Đặt câu hỏi?
Thế giới này thực sự phức tạp, ai nói là mọi chuyện đơn giản chỉ là do ta nghĩ quá lên thì tát vào mặt nó Tôi thấy việc đặt câu...
Tôi thấy việc đặt câu hỏi là việc hết sức quan trọng, không muốn nói là quan trọng nhất. Nhiều người thường xem nhẹ điều này và ít khi đặt câu hỏi về mọi thứ khi mà họ dần lớn lên. Tôi cũng vậy. Tôi rất ngại hỏi, từ cấp 2 đến bây giờ, khi có bất cứ khúc mắc nào trong quá trình học tập tôi đều im ỉm tự đi tìm câu trả lời, không tìm được thì hỏi bạn bè thân thiết với một thái độ "ngạo nghễ", tức là dù mày có trả lời được cho tao hay không thì tao cũng đã biết sẵn câu trả lời rồi.
Hồi những năm học cấp 2 cấp 3, tôi rất ghét những đứa mà suốt ngày hỏi bài thầy cô, bảo họ giảng thêm cái này cái nọ. Giờ thì tôi hiểu thêm một chút, cái ánh mắt ghét bỏ đó không còn nữa mà thay vào đó là sự học hỏi. Trên lớp đại học, thường thì vẫn bản tính cũ nên tôi ít khi hỏi, tôi chú ý đến câu hỏi của các bạn khác, xem họ hỏi gì và thầy cô trả lời ra sao thì ghi chép lại. Đó cũng là một cách học tuy nó giới hạn rất nhiều khả năng của bản thân tôi. "Méo mó có hơn không", bản thân đã ít hỏi rồi thì nên bắt đầu từ việc nhìn cách hỏi của người khác để mà học hỏi dần theo là tốt nhất lúc này.
Tôi nghĩ phần lớn người lớn không hỏi hay thắc mắc là vì họ nghĩ họ lớn rồi, họ biết nhiều thứ rồi, trải đời cũng kha khá rồi, không còn là một đứa trẻ ngây thơ nữa và họ sợ bị cười khi hỏi những điều ngớ ngẩn. Tôi nghĩ điều đó là không nên. Tuy nhiên thì nếu không chịu tìm hiểu về vấn đề định hỏi trước khi hỏi thì khả năng cao là bạn sẽ hỏi những câu cực kì ngớ ngẩn mà người ta cười bạn thì cũng khó mà trách họ.
Nên bắt đầu từ việc đặt câu hỏi "nên đặt câu hỏi như thế nào?". Dạo gần đây tôi đọc được một số thứ tri thức mà đối với tôi thực sự mới mẻ và đầy sự khó hiểu, băn khoăn. Càng đọc, biết thêm thì tôi lại càng trở nên nghi hoặc, và trở nên không chắc chắn về mọi thứ, từ đó thì tôi bắt đầu đặt những câu hỏi lớn như kiểu "tôi là ai? mục đích tồn tại của tôi là gì? tư duy và ý thức của tôi bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ và ý thức hệ ra sao? Xã hội này được vận hành như thế nào?..." Các câu hỏi mang tính nhân sinh, mang tầm vũ trụ như vậy không giải quyết được các vấn đề và trục trặc kĩ thuật trong đời sống thường ngày của tôi, nó đơn giản chỉ là những ý nghĩ những sự tự chất vấn ngẫu nhiên, nhất thời và đều là những câu hỏi vô định mà sẽ chẳng có bất cứ câu trả lời nào thỏa mãn hoàn toàn. Nhưng những dạng câu hỏi lớn này nó lớn vì mục đích của nó không phải để giải quyết các vấn đề thường ngày mà trong quá trình suy nghĩ về các câu hỏi, quá trình tự chất vấn, tự xem xét và nhìn lại, tôi phát hiện ra một số khía cạnh trừu tượng khác ở trong tâm trí, trong con người tôi, các câu hỏi lớn kiểu này sẽ như một chuỗi dài vô tận khi câu hỏi này sẽ đẻ thêm câu hỏi khác không ngừng không kết thúc. Trong quá trình đó, tôi biết được rằng mọi thứ tương đối đến nhường nào, ngay cả những hệ quy chiếu tưởng chừng như vững chắc nhất cũng có thể bị bào mòn bởi các yếu tố lịch sử, thời gian, bị cạo nhẵn bởi các chế độ xã hội đương thời, bị làm lung lay lật đổ bởi các hệ quy chiếu khác tiến bộ hơn.
Nhưng chìm đắm vào các câu hỏi lớn sẽ chẳng dẫn bạn đi tới đâu trong cuộc sống thực tế cả. Thực tế ở đây là những thứ bạn thực sự cần làm và kết quả của nó hiển hiện ngay trong thực tại. Các câu hỏi giải quyết các vấn đề kĩ thuật thường ngày, các nhu cầu bản năng và thiết yếu. Ví dụ như "trưa nay ăn gì? tối nay đi chơi ở đâu? sắp kiểm tra cuối kì thì mình nên ôn tập cái gì? nên phân bổ thời gian ôn tập ra sao? cái khái niệm này, thuật ngữ kia nằm ở đâu, hỏi ai khi không tìm được tài liệu?..." Dạng câu hỏi này thì cũng nhiều không kém câu hỏi lớn, song nó được hỏi với điều kiện hoàn cảnh về không thời gian cụ thể, giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai và vì nó giải quyết các vấn đề nên thường thì các câu hỏi này sẽ có những câu trả lời và với mỗi người thì câu trả lời sẽ là khác nhau.
Việc tôi phân câu hỏi lớn câu hỏi nhỏ là để cho những mục đích của bản thân mình. Cái này là tôi tự phân chứ không có tiến sĩ hay nhà khoa học nào nói cái này hết. Theo tôi thì các câu hỏi nhỏ nên được đặt thường xuyên khi đối mặt với các hoạt động, các vấn đề thường ngày, nó giúp giải quyết những khúc mắc bề ngoài, giúp ta hòa hợp với cuộc sống , phát triển các kĩ năng xã hội và chuyên môn, đưa ra được các quyết định, suy nghĩ hợp lý với các nhân tố "thấy được". Các câu hỏi lớn thì nên đặt ra khi suy tư, chiêm nghiệm, nhất là khi ở một mình, bởi tôi nghĩ nó giúp ta tiến sâu hơn vào bên trong, vào các nhân tố "vô hình", giúp ta hình thành được một hệ tư tưởng riêng, một sự tư duy riêng, quyết định lựa chọn cho mình một ý thức hệ phù hợp những diễn ngôn phù hợp, biết được giới hạn của bản thân, tất cả để xây dựng nên một giá trị tinh thần bền vững. Nói đến đây tôi lại tưởng tượng đến cái lồng chim như là giới hạn của tâm trí chúng ta vậy. Khi ta không đặt câu hỏi lớn, ta sẽ thừa nhận mọi thứ là như vậy, không thắc mắc, không ý kiến, nó sẽ như việc ta lấy một cái lồng chim mà xã hội kiến tạo, khuôn đúc là úp vào cái ý thức của mình, nó tuy có vừa vặn nhưng ta không thể chỉnh nó, không thể kéo nó ra thêm hay co chỗ khác vào bởi việc đó đã được người ngoài làm hộ. Nghĩ ngược lại đi, việc đặt các câu hỏi lớn, giống như ta đang tự tạo, tự đúc khuôn, tự uốn nắn cái lồng ý thức của mình vậy, ta chủ động và ta làm chủ nó, tuy rằng công cụ để ta đúc và chỉnh sửa nó vẫn là của những yếu tố khác song như đã nói, ta tự mở rộng nó hay co nó lại tùy theo ý muốn bản thân vẫn tốt hơn chứ nhỉ.
Người ta ngày nay dường như quá tập trung vào việc trả lời cho nhiều thứ mà quên mất rằng việc đặt câu hỏi đúng quan trọng hơn rất nhiều. Ta thường chỉ đặt ra 1 vài các câu, tự trả lời hoặc nghe câu trả lời của một ai đó, sử dụng lý tính của bản thân để suy diễn nó theo ý muốn của bản thân, giả định nó là đúng đắn. Rồi lại đem nó ươm ướm với các câu trả lời của xã hội, nếu nó vừa thì thừa nhận nó đúng, sai thì lại để xã hội uốn lại.
Thế nên hãy đặt các câu hỏi đúng, tự chấn vấn bản thân, nghi hoặc mọi thứ. Quá trình đó tôi nghĩ sẽ giúp ta nhìn thế giới với một con mắt khác, rộng mở và thoáng hơn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất