Bạn sẽ trả lời câu hỏi tiêu đề của bài viết như nào? Nguyên văn tiếng anh của nó là "what is the right thing to do?"

I. Vấn đề xe đẩy

(nguyên văn "the trolley problem")
Để trả lời cho câu hỏi tiêu đề, chúng ta hãy cùng xét qua vấn đề xe đẩy. Cơ bản, ta có thể tóm tắt và sửa tạm về vấn đề đó như sau: Bạn đang đi trên một chiếc tàu hỏa bị hỏng, đang hướng về một nút giao trên đường ray. Bạn phải chọn đi sang một trong hai bên. Nếu bạn đi sang bên phải, nơi có năm người công nhân đang làm việc thì họ chắc chắn sẽ chết và nếu bạn chọn đi sang bên trái, sẽ chỉ có một người công nhân đang làm việc ở trên đường ray đó và người công nhân đó cũng sẽ chết nếu bạn rẽ sang bên trái. Bạn sẽ chọn đi bên nào?
Nguồn ảnh: https://nofilmschool.com/left-to-right-movement-film
Nguồn ảnh: https://nofilmschool.com/left-to-right-movement-film
Đa số người được hỏi câu hỏi này sẽ chọn rẽ trái. Một số lập luận cho hành động này có thể kể ra như sau:
-Xét về chủ nghĩa vị lợi: Là một lý thuyết đạo đức cho rằng hành động đúng là hành động tạo ra lợi ích tối đa và thiệt hại tối thiểu cho tất cả mọi người. Trong trường hợp này, việc rẽ và giết một người để cứu năm người khác sẽ tạo ra một kết quả tốt hơn, vì nó cứu sống năm người và chỉ để một người chết
-Trách nhiệm: Trong tình huống khẩn cấp như vậy, có thể có một trách nhiệm đạo đức đối với người có khả năng thực hiện hành động để cứu sống nhiều người hơn. Việc rẽ và giết một người để cứu năm người khác có thể được coi là việc thực hiện trách nhiệm đạo đức này.
-Nó là sự lựa chọn ít tổn thất hơn: Trong một số tình huống, việc phải chọn giữa hai tùy chọn xấu hơn là không chọn hoặc làm gì cả. Trong trường hợp này, không làm gì có thể dẫn đến việc mất cả năm người, trong khi lựa chọn rẽ phải và giết một người ít tổn thất hơn, chỉ mất một người để cứu sống năm người khác
Bây giờ hãy xét một trường hợp khác, vẫn là con tàu đó, vẫn là năm người công nhân đang làm việc trên đương ray nhưng giờ thay vì có hai hướng đi thì chỉ có một hướng đi duy nhất là đâm về phía năm người công nhân đó và bạn thay vì là là người điều khiển con tàu, bạn lại đang đứng ở trên một vách đá cao cùng với một người đàn ông to béo. Cái chết của những người công nhân đó hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu bạn đẩy người đàn ông đang đứng cạnh bạn xuống và chặn đoàn tàu lại. Bạn sẽ đẩy ông ta hay không làm gì?
Nguồn ảnh: https://philosophynow.org/issues/116/Could_There_Be_A_Solution_To_The_Trolley_Problem
Nguồn ảnh: https://philosophynow.org/issues/116/Could_There_Be_A_Solution_To_The_Trolley_Problem
Bây giờ, đa số những người được hỏi, họ sẽ trả lời là không làm gì cả. Một số lập luận cho sự lựa chọn này có thể kể ra như sau:
-Tôn trọng quyền tự chủ cá nhân: Đẩy người đàn ông từ vách đá xuống để cứu năm người khác là vi phạm quyền tự chủ và sự tự quyết của người đó. Hành động này tự bản thân là một hành vi không tôn trọng sự tự quyết định của người khác về cuộc sống của mình.
-Giá trị cuộc sống: Mỗi cuộc sống đều có giá trị và đáng được tôn trọng. Đẩy một người từ vách đá xuống để cứu sống người khác đồng nghĩa với việc coi nhẹ giá trị của cuộc sống của người bị đẩy và không tôn trọng đúng mức giá trị cuộc sống của mỗi cá nhân.
-Ngoài ra, cũng có luận điểm nói về tính chủ động ở trong tình huống này, ở tình huống trước, dù bạn chọn bất cứ hướng đi nào thì bạn cũng đều giết người trong khi bạn hoàn toàn có thể không giết người và để mọi thứ thuận theo chiều của nó hay là xét về bản chất thì việc bạn giết người nó đã là sai rồi và chưa xét đến kết quả (categorical)
Ở đây, khi xét đến hai tình huống khác nhau, ta có thể nhận ra rằng quan điểm xét về đâu là hành động đúng đắn (về đạo đức) của chúng ta ở hai trường hợp đã có mâu thuẫn. Một bên đã cho rằng hành vi đúng khi kết quả nó ra là kết quả tốt nhất. Bên còn lại thì ta lại cho rằng một hành vi được xác định đúng hoặc sai là từ bản chất của nó chứ không phải khết quả. Chúng ta sẽ không bàn luận về tính đúng và sai ở hai quan điểm này, thay vào đó, tôi có hai câu hỏi rành cho bạn.
Đầu tiên, nếu việc bạn cho rằng việc để một người chết thay vì năm người vì việc đó đem lại nhiều lợi ích hơn thì giờ hãy thay người ở trên đường ray (phía bên trái nơi mà chỉ có một người) bằng bố hoặc mẹ bạn và giả sử rằng bạn không hề có bất kì vấn đề về tâm lý hoặc có bất kì mâu thuẫn gì với cha mẹ bạn, quan hệ của bạn với họ rất tốt thì liệu giờ bạn có chọn giết một để năm sống không?
Còn nếu bạn cho rằng việc làm nào là đúng sai nó nằm ở bản chất của nó vậy thì bây giờ bạn vẫn đang đứng ở trên vách đá cùng với người đàn ông to béo đó và bạn cũng to béo y như ông ấy. Giả sử bạn không có bất kì vấn đề gì với bản thân mình và đang rất yêu đời. Giờ hãy thay vì bạn chọn đẩy ông ta xuống thì tại sao bạn không nhảy xuống và chặn đoàn tàu lại khi việc đó chắc chắn sẽ cứu sống được năm người được coi là một việc làm tốt cũng như bản chất của việc làm này là bạn tự hi sinh bản thân vốn được công nhận từ bản chân là một việc làm tốt, vậy liệu bạn có nhảy xuống không?

II. Định giá cuộc sống

Liệu chúng ta có nên gắn một cái mác giá cho một cuộc sống?
-Chủ nghĩa vị lợi (nguyên văn tiếng anh là utilitarianism)
Chủ nghĩa vị lợi là một lý thuyết được sáng lập bởi Jeremy Bentham vào năm 1769. Nó là một lý thuyết đạo đức mà quan điểm đạo đức của một hành động được xác định bởi hậu quả của nó. Theo chủ nghĩa này, một hành động được coi là có đạo đức nếu nó tạo ra lợi ích tối đa cho số lượng lớn nhất người trong tất cả các tình huống có thể. Một ví dụ đơn giản có thể đưa ra cho việc này là nếu bạn có một tỷ đô la thì thay vì dùng nó cho những việc ăn chơi vô bổ thì đem nó đi từ thiện giúp cho nhiều trẻ nhỏ có cơ hội tiếp cận với giáo dục hơn sẽ được coi là một việc làm có đạo đức. Chủ nghĩa vị lợi cũng thường được đi dưới vỏ bọc của một cost-benefit analysis (mình không dùng tiếng việt vì chưa tìm được ra cách dịch hợp lý) Cơ bản nó là một phân tích đánh giá về hai mặt là phần được và mất của một vấn đề nào đó từ đó ta có thể quyết định xem rằng việc làm đó có nên được thực hiện hay không.
Giờ hãy phân tích một cost-benefit analysis cụ thể để xem rằng liệu việc làm theo chủ nghĩa vị lợi dưới dạng một cost-benefit analysis có thể chấp nhận hay không.
Vào năm 2001 Philip Morris, một công ty sản xuất thuốc lá đã thực hiện một cost-benefit analysis lên việc lợi ích mà chính phụ nhận được và phần mất mà chính phủ phải chịu khi cho công dân Séc hút thuốc. Và kết quả thật bất ngờ khi việc cho công dân Séc hút thuốc sẽ làm cho chính phủ được nhận nhiều lợi ích hơn.
Họ đã thực hiện phân tích này như thế nào? Đầu tiên, họ xét đến phần mất. Việc cho người dân Séc có những tác động không tích cực đến tài chính công của chính phủ Séc cụ thể là do chi phí chăm sóc sức khỏe cho những người mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc lá ngày càng tăng. Còn phần được bao gồm các khoản thu thuế khác nhau mà chính phủ thu được từ việc bán các sản phẩm thuốc lá, cùng với việc tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe do mọi người chết sớm hơn, tiết kiệm chi phí lương hưu (do không phải trả lương hưu cho những người qua đời sớm) và giảm chi phí nhà ở cho người già.
Nguồn ảnh: https://www.theodysseyonline.com/the-price-of-life-eric-garner-settlement
Nguồn ảnh: https://www.theodysseyonline.com/the-price-of-life-eric-garner-settlement
Khi tổng hợp tất cả các chi phí và lợi ích, nghiên cứu của Philip Morris đã chỉ ra rằng Cộng hòa Séc thu được lợi ích tài chính công ròng là 147 triệu đô la. Ngoài ra, nhờ tiết kiệm được chi phí nhà ở, chăm sóc sức khỏe và lương hưu, chính phủ còn hưởng lợi từ việc này với số tiền tiết kiệm được lên đến hơn 1227 đô la cho mỗi người qua đời sớm do hút thuốc lá.
Bạn thấy sao về phân tích này? Giả sử mọi số liệu là khách quan và không có sự nhúng tay của công ty bán thuốc lá. Kể cả như vậy, ta cũng có thể thấy rằng phân tích này đang rất thiếu. Nó đã bỏ qua những tổn thất về tâm lý và tinh thần do những người mất đi gây ra cho gia đình cũng như đã không tính đến tiềm năng đóng góp của họ cho xã hội thứ mà vốn dĩ đã rất khó để gắn cho nó một giá tiền cụ thể. Quan trọng nhất nó đã biến con người thành một loại "công cụ". Và đến cuối cùng, Philip Morris cũng đã bị báo chí chỉ trích và đã phải đưa ra lời xin lỗi về hành động của họ.
Như vậy, hiện tại ta có thể chấp nhận rằng việc gán một giá tiền cho một mạng sống là không hợp lý. Từ đây ta cũng có thể nói ra một vấn đề về chủ nghĩa vị lợi là rằng nó đã bỏ qua và cho rằng một lợi ích của nhóm thiểu số không thể nào bằng được một lợi ích cho nhóm đông. Ta có thể lấy thêm một ví dụ cho việc này rằng nếu theo chủ nghĩa vị lợi: Nếu có một cuộc bạo loạn sắp xảy ra và có thể khiến hàng nghìn người chết có thể được ngăn chặn bằng cách buộc tội một người vô tội và đưa ra thật nhiều hình phạt nặng để răn đe và ngăn chặn là đúng đắn nhưng trên thực tế việc này có vẻ lại đang trái với đạo đức.
Nhưng nếu ta đảo lại vấn đề. Vẫn theo thuyết vị lợi, hành động đúng là hành động tạo ra lợi ích tối đa và thiệt hại tối thiểu cho tất cả mọi người. Ta có thể nhận ra rằng chính bản chất từ việc ta không đồng tình với phân tích của Philip Morris, với việc buộc tội một người để ngăn chặn một cuộc bạo loạn lớn và việc ta không đồng tình khi coi con người như một loại công cụ là sai có phải là do cái phần mất khi ta đồng tình với những điều trên là quá lớn không là quá lớn không?

III. Ích kỷ

Từ cả hai mục trên, có thể thấy rằng trong lập luận của ta trong mỗi trường hợp khác nhau đang có vẻ không thống nhất và mâu thuẫn với nhau. Điều gì dẫn tới những lập luận như vậy?
Đầu tiên, bạn định nghĩa thế nào về ích kỷ và như thế nào được gọi là một việc làm ích kỷ?
Nguồn ảnh: https://fisher.osu.edu/blogs/leadreadtoday/blog/a-selfish-leader-is-the-product-of-traits-and-situation
Nguồn ảnh: https://fisher.osu.edu/blogs/leadreadtoday/blog/a-selfish-leader-is-the-product-of-traits-and-situation
Ở trong khuôn khổ của bài viết này, tôi sẽ định nghĩa ích kỷ (của một người, hành động hoặc động cơ) là việc thiếu quan tâm đến những người khác và tập trung quá mức vào lợi ích của riêng mình. Từ đó ta có thể đưa ra một định nghĩa cho một việc làm ích kỷ sẽ là một việc làm bắt nguồn hoàn toàn từ lợi ích cá nhân.
Quay lại vấn đề xe đẩy, ta có thể thấy rằng dù ở trong cả hai trường hợp, việc bạn chọn rẽ trái để giết một cứu năm hay kể cả việc bạn rẽ phải để giết năm người và để một người sống hay việc bạn có đẩy người đàn ông to béo xuống cầu hoặc cả việc bạn có nhảy xuống hay không đều xuất phát từ sự ích kỷ và chính lựa chọn của bạn, dù theo bên nào cũng đều mang lại cho bạn lợi ích lớn nhất trong khoản bạn có thể nhận ra. Tức là ta không tính tới những lợi ích sau này của các lựa chọn khác nếu tại thời điểm bạn quyết định, bạn không hề nhận ra nó.
Lấy ví dụ, giả sử bạn chọn giết năm người vì bất kì lý do nào, ta đều có thể thấy rằng trong chính tư duy của bạn, bạn đã ngầm quyết định rằng việc giết năm người sẽ tốt hơn đối với bạn. Nó có thể bao gồm quan điểm cá nhân, cảm xúc, sự khó khăn khi quyết định, . . . cũng như những gì bạn sẽ phải nhận nếu bạn đi ngược lại những điều trên. Hay nói cách khác thứ bạn đang xét đến sẽ là bạn nhận lại được gì từ hành động đó và tránh được gì từ hành động đấy.
Sẽ hơi trừu tượng khi nói như vậy. Bây giờ hãy đảo lại rằng giả sử bạn đang đứng về phía giết một cứu năm ở trong vấn đề xe đẩy (trường hợp bạn điều khiển phương tiện), nếu bạn đi ngược lại với tư duy của bạn (giả sử bạn đã chọn giết một để cứu 5) và bạn chọn giết năm người bạn sẽ nhận lại là gì? Có thể liệt ra một số điều sẽ được nhận lại như sau: Sự đau khổ khi làm trái đạo đức cá nhân, nhận được sự lên án của xã hội, cảm thấy dày vò, . . . . và khi thấy những hậu quả này (hoặc không do nó đã được định sẵn trong vô thức) chính hành động của bạn, bất luận theo hướng nào, bạn đã phải xét đến những khả năng bạn sẽ nhận được và từ đó, một cách ích kỷ chọn bên nào sẽ nhận lại về cho mình nhiều lợi ích hơn, việc đó bao gồm cả những thứ phi vật chất như là cảm xúc, lương tâm, áp lực từ bên ngoài, . . . . Việc phân tích này sẽ luôn được thực hiện dù cho bạn có nhận ra nó hay không. Cũng có thể xét đến tình huống hai khi bạn đang ở trên vách đá với ông béo và bạn quyết định nhảy xuống để chặn lại đoàn tàu. Với hành động đó bạn cũng đã xét đến lợi ích mà bạn nhận được (ở đây chính là sự hạnh phúc) cũng như lợi ích mà xã hội nhận được khi bạn quyết định làm việc đó. Bởi lẽ, nếu như bạn nhảy xuống và bị đoàn tàu cán qua trong khi đó năm người công nhân làm việc vẫn chết thì những lợi ích trước đó tôi đã liệt kê sẽ mất đi (kể cả cảm giác vui sướng khi được làm "anh hùng") và bạn sẽ không nhảy nữa phải không?
Một ví dụ khác có thể đưa ra về vấn đề này khi mà hành động được coi là vì lợi ích chung nhưng thực tế vẫn là xuất phát từ lợi ích cá nhân: Từ thiện.
Nguồn ảnh: https://womenwhocycle.com/benefits-of-volunteering/
Nguồn ảnh: https://womenwhocycle.com/benefits-of-volunteering/
Được rồi, tôi sẽ không bàn đến những người mà từ đầu họ biết rằng việc họ từ thiện là cho mục đích cá nhân của mình như được tán dương, bạn bè quý mến, . . . Hãy nói đến những người từ thiện vì họ cảm thấy rằng việc từ thiện để giúp những người khó khăn hơn là việc làm hợp với đạo đức và rằng việc họ không muốn người khác chịu khổ cũng như việc muốn những người có hoàn cảnh khó khăn được một cuộc sống tốt hơn và những lí do khác để họ từ thiện.(hay nói là họ không nhìn việc từ thiện là một việc ích kỷ)
Bây giờ hãy xuất phát từ câu hỏi đơn giản nhất, nếu bạn muốn từ thiện (không kể lí do), không ai bắt ép bạn, không một sự trừng phạt hay bất kì lợi ích nào bạn sẽ mất đi khi bạn làm từ thiện cũng như bạn không làm từ thiện thì liêu bạn có làm không? Tôi dám chắc rằng câu trả lời của đa số mọi người sẽ là có. Tại sao lại không làm một điều mình thích chứ nhỉ? Bây giờ hãy đảo ngược lại câu hỏi đấy và thay vì bạn muốn thành bạn không muốn làm từ thiện thì cái ta có thể nhận ra ngay lập tức ở đây rằng việc bạn có làm hay không làm thực chất đang dựa trên chính cái mong muốn của bạn. Giờ hãy mở rộng nó ra, nếu bây giờ có những yếu tố tác động từ bên ngoài vào, việc chọn có hay không làm của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Giả dụ là một người nào đó có chức quyền bắt bạn làm/ không làm và nó khiến bạn làm ngược lại với việc mong muốn/không mong muốn từ thiện của mình thì giờ hãy xét đến việc tại sao tác động của người đó lại làm bạn thay đổi quyết định? Ro ràng là do nếu bạn làm ngược lại với mong muốn của người đó, bạn sẽ nhận lại những hậu quả và những hậu quả đó đã chiến thắng những điều bạn nhận lại được khi bạn làm theo ý của mình. Hay nói cách khác, dù có hay không những yếu tố từ bên ngoài, những quyết định của một cá nhân vẫn phụ thuộc vào việc nó có đem lại những gì cho cá nhân đó.
Quay trở lại về vấn đề của chủ nghĩa vị lợi, nó đã bỏ qua và cho rằng một lợi ích của nhóm thiểu số không thể nào bằng được một lợi ích cho nhóm đông. Tại sao ta lại không đồng tình khi bỏ đi lợi ích của một nhóm thiểu số?
Dễ thấy, ở trong cả hai ví dụ về phân tích của Philip Morris và ví dụ về việc buộc tội một người để chặn một cuộc bảo loạn, nó đã trực tiếp tước đi quyền con người của bộ phận thiểu số và gắn một định giá cho việc tước đi đó để đổi lại sự vui sướng cho một bộ phận lớn hơn. Việc cho phép một hành động như tước bỏ quyền được sống, . . . . thường được coi là trái với đạo đức như những ví dụ trên được sự đồng thuận bởi chúng ta bởi lẽ, cái giá phải trả khi cho phép những hành động ấy được diễn ra chính là ta đang tự đe dọa đến những quyền cơ bản của chính bản thân mình thứ mà trong tất cả trường hợp phân tích về ích kỷ cá nhân sẽ được coi là vô giá. Việc cái hậu quả đấy cũng có kết quả gián tiếp kể cả khi ta đưa ra những quyết định như vậy và bằng cách nào đó không phạm đến những quyền cá nhân của chính mình thì cũng không có gì có thể đảm bảo đến việc nó sẽ không ảnh hưởng tới những cá nhân khác và từ những ảnh hưởng đấy, như một hậu quả không thể tránh khỏi sẽ gây ra những mất mát lớn cho xã hội và từ đấy gián tiếp ảnh hưởng đến những lợi ích của chính cá nhân mình.
Đâu mới là hành động đúng đắn?
Đây là một câu hỏi rất khó để trả lời. Nhưng trong khuôn khổ của bài viết này, ta có thể tạm coi rằng việc ích kỷ vốn là một hành động đúng bởi nó chính là bản chất của con người, trong mọi suy nghĩ và hành động, ta đều xét đến những phần được và phần mất của hành động ấy qua nhiều cách khác nhau cũng như nhiều vỏ bọc khác nhau như mong muốn, hạnh phúc và xã hội vẫn hoạt động rất tốt và đang phát triển dù dựa theo hướng đó (kể từ thời đồ đá, loài người chịu hợp tác với nhau cũng vốn là để bảo vệ sự sống và hạnh phúc cho mình) có vẻ là sẽ không có gì sai khi chính bản thân mình là một người ích kỷ.
Tuy nhiên, ích kỷ sao cho đúng lại là một vấn đề khó. Ta có thể nói trứng rán là một món ngon nhưng không có nghĩa là ai cũng có thể làm nó ngon. Ta cũng có thể thấy rằng từ những ví dụ trên, những trường hợp ta cho rằng nó là một hành động đúng đắn thực chất chính là những hành động mang lại nhiều lợi ích nhất cho cá nhân đấy. Và trong hầu hết trường hợp, hành động đấy chính là những hành động đóng góp chung cho xã hội như từ thiện, những hành động mang tính nhân đạo như việc ta phản đối những phân tích cost-benefit vô nhân đạo.
Việc làm đúng chính là trở nên ích kỷ. Và cách để ích kỷ tốt nhất và đúng với đạo đức nhất là đóng góp cho xã hội chung, hướng tới những lợi ích chung.

IV. Tham khảo

Act and Rule Utilitarianism - Internet encyclopedia of philosophy
p/s: Đây là bài viết đầu tiên của mình trên spiderum cũng như mình mới chỉ là một học sinh lớp 10 nên sẽ có nhiều sai sót, mong mọi người thông cảm. Have a good day!