1. Giải thích từ ngữ

Đạo Công giáo là tên gọi xuất phát từ chữ Hy Lạp “katholikos” có nghĩa là “chung” hay “phổ quát”. Như vậy từ “Công giáo” có ý nghĩa là đạo chung, đạo phổ quát, hướng tới mọi người không phân biệt nguồn gốc, xuất thân, tín ngưỡng, quốc tịch. Điều này được khẳng định bởi vì Thiên Chúa yêu thương mọi người, không loại trừ ai. Ngài tác tạo nên hình hài, tính cách ta. Mỗi người là một hữu thể độc nhất và có giá trị vô cùng. Con người không phải là một thứ gì đó, mà là một ai đó (câu 47 sách Docat).

2. Giải đáp định kiến

Trong đời sống, chúng ta gặp không ít định kiến về Công giáo, một trong số đó là quan điểm “Công giáo phá bỏ văn hóa truyền thống”. Nhưng thực tế thì không phải vậy.
Để chứng minh quan điểm này, nhiều người đưa ra bằng chứng rằng người Công giáo không làm cỗ thắp hương, như vậy là bất hiếu với tổ tiên. Thực tế thì hiểu lầm nằm ở sự khác biệt về niềm tin giữa hai bên. Người Công giáo quan niệm rằng linh hồn tổ tiên sau khi qua đời sẽ về thế giới bên kia, họ không còn thân xác nữa, nên cúng thức ăn thì người chết chẳng thể ăn được. Người mất không thể hưởng dùng của cải, thức ăn như khi còn sống. Vậy nên cúng đồ ăn là vô nghĩa. Thay vào đó, họ cầu nguyện cho người đã khuất sớm được về Thiên Đàng hưởng hạnh phúc, xin Chúa dẫn đường linh hồn về quê Trời vĩnh cửu. Như vậy, thay bằng việc cúng đồ ăn và lễ vật, họ cầu nguyện cho linh hồn, nhớ tới họ và sống cùng họ trong tâm thức. Mặc dù thân xác không còn, nhưng người ấy còn sống mãi trong tâm trí người thân. Người tín hữu luôn hy vọng mai sau được gặp lại người thân nơi quê Trời hạnh phúc viên mãn. Đó là niềm vui trọn vẹn của người tín hữu Chúa, không thất vọng, mà luôn nhớ đến và gửi gắm yêu thương trong những lời cầu nguyện.
Người tín hữu không quên người thân. Trái lại, họ càng củng cố sự hiếu thảo với tổ tiên qua lời cầu nguyện và mong ước cho tổ tiên được hiện diện bên tôn nhan Chúa. Như vậy có thể kết luận rằng người Công giáo không từ bỏ tổ tiên, mà làm cho tập tục tốt đẹp này được kiện toàn và mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Công giáo không phá hủy văn hóa truyền thống mà trái lại, củng cố văn hóa ấy trở nên tốt đẹp hơn.

3. Quan điểm của Giáo Hội hoàn vũ

Giáo hội có bổn phận và ý muốn tôn trọng các giá trị văn hóa, tập quán, phong tục của mỗi dân tộc khi chúng không mâu thuẫn với đức tin và luân lý Công giáo. Thánh bộ Truyền bá Đức Tin, năm 1659, đã ban bố mệnh lệnh cho các nhà thừa sai: đừng thay đổi điều gì về tập quán, truyền thống, trừ phi chúng hiển nhiên trái ngược với đức tin hoặc các phong tục tốt lành (modo non sint apertissime religioni et bonis moribus contraria). Đức Pio XII, trong thông điệp Summi Pontificatus ngày 20.10.1939: Tất cả những gì mà trong các phong tục và tập quán này, không liên kết chặt chẽ với các sai lầm tôn giáo, sẽ luôn luôn được xem xét cách khoan dung và khi có thể, được bảo vệ và khuyến khích.
Để nhận định các nghi thức nào là hợp hoặc trái với đức tin và luân lý Công giáo, Giáo hội đã thiết lập những tiêu chuẩn sau đây:
– Tất cả những gì mà các nhà cầm quyền và theo đánh giá chung cho là nghi thức thuần túy thế tục, nghĩa là biểu hiện lòng tôn kính, mến yêu đối với tổ quốc và các anh hùng dân tộc, hoặc biểu đạt phép xã giao, thì được phép, và được cổ vũ trong tư cách công dân.
– Ngược lại, tất cả những gì mà trong các nghi lễ công cộng hoặc riêng tư, theo đánh giá chung, có đặc tính tôn giáo, nghĩa là được xem như hành vi phụng tự, thì người Công giáo không được làm. Họ chỉ có thể tham dự thụ động như khán giả vì phép xã giao mà không tránh được (x. Plane Compertum, 3).
– Tuyệt đối không được lập danh sách các lễ nghi được cho phép và các lễ nghi bị cấm. Sợ rằng cuộc tranh cãi xưa lại tái sinh (querelle des rites)
– Phải dạy dỗ các tín hữu những nguyên tắc phải tuân theo. Các Giám mục có thể ban những chỉ thị tổng quát. Tuy nhiên, đừng đi quá sâu vào chi tiết, mà hãy để các tín hữu tự hướng dẫn mình theo lương tâm trong những trường hợp cụ thể.

4. Quan điểm của Hội đồng giám mục Việt Nam

Các Giám mục Việt Nam, ngày 22.01.1964, đã xin Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin cho phép áp dụng vào Việt Nam Huấn thị Plane Compertum đã ban hành cho Giáo hội ở Trung Quốc. HĐGM VN đã công bố các quy luật áp dụng đối với Việt Nam, trong thông tư ngày 14.06.1965:
– Cấm tham dự chủ động cũng như thụ động các lễ nghi có tính cách tôn giáo trái ngược đức tin và luân lý Công giáo, mê tín dị đoan, diễn ra trong những nơi dành cho việc phụng tự ngoại giáo.
– Nếu vì bó buộc phải tham dự các lễ nghi có mê tín dị đoan thì phải cư xử thụ động như khán giả. Nếu điều đó không đủ để đánh tan hiểu lầm thì phải làm tuyên bố về các ý hướng của mình.
– Trong những trường hợp mà đặc tính tôn giáo hoặc thế tục không rõ ràng, thì phải theo ý kiến chung của địa phương.
Ngày 14.11.1974, các Giám mục VN (gồm 7 vị) hội thảo tại Nha Trang, đã xác định cụ thể:
– Được đặt bàn thờ gia tiên dưới bàn thờ Chúa trong gia đình,
– Được đốt hương, nhang đèn, nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ gia tiên,
– Được tổ chức và tham dự những ngày giỗ chạp tổ tiên ông bà,
– Ngày Hôn lễ, dâu rể được làm làm lễ gia tiên trước bàn thờ gia tiên,
– Trong tang lễ, được phép đốt nhang, vái lạy hương hồn,
– Được tham dự lễ nghi tôn kính vị thành hoàng để tỏ lòng cung kính biết ơn, chứ không vì mê tín. Trong trường hợp thi hành các điều trên đây, sợ có điều gì hiểu lầm, nên khéo léo giải thích. Đối với giáo dân, cần giải thích cho hiểu việc tôn kính tổ tiên và các vị anh hùng dân tộc, theo phong tục địa phương, là nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu và chính Chúa đã truyền dạy phải thảo kính cha mẹ (Điều răn IV).

5. Kết luận

Như vậy, ta thấy rằng Giáo hội Công giáo có cách tiếp cận cởi mở và đúng đắn. Một mặt Giáo hội ngăn cản tín hữu không nên tham gia vào các hoạt động tôn giáo ngoài Giáo hội, mục đích là để bảo vệ người tín hữu trước sự sai lạc về đức tin, giúp họ tránh khỏi sự lẫn lộn và phai sờn chân lý. Việc ngăn cấm này có hiệu quả cho người còn yếu về đức tin. Nếu như mỗi tín hữu được trang bị đủ vững về kiến thức, có năng lực phân biệt được điều nên làm và điều phải tránh, thì việc tham gia, khám phá những nền văn hóa khác không xấu, mặt khác còn giúp chính mình trau dồi vốn hiểu biết về nền văn hóa khác. Tuy nhiên phải biết học tập và rèn luyện giáo lý một cách nghiêm túc thì bản thân mới trở nên trưởng thành về đức tin, sẵn sàng đối thoại với nền văn hóa khác. Mặt khác, Giáo hội không cấm người tín hữu tham dự các hoạt động tôn giáo khác, nhưng cần có tinh thần học hỏi, khám phá, đối thoại với điều khác biệt để nhận ra nét đẹp nơi ấy.
Các bạn có thể tham khảo bài viết sau, để có cái nhìn toàn diện hơn: