Những dự án khởi nghiệp đang ngày càng bùng nổ về số lượng, kéo theo đó là sự gia tăng các nhà đầu tư giai đoạn đầu (early stage) cũng như số thương vụ gọi vốn thành công. Song làm thế nào để các startup cũng như các nhà đầu tư có một sự kết hợp hiệu quả lại là cả một quá trình dài hơi.
Với tính rủi ro cao, bản chất của startup vô cùng khác biệt so với các doanh nghiệp thông thường. Đó phải là những mô hình mới, có tính sáng tạo và đột phá. Và để có được sự đột phá cũng như đi nhanh đến đích, startup sẽ cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ cũng như 1 bệ phóng phù hợp, trong đó quan trọng nhất chính là nguồn lực tài chính. 
Bài toán “tiền đâu” thực sự là một câu hỏi khó được đặt ra với những người khởi nghiệp. Đó là một trò chơi tinh vi với những đội chơi và luật lệ, có thất bại và chiến thắng. Ở đó cần rất nhiều kỹ năng, sự chín chắn và quan trọng hơn cả là sự may mắn.
Tuy vậy, ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư vào startup và cũng chưa có 1 cơ chế, chính sách nào hướng dẫn hay khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Một số nhà đầu tư thậm chí còn chưa có niềm tin với các mô hình startup ở Việt Nam, và rất “rụt rè” khi xuống tiền. Chính vì vậy, các startup Việt vẫn loay hoay tự tìm hướng đi cho mình, để có thể tiếp cận được một nhà đầu tư phù hợp. 
Theo anh Khôi Nguyễn - Founder Wefit, “Việc đầu tiên để có thể tiếp cận nhà đầu tư, đó là startup phải thật sự xứng đáng, nghĩa là nội tại sản phẩm phải ngon, team phải mạnh. Không ai muốn đầu tư cho một đội ngũ yếu và mô hình sản phẩm chưa vững chắc. Khi đã có được những điều kiện cơ bản, thì sẽ đến việc tiếp cận các nhà đầu tư, và thường là phải gặp nhau rất nhiều lần thì các nhà đầu tư mới ra quyết định, nên giai đoạn này cần sự kiên trì và bền bỉ. Nên gặp nhà đầu tư qua sự giới thiệu để có sự tin tưởng cao hơn.” 
Khôi Nguyễn - CEO & Founder WeFit
Tuy vậy, đứng trên phương diện nhà đầu tư, những round đầu lại là một  bài toán đau đầu bởi đây là thời điểm thông tin về startup vô cùng ít,  bản thân nhiều startup thậm chí còn chưa được định hình rõ ràng. Là  Founder của VIC Partner, Trịnh Anh Đức thường nhìn vào 2 tiêu chí, đó  chính là thị trường và team. Thị trường liệu có đang lên, vấn đề đang  giải quyết có thực sự là vấn đề nhức nhối hay không,... hay với team, đó  sẽ là câu hỏi về backgroud của các cofounder, câu chuyện nào đã đưa đẩy  họ đến với vấn đề và ý tưởng này,...
Đầu tư early stage: Quan trọng nhất là niềm tin giữa nhà đầu tư và startup
Với bất kỳ một startup, hay business nào, vốn cũng chính là "máu", giữ cho startup tiếp tục chạy. Cụ thể, trước khi tự chủ được dòng tiền, startup cần vốn để xây dựng và hoàn thiện sản phẩm - quá trình này rất tốn chi phí phát triển, test thị trường. Trong rất nhiều mô hình, bắt buộc phải đến một điểm tới hạn nào đó, sản phẩm mới có lãi hoặc có ý nghĩa. Vì vậy startup cũng cần vốn để scale up lên. Vốn đầu tư đến từ nguồn nào cũng là vốn, vì vậy nhìn chung vốn từ đâu là không quan trọng. 
Vì vậy, việc huy động vốn cho startup được ví như việc tạo ra một bức tranh: kinh nghiệm không làm cho việc vẽ tranh trở nên dễ dàng hơn, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn có con mắt thẩm mỹ tốt hơn và biết bao nhiêu màu sắc cần sử dụng. Việc gọi vốn thành công đã trở thành một dấu mốc quan trọng đối với startup, trở thành 1 sự bảo chứng cho các nhà đầu tư rằng các nhà khởi nghiệp này thực sự có tiềm năng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu (early-stage).
Like fanpage Topica Founder Institute để đọc thêm những bài viết hữu ích cho các Startup.
Vậy thế nào là một nhà đầu tư early stage tốt và hiệu quả? “Một nhà đầu tư early stage cần phải hiểu được sự khác biệt giữa đầu tư cho 1 startup và đầu tư tài chính thông thường. Ngoài tiền ra, các nhà đầu tư thường sẽ phải chia sẻ vision với các nhà sáng lập (founders) và giữa 2 bên phải có sự thống nhất về định hướng lâu dài, cũng như có niềm tin dành cho nhau. Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, họ còn là một liều thuốc đảm bảo cho các vòng gọi vốn sau của startup.” - Anh Khôi Nguyễn chia sẻ.
Còn với Trịnh Anh Đức, một nhà đầu tư early stage tốt lại là “người có khả năng và sẵn sàng giúp đỡ startup trong phạm vi của họ”. Những nhà đầu tư thiên thần ở giai đoạn này không chỉ đóng vai trò advisor, giúp team định hình chiến lược và đưa ra những góp ý khi cần thiết mà còn có thể hoạt động như một co-founder trong team.
Anh Trịnh Anh Đức - Giám đốc điều hành quỹ VIC Partners trong sự kiện #TFIConnect 4: Tránh sảy chân sau gọi vốn
Nhà đầu tư cùng với mạng lưới của mình sẽ trở thành những khách hàng quan trọng của starup. Về chuyên môn, nhà đầu tư sẽ cùng bàn bạc và đưa ra các lời khuyên cho startup với tư cách một chuyên gia trong ngành, thậm chí trực tiếp nhận vị trí cụ thể trong doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng tận dụng mối quan hệ của mình để giúp đỡ startup như tìm kiếm nhân sự và đối tác chiến lược. Chính vì vậy, startup nên dựa trên nhu cầu và định hướng của mình, cùng với việc xem xét những lựa chọn về những nhà đầu tư hiện có để có được sự lựa chọn nhà đầu tư đúng đắn và phù hợp.
Đánh giá thị trường khởi nghiệp Việt Nam, anh Trịnh Anh Đức cũng chia sẻ: “Thị trường Việt Nam còn khá trẻ so với khu vực và quốc tế. Đương nhiên sẽ cần một thời gian để các startup tích lũy về lượng & chất, đủ hấp dẫn để nhiều nhà đầu tư chuyển mối quan tâm từ các danh mục đầu tư truyền thống ít rủi ro hơn, khi có đủ lượng nhà đầu tư thiên thần rồi thì các tổ chức, hội nhóm sẽ tự nhiên hình thành theo quy luật tự nhiên. Đầu tiên là về hành lang pháp lý, hiện tại một vài hoạt động trong đầu tư đang chưa có quy định rõ ràng. Điều này khiến các NĐT ngại tham gia hoặc phải lách để làm. Tiếp đó là tăng cường minh bạch về thông tin, điều cản trở nhất hiện tại đối với các NĐT là không tìm được startup chất lượng và phù hợp với mình. “
Có thể nói rằng, Việt Nam đang là thị trường vô cùng hấp dẫn thu hút nhà đầu tư mạo hiểm vào các startup, song để hai bên tìm được nhau, gắn kết lâu dài và đi đến thành công lại là điều không hề đơn giản một chút nào.
Đăng kí tìm hiểu chương trình TFI — khóa 6 tại đây: http://topi.ca/tfibatch6j