Đạo diễn đoạt giải Oscar Asghar Farhadi đã thực sự đánh cắp ý tưởng từ người khác ? (phần 4)
"Ông Farhadi cũng ở trong phòng? ”...
"Ông Farhadi cũng ở trong phòng? ”
Shafiei né tránh câu hỏi liền nói, "Cô có bị cưỡng ép khi ký vào văn bản khi đó không?"
“Tôi vừa hỏi một câu,” Masihzadeh nói.
“Tôi muốn biết là,” Shafiei nói. "Cô có bị cưỡng ép khi ký vào văn bản khi đó không?";
Hai ngày sau, Masihzadeh được mời đến cuộc họp thứ hai với người đứng đầu House of Cinema và cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng Farhadi sẽ ở đó. Nhưng tại cuộc họp, Farhadi nói với cô rằng, khi ông nghe câu chuyện của cô về việc cảm thấy ép buộc phải ký một bản tuyên bố, ông bị sốc. Ông nói rằng mình đã cho mỗi học sinh của mình một cây non. Đúng, họ đã trồng cây non, nhưng ông cung cấp cho họ những hướng dẫn chi tiết về nơi trồng, cách trồng và thời điểm tưới nước cho đất. Nhiều năm sau, cô đã nhìn thấy ông cầm trái ngọt và buộc tội ông đã lấy nó từ cô. Nhưng, ông nói với cô, "đó là cây của tôi."
Masihzadeh cố gắng giải thích tại sao cô thấy áp lực khi ký vào bản tuyên bố, nhưng Farhadi cắt ngang nói rằng, "Điều này có thể được ghi lại, vì cô thực sự đang buộc tội tôi và chúng tôi có thể truy tố hợp pháp." Ông hỏi, "Làm sao lương tâm cho phép cô nói ra những lời dối trá như vầy về một giáo viên đã làm tất cả những điều tốt đẹp này cho cô?"
“Đó không phải là một lời nói dối, ông Farhadi. Có thể ông đã quên — không sao đâu.”
Khi cô tiếp tục kể lại khoảnh khắc ký tên của mình, ông nói với cô, "Thưa quý bà, có vẻ như bà đang đau khổ vì - tôi xin lỗi, tôi không muốn sử dụng từ này." Ông nói rằng mình thậm chí không thể hiểu những gì cô ấy đang nói: “Cô đang kể một câu chuyện quá viển vông." Ông nói với cô rằng mình sẽ gắn kết hình ảnh cô với sự vô ơn trong suốt phần đời còn lại của bản thân.
Sau cuộc họp, Masihzadeh gọi Ghazaleh Soltani, một trong số ít học viên của workshop công khai đứng về phía cô. Soltani nói: “Cô ấy khóc rất nhiều và không nói nên lời. "Tôi đã nói với cô ấy hãy đến đây, vì ở một mình không ổn đâu.” Khi Masihzadeh đến, Soltani nói, “cô ấy rã rời. Cô ấy đã đợi hàng tháng trời để Farhadi, người mà cô ngưỡng mộ như một người cha, đến với cô ấy và nói ‘OK., Azadeh, tôi xin lỗi, tôi đã làm một điều tồi tệ.”
Masihzadeh khó ngủ, và cô ấy bắt đầu nói lắp, điều chưa từng xảy ra trước đây. “Hàm và lưỡi của tôi không kiểm soát được,” cô nói. Khi Negar Eskandarfar, giám đốc của Viện Karnameh, nghe Masihzadeh nói chuyện qua điện thoại, cô ấy đã rất lo lắng nên đã mời Masihzadeh qua đêm tại nhà mình. “Cô ấy thậm chí không thể nói tên tôi,” Eskandarfar nói với tôi. "Cô ấy sẽ nói," N-n-n-n-negar. "
Eskandarfar liên tưởng được tâm trạng khi ấy của Masihzadeh, vì trong lúc làm việc với Farhadi trong phim “A Separation” với tư cách nhà sản xuất điều hành, cô cũng cảm thấy bị ép buộc phải viết một lá thư. Sau khi phim hoàn tất, Farhadi đã ký một thỏa thuận phân phối quốc tế - điều Eskandarfar nói là thuận lợi về mặt tài chính cho ông - mà cô không hay biết. Theo hợp đồng gốc, chỉ mình Eskandarfar mới có thẩm quyền thực hiện thoả thuận. Khi người sáng lập của một nhà phân phối quốc tế phát hiện rằng hợp đồng ban đầu bị vi phạm, cô đã gửi e-mail cho Farhadi nói rằng “việc phát hành có thể bị ngặn chặn”. Thời điểm đó, "A Separation" là tác phẩm được ưu ái trong việc giành giải Oscar cho phim nước ngoài. Eskandarfar cảm thấy rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng, cô không còn cách nào khác ngoài viết thư nói rằng mình chuyển giao quyền cho Farhadi — và lùi ngày lại, vì thế trông nó có vẻ như được soạn thảo trước khi Farhadi ký hợp đồng quốc tế. Cô không muốn chịu trách nhiệm ngăn cản bộ phim nhận được sự công nhận xứng đáng. “Nếu mọi thứ sụp đổ, tôi phải trả lời cho lịch sử và cả một thế hệ,” cô nói với tôi. (Farhadi tranh chấp lợi ích của Eskandarfar và cho tôi xem lá thư nói rằng cô chưa thanh toán đầy đủ phần cho nhà đầu tư của “A Separation.” Eskandarfar nói rằng việc chi trả là một vấn đề riêng biệt, liên quan đến sự phê chuẩn lên ngân hàng Iran, cô bị trì trệ trong việc chuyển tiền.)
Eskandarfar lo lắng rằng Masihzadeh có thể suy sụp tinh thần. “Tôi quan ngại rằng những điều từng trải qua về tâm lý - cô ấy cũng sẽ trải qua như vậy, thậm chí tồi tệ hơn,” cô nói. "Khi bản thân tôi ở vị trí đó, tôi đã chấp nhận sự im lặng."
Mẹ của Masihzadeh bay đến Tehran để chăm sóc cô. Masihzadeh nói với tôi: “Tôi là một tcô gái hướng ngoại, thích đi du lịch, quen biết nhiều người. Nhưng cô cảm thấy bị bỏ lại bởi hầu hết bạn bè và đồng nghiệp của mình. Soltani nói rằng mọi người tấn công cô vì ủng hộ Masihzadeh. Soltani nói với tôi: “Tôi nghĩ chúng ta có thể thực sự nghiên cứu tâm trí và văn hóa Iran thông qua trường hợp này. “Chúng tôi luôn bị sỉ nhục trên khắp thế giới, và Farhadi cho chúng tôi cảm giác về quyền lực và sự tiến bộ. Tôi nghĩ, từ phần vô thức trong tâm trí họ, mọi người không muốn nghe bất kỳ câu chuyện nào có thể khiến thần tượng của chúng ta, người hùng của chúng ta sụp đổ.”
Vài ngày sau buổi gặp thứ hai với người đứng đầu House of Cinema, Masihzadeh được yêu cầu tham dự cuộc họp thứ ba. Tuy nhiên lúc đó, cô không thể nói mà không lắp bắp và cô còn không điều gì hiệu quả đến từ việc nói chuyện với Farhadi, vì vậy cô đã từ chối. Một đại diện từ House of Cinema đã gọi cho luật sư của cô và đề nghị số tiền tương đương khoảng 16 trăm đô la cho sự đóng góp của Masihzadeh cho “A Hero”, bộ phim đã kiếm được hơn 2,8 triệu đô la từ các bản chiếu rạp và hiện đang phát trực tuyến trên Amazon Prime, và đề xuất rằng cô được liệt kê trong phần credit với tư cách là thành viên của một nhóm các nhà nghiên cứu. Masihzadeh từ chối lời đề nghị. “Khi bạn làm bẽ mặt ai đó bằng cách nói, “Cô là kẻ nói dối, cô bị đánh lừa rồi, ”và sau đó nói, “Tôi muốn ghi nhận cô với tư cách nhà nghiên cứu”, câu trả lời của tôi tất nhiên là“ Không ”, cô nói với tôi. “Tôi không phải là nhà nghiên cứu của ‘A Hero’. Tôi là đạo diễn phim tài liệu của mình. Không ai đến gặp tôi để yêu cầu tôi thực hiện nghiên cứu cho 'A Hero'. Cô đòi hỏi credit ghi rõ rằng “A Hero" được lấy cảm hứng từ phim tài liệu của cô, nhưng Rad nói với tôi rằng khi đưa ra những khác biệt giữa hai phim "chúng tôi không thể chấp nhận điều này." Hội đồng trọng tài của House of Cinema đã đưa ra quyết định chính thức kết luận rằng tuyên bố của Masihzadeh là sai, một “động thái phản văn hóa” sẽ cản trở việc “A Hero” trở thành “đại sứ xứng đáng và đại diện của điện ảnh Iran trên con đường phát triển toàn cầu thành công."
Masihzadeh tiếp tục đăng lại các bài cũ trên Instagram trong đó mọi người nhận xét về sự giống nhau giữa phim tài liệu của cô và "A Hero". Vài tuần sau cuộc họp của House of Cinema, Farhadi đâm đơn khiếu nại lên chi nhánh điều tra của Tòa án Văn hóa và Truyền thông Tehran, cáo buộc Masihzadeh có hành vi xúc phạm nhân phẩm và tung tin giả. Cô phải đối mặt với một năm tù giam hoặc bảy mươi bốn đòn roi. Farhadi nói với tôi rằng ông ghét ý tưởng đưa ra một đơn tố cáo tội phạm chống lại học viên của mình, nhưng nói rằng luật sư của mình nói vậy, "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, bởi vì họ đang lan truyền những lời miệt thị này trên mạng xã hội."
Để chuẩn bị cho phiên tòa, Masihzadeh đã xem "A Hero" - được công chiếu ở Iran bốn ngày sau cuộc gặp của cô với Farhadi, sáu lần trong một tuần. Một đêm nọ, khi đang xem lại các ghi chép của mình cho tòa án, cô nhớ lại một lời khuyên mà Farhadi đã đưa ra cho các học viên ở workship biên kịch: họ nên cho nhân vật của mình những công việc bình thường, dễ nhận biết. Cô cảm nhận nhân vật ưa thích của Farhadi trong "A Hero" là người đàn ông mà Rahim đang vướng mắc nợ. Người đàn ông diễn tả trôi chảy trọng tâm chủ đề của bộ phim, đi hỏi tại sao một người nên được tôn vinh là anh hùng vì chỉ trả lại tiền thay vì giữ nó. "Ở đâu trên thế giới, con người được tôn vinh vì không làm sai?" anh ta hỏi.
Cô nhận ra rằng nhân vật chủ nợ sở hữu một cửa hàng photocopy với một chiếc máy sao chép kêu vù vù khi anh ta nói chuyện. "Ông Farhadi, tại sao? ” cô tự nhủ. “Tại sao ông lại chọn một công việc như vậy? Bản thân ông biết mình đã làm gì không? ”
Tháng 11 năm 2021, nhánh điều tra của Tòa án Văn hóa và Truyền thông Tehran đã tổ chức phiên điều trần đầu tiên về vụ việc phỉ báng. Masihzadeh nói rằng cô chắc chắn sẽ tắm trước phiên điều trần, biết rằng "họ sẽ bắt giam tôi trong hai hoặc ba ngày, cho đến khi gia đình tôi đem tiền đến bảo lãnh." Cô tiếp tục, "Vì chữ ký đó, tôi cảm thấy rằng, bất cứ điều gì xảy ra với tôi, tôi đều xứng đáng với nó." Nhưng trong cuộc trò chuyện đầu tiên của mình với thẩm phán quyết định vụ án, cô nói, ông ta nói cô rằng bản tuyên bố mà cô đã ký vốn vô nghĩa mặt pháp lý. Cô vẫn còn lắp bắp song, sau lời nhận xét của thẩm phán, "từng chút một, tôi đã lấy lại được giọng nói của mình", cô ấy nói. "Tôi cảm thấy được giải phóng."
Ngày hôm đó, Farhadi đã đưa ra tuyên ngôn chính trị rõ ràng nhất trong sự nghiệp của mình. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn ở Tehran, một nhà làm phim ủng hộ chính phủ đã cáo buộc Farhadi là người “đứng bên trong và ngoài chính phủ” và “ăn tại bàn của mọi người”. Trên Instagram, đề cập đến nhà làm phim, Farhadi viết rằng, “Tôi không liên quan gì đến lối suy nghĩ thụt lùi của bạn, cũng không cần sự khen ngợi và ủng hộ của bạn. Nếu việc tôi chọn phim 'A Hero' làm phim chính thức của Iran để nộp Giải thưởng Viện hàn lâm đã khiến bạn đi đến kết luận rằng tôi đứng dưới biểu ngữ của bạn, hãy hủy quyết định này. Tôi không quan tâm." Ông tiếp tục, "Hãy để tôi nói một cách thẳng thắn: Tôi ghét bạn!" Ông nói rằng mình ấy muốn ở lại quê hương và tiếp tục làm phim cho người Iran, nhưng lưu ý, “Dường như có một nỗ lực lớn từ tất cả các phía để ngăn cản tình yêu và hy vọng này, một số bằng cách công bố các ký ức móp méo và giả mạo, số khác lại cách vu khống và đưa ra những tuyên bố sai sự thật ”.
Masihzadeh nói rằng, khi đọc đến dòng cuối cùng, cô cảm thấy, “ông ta đang nhắc đến tôi, chẳng qua giấu nhẹm ý này thôi. Và tôi không phải là người duy nhất có suy nghĩ đó. Mọi người liên tục gửi nó cho tôi và nói, "Ông nói rằng các ký ức của cô là giả tạo."
Hai tuần sau phiên điều trần đầu tiên, Masihzadeh bay đến Shiraz để thăm Mohammadreza Shokri trong tù. Cô đã quyết định làm một bộ phim tài liệu về những gì đang xảy ra với mình, nhưng nói rằng, “Tôi xem nó không phải như một bộ phim mà như một tài liệu để trình chiếu trước tòa án.”
Shokri ở trong nhà tù Adel-Abad, nơi giam giữ hàng nghìn tù nhân, một số là tù nhân chính trị đã bị kết án tử hình. Vào năm 2020, quốc tế đã lên tiếng kịch liệt khi nhà tù xử tử một nhà vô địch đấu vật, người đã phản đối chế độ của Iran. Trước khi chết, ông nói rằng các cán bộ đã tra tấn ông, dùng dùi cui đánh vào chân và tay, đổ cồn vào mũi và kéo túi ni lông trùm đầu ông. (Chính phủ bác bỏ điều này.)
Masihzadeh cùng một người quay phim và một kỹ thuật viên âm thanh mình thuê, gặp Shokri trong phòng thăm nuôi của nhà tù, một sảnh dài với một dãy cửa sổ gần trần nhà. "Xin chào, cô Masihzadeh, cô có khỏe không?" Shokri nói, ôm lòng bàn tay vào ngực. Đã bảy năm kể từ khi họ gặp nhau, và trong thời gian đó ông chỉ có một người đến thăm, đó là mẹ mình. Ông mặc một bộ đồng phục tù màu xanh ô liu; râu trên mặt xám lại. “Rất sẵn lòng thưa cô,” anh nói với cô.
Họ ngồi xuống chiếc bàn nhựa. “Tôi muốn đưa anh ra khỏi đây ngay bây giờ,” cô nói với ông.
"Bằng cách nào?" ông cười hỏi.
“Tôi đã nghĩ ra một số cách,” cô nói. "Tôi muốn đưa ông đến rạp chiếu phim để cùng xem một bộ phim."
Shokri phá lên cười.
"Ông không tin tôi ư?" cô hỏi. “Chúng tôi muốn đến rạp chiếu phim và xem một bộ phim — ông đi cùng chúng tôi không?”
“Nếu họ cho phép tôi,” ông nói, cười đến mức gục đầu xuống bàn. "Tôi thề với Chúa, cô biết rõ hơn, cô giống như em gái tôi mà."
Cô xin phép đưa Shokri đến buổi chiếu phim “A Hero” lúc 10 giờ sáng tại một sân khấu ở Shiraz. Shokri, chân bị còng, ngồi trên chiếc ghế màu đỏ sang trọng bên cạnh một người cai ngục đang còng tay ông. Quản lý rạp không muốn khách xem phim cùng tù nhân nên Masihzadeh sau khi vay tiền của một người quen đã mua mọi ghế ngồi.
Masihzadeh không nói trước với Shokri bất cứ điều gì về bộ phim. Khi phim kết thúc, ông rơi nước mắt. “Tôi đang ở bờ vực,” ông nói với Masihzadeh tại sảnh nhà hát. “Câu chuyện cuộc đời đã xảy ra với tôi. . . họ đã đến và sử dụng nó với một kịch bản khác. ”
Khi Masihzadeh làm phim tài liệu của cô, Shokri yêu cầu cô không quay phim anh trai mình - một người mắc chứng rối loạn vận ngôn và cô đồng ý. Trong “A Hero”, Rahim có một cậu con trai mắc chứng nói lắp, người đã trở thành một người ủng hộ đồng cảm cho một tổ chức từ thiện quyên góp tiền thay mặt anh ta.
“Tôi đã nói với cô là làm ơn đừng trưng bày video của anh trai tôi bất cứ đâu,” ông nói với cô và khóc.
“Tôi thành thực xin lỗi,” Masihzadeh nói.
“Chúa phù hộ cô,” anh nói. “Phần của anh trai tôi gây rất nhiều áp lực cho tôi.”
"Anh trai của ông đã qua đời chứ, ông Shokri?" Masihzadeh hỏi.
Ông gật đầu, vẫn khóc.
“Xin chia buồn đến ông, ông Shokri,” cô nói. "Tôi không hay biết điều đó."
Shokri nói: “Ông ta đã để cậu bé này nói lắp thay vì khuyết tật của anh trai tôi.”, Shokri tiếp lời. Ông lau mắt bằng khẩu trang y tế mình đeo khi xem phim. “Xin lỗi vì đã nói điều này - đây thực sự là một vụ ăn cướp. Ông ta không được phép chơi đùa với phẩm giá của tôi ”.
Họ cùng nhau quay lại nhà tù. Khi Shokri tiếp tục xem lại bộ phim, ông đôi khi gọi tên tù nhân là Rahim, và đôi khi gọi Rahim là “tôi”. Ông nói, "Cảm giác của tôi là ít nhất vị Đạo diễn có thể đến thăm tôi." Ông bắt đầu tưởng tượng về việc Farhadi có thể xin phép ông như thế nào và sau đó nói với mình rằng, “Tôi sẽ giúp anh ra khỏi đây. Tôi sẽ làm bộ phim và giúp anh thoát khỏi cảnh tù tội. ” Shokri có một cô con gái đã không gặp trong nhiều năm. “Đáng ra tôi đã chấp nhận,” anh nói.
(còn tiếp)
Người dịch: Vĩnh Anh
Bài gốc từ New Yorker: https://www.newyorker.com/magazine/2022/11/07/did-the-oscar-winning-director-asghar-farhadi-steal-ideas?utm_source=nl&utm_brand=tny&utm_mailing=TNY_Daily_103122&utm_campaign=aud-dev&utm_medium=email&utm_term=tny_daily_digest&bxid=635cad4ea16b90f6550958f5&cndid=71334338&hasha=8211e1f4a234a78f59382f27871bcf46&hashb=52f8abe0ea049d92caa03ccbefa98bdc708f0e62&hashc=66b01af328640aac9a9ba0e21a4ce7b04597f9e972172abca54573d3b6911471&esrc=growl2-regGate-0521&mbid=CRMNYR012019
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất