Tuần trước ngồi nói chuyện với bạn đồng nghiệp về chuyện học đại học, mình chợt nhận ra là với mức học phí các trường hiện nay, không phải bạn học sinh nào cũng có thể theo đuổi ước mơ học đại học tại Việt Nam chứ chưa nói đến chuyện đi du học. Với trải nghiệm từng học 2 trường đại học tại TP.HCM và nhận một số học bổng nho nhỏ trong suốt những năm qua, mình tổng hợp một số học bổng mình biết trong bài này, hi vọng có thể giúp các bạn học sinh, sinh viên có thêm thông tin và chuẩn bị cho quá trình học đại học của mình được tốt hơn.

I. HỌC BỔNG TỪ QUỸ

* Các học bổng này thường ưu tiên cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Học bổng Lương Văn Can

- Thông tin chi tiết: https://lvcfund.org.vn/vi/
- Mức hỗ trợ: tuỳ gói, cao nhất là gói toàn phần bao gồm trợ cấp 100% học phí, sinh hoạt phí, khoá tiếng Anh và các khoá đào tạo khác
- Đối tượng: học sinh mới trúng tuyển đại học (học lực xuất sắc) hoặc sinh viên các trường đại học tại Việt Nam (điểm trung bình từ 8.0 trở lên)
Mình nghĩ đây là quỹ học bổng rất giá trị, đặc biệt là với các bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về điều kiện kinh tế, khuyết tật, ở vùng sâu vùng xa,… (đây là tiêu chí ưu tiên được ghi rõ trong học bổng). Học bổng mở vào đợt hè hàng năm.

Học bổng Vietseeds

- Mức hỗ trợ: 1,500 USD/năm
- Đối tượng: học sinh mới trúng tuyển đại học, ưu tiên sinh viên ở tỉnh xa và vùng có kinh tế khó khăn
Học bổng ưu tiên cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mất bố hoặc mẹ, mồ côi, người dân tộc thiểu số, chi phí y tế vượt quá khả năng kinh tế của gia đình,… Quy trình tuyển chọn gồm 3 vòng: hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp 1-1 và làm việc nhóm. Học bổng sẽ được đánh giá và xét tuyển lại hằng năm.

Học bổng Thắp sáng niềm tin

- Mức hỗ trợ: tối đa 25,000,000 VND/năm
- Đối tượng: học sinh mới trúng tuyển đại học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ điều kiện kinh tế để lo cho học sinh theo học đại học và có học lực tiên tiến trở lên.
Tương tự như hai học bổng trên, đây là học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

II. HỌC BỔNG TỪ CÁC TỔ CHỨC

Học bổng Amcham

- Mức hỗ trợ: 15.000.000/suất và được tham gia các hoạt động khác của Amcham
- Đối tượng: sinh viên năm 3, 4 tại một số trường đại học được đối tác
Học bổng Amcham do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hồ Chí Minh cấp hàng năm. Gồm (1) Học bổng Thường niên AmCham và (2) Học bổng Nữ Sinh viên Kỹ thuật AmCham. Tuỳ vào học bổng mà tiêu chí đánh giá khác nhau, chẳng hạn học bổng (2) thì dành riêng cho sinh viên nữ, ngành kỹ thuật đúng như tên gọi.
Mình từng apply Học bổng Thường niên Amcham vào năm 2021 nhưng rớt ở vòng phỏng vấn. Đợt mình ứng tuyển thì gồm 3 vòng: hồ sơ, test đánh giá và phỏng vấn. Mình không nhớ vòng hồ sơ có phải làm bằng tiếng Anh không nhưng hai vòng sau đều phải làm bằng tiếng Anh. Thời điểm mình ứng tuyển thì học bổng AmCham chỉ được ứng tuyển đúng một lần, nếu mình rớt thì năm sau không thể nộp lại.

Học bổng Panasonic

- Mức hỗ trợ: 30.000.000/suất
- Đối tượng: sinh viên các trường đại học tại Việt Nam, có học lực giỏi hoặc khá (đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn)

Học bổng Vallet

- Mức hỗ trợ: Tuỳ năm, thông tin gần nhất mình thấy là 28.000.000/suất
- Đối tượng: sinh viên năm hai trở lên, học lực giỏi thuộc một số trường đại học nằm trong danh sách
Ngoài hỗ trợ cho sinh viên, học bổng Vallet cũng có hỗ trợ cho học sinh THPT và sau đại học, nhưng thông tin mình kiếm thấy khá ít, cũng tuỳ năm và tuỳ trường.
Ngoài các tổ chức trên, các bạn có thể tìm hiểu thêm Học bổng của các tổ chức như Shinhan Bank, SCG, Honda,… có thông báo hằng năm.

III. HỌC BỔNG ĐẦU VÀO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Các trường đại học, đặc biệt là các đại học quốc tế hoặc tư thục, thường có học bổng đầu vào để thu hút sinh viên hằng năm. Có thể các bạn đã rất quen với các học bổng của các trường quốc tế hàng đầu như VinUni, RMIT, Fulbright, BUV,… Mình thú thật là nhìn profile các bạn học sinh đậu học bổng các trường này mình cảm thấy quá ngợp ^^
Ngoài ra thì các bạn cũng có thể cân nhắc học bổng của các trường tư thục khác. Chẳng hạn như tại HCM thì mình thấy các trường như Tôn Đức Thắng, Hoa Sen, Văn Lang,… đều có chính sách học bổng rất dồi dào để thu hút sinh viên suất xắc. Mình hiểu là nếu có thành tích tốt, các bạn thường sẽ có xu hướng chọn học các trường công lập. Tuy nhiên, bản thân mình trải nghiệm cả 2 môi trường công lập và tư thục, mình cảm thấy còn TUỲ ^^ Và nếu được học bổng 100% ở các trường này thì mình nghĩ cũng rất đáng giá.

IV. HỌC BỔNG CỦA KHOA, TRƯỜNG CẤP HÀNG NĂM

Bạn nên tham khảo thông tin các học bổng thường niên này từ các anh chị khoá trước, thông tin từ khoa, nhà trường,… để có thể chuẩn bị và ứng tuyển. Mình thấy là các trường đều có những học bổng này hàng năm.
Một số kinh nghiệm của mình đúc kết được qua một số lần ứng tuyển học bổng dạng này (có cả đậu và rớt là):
- Bạn nên xem trước tiêu chí để chuẩn bị trước ít nhất 1 học kì. Chẳng hạn như ở trường công lập trước đây mình theo học, tiêu chí nhận học bổng khoa là 90% điểm GPA và 10% điểm rèn luyện. Vào kì I năm nhất, dù điểm mình cao nhất khoa nhưng vì mình không tham gia hoạt động gì nhiều nên điểm rèn luyện không cao. Tổng kết lại mình không nhận được học bổng. Nhưng rút kinh nghiệm qua các kì khác mình đã cải thiện điểm này và được đậu.
- Dù tham gia hoạt động ngoại khoá/nghiên cứu… không nằm trong tiêu chí xét tuyển, thì nó vẫn là một điểm cộng lớn. Đây là học bổng do khoa/ trường cấp nên chắc chắn giữa những sinh viên có thành tích như nhau, sinh viên nào có đóng góp cho nhà trường nhiều hơn thì sinh viên đó sẽ được ưu tiên. Đặc biệt là nếu là học bổng khoa, rõ ràng sinh viên nào hoạt động nổi trội cũng sẽ được ưu tiên hơn.

V. HỌC BỔNG CÁC KHOÁ TIẾNG ANH

English For Those In Needs (EFTIN)

- Thông tin chi tiết: https://englishforthoseinneed.blogspot.com/ và https://www.facebook.com/nghi.tran.7906 (fb cá nhân của cô Trân, mỗi năm tuyển cô sẽ đăng bài trên trang cá nhân)
- Mức hỗ trợ: miễn phí khoá học IELTS hoặc tiếng anh giao tiếp
- Đối tượng: học sinh, sinh viên, người đi làm,… có nhu cầu học tiếng Anh “nghiêm túc” cho học tập, công việc
Mình rất may mắn được học khoá EFTIN 10. Đây là một trong những bước ngoặt giúp khả năng tiếng Anh của mình tiến bộ hơn trước đó rất nhiều. Các thầy cô không chỉ giỏi mà còn rất nhiệt tình và nâng đỡ. Ngoài việc học tiếng Anh, các thầy cô cũng hay chia sẻ về việc du học, trải nghiệm sống tại nước ngoài, nghiên cứu,… rất bổ ích cho sinh viên. Ngoài được học khoá EFTIN, các bạn cũng có cơ hội tham gia các workshop khác về đa dạng chủ đề như speaking, academic writing, hoặc gần đây mình có tham gia một workshop khá thú vị là ứng dụng AI trong giảng dạy tiếng Anh. Quy trình tuyển chọn hơi kĩ một chút, vì tiêu chí hàng đầu của EFTIN là bạn phải cam kết và nghiêm túc với quá trình học tập.

Các khoá học tiếng Anh trên Coursera

Đây là điều mình ước mình đã biết sớm hơn khi còn là sinh viên. Mình khá chật vật trong hành trình học tiếng Anh của mình và cũng bỏ ra một số tiền kha khá để tham gia nhiều khoá học tiếng Anh bên ngoài. Đến dạo gần đây mình mới đăng kí một khoá học viết tiếng Anh học thuật (academic writing) trên Coursera và xin xét duyệt miễn học phí. Mình thấy thủ tục xét duyệt cực kì đơn giản và mình chỉ cần chờ 2 tuần là có thể bắt đầu học.

TẠM KẾT

Ngoài các học bổng mình liệt kê trên, còn có rất nhiều học bổng khác hỗ trợ cả về tài chính lẫn kiến thức, kĩ năng cho sinh viên. Ở lần học đại học thứ hai của mình, nhờ có sự chuẩn bị tốt hơn và có “chiến lược” hơn, nên suốt 4 năm mình đã đỡ gánh nặng tài chính và tận hưởng việc học tập hơn rất nhiều. Hi vọng các bạn cũng đạt được những học bổng mà các bạn mong muốn.