cách văn minh và không làm sứt mẻ tình cảm khi hai bạn ở trạng thái tệ nhất, chắc chắn những lúc khác tình yêu của hai bạn sẽ chả còn việc gì ngoài việc trở nên khăng khít, mạnh mẽ hơn.
Chúng tôi đã đưa ra những thỏa thuận đó ngay cả trước khi chúng tôi có cuộc cãi vã đầu tiên. Và đoán xem điều gì đã xảy ra khi chúng tôi thực sự cãi nhau lần đầu tiên kể từ khi hẹn hò? Chúng tôi đi ngược lại những gì chúng tôi đã thỏa thuận :D Cô ấy vẫn cứ thao thao bất tuyệt ngay cả khi tôi nói "Anh không muốn tiếp tục nói chuyện vào lúc này.", còn tôi đêm đó vẫn ra ngoài sofa ngủ. Có lẽ phải tới tận lần thứ 3, thứ 4 chúng tôi mới thực sự phần nào làm được đúng như những gì chúng tôi hứa.
Nói ra để thấy, ngay cả khi các bạn có ngồi thảo luận với nhau khi hai người minh mẫn nhất, chưa chắc các bạn sẽ làm theo chúng khi đang bức xúc. Vấn đề là, vi phạm nguyên tắc để nhận ra sai và sửa đổi vẫn tốt hơn là vô phép tắc, thích làm gì thì làm, đúng không?
Đó cũng là thỏa thuận đầu tiên trong những thỏa thuận khác mà chúng tôi PHẢI thương lượng trong suốt quá trình từ hẹn hò, yêu đương, yêu xa, cưới nhau và sống chung với nhau ở nơi đất khách quê người. Nói là PHẢI vì không ai vui vẻ gì khi phải thay đổi cách mình sống tự do suốt hơn chục năm nay, nhưng chỉ vì muốn giữ cho tình yêu được lâu bền mà PHẢI thay đổi. 
Những thỏa thuận khác bao gồm: Vợ tôi sẽ xếp quần áo cho tôi với điều kiện tôi giữ nó ngăn nắp trong tủ quần áo; tôi sẽ làm những việc nặng trong nhà như lắp ráp, bê vác, còn vợ sẽ sắp xếp mọi thứ cho gọn gàng; tôi sẽ trả những bill lớn còn vợ sẽ trả những bill nhỏ và nấu ăn; cô ấy sẽ để tôi yên khi tôi chơi game, nhưng khi xong thì tôi phải ngồi buôn chuyện với vợ cả về những việc tôi chả có tí hứng thú; và cả ti tỉ những thỏa thuận khác mà cả hai vợ chồng đều đồng ý một cách hài lòng.
Những thỏa hiệp đó đều được dựa trên sự thông cảm và kiến thức về tâm lý giữa hai giới. Và tôi nghĩ đó mới nên là cách những kiến thức ấy được ứng dụng, chứ không phải theo kiểu "Em là con gái, anh phải abc xyz" hay "Anh là con trai, em nên abc xyz". 
Tôi gọi hành động thương lượng và thỏa hiệp đó là "Dạy Nhau Yêu". Chúng ta dạy nhau về những nhu cầu của chúng ta, và cùng dạy nhau cách chúng ta muốn được đối xử, và cùng nhau tìm ra đáp án thỏa mãn nhất. 
Chúc các bạn dạy nhau vui ^^