Sáng nay tôi nghỉ học: một môn là thầy cho nghỉ, còn một môn là tôi tự nghỉ. Người thấy vui nhất khi tôi bảo tôi cúp học, không ai khác chính là mẹ tôi. Sự học của tôi còn hơi dài, và mẹ tôi thì thấy xót xa. Tôi bảo tôi nghỉ để tập trung sửa luận văn, mẹ tôi bảo nghỉ ở phòng không cần làm gì, ngủ thôi cũng được, hoặc đi spa gội đầu hay gọi taxi đi siêu thị ăn thịt nướng cũng được.
Khi các em trong phòng tôi đi học thì tôi còn ngủ. Một tiếng sau, một em vừa về là tôi vừa chuẩn bị đi.
Xe tôi hư, tôi dắt đi sửa. Chú sửa xe mối quen của tôi ở trước cổng trường đã nghỉ hưu 1 năm nay rồi. Nên bây giờ tôi sửa chỗ khác, ở trong khuôn viên trường.
Tôi dắt xe tới, chú đang nằm võng đu đưa đọc báo. Thấy tôi, chú ngồi dậy, kéo mắt kính xuống, khoan thai bước ra, lấy cái ghế nhựa, phủi phủi bụi cho tôi ngồi.
Chú xem chiếc xe đạp của tôi, bằng một giọng trầm trầm chú giải thích rất nhiều thứ, tôi nghe chẳng hiểu. Tôi vẫn tỏ ra lắng nghe nhưng thật ra tôi đang để ý tiếng chim hót trên cành cây xum xuê bên cạnh. Tôi biết chắc chú sẽ kết thúc bài diễn văn bằng việc bảo tôi phải thay một bộ phận nào đó trên chiếc xe. Hai lần trước cũng đã thế rồi. Y như rằng, bài diễn văn kết thúc, chú bảo tôi phải thay cái gì đó, ôi tôi quên mất tên rồi, không biết gọi nó là cái gì. Cái đồ "đạp đạp của xe đạp".
Tôi xém bật cười, tỏ vẻ đắc chí trong đầu vì mình đã đoán trúng câu kết của chú. Nhưng may quá, tôi đã không cười, bộ dạng xinh xắn cute này không thể vô duyên như vậy được.
Thế rồi tôi ngồi đợi chú đi mua đồ nghề về thay. Tôi biết sửa ở đây là đắt, và ngồi đợi chú cũng lâu. Nhưng không biết sao tôi chẳng thấy bực bội.
Kế bên chỗ sửa xe là xe đẩy bán xôi gà và bánh bạch tuột, đối diện là nhà thi đấu. Tôi ngồi nhìn dòng người qua lại, thấy mấy bé sinh viên, trai có, gái có, không phải trai hay gái cũng có. Tụi nhỏ xinh đẹp trẻ trung quá. Hệt như mình ngày xưa. Con gái thì tay trong tay, con trai thì cặp cổ bá vai cười cười nói nói, tung tăng đi học. Đầu học kỳ bởi vậy nhìn đứa nào cũng tươi rói. Cô bán xôi nhanh nhẹn chào hàng:  "Xôi đi mấy con. 15 hay 20 con ơiiii..."
Không biết mùi thơm của nồi xôi đang bốc khói nghi ngút, hay cái giọng quảng cáo của cô bán xôi quá xuất sắc, mà tôi không cầm lòng được, canh lát thưa khách, tôi đã đứng cạnh cô, thỏ thẻ: "Cô cho con hộp 20 ít xôi, không tương ớt".
Cô lặp lại "ít xôi không tương ớtttttt". Rồi cười hề hề, tay làm nhanh thoăn thoắt.
Cô định bỏ vào bọc, nhưng tôi không lấy vì tôi định ăn ngay. Thế là tôi vào dưới gốc cây râm mát ơi là mát, tưởng tượng cái góc sửa xe này giờ đây là địa bàn của mình, tôi thấy vui vui.
Có khách tới. Một chú công nhân đi xe đạp, chú bảo muốn mua một con ốc nhỏ để làm gì đó cho cái máy cắt cỏ của chú. Tôi lấy ghế mời chú ngồi, lịch sự duyên dáng như thể tôi là con gái chú sửa xe đạp, truyền nhân của cái "shop" này. Lát sau có một cậu nhóc tóc đen xoăn tới, tôi cũng hỏi xe cậu bị gì, cậu rụt rè: "Dạ em bơm bánh". Bằng một giọng nhẹ nhàng và nghiêm túc nhất, tôi đáp: "Cưng đợi một lát, chú đi mua đồ xíu về liền". Tôi định lấy ghế cho thằng nhỏ nhưng nhìn qua nhìn lại, shop này chỉ có 2 cái ghế. Thôi người già (chú công nhân) và người đẹp (tôi) thì nên ngồi, thanh niên trai tráng cho đứng cũng được. Vừa lúc đó có một bạn nữ tóc thẳng vàng chạy xe tay ga đến. Cô nàng xách 2 túi đồ to đùng. Tôi ngó lại cái bảng hiệu của shop: "Sửa xe vá ép thay phụ tùng và may vá giày dép". À ra cái shop bé tí như vầy chứ đa năng đa nhiệm ghê. Tôi đang nhìn kỹ người đẹp kia. Giờ thì có tới hai người đẹp. Tôi hơi băn khoăn. Tôi đứng lên tiếp khách hàng, định nếu lát người ta mở khẩu trang ra mà trông lớn hơn tôi thì tôi nhường ghế, còn mà trông nhỏ hơn tôi thì thôi, tôi cho đứng với nhóc kia tâm sự.
Tôi đang đợi người đẹp mở khẩu trang, thì bỗng chủ nhân thực sự của shop về. Tôi tiếc rẻ nghĩ đến vai trò quản lí của mình bị kết thúc hơi sớm hơn dự định...
Thế là người đẹp kia đưa 2 túi giày cho chú. Chú dặn ngày mai đến lấy. Người đẹp nói: "Chú may cho con 2 đôi này trước để một tiếng sau con ghé lấy". Chú bảo soạn ra đi, để chú may trước cho 2 đôi ấy. Người đẹp soạn ra 2 đôi giày cao gót. Tôi giật mình, đôi giày màu đen có gắn chiếc nơ voan và đôi mũi nhọn màu vàng lấp lánh. Lý do của sự giật mình này là vì giày đẹp đến lóa mắt. So với mấy đôi búp bê bánh bèo thanh mảnh hằng ngày tôi mang thì 2 đôi này ăn đứt. Cùng lắm mấy đôi cao gót của tôi để dành thỉnh thoảng mặc áo dài thì cũng đế bằng và cỡ vài phân. Tôi còn chưa mang cao gót nào đỉnh đến thế bao giờ. Tôi đoán nó cao chắc còn đến 15cm. Tôi mà đi trên mấy đôi đấy chắc tôi trẹo chân mất.
Rồi người đẹp đi. Tôi thở phào may quá mình không cần nhường ghế nữa. Chủ quán bơm xe cho cậu kia. Còn chú công nhân lọ mọ mở hộp đồ nghề của chủ shop để lựa ốc. Tôi lúc này mới mở hộp xôi, ngồi thưởng thức. Trời cao và trong, chim hót nghe thích tai vô cùng. Ở trường tôi, cây xanh ngập lối, chim hót khắp mọi nơi. Trừ chỗ bán nước mía ở khoa tôi có sóc nhảy vù vù trên cây kèm tiếng chim hót hay ơi là hay, đây là chỗ tôi đánh giá chim hót hay thứ hai.
Tôi nhìn 2 đôi cao gót đặt trên nền đất xi măng bám đầy rêu. Bên cạnh là một rổ đồ nghề toàn ốc vít dụng cụ sửa xe, cái giẻ lau dính đầy dầu nhớt, cái võng rách gió thổi đung đưa, cái tủ che tấm bạt đã sờn, trên đó có tờ báo Tuổi trẻ số mới ra. Tôi trầm ngâm quan sát cái cảnh mà theo tôi là đặc biệt ấy. 2 đôi cao gót kia rõ ràng quá sang trọng. Nó có lẽ trưng bày ở những cửa hàng giày có cửa kính lấp lánh ánh đèn trên phố đông nhộn nhịp. Và rồi được xỏ bởi những gót chân hồng mềm mại và trắng trẻo. Nó xuất hiện ở những bữa tiệc ngập tràn âm thanh và ánh sáng với mùi thơm của thức ăn và rượu ngon, hoặc nó được sải bước ở văn phòng xí xô tiếng Tây ở một công ty chuyên nghiệp với mùi giấy mới in thơm phức. À thật ra tôi nghĩ giày này hợp đi tiệc hơn là thời trang công sở. Bức tranh cảnh vật yên tĩnh bình dị ở đây rõ ràng bị phá hỏng nếu có 2 người bạn ấy. Cây kềm với cây cờ lê đang phàn nàn bực bội vì sự chảnh chọe của 2 đôi cao gót.
Tôi nhìn chiếc võng. Sáng sáng, trưa trưa gió mát mà nằm đây, mở radio nghe nhạc Trịnh, rồi lim dim ngủ thì chắc tuyệt cú mèo. Tôi nhìn sang cô bán xôi, sáng sáng, trưa trưa nhộn nhịp khách hàng, vừa bán vừa kể chuyện vui ơi là vui với đám sinh viên. Có lần, tôi đã thấy một chiếc xe bán kem với chiếc ô to ơi là to, chú bán kem chạy tới đâu, mấy bài bolero giọng ca Như Quỳnh ngọt ơi là ngọt lại vang đến đấy. Ban ngày đi làm, chiều đến thì về với gia đình. Không tăng ca, không deadline. Cuộc sống như vậy đơn giản hơn viết báo cáo cả mấy đêm liền. Nó an yên hơn rất nhiều so với những cuộc tranh cãi đấu đá của đồng nghiệp ở nơi công sở. Cũng chẳng có khách hàng nào phàn nàn chửi bới. Thích thì tôi sửa xe, tôi bán xôi cho. Ghét thì tôi không sửa, không bán nữa. 
Bất chợt, tôi nghĩ về cái giấc mơ ban ngày đi dạy, ban đêm mặc bộ đồ thú, đội cái đầu gấu rồi tay mang giỏ kẹo, đi vòng vòng phát cho mấy đứa con nít trong công viên. Buồn buồn mở mấy bài nhạc Hàn của SNSD hay nhạc bé Xuân Mai cũng được, đứng múa múa giữa công viên không ai biết mình. Sau này trong công viên cây xanh hoa lá cành, có con gấu nào đứng nhảy nhảy với điệu bộ lạ lùng, coi chừng đó là tôi. 
Tôi ngồi cười một mình, rồi ngẫm nghĩ ai mà nhìn thấy chắc họ tưởng mình bị khùng quá. À không sao, người ta sẽ nghĩ nhỏ này nó đang yêu. Bọn yêu nhau thường cười một mình như vậy.
Giọng cô bán xôi át cả tiếng chim hót: "Cô kể mấy đứa nghe, hồi xưa mẹ cô bán bún. Có bà kia bả lại ăn, bả biểu chan thêm nước mắm ngập tô bún cho bả. Mẹ cô chan rồi cái bả than mặn, xin thêm bún. Mẹ cô tặng thêm ít bún. Bả ăn 2 đũa xong lại xin chan thêm vì lạt. Chan rồi bả lại trách sao mặn quá ăn không nổi, bả lại xin thêm bún. Mấy đứa coi, khôn như bả ai khôn lại. Phải hông tụi con...".
Viha, 21092020.
Ảnh: Những kẻ lữ hành