Gần nửa đêm, tôi giật mình thức giấc vì tiếng nhạc đấm vào tai. Cả xóm mở điện thoại hỏi nhau xem ai là người mở nhạc giữa đêm.
Thứ âm nhạc đó chỉ là những nhịp đập rất lớn, được thiết kế để gây kích thích trong cơ thể bạn, khiến bạn muốn "chiến đấu", "quẩy" hoặc "đi bão". Và loại bỏ mọi hy vọng có được giấc ngủ ra hồn.
Anh Hai phàn nàn nhạc làm mẹ anh thức dậy, bà lớn tuổi và rất gắt gỏng. Mọi người thảo luận và xác nhận nhạc phát ra từ một quán cà phê cuối đường. Mãi hai mươi phút sau, họ mới tắt nhạc.
Sáng hôm sau tôi qua hỏi chủ quán, sao ông lại mở nhạc ồn ào trong khu dân cư, làm mọi người thức giấc. "World Cup mà!". Ông trả lời, nét mặt như thể việc đó là vô cùng hiển nhiên. Tôi hiểu là ông mở nhạc lớn để thu hút người ta vào quán xem bóng đá.
Tuần rồi, tôi rủ vài bạn đến công viên Lê Văn Tám để trò chuyện. Tôi nghĩ ở trung tâm công viên, xa đường, xa khói thải xe máy, không khí khá là tươi. Lúc đó khoảng 7 giờ tối, mới mưa xong nên ít người, rất yên tĩnh. Chúng tôi bắt đầu thảo luận vui vẻ. Và rồi, nhạc siêu ồn ào tấn công tai cả bọn. Một người đàn ông mang chiếc loa rất to đến công viên, vặn hết cỡ, rất phiền không khí nơi này. Tôi tiến đến, xin ông có thể tắt nhạc một chút không, nhưng ông không chịu. Chúng tôi đành dời đi, đến chỗ xa nhất trong công viên mà vẫn không thể nói chuyện được.
Điều trớ trêu là chủ đề chúng tôi định thảo luận hôm ấy về "Trôi" - khái niệm chỉ ra vì sao xã hội lành  mạnh hơn nếu mọi người hợp tác tốt hơn nơi công cộng. Và những xã hội kém chất lượng là khi công dân khiến nhau mất tập trung hoài.
Không phải chỉ lần này, tôi nhận thấy Việt Nam có vấn đề lớn với tiếng ồn. Đây là một nước ồn ào. Nhiều năm sống ở Sài Gòn, tôi nhận ra ở đây có hai vấn đề mà chính quyền phớt lờ: rác thải và tiếng ồn.
Theo lý thuyết "Ô cửa sổ vỡ" của hai nhà khoa học xã hội James Q. Wilson và George L. Kelling, những cộng đồng sạch sẽ, xinh đẹp, và trật tự có khả năng "miễn dịch" với tội phạm nhiều hơn. Trong khi những cộng đồng bừa bộn, lộn xộn, người dân không tôn trọng cái chung, không bảo vệ nhau, sẽ dễ bị tấn công bởi trộm cắp và người nơi khác đến hơn.
Một vấn đề tôi thấy ở Việt Nam, đó là cái tai của nhau ít khi được tôn trọng. Họ không nghĩ rằng mình mở nhạc, hát to thế thì ảnh hưởng đến ai không, và nhiều người không hề có ý thức về ô nhiễm tiếng ồn. Gần nhà tôi, cứ mỗi tối, tôi có thể nghe tiếng hát karaoke, nhạc, nhậu... tới tận 2, 3 giờ sáng. Đây là khu dân cư đông đúc. Ngoài những người nhậu và hát kia, còn rất nhiều trẻ em, người già, người bệnh cần học bài, làm việc, đọc sách, nghỉ ngơi...
Tôi thấy không ai để tâm rằng tiếng ồn của họ ảnh hưởng đến người khác, làm phiền người khác, gây mất tập trung, mất ngủ, không thể đọc sách hay suy nghĩ gì hết - giống như một đất nước vô luật pháp, vô quy định. Tôi nhớ mấy lần đi leo núi, vài bạn trẻ mang theo loa điện tử, tôi đã nói với họ hãy tắt nhạc đi, tôi từ xa đến khu rừng này không phải để nghe những ồn ào của thành phố. Nhưng họ nhìn như tôi là kẻ khùng, không hiểu ô nhiễm tiếng ồn là gì, không quan tâm đang làm phiền ai.
Làm thế nào để họ hiểu rằng tiếng ồn rất hại cho sức khỏe? Chỉ 85 decibels (dB) - loại nhạc hơi ồn một chút ở các quán cà phê - đã hại cho tai của bạn. Trạng thái yên tĩnh chỉ có 10-20 dB; 30 dB là tiếng thì thầm; tiếng nói chuyện bình thường là 40 dB; động cơ xe hơi, xe máy khoảng 50-80 dB đã gây khó chịu, mệt mỏi; máy cắt cỏ, hút bụi, cắt gỗ có tiếng ồn 85 dB, rất khó chịu; máy bay lúc cất cánh có tiếng ồn 120 - 140 dB, có thể gây tổn thương tâm trí.
Nghiên cứu của Hearsmart, một tổ chức ở Úc tập trung vào tiếng ồn: "Hầu hết các chính phủ điều chỉnh phơi nhiễm tiếng ồn vì lý do an toàn và mức độ tiếp xúc tiếng ồn tối đa được chấp nhận phổ biến nhất là 85 decibel trong tám giờ". Khi nghe nhạc tại quán cà phê ở Việt Nam - một số quán cà phê ồn ào nhất tôi từng gặp trên thế giới - âm thanh được tạo ra có thể đạt mức trên 100 dBA trở lên, đủ lớn để bắt đầu gây thiệt hại vĩnh viễn cho tai chỉ sau 15 phút mỗi ngày.
Ở Nhật, họ có từ "urusai" - nghĩa là ồn ào. Họ dùng từ này để người kia tự ý thức được rằng sự ồn ào đang làm phiền họ một cách lịch sự. Người Nhật cảm thấy hổ thẹn và đáng xấu hổ nếu làm phiền người khác. Còn ở Việt Nam, ta không thể tiến đến mấy người đang hát karaoke, hay lắc lư theo nhạc, không nhìn thấy ai xung quanh hết, và nói "Bạn im đi được không?". Họ sẽ tức giận, thậm chí đánh bạn. Có người Việt Nam nói với tôi: "đành chịu thôi, xưa nay vẫn thế". Và không ai nói gì, cùng chịu đựng. Trẻ con không ngủ được, người già, người ốm không thể nghỉ ngơi. Thực ra, tôi cũng đọc được nhiều bài báo nói về việc đánh nhau, thậm chí giết người vì hát karaoke quá ồn. Nhưng người ta vẫn hát, vẫn mở nhạc to ở khắp nơi.
Ở Anh có một bộ phận gọi là "Chuyên viên sức khoẻ môi trường". Họ kiểm soát tiếng ồn và phiền toái do sự ồn ào gây ra cho người dân, phá vỡ trật tự xã hội. Còn ở đây, tôi thấy không có ai xử lý vấn đề môi trường yên tĩnh cho cộng đồng, nhất là sau một ngày làm việc mệt mỏi. Tôi biết pháp luật Việt Nam cấm gây ồn ào nơi công cộng và quy định rất rõ về mức phạt, không biết những người thi hành pháp luật ấy đi đâu nhỉ?
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)