Hẳn không ít người trong chúng ta nhìn thấy, làm thử hoặc chia sẻ về một xu hướng “Trả lời ba câu hỏi: công việc của bạn ở thời thơ ấu, khi đi học và hiện tại”. 
Kết quả là hầu hết chúng không nằm trên một đường thẳng, mà là những đường cong, uốn lượn hay thậm chí ziczac… Ví dụ, lúc bé, mình thích làm Hoạ sĩ, đến đại học thì theo chuyên ngành Thiết kế và giờ đây là Sáng Tạo Nội dung. 
Đời người chính là biến ảo như vậy nhưng liệu có ai dừng lại tự hỏi, cuối cùng tại sao chúng ta lại thay đổi nhiều như thế và thật ra đâu mới thật là ta?

1. Khi sự thay đổi là điều chẳng dễ dàng

Điển tích xưa kể rằng: “Vào thời Đường, Thuần Vu Phần tính cách nghĩa hiệp, từng làm đến chức phó tướng, nhưng vì đắc tội với trưởng quan mà bị giáng chức. Từ đó về sau, ông phóng túng bản thân, uống rượu vô độ đến mức sinh bệnh. Đây chính là lúc ông nằm mộng một giấc dài tựa đời người: thành công, hạnh phúc và quyền thế hơn xưa nhưng tỉnh lại phát hiện ra tất cả chỉ là giấc mộng.”
Người ta gọi đó là giấc mộng Nam Kha (1). 
Đời người ai chả vài lần mộng một cõi Nam Kha. Chúng ta biến mộng ảo thành đời thực âu cũng vì nỗi khao khát và mong muốn có được một điều gì đó nhưng tâm lý cho rằng chẳng thể thực hiện được. Thậm chí, đôi khi chúng ta rơi vào ảo cảnh không điểm dừng vì những hoang mang của sự đổi thay ở đời và chính bản thân mình. Nếu Thuần Vu Phần trong điển tích trên không rơi xuống cảnh sa sút và phóng túng, có lẽ ông không bám víu vào một giấc mộng và cho đó là cuộc đời mình. 
Sự đổi thay liệu có đáng sợ và gây hoang mang cho ta đến thế? Câu trả lời chắc chắn là có! Khả năng thích nghi của con người có giới hạn mà thôi. Mỗi khi bạn thay đổi, ít hay nhiều, cũng giống như loài bướm lột đi lớp xác đầy đau đớn.
Kết quả cuối cùng dù là tốt đẹp hoặc xấu xí thì mỗi lần biến đổi là một lần thích nghi và nỗ lực phát triển của mỗi người để phù hợp hơn với tư duy và con đường của chính mình thời điểm đó. 
Tuy nhiên, khi Thuần Vu Phần tỉnh dậy, ông ta chấp nhận sự thay đổi của bản thân và làm lụng chăm chỉ như xưa. Một giấc mộng Nam Kha chẳng hề xấu, sự thay đổi cũng vậy, cuối cùng mỗi chúng ta đều phải tỉnh dậy, thích ứng và chấp nhận. 

2. Chúng ta ai rồi cũng khác – đó là lẽ thường

Ta không thể đòi hỏi vạn vật bất biến, trong khi chính mình đang thay đổi. Mình bây giờ khác xa một năm về trước. Thậm chí mình của hôm qua cũng khác hôm nay.
Chúng ta ai cũng vậy, trải qua thời gian, sinh lão bệnh tử, yêu hận biệt ly. Mỗi một trải nghiệm quá khứ kết nối với nhau tạo thành chỉnh thể thống nhất của bạn hiện tại và là nền tảng cho tương lai. 
Đời người có bao biến đổi gọi là lớn lao? Là giây phút chia tay gia đình ấm áp để rời đi lập nghiệp? Hay lúc vô tình chợt nhận ra những người ta từng thân thuộc bỗng chẳng còn chút điểm chung? Hay là lúc rời xa cuộc sống độc thân từng ảo tưởng mãi mãi để đến với ngôi nhà và những đứa trẻ?
Chúng ta liệu có thể không thay đổi? Câu trả lời là Không. Bản chất việc thay đổi và thích ứng với môi trường xung quanh là bản năng và lợi thế để phát triển của con người. Ngay cả động vật cũng có khả năng này. Vì thế, ai rồi cũng khác. 
Nếu một ngày, bạn nhận ra mình chẳng còn những thói quen cũ nữa. Đừng ngạc nhiên! Vì bạn đã thay nó đi bằng những thói quen mới phù hợp hơn, thậm chí cũng có thể do bạn đã bỏ bê chính mình.
Chính sự thay đổi ngày càng nhiều sẽ làm bạn trở nên phức tạp hơn trước với sự dung nạp của nhiều hệ thống tư tưởng.
Do đó, so với mọi người xung quanh, BẠN KHÁC BIỆT với họ. 

3. Khác biệt chính là khởi đầu của mọi tranh luận 

6 điều giúp dân Luật rèn luyện kỹ năng tranh luận - Kết nối cộng đồng ngành  luật

Sự khác biệt của mỗi cá thể là một con dao hai lưỡi với thế mạnh và điểm yếu song hành. 
Dù cùng chung một hoàn cảnh, một ngôi trường, thậm chí một quan điểm sống thì mỗi người cũng sẽ mang theo sự lựa chọn và tư duy khác nhau đối với một sự vật hiện tượng. Đó là kết quả của quá trình thay đổi – thích nghi liên tục như đã nói ở phần trên. Đây cũng chính là lý do dù anh em sinh đôi cùng trứng nhưng người này vẫn khác người kia ở một số suy nghĩ nhất định. 
Ngoài điểm mạnh mang đến tính cạnh tranh và độc đáo, thì sự khác biệt còn đem lại cho mỗi con người khả năng tranh biện tiềm tàng.
Ví dụ, với hệ tư tưởng và quy chiếu độc lập của mình, ở cùng một sự việc, người A và B hoàn toàn thể sẽ cho ra hai hoặc nhiều giả thuyết và biện chứng khác nhau. Họ sẽ kiên định với quan điểm của mình vì những điều họ đã đinh ninh trước đó. Từ đó, dẫn đến tranh luận nhằm bảo vệ ý kiến của mình. Điều này áp dụng với hầu hết mọi tình huống trong cuộc sống như công sở, gia đình, tình yêu, tình bạn, v.v… Bạn có nhớ, lần cuối cùng bạn tranh luận với ai đó là khi nào? 
Theo Trang Tử dẫn luận:
“Hai người tranh luận, đều tự cho mình là phải, vậy tranh luận làm gì? Mời người thứ ba đến lại càng làm cho sự việc thêm khó giải quyết nữa, vì người thứ ba cũng sử dụng quan điểm riêng của mình để phân phải trái. Càng tranh biện càng làm cho chân lý mờ tối, vì thành kiến: “Đạo bị thành kiến nhỏ nhen che lấp, lời nói bị sự hoa mỹ phù phiếm che lấp“
Chúng ta thường dùng chính những khái niệm và kinh nghiệm của bản thân để định giá một sự vật hiện tượng. Người khác cũng như vậy mà thôi.
Trong cuốn sách “Bạn không thông minh lắm đâu” (tác giả David McRaney) đã đề cập đến một hiệu ứng tâm lý tên là Dunning-Kruger. Theo đó, bạn nói riêng và con người nói chung hầu như luôn cho rằng mọi suy nghĩ và tư duy của mình khách quan hết sức và có thể dự đoán được mọi khả năng của bản thân. Vì thế, hầu hết tất cả mọi người đều mang theo ánh nhìn chủ quan đến với sự vật mà luôn nhầm to rằng mình đang đứng trên phương diện đúng đắn nhất. Đồng thời, chúng ta luôn khao khát được thoả mãn nhu cầu cao nhất trong Tháp Nhu Cầu – sự công nhận. Tự hỏi bản thân mà xem, liệu bạn có mong muốn được chiến thắng trong một cuộc tranh luận nào đó, người đang biện luận với bạn chấp nhận họ đã sai và bạn được chứng tỏ khả năng?  
Chính vì vậy, càng tranh luận với nhau, một sự vật sự việc có nguy cơ sẽ càng trở nghiêm trọng và rối rắm hơn nếu không biết cách. Những lời lẽ hoa mỹ để tăng sức thuyết phục hoàn toàn có thể đẩy chúng ta vào vòng xoáy tranh luận không điểm dừng. 

5. Tránh cái bẫy tranh luận đến tận cùng

Với những phần và theo cá nhân tôi, tranh luận không hề xấu. Đôi khi, chúng ta nên làm rõ một vấn đề gì đó để có được kết quả tích cực và đúng đắn hơn. Tuy nhiên, với lý do đã đề cập, chúng ta có khả năng rơi vào các bẫy tranh luận đến tận cùng để bảo vệ quan điểm của mình và nên xem xét lại các yếu tố dưới đây: 
Đầu tiên và quan trọng nhất là sự lắng nghe. Chủ động lắng nghe kỹ càng chính là cách tốt nhất để trở nên hiểu góc nhìn người khác tốt nhất. Một khi bạn đã chú ý lắng nghe quan điểm của người khác, bạn mới có thể hiểu được họ cũng đã có những lý luận của riêng mình. 
Thứ hai đó chính là chấp nhận sự khác biệt của mỗi cá nhân. Bạn thích cà phê không có nghĩa là người khác cũng như vậy. Bạn không thích dậy sớm không có nghĩa là người ta phải thức khuya. Đôi khi, chúng ta thường áp đặt lối suy nghĩ của mình lên người khác một cách vô thức như thế, dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt. Ai cũng có quyền tự do của riêng mình và sống theo cách họ muốn. Đúng hay sai chỉ mang tính tương đối, mọi chuyện còn phụ thuộc vào hệ quy chiếu. 
Thứ ba, tránh cái gọi là thành kiến. Thành kiến là ý nghĩ cố định về một sự vật, con người hay hiện tượng nào đó. Nó được hình thành dựa trên cảm tính hay quan niệm sai lệch và thường xuyên đánh giá thấp. Ví dụ, bạn có thành kiến rằng một người đồng nghiệp là người không có nhiều kiến thức về lĩnh vực nào đó, thì hầu hết các vấn đề liên quan bạn sẽ cho rằng người đó không đúng chẳng hạn. 
Cuối cùng, đừng xây tường bảo bọc bản thân hay nhạo báng người khác mỗi lần tranh luận. Xu hướng một cuộc tranh luận càng nóng dần theo cách trên sẽ dẫn đến sự đổ vỡ ngày càng tăng (3). Một khi bạn đã chạm đến những nhiều mang tính công kích cá nhân, người nghe hoàn toàn có thể đáp trả như vậy và dẫn cuộc tranh luận ngày càng không có lối ra. 
Những cách trên có thể gọi tắt là các bước thấu cảm và khách quan với sự tranh luận. 

6. Để thấu cảm và khách quan, trước hết hãy hiểu mình

Tự Hiểu Mình - Phần 2: Tại Sao Tự Hiểu Bản Thân Lại Khó Đến Vậy? - YBOX

Tại sao chúng ta phải hiểu mình? 
Kể cả triết học Phương Đông lẫn Phương Tây đều có những biểu tượng tượng trưng cho sự tác động của con người và sự vật xung quanh. Điều này chứng tỏ nhân loại từ lâu đã phát hiện quy luật phát triển của mọi thay đổi: xuất phát từ chính mình. 
Ở Phương Đông, thuyết Âm Dương (4) có một biểu tượng rất nổi tiếng: Thái Cực Đồ. Vòng tròn này bao gồm hai nửa đối xứng, ôm trọn vào nhau, một bên tượng trưng có Âm (đen) và Dương (đỏ hoặc trắng). Bất kỳ một lĩnh vực nào, thì âm và dương đều tương hỗ cho nhau, như con người với môi trường xung quanh. 
Ở Phương Tây, biểu tượng nổi tiếng ở rất nhiều nền văn hoá chính là Ngôi sao năm cánh (5). Có nhiều nơi cho rằng trung tâm ngôi sao đặc biệt này chính là con người, từ đó mới toả ra năm cánh ngôi sao còn lại. Ví dụ, bản vẽ phác họa của Leonardo da Vinci.
Đồng thời, theo “Luật hấp dẫn” được nêu ra trong cuốn sách Nhà Giả Kim: Vũ trụ và sự vật xung quanh được hình thành và vận hành theo cách tác động lên nhau. Bạn tác động lên vũ trụ và ngược lại. Bạn mang trong mình khao khát thì vũ trụ hồi đáp cho bạn những điều tương đương. Khi bạn tiêu cực, bạn đang kêu gọi sự tiêu cực xoay quanh mình và ngược lại khi bạn tích cực.
Tương tự như trên, chỉ khi lòng bạn yên ắng, tự khắc thế gian sẽ bình yên. Theo đạo Phật, đó là thiền định và cao hơn là chánh niệm.
Chánh niệm là sự tĩnh lặng xuất phát từ lòng người. Một con người thực hành chánh niệm luôn biết bản thân đang làm gì, trong từng hơi thở, từng bước đi. Họ sống với lòng thấu hiểu bản thân cao, từ đó, khả năng thấu cảm với người khác tăng lên.  
Cũng trong Tề Vật Luận (Trang Tử) có một câu chuyện thế này: 
“… Tử Du thưa:
– Vậy tiếng sáo của đất (tức âm nhạc của đất) là do các hang lỗ cả, cũng như tiếng sáo của người là do các ống trúc. Thế còn tiếng sáo của trời, xin thầy giảng cho con.
Tử Kỳ đáp:
– Tiếng sáo của trời gồm những thanh âm biến hóa cả vạn cách mà mỗi thanh âm chỉ tự nó phát ra mà thôi. Nhưng ai khiến cho các thanh âm đó tự nhiên phát ra như vậy?”
Tự mỗi sự vật hiện tượng phát ra tiếng nói của riêng nó nhưng âm thanh tự nhiên đến tai con người như thế nào chẳng phải phụ thuộc vào tâm tính mỗi người hay sao? Một khi bạn nhìn nhận được bản thân, thì bạn sẽ nhận được những điều tương tự ở người khác và cảm giác sâu sắc được sự thật về họ. 
Với một người mà nói, khả năng đặt mình vào người khác không hề đơn giản chút nào, khi mà việc chúng ta phải vượt lên trên những khác biệt đã, đang và sẽ tồn tại. Tuy nhiên, nếu bạn làm chủ được chính tiếng nói bên trong mình, bạn sẽ thấu hiểu bản thân và có khả năng thấu cảm người khác. 
Chính bạn luôn là chủ thể quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Cách bạn đối xử hay phản ứng lại với thế giới chính là cách thế giới trao ngược lại cho bạn. Đó chính là lý do chúng ta hãy thôi nhìn về quá khứ và tương lai mà hãy sống trong hiện tại. Bởi vì hiện tại mới là thời điểm quan trọng nhất.
Đi tìm câu trả lời đâu mới chính là chúng ta không quan trọng bằng việc chúng ta đang định vị bản thân thế nào.
Ý niệm của một con người về chính mình rất lớn, nếu bạn nghĩ mình là kẻ thất bại, phần lớn sẽ là như vậy và ngược lại. Đó cũng chính là luật hấp dẫn. Tương tự, nếu bạn muốn người khác tôn trọng mình trong cuộc tranh luận, hãy biến mình là người tôn trọng cuộc tranh luận đó trước đã. 
Vậy thì cuối cùng, bây giờ, bạn muốn trở thành ai?
Và được hình thành từ những trải nghiệm nào? 
Jeen,
==========
Chú thích: 
(1) Giấc mộng Nam Kha là một điển tích về Thuần Vu Phần (thời Đường), ám chỉ những thứ xa tầm với của con người và đời người như giấc chiêm bao. 
(2) Trang Chu là tên thật của Trang Tử 
(3) Gottman, J. M., & Levenson, R. W. (1992). Marital processes predictive of later dissolution: Behavior, physiology, and health. Journal of Personality and Social Psychology, 63, 221-223.
(4) Thuyết Âm dương là một phạm trù trọng yếu của triết học cổ đại. Khái niệm về âm dương có từ rất sớm, nhưng viết thành sách “ Hoàng đế nội kinh “ là ở giữa thời Chiến quốc – Tần Hán, kết hợp học thuyết âm dương với y học để hình thành học thuyết âm dương trong y học.
(5) Ngôi sao năm cánh với con người làm trung tâm có thể kể đến Libri tres de occulta philosophia của Heinrich Cornelius Agrippa. Đây là biểu tượng của thuật chiêm tinh. 
Xem thêm các bài viết khác của mình tại đây: https://jeeninyourmind.wordpress.com/