"Về sớm nghe con, 2 năm vừa đây về muộn rồi mày ở nhà có mấy..."
Cả năm lao ra với dòng đời xô bồ, chắc ai rồi cũng chỉ yêu nhất những ngày cuối năm. Những ngày lao vào hoàn tất những công việc còn dở dang, bàn tán xôn xao ngày nào nghỉ tết, ngày nào về quê. Dân văn phòng thì xào xáo thưởng tết bao nhiêu. Một năm dài đằng đẵng cũng đã chạy về gần tới đích. Mình thì chỉ nhớ, nhớ phong vị tết cổ truyền.
Ngày bé, mình thích nhất ngày tiễn ông Táo. Ngày đó, nhà mình sẽ luôn bận bịu bán mật mía, thức mật màu đen pha nâu, đặc quánh. Mẹ mình nói ngày này phải nấu chè mật để cho ông táo ăn, ông táo khi lên chầu sẽ chỉ nói những lời đường mật. Mình thì chẳng rõ có đúng không, và cũng chẳng quan tâm lắm khi thế giới của mình chỉ xoay quanh hơn chục can mật mẹ với bố đi chở về, để sẵn từ những ngày 15 tháng chạp. Nếu không đi học, mình sẽ ngồi võng ngay cổng, ngóng người tới mua mật nấu cháo. Để làm gì? Để mình có thể xách chiếc muỗng tới xin mẹ uống 1 thìa, và tiện thể liếm mấy giọt rơi rớt ra thành can. Ngày đó, mật mía là món cao lương mĩ vị với mình.
Sáng ngày 23, mẹ thường sẽ đi chợ sớm nên chè sẽ được nấu từ tối hôm trước. Những năm lớn hơn một chút, mình phụ mẹ nấu chè cũng ông Táo để mẹ rảnh rang hơn đi "giành chỗ" bán tốt ngoài chợ. Cũng đã 5-6 năm kể từ lần cuối mình nấu, ký ức trong mình giờ không còn quá rõ ràng. Mình chỉ nhớ nấu rất dễ, chỉ cần sẵn gạo nếp cái hoa vàng mẹ trồng vụ mùa, xay xát để sẵn là mình vò rồi cho vào nồi, với nước, với gừng, nấu sôi rồi chờ đổ mật vào nữa là hết. Cả năm không phải lúc nào cũng có mật mía, nên ngày này mình sẽ luôn để lại 2 bát, 1 bát cho mẹ và 1 bát cho mình, rồi canh hương tàn để đánh chén hết mấy bát cúng ông Táo. Nhiều năm sau, thời thế đổi thay, mức sống cũng cao hơn, không ai quá thèm khát món đó. Mình cũng không còn mon men đi xin mật uống, cũng không đánh chén 1 lần hết cả 4-5 bát chè nữa. Nhưng mà, cảm xúc mỗi lần mình nghĩ đến khoảnh khắc ấy, vẫn luôn nằm trong lòng mình.
Nhà mình truyền thống chạy chợ Tết. Đại loại là mùa này thượng vàng hạ cám, món gì miễn bán Tết được là sẽ bán. Từ những năm chưa có mình, bố mẹ bán miến, bán cau trầu, bán rượu. Tới khi mình hiểu chuyện thì cùng mẹ cùng dì bán rau củ mua tuốt tận thành phố Thanh Hóa về bán. Cứ tầm 9h tối, 2 người phụ nữ dẫn 2 chiếc xe đạp đi tuốt vào vùng trời lạnh buốt, tối đen. Tầm 2 rưỡi sáng, mẹ và dì sẽ dẫn xe hàng về chợ. Chiếc xe đạp cong nghểnh ra sau, nặng trịch với những hành lá, khoai tây, cải bắp, cà rốt,...và cao gấp đôi người. Những ngày đó chợ chưa chia khu, mạnh ai tới sớm sẽ giành được chỗ đẹp. Mình ra giữ chỗ trước cho mẹ, chỗ chẳng được rộng rãi vì mình thân bé, mấy cô tới sau cứ chiếm bớt dần dần. Thấm thoát cũng qua vài lần tết như vậy thì mấy người buôn biết mánh, dần dần đồ nông sản được ô tô chở hẳn tới cổng chợ. Nhà mình nghỉ bán nông sản, chuyển sang bán lạt gói bánh và lá dong. Mấy chiếc lá nếp, lá tẻ, gói bánh chưng vuông vức và thơm thoang thoảng hương suối rừng. Thường thì cây dong chỉ mọc trên mạn Bá Thước, khu rừng gần biên giới với Lào. Thế nên từ khoảng 20 tháng chạp, nhà cậu, nhà dì sẽ đi xe máy lên đó thu gom lá dong người dân tộc gùi ra chợ bán, rồi gom chở về, chiếc xe máy kéo theo càng sau chất lá dong cao ngất cùng mấy chục ống cây giang về cho mẹ mình chẻ lạt. Ống giang không được già quá vì sẽ dễ giòn dễ gãy, cũng không được non quá vì mỏng và dễ đứt. Lạt bánh tẻ là từ ống giang như thế, ánh đèn neon mờ mờ, tay mẹ mình vẫn thoăn thoát tước mớm từng cột, để mình lựa theo dấu tước tiếp cho hết ống giang. Đợt cao điểm nhất, hai mẹ con mình ngồi làm từ 5h chiều tới tận mờ sáng rồi đi chợ luôn. Lá dong mua về cũng cần được nhặt và bó lại. Chiếc lá cũng không được quá già hay quá ngon, không quá lớn và thon thon hình thoi là đạt chuẩn. Giờ nhìn lại, hoá ra lần cuối cùng mình cùng mẹ chẻ lạt đã cách cả 4-5 năm.
Dù tới hiện tại nhà mình đã không còn bươn chải khắp nơi kiếm hàng về bán, nhưng mẹ nói chuyện chạy chợ nó đã vận vào người. Nếu bỏ đi, mẹ sẽ thấy thiếu thiếu. Chưa kể đến việc ra chợ gặp hàng xóm, tán gẫu với nhau chuyện quanh xã trong ngày cũng giúp mẹ vui hơn, thay vì chỉ ở nhà quẩn quanh vườn tược và đàn gà. Tết những năm gần đây vẫn thế, mình đi về thi thoảng cũng sẽ đảo ra chợ ngồi chơi với mẹ, hoặc trông hàng để mẹ có thời gian sắm sửa bánh kẹo, mứt hay hạt hướng dương. Khoảng tầm 28 tết nhà mình sẽ bắt đầu mua cúc. Những buổi chiều rảnh rỗi mình phụ mẹ dọn dẹp bàn thờ gia tiên trước, để tới mấy ngày cận chỉ còn lo cắm hoa, xếp mâm ngũ quả và bánh kẹo nữa là hoàn thành. Chỗ mình chuộng cúc vàng, bông lớn, nếu nhớ không nhầm thì là bông vạn thọ. Năm nào cũng tương tự, nên mình thuộc làu bàn nào cần cắm hoa gì, quả gì, xếp bao nhiêu cái chén, hương vàng xếp thế nào. Mình không học, cũng không ham về tín ngưỡng. Chỉ là, mình cảm thấy, chính những điều đó, cũng đang thổi hồn vào phong vị Tết cổ truyền.
Cũng tầm này, nhà mình gói bánh chưng. Chiếc bánh chưng nhà mình không giống trong mấy hình quảng cáo - gói bằng khuôn và dùng 4 lá. Nhà mình, từ thời ông nội, chỉ chọn gói bánh chưng bằng tay, gói 2 lá và thúc bánh trước lẫn sau khi luộc xong. Ngày nhỏ lúc ngồi nặn nhân đậu cho mẹ gói, mình đã thuộc lòng lời của mẹ, cũng là lời ông nội: gói chiếc bánh phải vuông, phải đứng và thúc bánh liên tục. Nếu không bánh luộc xong sẽ bị dão, bị thấp và nhanh bị chua.
Ngoại trừ việc đi tất bật chuẩn bị chợ thì luộc bánh chưng chính xác là khoảnh khắc toả ra mùi Tết. Thường thì nhà mình gói bánh chưng vào tối 27, rồi đêm 27 sẽ lên bếp luộc luôn. Tiết trời lạnh lạnh, đôi khi lất phất mưa phùn những ngày cuối năm, bếp lửa vẫn bập bùng ngọn thấp ngọn cao. Để bánh chưng được ngon nhất, 4 tiếng đầu tiên luộc lửa luôn phải đều, nước luôn cao hơn bánh và nồi cần kín hơi. Mỗi 30 phút, nước luộc cần được kiểm tra một lần để châm nước. Mình luôn nấu nồi bánh và để một ấm nước bên cạnh, đảm bảo có sẵn nước nóng châm nồi bánh. Tiếng nước sôi lục đục trong nồi, hoà với tiếng lửa lách tách, hoà thêm tiếng dế kêu, tiếng gió mùa đông bắc thổi vi vút quanh vòm lá cây vú sữa trước nhà. Đêm ở quê vẫn luôn thế, từ những ngày điện còn là thứ xa xỉ tới bây giờ quanh đường làng thắp bóng neon sáng trưng, vẫn luôn yên bình và tĩnh lặng. Đun lửa tới khoảng 2h mình sẽ tắt lửa và gom than củi, thêm chút trấu để giữ than hồng lâu hơn. Lúc này bánh sẽ được nghỉ tới tận sáng mai. Mình yên trí đi ngủ vì công việc đã lặp lại đến nỗi khi viết những dòng này, mình còn k tin mình đã làm đúng rắp những điều đó, mỗi năm, trong nhiều năm. Khoảng 8h sáng mình đun lửa 1 lần nữa thêm chừng 3 tiếng, bánh sẽ chín đều, dẻo và xanh. Công đoạn chèn bánh chắc là lúc mệt nhất trong cả chu trình, vì cần bê nặng. Mình xếp bánh thành hàng rồi che ni lông trước khi bê tấm bê tông đè lên rồi đặt thêm 2 thùng nước. Không cẩn thận nước đổ vào bánh thay vì chèn cho bánh ráo nước thì năm đó mất Tết ngay. Chèn nửa buổi là hoàn tất món bánh chưng - món đặc sản ngày Tết.
Nhà mình nhiều bát hương lắm, lần gần nhất mình đếm là đâu đó tới hơn 10 bát hương, tương đương với tiền vàng chia 7, mâm ngũ quả 6 mâm, cau trầu 6 đĩa, cốc chén, nến,...nhưng quan trọng nhất là mâm cơm đêm giao thừa. Mặc dù đúng chỉ làm 1 mâm bàn gia tiên, nhưng vẫn phải có xôi thịt/xôi gà cho những bàn khác. Ngày mình còn bé, bố mình đi làm xa chiều 30 chập choạng tối mới nghe tiếng xe về tới cổng. Mẹ mình lo hết những cái này, chạy chợ xong chạy sửa soạn sao cho kịp mâm cơm cúng tất niên cho ông bà. Những năm đó, lúc giao thừa cũng là lúc mình được ăn cơm tối. Mãi về sau này mọi thứ mới dễ chịu hơn. Mình không còn ngồi góc bếp ôm mèo ngủ gật chờ cơm lẫn chờ giao thừa nữa. Giao thừa của nhà mình ngày càng thảnh thơi hơn, đầm ấm hơn. Vẫn là bố mẹ, mình và chị, ngồi cắn hạt dưa hạt hướng dương, uống ly cafe sữa tươi chị pha ấm nóng trong khí trời lạnh lạnh. Bố mẹ lì xì và chúng mình lì xì lại bố mẹ. Khoảnh khắc bước sang năm mới gần đây đều như thế.
Ở chỗ mình người lớn hay nói: Mùng 1 tết Cha (đằng nội), mùng 2 tết Mẹ (đằng ngoại), mùng 3 Tết thầy (họp lớp). Hồi xưa thì mình làm theo trình tự như thế thật, mà mấy năm gần đây mình đâm lười. Các mùng mình chỉ nằm ở nhà ngủ. Nhóm bạn mình chơi chung tự biết ý ới nếu có tụ họp, rồi tự động bò tới nhà chở mình đi. Cả năm mình không gặp ai, chợt nhận ra nay các anh đã lớn cả, đứa nào cũng cao hơn mình kể cả thằng hồi xưa thấp hơn. Chúng mình đã thay vì câu chuyện trước đây là bỡ ngỡ khi ra thành phố như thế nào, nay đã kể chuyện tương lai ra sao. Ngồi nhâm nhi rượu đào ngày trời mưa râm ran, mấy đứa kể ở Đà Nẵng dạo này ra sao, mấy đứa không biết ngoài biển chiến sự thế nào đâu mà tau không được nói. Cũng những gương mặt ấy, những gương mặt đã đi cùng mình qua bao tháng năm, nay đã có thăng trầm, trải nghiệm, trưởng thành từ trong ánh mắt.
Rồi hết mùng, hết Tết, năm nào cũng vậy, chúng mình lại ra đi, ra đi để tiếp tục viết ước mơ, hoài bão còn dang dở hay chỉ đơn giản là cố gắng chứng minh bản thân có đang tồn tại trong cuộc sống này. Nhưng chúng mình biết, dù đi tới đâu thì ở đây vẫn là nơi yên bình nhất, an toàn nhất. Và dù thất bại hay thành công, nhà vẫn là nơi vững chắc, có người thân ở đó sẵn sàng dang tay đón chúng mình. Ở đó luôn đó tình thương, sự bao dung, sự che chở để tâm hồn chúng mình được chữa lành.
Đầu tháng chạp mẹ mình gọi điện hỏi "Đặt vé chưa con?". Ngày mình chuẩn bị đi, bố xốt sắng gói mấy thang thuốc bổ để mình đem theo, mẹ loay hoay buộc trứng, cột gà, cá thu, mực và hàng chục thức quả miễn nằm trong tầm mắt mẹ.
"Mấy giờ bay con?", "Tí Đẻn chở mẹ đi để Quỳnh nó chở bố", "Anh lấy cái dây kia cột cho chắc kẻo đổ đồ giữa đường", "Cái mũ bảo hiểm mới ở đây mà đâu rồi?", "Xe còn xăng không ấy nhờ?", "Anh đi đổ xăng đi mới cột được đồ đấy tí không mở dây đổ xăng được" và "Hai đứa đi cẩn thận nhớ uống thuốc đấy cười gì mà cười"
Tết với mình, là như thế đấy!
"Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xaThất bát, vang danh, nhà vẫn luôn chờ taĐường về nhà là vào tim ta, dẫu có muôn trùng quaVật đổi sao rời, nhà vẫn luôn là nhà"