Đây là tập đầu tiên của chủ đề về đạo đức, ở đây mình và các bạn sẽ tập trung bàn luận về các vấn đề đạo đức. Một số tập đầu tiên sẽ là những lý thuyết xung quanh đạo đức
I) Vậy Trách nhiệm đạo đức là gì?
Về cơ bản, trách nhiệm đạo đức đề cập đến những hành động, sự việc mà bạn có thể được khen, chê hay được thưởng hoặc phạt vì nó.
Vậy làm sao ta biết khi nào ta xứng đáng được khen, chê hay được thưởng hoặc phạt?
Chà, nếu được hỏi câu này thì có lẽ câu trả lời sẽ là "Khi bạn làm một hành động tốt bạn sẽ xứng đáng được khen, thưởng, . . . và khi bạn làm một hành động xấu thì bạn sẽ bị chê hoặc phạt." Thực tế, một câu trả lời như trên có thể đúng trong đa số trường hợp nhưng nó có một vấn đề nhỏ.
Hãy giả sử vào một ngày đẹp trời, Kiên đang trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi. Nhưng thật không may vào hôm đó, một người nào đó, vì một lý do nào đó đã làm hỏng cái phanh xe của Kiên và việc đó khiến Kiên đã không thể dừng xe và đã đâm chết một đứa trẻ ở trên đường. Như vậy, xét trường hợp này, việc đâm chết một đứa trẻ một cách không thể chối cãi là một việc làm xấu nhưng Kiên lại không xứng đáng bị nhận những hình phạt hay những sự chê bai bởi lẽ Kiên không hề có ý định đâm vào đứa trẻ, thậm chí anh đã cố gắng dừng xe lại nhưng cái phanh đã hỏng và đứa trẻ bị mất mạng. Kiên không hề có khả năng kiểm soát được sự kiện đó và ta đều đồng ý rằng người phải chịu trách nhiệm đạo đức chính là kẻ lạ kia đã phá phanh xe của Kiên.
Từ đó, ta phải sửa lại câu trả lời trên thành:
Khi bạn làm một hành động tốt bạn sẽ xứng đáng được khen, thưởng, . . . và khi bạn làm một hành động xấu thì bạn sẽ bị chê hoặc phạt. Nhưng chỉ khi bạn có khả năng kiểm soát nó
Đây chính là một trong những nguyên tắc cơ bản của triết học mà về cơ bản mọi người đều đồng ý với nó. Đặt nền tảng cho rất nhiều chủ đề sau này
Đến đây, tôi muốn bạn lưu ý một số điều sau:
1) Trách nhiệm nguyên nhân và trách nhiệm đạo đức:
- Quay trở lại về ví dụ của Kiên và một kẻ lạ mặt nào đó, nếu tình huống đó thực sự xảy ra với bạn (hoặc ai đó) thì ta không thể nào bỏ đi và từ chối mọi trách nhiệm chỉ bởi ta không có trách nhiệm đạo đức. Ta phải chịu trách nhiệm nguyên nhân (tạm dịch của causal responsibility) bởi bạn chính là một trong những mắt xích dẫn tới sự việc đó.
Chú thích: Trách nhiệm nguyên nhân là việc gán trách nhiệm ảnh hưởng đến nguyên nhân cho một ai đó.
2) Ta vẫn có thể có lí do chính đánh để khen, chê, thưởng, phạt cho một ai đó dù cho họ không phải chịu trách nhiệm đạo đức.
Lấy ví dụ, Tuấn là cậu thanh niên có vấn đề thần kinh từ khi sinh ra. Và trong một lần không may, cái thần kinh ấy của Tuấn đã hoạt động rất không bình thường khiến Tuấn vô tình giết chết một người. Ở đây, Tuấn không hề xứng đáng bị chịu trách nhiệm đạo đức khi Tuấn thực hiện hành động đó bởi lẽ việc đấy nằm ngoài tầm kiểm soát của Tuấn. Tuấn đâu có thể chọn từ khi sinh ra rằng mình có bị tâm thần hay không đâu nào? Nhưng việc xã hội hoặc gia đình quyết định đưa Tuấn vào trại tâm thần, đánh mất đi một phần tự do của Tuấn lại là một hành động có lí do chính đáng bởi lẽ nếu để Tuấn tiếp tục như này thì sẽ gây nguy hiểm cho xã hội và hành động phạt ở đây chính là đưa Tuấn vào trại tâm thần và đánh mất đi một phần tự do của Tuấn.
Hay ta có thể lấy một ví dụ khác như sau:
Hoàng - một nhà chính trị gia rất có tầm ảnh hưởng trong một lần phát biểu của ông, ông đã nói ra một tư tưởng rất tuyệt vời và nó có thể sẽ dẫn quốc gia của ông đến một tương lai cực kì tuyệt vời. Nhưng đen đủi làm sao khi những thành phần chống phá nhân cơ hội này đã bóp méo những điều mà Hoàng muốn cho dân chúng đến, nhào nặn nó thành những lời cay nghiệt, vô đạo đức. Điều này đã dẫn đến một sự hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử quốc gia. Nó đã lớn đến nỗi nhà nước và tòa án phải ra quyết định xử tử Hoàng để có thể trấn an lòng dân và cứu lấy đất nước và Hoàng cũng đã đồng ý với việc đó trong một cuộc bàn bạc bí mật với chính phủ. Trong trường hợp này rõ ràng là Hoàng không xứng đáng phải chịu trách nhiệm đạo đức vì chính Hoàng không hề truyền bá hay có ý định truyền bá những tư tưởng đó và Hoàng cũng không hề có quyền kiểm soát những thành phần chống phá kia không.
Đánh giá một người có phải chịu trách nhiệm đạo đức hay không dựa vào khả năng thực hiện hành động đó và bản chất của hành động đó là tốt hay xấu cũng làm một trong những cách tiếp cận rất hay về trách nhiệm đạo đức. Và vì thế để có thể khiến ta suy nghĩ sâu hơn về vấn đề này, hãy xét đến ví dụ sau
Tôi đang tập ném bóng cho kì kiểm tra của mình. Và bằng một lý do nào đó, cái trình độ ném bóng của tôi thực sự cực kì tồi tệ và tôi đã phải tập đi tập lại ở cái chỗ tập ném bóng đấy nhiều ngày liền. Nhưng trong một ngày đẹp trời bất kì nào đó, khi tôi đang tập ném bóng thì An: Một người bạn của tôi vô tình đi qua và An vô tình bị ném trúng. Kết quả là cặp kính đắt đỏ mà An chuẩn bị đem đi khoe đã "ra đi".
Vậy trong trường hợp này, rõ ràng là tôi không phải chịu trách nhiệm cho cái kính của An đúng không? Bởi lẽ, tôi đâu thể nào kiểm soát đường bóng của mình cho nó không bay vào An đâu và đáng lẽ ra An không nên qua lại ở cái chỗ tập ném bóng. Hay nói cách khác là về trách nhiệm đạo đức thì tôi không hề xứng đáng bị chê hay xử phạt.
Okay, nó có vẻ rất hợp lý. Nhưng hãy xét đến ví dụ sau:
Tuấn và Dũng là hai người hàng xóm thân thiết với nhau. Vào một ngày đẹp trời, cả hai cùng đi đến một bữa tiệc và đều uống rất say vào hôm đó. Dũng do có việc trước nên phải đi về và dĩ nhiên là trong tình trạng say xỉn. May mắn là khi đi về, đường do đã khuya nên rất vắng và không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng khi Tuấn trở về nhà từ bữa tiệc và đương nhiên rồi, Tuấn vẫn đang say. Nhưng thật không may có một người đàn ông vô tình qua đường vào lúc đó (tạm gọi là ông A) và Tuấn đã không kiểm soát được tay lái của mình và đã đâm vào ông A đó và khiến ông ấy thiệt mạng.
Được rồi, trường hợp này có hơi không giống với ví dụ trên khi mà Tuấn hoàn toàn có thể không uống rượu và khiến cho vụ tai nạn đáng tiếc này xảy ra ( mấy bác hay ép uống rượu thì cũng nên bỏ đi nhé, bởi lẽ nếu những chuyện như này xảy ra thì các bác chính là người phải chịu trách nhiệm đạo đức đấy ;' ) và vì lẽ đó, Tuấn phải bị xử phạt vì cái chết của ông A nhỉ? Vậy hãy quay lại về Dũng, nếu Dũng hôm đó bị công an bắt và xử phạt thì rõ ràng, cái việc xử phạt ấy cho Dũng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với Tuấn bởi vì Dũng không hề gây ra tai nạn đâu đúng không? Nhưng nếu giả sử tôi là Tuấn, tôi sẽ nói như sau: "Ơ tôi đâu thể nào kiểm soát ông A không ra đường vào cái hôm ấy và vào đúng lúc tôi đi qua và tôi không kiểm soát được tay lái và vô tình đâm vào ông A đâu? Rõ ràng là việc đó nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi, vậy nên việc tôi phải chịu trách nhiệm đạo đức đáng lẽ ra là việc tôi uống rượu thôi chứ nếu Dũng cũng gặp trường hợp của tôi Dũng cũng đâu thể tránh được đúng không nào? Chỉ là Dũng đã may mắn hơn tôi thôi và rõ ràng là cả tôi và Dũng đều đâu thể chịu trách nhiệm về cái may mắn nằm ngoài tầm kiếm soát của chúng tôi đâu???"
Ở trường hợp này, có người sẽ lí luận như sau: "Việc của Dũng rõ ràng là nhẹ hơn của Tuấn vì việc của Dũng thì lại không gây hại và của Tuấn thì lại có hại vậy nên việc xử Tuấn nặng hơn đã là hợp lý rồi." Hay ta có thể nói một các tổng quát là:
Thứ mà làm một việc nào đó trở nên sai trái chính là việc nó có gây ra tác hại hay không
Vậy chúng ta sẽ lại lấy thêm một ví dụ nữa để có thể suy nghĩ thêm:
Giả sử vào một hôm bạn đi mua quần áo và đã chọn được một chiếc áo thật đẹp cho mình. Nhưng bạn phải thử nó để xem rằng nó có thực sự vừa và đẹp như mình nghĩ khi mình mặc lên không. Nhưng bạn không hề biết rằng khi bạn đang thay đồ, bạn đã bị một người lạ chụp lén bạn và chia sẻ tấm ảnh đó cho bạn của anh ta và cả anh ta và nhóm bạn của anh ta đều chắc chắn với nhau rằng sẽ không chia sẻ thêm về tấm ảnh này ra ngoài vì có khả năng rằng bọ họ sẽ vướng phải rắc rối.
Vậy giờ đây tôi có 2 câu hỏi cho bạn:
- Bạn có phải bị làm hại không?
- Người chụp lén bạn có làm gì sai không?
Rõ ràng rằng "việc làm hại" phải là một cái gì đó mà nó phải khiến bạn bị trải qua và gây tổn thương đến bạn ví dụ như việc bạn biết được rằng có những kẻ chụp lén ảnh của bạn và chia sẻ nó. Nhưng ở rong trường hợp này, bạn không hề biết rằng nó đã xảy ra, và rõ ràng là cuộc sống của bạn vẫn diễn ra rất bình thường sau sự kiện đấy. Vậy nếu ta đảo lại về lập luận trước đó, rõ ràng là việc này không hề gây ra tác hại gì cho bạn, cuộc sống của bạn vẫn diễn ra rất bình thường, bạn không hề bị ảnh hưởng về bất cứ mặt nào trong cuộc sống của mình nên việc làm đó rõ ràng là không hề sai trái.
Nhưng thực tế thì không như vậy, việc đó được coi là vi phạm quyền riêng tư và nó vẫn đúng ngay cả khi bạn không biết nó xảy ra. Vậy nên ta có thể nói rằng:
Một việc làm sai không nhất thiết là việc mà phải gây ra hậu quả xấu hoặc làm ai đó bị tổn hại
Từ những việc kể trên, ta có thể thấy rằng về mặt đạo đức, cả Dũng và Tuấn đều đáng trách như nhau. Nhưng thực thế thì lại không phải vậy. Nếu đặt bạn vào trong tình huống này, bạn sẽ chọn theo công bằng và phạt Dũng và Tuấn như nhau hay bạn sẽ chọn phạt Tuấn năng hơn, bỏ đi sự công bằng và coi nó như một việc răn đe để xã hội tốt hơn? Tôi muốn các bạn tự trả lời câu hỏi này và có đáp án cho riêng mình. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, đây sẽ là một câu hỏi mà không có kết quả đúng. Nó chỉ có thể đúng hoặc sai theo quan niệm đạo đức của bạn thôi!
Vậy là qua bài viết này, ta đã học về một góc nhìn nhỏ của trách nhiệm đạo đức dựa trên việc bạn có thể khả năng thực hiện được nó hay không. Tôi mong rằng nó sẽ dễ hiểu cho bạn một số kiến thức mới đáng suy nghĩ.
II) Tham khảo:
Moral Luck: Crash Course Philosophy #39:
Philosophy 101:
Moral Responsibility:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất