Cứ Tết đến xuân về là bên cạnh điệp khúc Happy new year của ABBA người ta còn nghe thấy tiếng hát bè “Bao giờ thì lập gia đình?” “Bao giờ sinh cháu?” rồi thì “Có một đứa thôi hả, bao giờ sinh đứa thứ hai?”.
Những năm gần đây, tín hiệu đáng mừng là rất nhiều người trẻ đã thẳng thắn phản đối tư tưởng trên, nhưng đáng buồn là họ chỉ biết phản đối bằng những la ó và móc mỉa một cách để giải trí là chính chứ không phải để giải quyết vấn đề. Tồi tệ hơn, vì không biết căn nguyên vấn đề, nhiều người trong số đó vẫn tôn thờ thứ ma đạo tên là đạo hiếu.
Đạo hiếu, hay đạo làm con, hay đức hiếu thảo, hiếu đễ, tuy nhiều tên nhưng bản chất đều chỉ về cùng một thứ, đó là sản phẩm của nền văn hoá hủ lậu vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng đến ngày nay, những ảnh hưởng đó đều độc hại với cuộc sống bây giờ. Bài viết này sẽ bàn về đạo hiếu cùng tính độc hại của nó.


I. ĐỊNH NGHĨA KHÁI NIỆM ĐẠO HIẾU



1. Đạo hiếu theo Nho giáo trong kinh điển

Mặc dù ảnh hưởng đến Việt Nam đã lâu và có thể xảy ra sai khác ít nhiều khi vào đây, nhưng trước hết chúng ta hãy tìm hiểu đạo hiếu ở gốc gác nơi nó sinh ra: Nho giáo, với Khổng Tử là người khởi xướng.
Đạo hiếu đóng vai trò nền móng quan trọng trong Nho giáo. Với học thuyết đức trị như Nho giáo thì con người cần nhất đức nhân, và cái gốc của đức nhân là đức hiếu thảo. Cái gốc này áp dụng với tất cả mọi người từ cha đến con, trò đến thầy, tôi đến vua. Tuy vậy, dù quan trọng đến thế nhưng toàn bộ Tứ thư-Ngũ kinh hay những kinh sách khác, chẳng hạn Hiếu kinh, không có dòng nào đưa ra định nghĩa rõ ràng về đạo hiếu cả.
Những tập sách ấy chỉ là những ghi chép các câu nói ngắn gọn kiểu châm ngôn hoặc vài câu đối đáp trong bối cảnh cụ thể giữa Khổng Tử và học trò. Ví dụ Mục 7, Luận Ngữ, Tử Du hỏi Khổng Tử rằng nuôi cha mẹ có được gọi là hiếu thảo không, Khổng Tử trả lời nuôi thôi thì đến như chó ngựa cũng được nuôi, phải có lòng tôn kính để phân biệt, và thế là câu này được coi là lời thánh hiền, rồi lên sách. 
Đọc đến đây tôi tự hỏi nếu có kẻ nuôi cả chó ngựa lẫn cha mẹ đều tôn kính như nhau thì không biết Khổng Tử trả lời thế nào, nhưng câu hỏi này không thể xuất hiện ở thời đó vì bị coi là “hỗn”. Chúng ta dễ thấy kiểu dạy như thế này là dạy từ ngọn, nó không kích thích tư duy như dạy từ gốc; thực tế nó là phương pháp nhồi sọ.
Khổng Tử và học trò
Sự mập mờ và đôi khi cảm tính là thường thấy trong triết học phương Đông, nó khiến người đọc khó phân biệt đâu là lí luận để dùng lí trí phán xét, và đâu là giáo lí để chỉ việc tin theo. Thiết nghĩ nếu nó là tôn giáo với niềm tin thuần tuý thì không còn gì nhiều để nói, người dùng lí trí chỉ cần không tin, nhưng vì nó mập mờ nên ta cần dùng lí trí để đưa nó về đúng vị trí.
Tuy nhiên, nếu đọc đủ nhiều để có cái nhìn bao quát, người ta vẫn có thể rút ra một định nghĩa cho khái niệm đạo hiếu. Các tài liệu tôi dùng để khai thác ở đây gồm: bộ Tứ thư-Ngũ kinh, Hiếu kinh, Nhị thập tứ hiếu. Và định nghĩa tôi rút ra được như sau:
Đạo hiếu là lòng tôn kính tuyệt đối và thực hiện một số bổn phận nhất định dù bất kể ra sao của một người dành cho người được coi là cha mẹ mình và những người đẻ ra cha mẹ mình.

Đầu tiên, về lòng tôn kính tuyệt đối dù bất kể ra sao.
Mục 18, Luận Ngữ viết:
子曰:事父母幾諫,見志不從,又敬不違,勞而不怨。
Đức Khổng tử nói: Thờ phụng cha mẹ thì nhỏ nhẹ khuyên can. Thấy ý chí không theo mình thì vẫn kính trọng mà không lìa bỏ. Có chịu khó nhọc mà không oán trách.
Nhị thập tứ hiếu có rất nhiều câu chuyện con cái phải cam chịu khi cha mẹ bạc bẽo, ví dụ truyện Thuấn, Tồn, Vương Tường.
Nguyên cha của Thuấn là người hung bạo, không biện biệt được người hay kẻ dở, người đương thời đặt tên là Cổ Tẩu (người mù mắt). Mẹ của Thuấn mất sớm, Cổ Tẩu tục huyền với người đàn bà sau này sinh ra Tượng. Vì có lời gièm pha của người kế mẫu và đứa em ngỗ nghịch cùng cha khác mẹ, Cổ Tẩu không ưa Thuấn và định bụng giết đi. Biết thế, nhưng Thuấn vẫn giữ trọn chữ hiếu đối với cha và người dì ghẻ ác nghiệt, hòa thuận với đứa em độc ác, không một lời than oán.
[…]
Tức là Nho giáo cũng nhận thức được cha mẹ không phải luôn đúng, con cái có nghĩa vụ can gián khi sai trái, nhưng oái oăm thay Nho giáo vẫn bắt con cái giữ lòng kính trọng và không được lìa bỏ. Và nếu có ảnh hưởng gì đến bản thân thì ngậm miệng cam chịu. Truyện về Thuấn cũng giống các truyện về Tồn, Vương Tường – cũng bị mẹ ghẻ bạc đãi và phải cam chịu mới là có hiếu.
Về bình đẳng giữa người với người tất nhiên ở đây đã không có rồi, nhưng đến cả tự do của con người cũng không có nốt. Cha mẹ là tội phạm mà bắt con cái không lìa bỏ và coi đấy là đáng trọng thì sớm muộn đứa con cũng thành tội phạm theo, môi trường sống định hình nhân cách. Một người có khả năng thiết lập trật tự xã hội như Khổng Tử không thể kém về tâm lí con người đến thế, trái lại ông ấy rất giỏi tâm lí ở việc mị dân. Nhưng xã hội thời đó loạn lạc cần ổn dịnh nên việc này chấp nhận được, nhưng vẫn áp dụng đến giờ thì là mê muội và độc ác.
Mặt khác, khi người ta có quá nhiều quyền lực thì dễ dẫn đến tha hoá. Khi cha mẹ được đảm bảo con cái trung thành với mình như một con chó dù ăn no đòn mà hôm sau gọi vẫn lại gần, thì họ có khuynh hướng coi con cái là tài sản riêng để bạo hành hoặc áp đặt ý chí (Sẽ nói rõ ở Phần III bên dưới).

Thứ hai, về thực hiện một số bổn phận nhất định dù bất kể ra sao, bổn phận quan trọng nhất trong số đó là sinh con nối dõi.
Kinh Lễ có viết:
于礼有不孝者三,事谓阿意曲从,陷亲不义,一不孝也;家贫亲老,不为禄仕,二不孝也;不娶无子,绝先祖祀,三不孝也。三者之中无后为大。
Nghe lời mù quáng, lấy thân làm chuyện bất nghĩa, là tội bất hiếu đầu tiên; nhà nghèo và cha mẹ già, không đi làm quan nhận bổng lộc, là tội bất hiếu thứ hai; không lấy vợ sinh con, làm đứt dòng hương hoả, là tội bất hiếu thứ ba. Trong ba tội bất hiếu, không có con là tội nặng nhất.
Hiếu kinh thì viết:
父母生之,續莫大焉;君親臨之,厚莫重焉。故不愛其親,而愛他人者,謂之悖德
Cha mẹ sinh ta ra, chẳng chi lớn hơn là phải có người nối dõi. Vua quan tâm ban thưởng ta, chẳng hậu đãi nào trọng hơn. Cho nên kẻ không thương cha mẹ mà thương người ngoài, là việc làm trái đạo đức
Không phải tự nhiên mà đạo hiếu đòi hỏi con người không chỉ tôn kính cha mẹ mình mà còn phải tôn kính cả tổ tiên – những người không trực tiếp sinh thành và nuôi dưỡng ta. Thực tế cũng như mọi đạo khác, con người luôn cố gắng muốn kéo dài sự sống và cách kéo dài sự sống của đạo hiếu là truyền sinh. Đời này của chúng ta chết, nhưng chúng ta vẫn có thể sống mãi miễn con cháu chúng ta tiếp tục sinh sản kéo dài sợi dây gia tộc.
Vậy nên chính do đó mà vô hậu vi đại (không có con là tội nặng nhất) trở thành thứ ám ảnh với giới Nho sĩ và hệ luỵ của nó ám cả vào những xã hội bị ảnh hưởng nặng từ Nho giáo như Việt Nam. Những lời giục giã năm mới: “Bao giờ thì lập gia đình và sinh cháu?” chính là phảng phất của bóng ma đạo hiếu dù nhiều khi người nói không nhất thiết phải là người cuồng đạo hiếu.
Lưu ý: Câu Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại nếu anh chị tình cờ Google sẽ thấy có một số nguồn rác như daikynguyen mang về chống chế qua lời Mạnh Tử, những diễn giải như thế tất nhiên là sai và bậy bạ. Tài liệu để giải thích câu này tôi sẽ để cuối bài viết.

Thứ ba, về việc phải tôn kính người được coi là cha mẹ mình. Ấy là những người không thực sự là người đẻ ra mình hay đẻ ra cha mẹ mình, tức họ hoàn toàn không nằm trong sợi dây truyền sinh được nhắc bên trên. Họ thực chất chỉ là mẹ kế, thậm chí là người mẹ kế khi đứa con chồng đã lớn nên không phải nuôi con chồng bữa nào, thế nhưng đứa con chồng muốn được coi là có hiếu thì vẫn phải nhẫn nhục tôn kính mẹ kế dù có bị bạc bẽo.
Như truyện Thuấn trong Nhị thập tứ hiếu, mẹ kế của ông là người đã nhiều lần mưu giết ông, ông dù biết nhưng vẫn nhịn nhục và được… trời giúp cho tai qua nạn khỏi.
Truyện Tồn, mẹ kế của ông đối xử tàn nhẫn, ông nhẫn nhịn cho mãi đến khi cha ông biết chuyện và định đuổi mẹ kế đi. Nhưng ông can ngăn cha, vậy là gia đình hoà thuận.
Và truyện Vương Tường, tuy mẹ kế ghét bỏ ông nhưng ông vẫn có hiếu. Mùa lạnh mẹ muốn ăn cá, ông phải cởi trần lội nước bắt cá, sau lần ấy mẹ kế quay sang yêu quí ông.
Mô típ chung của ba câu chuyện là con cái phải yêu mẹ kế vì… không gì cả, ngoài cái danh phận vợ mới của cha, và những người con trong truyện gần như chẳng làm gì ngoài nhẫn nhịn và nhờ trời, hoặc nhờ vào lòng trắc ẩn của mẹ kế. Nếu đây là truyện ngụ ngôn chứ không phải truyện thật như lời giới thiệu thì dễ thấy cốt truyện có phần độc ác với con cái và tôn thờ cha mẹ mù quáng.

2. Đạo hiếu trong xã hội Việt Nam ngày nay

Sẽ có người nói rằng đạo hiếu thời nay đã đơn giản hơn và hợp thời hơn, nó đơn giản chỉ là lòng tôn trọng dành cho người đã nuôi nấng bù trì mình, và do đó nó đáng được giữ lại và tôn thờ. Thế nhưng đây chỉ là phương án vá víu một cách vụng về, bởi hễ là người với nhau chúng ta đều nên dành cho nhau lòng tôn trọng dù già hay trẻ, và hễ là người đã bỏ công chăm sóc mình hai chục năm thì dù đó là một người bạn, một người em, ta cũng nên mang lòng biết ơn với họ. Đạo hiếu lúc này trở thành một thứ thừa thãi, càng dùng nó thì sẽ càng dễ gợi về một thứ hủ lậu trong quá khứ đáng lẽ nên chết tốt và đừng bao giờ sống lại.


II. NÊN NHÌN MỐI QUAN HỆ CHA MẸ-CON CÁI NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG



Đầu tiên, thảy chúng ta đều hiểu là không ai trong chúng ta được quyền tự lựa chọn để sinh ra. Tất cả chúng ta, từng người một, đều là sản phẩm bị ra đời mà không được đồng thuận của bản thân. Sẽ không có vấn đề gì nếu anh quá ngu xuẩn đến nỗi không nảy ra những câu hỏi vì sao ta phải ra đời trong não. Nhưng sẽ là vấn đề lớn nếu có ai đó khởi sự với câu hỏi: “Tôi bị sinh ra ngoài ý chí của tôi, vậy việc sinh ra tôi có phải hành động vô đạo đức?” Và quả thật, kể từ thời cổ Hi Lạp đến nay đây chính là một trong những chủ đề của triết học, tên nó là Antinatalism.
Mặc dù người Hi Lạp cổ đã biết đến điều này, nhưng một số thanh niên Việt Nam của 2020 vẫn, bi kịch thay, nghe người ta đặt vấn đề mà há hốc mồm và cho rằng thế là thần kinh, và cuối cùng chỉ biết đáp lại một cách xách mé “Thế thì mày cứ việc reset (tự tử).” Tất nhiên tự tử không phải cách giải quyết vấn đề, bất kì ai hiểu sơ đẳng về đạo đức tối thiểu phải hiểu người ta cần phải không làm ác trước đã, rồi mới tính đến làm việc thiện. Tự tử thậm chí không phải là việc thiện để bù lấp việc ác đã xảy ra, cũng như tự tử không thể hoàn tác (undo) một việc ác đã phạm.
Một người Antinatalism ở Ấn Độ
Theo thuyết công lợi tối thiểu (negative utilitarianism) thì người ta nên giảm đau khổ đến tối thiểu trước, rồi hẵng nghĩ tới tăng hạnh phúc lên tối đa, bởi một khi đau khổ đã xảy ra thì chẳng làm gì để bù đắp lại được cả, kể cả những hạnh phúc theo sau. Vậy nên việc sinh một đứa bé ra đời điều tiên quyết là nhìn vào những đau khổ đang chờ đón thay vì hạnh phúc. Mặt khác, người ta có bổn phận đạo đức tránh làm ác, chứ không bắt buộc phải làm điều tốt. Từ đó có thể xây dựng nguyên tắc:
+ Nếu đứa trẻ có khả năng cao là đau khổ: Bổn phận đạo đức là không được đẻ nó ra.
+ Nếu đứa trẻ có khả năng cao là hạnh phúc: Không có bổn phận đạo đức là phải đẻ nó ra, tuy nhiên cha mẹ có toàn quyền lựa chọn đẻ hoặc không.
Hoặc có thể trình bày dạng bảng như sau:

Nhưng thực tế rằng cuộc đời là bể khổ, một đứa trẻ khi chào đời sớm muộn gì cũng phải đối mặt với sinh lão bệnh tử và đủ thứ trở ngại trên đời. Vậy nên theo những trình bày bên trên, sinh con chính xác là hành động không đạo đức.
Nhưng loài người không thể cứ như vậy tuyệt chủng vì tuân thủ bổn phận đạo đức, việc sinh đẻ vẫn đã đang diễn ra hàng ngày với động cơ thôi thúc là bản năng. Ở góc độ cá nhân, người có ý thức thì cân nhắc kĩ càng cho đứa con sắp chào đời, kẻ vô ý thức thì không. Ở góc độ pháp luật, ở các nước phương Tây ta thường thấy khi cha mẹ bạo hành con cái, pháp luật có thể tước quyền nuôi con của họ và gửi đứa bé đến nơi khác, đằng sau điều này là phần không nhỏ do đạo đức học chi phối.
Bỏ qua những mĩ từ sáo rỗng như thiêng liêng, thiên chức v.v. thì người Tây hiểu rằng việc sinh một đứa bé ra đời hoàn toàn xuất phát từ bản năng duy trì nòi giống của cha mẹ, đứa bé không chịu trách nhiệm điều gì cả. Do đó, cha mẹ có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng đứa bé đến một độ tuổi nhất định để nó có thể sống tự lập, mặt khác đứa bé đồng thời cũng là đối tượng được xã hội bảo vệ, việc sống với cha mẹ đến khi trưởng thành có thể hiểu như một hợp đồng dân sự mà bất cứ bên nào phá vỡ trước thời hạn thì pháp luật được quyền can thiệp (tước quyền nuôi con của cha mẹ, chẳng hạn).
Tiếp đến nói về lòng biết ơn, rõ ràng người ta không cần biết ơn vì đã được sinh ra nên đạo hiếu một lần nữa là nhảm nhí, nhưng với công chăm sóc suốt hai mươi năm, dù là theo nghĩa vụ đi nữa, thì lòng biết ơn sẽ là tình cảm tự nảy sinh trong một nhân cách có giáo dục. Tóm lại ở đây cần phân biệt rõ công sinh thành và công nuôi dưỡng đâu mới là thứ đáng biết ơn.
Về tình yêu, thật rõ ràng yêu là tình cảm không thể ép buộc, việc cha mẹ yêu con cái và đòi chúng cũng phải yêu lại mình là suy nghĩ của một tay đầu tư mà lại không chấp nhận rủi ro. Cha mẹ chỉ có thể nuôi và giáo dục hết sức để gieo mầm yêu trong con cái, còn mầm ấy có nảy hay không tuỳ thuộc vào rất nhiều lí do.


III. HỆ LUỴ TỪ ĐẠO HIẾU



Trở lại với tính độc hại của đạo hiếu, cho dù ở Việt Nam bây giờ đạo hiếu có còn nguyên gốc hay không thì những hệ luỵ dưới đây vẫn nhãn tiền và tất cả đều phảng phất dấu ấn của bóng ma đạo hiếu của Nho giáo.
Kết quả Google với từ khoá "Cha mẹ ép con"
Ác mộng lớn nhất của trẻ em châu Á nói chung và các nước bị ảnh hưởng đạo hiếu nói riêng là “Bị cha mẹ ép…” và bất kì từ gì trong dấu ba chấm ấy đều kinh tởm cả.
Nhiều đứa con bị cha mẹ ép học lĩnh vực mà cha mẹ thích chỉ vì ở thời của họ họ đã thất bại trong việc thành công ở lĩnh vực ấy, họ chuyển sang dùng con mình như một cách tiếp tục ước mơ mà họ không thể đạt được, hoặc nếu họ thành công thì ép con nối nghiệp mình như một sở thích. Đây là một hình thức coi con cái là công cụ của cha mẹ.
Nhiều đứa con bị cha mẹ ép cưới ai đó hoặc ngược lại là cấm cưới ai đó, trường hợp này họ thường lấp liếm bằng câu “Có yêu con thì mới cấm.” Nhưng thật ra đó chỉ là một nửa sự thật, họ yêu con họ 50% thôi, còn 50% kia họ yêu bản thân. Họ nghĩ rằng ép con cưới chồng giàu thì con sướng nhưng thật ra họ còn muốn họ được sướng lây nữa. Và cấm con cưới người họ không thích có thể đơn giản vì họ thấy trong tương lai không nhờ vả gì được thằng rể ấy. Đây cũng là một hình thức coi con cái là công cụ của cha mẹ.
Và còn vô vàn điều ép uổng nhân danh tình yêu khác, tất cả đều độc hại và có căn nguyên từ đạo hiếu.

Lại một thứ nữa gắn bó cả đời mà chúng ta không được lựa chọn, đó là cái tên. Đây đáng lẽ ra là thứ nên dành nhiều cân nhắc để chọn, chỉ sau điều kiện sống, cho đứa trẻ. Nhưng cái tôi thấy là người Việt rất coi nhẹ chuyện đặt tên con, ảnh trên chỉ là minh hoạ và chiếm số ít, cái chính đáng nói ở đây là nhiều đời nay người Việt có tục lệ kị huý khi đăt tên. Thường là kị khi đặt trùng tên con với tên tổ tiên trong gia phả, hoặc kị đặt trùng với một người già cả nào đó cha mẹ quen. Tâm lí người Việt cho rằng tên con là thứ mình hay réo ra chửi nên phải tránh đi kẻo chửi nhầm vào tổ tiên. Tôi tự hỏi với suy nghĩ như thế này thì bao giờ người ta mới bắt đầu nghĩ đến việc thôi coi con cái là công cụ hay cái gì đó thấp hèn của cha mẹ?


IV. CHẶN HỌNG



Nếu ai đọc xong mà vẫn có những suy nghĩ như dưới đây tức là đã đọc hiểu sai bài viết và vui lòng không bình luận:
– Bài viết qui chụp toàn bộ Nho giáo là rác rưởi.
– Bài viết cho rằng văn hoá phương Tây là toàn hảo.
– Bài viết xui con cái không nên biết ơn cha mẹ và xui cha mẹ ghét con cái.
– Bài viết xui con cái gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão khi về già.



Đọc thêm:
Tứ thư bình giải. Lý Minh Tuấn. NXB Tôn Giáo.
Kinh lễ. Nguyễn Tôn Nhan. NXB Văn Học.
Hiếu kinh.
Nhị thập tứ hiếu.
Antinatalism (Wikipedia).



TORNAD
29/12/2019