Đâu Là Lúc Bạn Nên Cân Nhắc Từ Bỏ Công Việc Hiện Tại? (Phần 2)
Mình mong rằng 2 phần của bài viết này có thể giúp bạn phần nào có thêm động lực và phương hướng để cân nhắc khi nào nên từ bỏ công việc hiện tại.
Vậy như thế nào là công việc không đúng với thiên hướng tính cách?
Trắc nghiệm tính cách MBTI (Myers-Briggs Type Indication) là một bài test giúp bạn xác định được đâu là thiên hướng tính cách của bản thân trong số 16 loại thiên hướng phổ biến (bạn có thể thử bài test tại đây. Cá nhân mình thấy kết quả bài test này phần nào giúp mình hiểu thêm về bản thân. Tuy nhiên, vấn đề với những bài test kiểu như này là: vì số lượng câu hỏi và đáp án thì có hạn, trong khi số người tham gia trải nghiệm thì quá lớn nên phần lớn kết quả được đưa ra dường như quá chung chung và không được triển khai trong một ngữ cảnh cụ thể. Việc bạn cần làm là từ kết quả bài test kết hợp với sự tự nhận thức của bản thân để đánh giá mức độ tương đồng giữa thiên hướng tính cách và bản chất của công việc hiện tại. Hiểu một cách đơn giản, nếu các đặc điểm trong thiên hướng tính cách của bạn chống nhiều hơn là thuận với phần lớn đặc điểm công việc thì khả năng cao đây không phải là công việc dành cho bạn (đặc biệt về khía cạnh tâm lý) dù bạn có chày cối theo đuổi như thế nào đi chăng nữa. Ví dụ như bản thân mình:
- Mình có khả năng giao tiếp một cách bình thường, lưu loát và tự tin trong công việc. Tuy nhiên mình không có khả năng nói chuyện “lịch sự” và thảo mai liên tục trong thời gian dài. Nhưng mà Account thì ngày nào chả phải nói chuyện với Client.
- Mình cảm thấy thoải mái và tự tin nhất khi tự bản thân mình có thể độc lập hoàn thành công việc (cả về mặt kết quả và thời gian) trong khi không ít đầu việc hàng ngày của Account phải phụ thuộc rất nhiều vào các bên (Creative, Suppliers, Clients, v.v). Rất nhiều lần mình cảm thấy bất lực vì không thể làm gì khác ngoài việc đợi phản hồi mặc dù mọi thứ đã được well – briefed. Nói cách khác, mình có thiên hướng chịu kiểm soát theo chiều dọc (từ trên xuống) thay vì theo chiều ngang (từ nhiều phía khác nhau).
- Account là người phải chịu trách nhiệm giải quyết tất cả các phát sinh, thay đổi hoặc sự cố không theo kế hoạch trong khi mình cực kỳ khó chịu khi phải có bổn phận nhận lỗi và viện lý do cho những vấn đề do người khác gây ra, tất nhiên không bao gồm các trường hợp do yếu tố khách quan.
- Công việc của Account thiên về quản lý nhân sự, để cả team cùng làm ra kết quả cuối cùng trong khi bản thân mình hướng tới việc trở thành người có khả năng và kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực nhất định.
- Về định hướng lâu dài, mình muốn trở thành người truyền đạt kỹ năng hơn là vận hành toàn bộ hệ thống.
Rõ ràng phần lớn đặc điểm trong thiên hướng tính cách của mình đều ngược lại với công việc hằng ngày của một Account. Nếu không đào sâu tìm hiểu chính mình, chúng ta sẽ liên tục mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực về năng lực bản thân và cảm thấy bất mãn với công việc hiện tại, mà quên mất việc khám phá những tiềm năng vốn có khác. Thật ấu trĩ nếu bạn không ngừng cảm thấy phiền não và cho rằng bản thân thật vô dụng khi bạn không thể bay được như chim và lặn sâu như cá. Có bao giờ bạn tự hỏi liệu chúng có khả năng ngủ liên tục 12 tiếng như bạn?
d) Bạn có THÀNH THẬT về mặt cảm xúc đối với công việc hiện tại?
Cảm thấy cực kỳ áp lực mỗi khi được hỏi về cảm xúc bạn có đối với công việc hiện tại là dấu hiệu bạn đang tự lừa dối chính mình (emotional dishonesty). Nỗi sợ thất nghiệp và cảm giác thua kém bạn bè khiến mình không dám thừa nhận rằng bản thân không hề thích công việc Account một chút nào. Sau khi nghỉ ở công ty cũ, mỗi lần đi phỏng vấn mình đều phải cố giả vờ nói ra những điều mà một đứa muốn làm Account sẽ nói, đại loại như: “Em thích tiếp xúc với nhiều khách hàng để học hỏi thêm về nhiều ngành hàng khác nhau” hoặc “Em muốn được thử sức ở một môi trường chuyên nghiệp nơi em có thể được tự tay làm nhiều dự án lớn”, bla bla. Trong khi thực tế, khoảng thời gian mình bỏ ra để cảm thấy bất mãn với việc tại sao mình phải gọi hối Client cái này cái kia thường xuyên chiếm quá nửa ngày làm việc. Trước mặt nhà tuyển dụng hèn là thế, đối với những người thân thiết cũng chẳng khá hơn là bao. Đến cả những đứa bạn thân nhất mình cũng không dám kể thật cảm xúc đối với thứ mình đang làm. Trong mắt bạn bè, mình luôn tỏ ra là một đứa rất hài lòng với công việc hiện tại. Vì sĩ diện nên mỗi khi nhìn thấy người này người kia có được những thành tựu nhất định, mình lại quay ra tự huyễn hoặc bản thân về sự đam mê nghề nghiệp tưởng tượng mà mình tự nghĩ ra để che dấu đi cái sự thua kém và ganh tị của mình. Sự đam mê nghề nghiệp hư cấu ấy được mình dùng để hạ thấp bất kỳ ai có thành tựu hơn mình, rằng: “Nhìn thì cũng hay đấy, nhưng chắc gì chúng nó đã được làm đúng đam mê như mình”. Mọi thứ cứ thế tiếp diễn cho đến khi tính chất khắc nghiệt của công việc đánh gục mình hoàn toàn. Chỉ một suy nghĩ cực kỳ nhỏ liên quan đến công việc thôi cũng khiến mình cảm thấy kiệt quệ vô cùng cực về mặt tinh thần. Kết quả là mình chẳng thể diễn tiếp vai người Account yêu nghề nữa.
e) Cảm xúc với công việc của bạn có tốt hơn sau khi đổi môi trường làm việc không?
Nếu làm ở môi trường A và bạn cảm thấy không ổn, có khả năng môi trường A không hợp với bạn thật. Nhưng một khi đã trải qua nhiều môi trường mà cảm xúc với công việc của bạn không có dấu hiệu thay đổi theo chiều hướng tích cực thì có vẻ vấn đề nằm ở bản thân bạn – cụ thể hơn là mối quan hệ giữa bạn và công việc hiện tại. Chúng ta thường rất hay nhầm lẫn giữa môi trường làm việc và bản chất công việc, đặc biệt đối với những công việc lao động trí óc. Khác với các công việc lao động tay chân, có rất nhiều đầu việc của các công việc lao động trí óc không được thể hiện dưới dạng hàng động cụ thể mà mắt thường có thể quan sát được. Điều đó lý giải tại sao mỗi khi xảy ra vấn đề, chúng ta thường có xu hướng thay đổi môi trường làm việc thay vì cân nhắc chuyển đổi công việc. Ắt hẳn không ít người trong số chúng ta đều năm lần bảy lượt đổi công ty, để rồi cuối cùng lại cảm thấy tiếc nuối những giây phút ở môi trường cũ. Đã đến lúc bạn nên nhận ra thay đổi môi trường làm việc không phải là cách giải quyết vấn đề.
Trên đây là năm câu hỏi mà qua trải nghiệm cá nhân của mình, có thể giúp bạn phần nào xác định được việc đi hay ở. Nếu bạn đã hai năm rõ mười về việc bản thân có phù hợp với công việc hiện tại hay không, thì lời khuyên của mình là bạn nên cân nhắc dừng lại sớm nhất có thể vì những lý do sau đây:
III. Tại sao bạn nên sớm từ bỏ công việc không phù hợp?
Trước hết chúng ta cùng đi qua một số hệ quả của việc chạy theo thứ không dành cho bạn. Từ đó bạn sẽ nhận thức đầy đủ hơn về các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ quyết định “yêu nghề” của mình.
a) Hệ quả khi phải cố gắng theo đuổi công việc không phù hợp
Đối với bản thân: Như có đề cập ở trên, việc không dành thời gian tìm hiểu công việc một cách nghiêm túc trước khi bắt đầu sẽ khiến bạn thiếu các kiến thức và kỹ năng cần thiết cũng như một thái độ thích hợp khi làm việc. Khi đó, công việc bị dồn cục lại là điều đương nhiên do bạn không đủ khả năng xử lý. Việc cố đấm ăn xôi khiến bạn phải dành ra nhiều thời gian hơn người khác để có thể hoàn thành công việc hàng ngày. Chưa kể việc bạn luôn ở trong tâm trạng bất mãn và không ngừng tự hỏi bản thân tại sao bạn phải làm những việc này mặc cho đó là những đầu việc tất yếu của công việc bạn chọn. Chính sự bất mãn này cũng là nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy kiệt sức và muốn được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể thay vì dành thời gian để học hỏi và cải thiện bản thân (cho dù thực tế bạn không làm gì quá vất vả cả). Bạn không ngừng so sánh quỹ thời gian nghỉ ngơi của bạn với những người xung quanh và luôn kiếm lý do để hợp lý hóa việc bạn muốn được nghỉ ngơi nhiều hơn, hoặc ít nhất là bằng với họ, kể cả khi tính chất công việc là hoàn toàn khác nhau.
Đối với đồng nghiệp và khách hàng: Tùy vào tính chất công việc mà bạn có thể sẽ cần làm việc với một hoặc cả hai bên. Nhưng tuyệt nhiên không bên nào có nhu cầu được bạn “san sẻ” thêm công việc cả. Còn gì bất lực và xấu hổ hơn việc dù bạn đã cố gắng hết sức nhưng (nhiều) người khác vẫn phải liên tục bu lại phụ “gánh” phần việc của bạn. Họ cảm thấy bất mãn với việc phải có trách nhiệm giúp bạn nhưng lại không đủ xấu tính để trút hết sự bức bối đó lên đầu bạn (vì họ biết sức bạn chỉ có đến thế). Để rồi tất cả mọi người đều ngán ngẩm khi nghe đến tên bạn và không ai muốn làm việc chung với bạn. Họ thầm ước rằng bạn là một đứa lười nhác và luôn tìm mọi cách để đùn đẩy công việc cho họ một cách cố ý vì thà như vậy họ còn có thể ghét bạn một cách thoải mái.
b) Tại sao bạn nên sớm từ bỏ công việc không phù hợp:
Thật may mắn nếu bạn có khả năng làm tốt nhiều thứ, kể cả những công việc không phù hợp và mức lương bạn nhận được cũng xứng đáng với sự chịu đựng bạn bỏ ra mỗi ngày. Nhưng sẽ thế nào nếu một ngày bạn phát ngán đến tận cổ thứ bạn đang làm nhưng chợt nhận ra có quá nhiều điều kìm hãm việc bạn có thể bắt đầu một công việc khác? Dường như chúng ta đang sống trong một xã hội nơi mà mọi người tập trung nhìn vào những sự bất toàn ở thời điểm hiện tại như là kết quả của quá khứ hơn là động lực hành động cho tương lai. Cộng thêm việc chúng ta được vạch sẵn ra phải làm được gì ở mỗi mốc độ tuổi khiến cho việc từ bỏ được xem như một thất bại. Chính điều đó khiến ta cứ ôm khư khư lấy những gì chúng ta đang có, kể cả những điều không phù hợp. Ta sợ phải thừa nhận những cố gắng và nỗ lực trước giờ bỏ ra là vô nghĩa. Ta sợ phải bắt đầu lại từ đầu khi ở cái tuổi đáng ra ta phải làm ông này bà nọ và sở hữu thứ này thứ kia. Cứ cho rằng đó là lỗi của chúng ta khi từ ban đầu không biết được một công việc phù hợp với bản thân là như thế nào. Nhưng chúng ta vẫn có quyền hành động để có một tương lai tốt đẹp hơn thay vì ngày nào cũng chịu đựng cảm giác bất mãn với công việc. Mình có một chị bạn sinh năm 1994, vừa nhận được offer từ AnyMind Group. Khi còn làm việc tại Agency cũ, chị tâm sự rằng chị thấy quá ngán ngẩm với việc đi hầu khách hàng. Nhưng chị lại không dám bắt đầu một công việc khác vì lý do bây giờ đâu còn trẻ trung gì nữa. Nếu bây giờ bắt đầu công việc mới thì đến bao giờ mới "thành công". Chưa kể đến việc mức lương mới sẽ không thể nào bằng với hiện tại (chị đang làm cấp Manager). Nghĩ đến đây chị lại tặc lưỡi tiếp tục quay lại với công việc Account.
IV. Tạm Kết
Trên đây là những trải nghiệm mình có được sau khoảng thời gian theo đuổi nghề Account. Một năm hơn rõ ràng chẳng thấm vào đâu để có thể đưa ra được những nhận xét to lớn. Nhưng mình hy vọng đâu đó những suy nghĩ và trải nghiệm của mình có thể đem lại một giá trị nho nhỏ cho bạn trong quyết định công việc của bản thân. Nếu bạn chưa may mắn kiếm được công việc phù hợp thì cũng không cần phải quá tiếc nuối vì không phải ai cũng may mắn chọn được công việc phù hợp ngay từ lần thử đầu tiên. Hãy cứ trải nghiệm để biết mình thích gì và cái gì không phù hợp với bản thân. Biết thêm được một thứ mình ghét sẽ tăng cơ hội bắt gặp được thứ mình thích. Không ai có thể bắt ta phải theo đuổi mãi một công việc không dành cho mình ngoại trừ chính bản thân chúng ta. Hãy cố gắng hết mình cho bất kỳ công việc nào bạn muốn – từ giai đoạn trước khi bắt tay vào làm - để khi nhận ra công việc không phù hợp, bạn có đủ sự dũng cảm để buông bỏ và bắt đầu những chuyến hành trình khác.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất