Bài viết gốc trên Lithub
Khóc thương thứ một đi không trở lại - Rima Rantisi
-
Đó là lần đầu tiên của tôi.
Leo muốn làm cho xong ngôi nhà ma ám mà cu cậu đang xây từ những thứ vật tư tìm được quanh nhà. Đó là bản sao của ngôi nhà ma mà cu cậu từng làm ra cùng với người bạn thân Oliver một ngày trước. Hai đứa đang ngồi bên bàn ăn và dán những hình dơi bằng giấy bé tí vào bất cứ chỗ nào chúng tìm thấy trên một chiếc hộp trứng nhỏ. Leo còn vẽ trái bí đỏ mà cu cậu vừa mới biết tới từ một quyển sách mà các thủ thư ở trường phát cho các bé ở một cái bàn để ngoài vỉa hè mới ít tuần trước. Lúc này đang mùa đứng gió, nên trời rất nóng. Chúng tôi mới leo hết bảy tầng lầu để về tới căn hộ vì không có điện và máy phát cho thang máy – nhiều tuần qua điện chỉ có vài giờ mỗi ngày vì quản lý kém cỏi của chính phủ. Còn gã chạy máy phát điện đã nâng giá lên gấp ba và ngắt điện thang máy. Tôi giận sôi nhưng chẳng làm được gì. Nhễ nhại mồ hôi một ngày đầu tháng Tám, chúng tôi kéo ngang cánh cửa trượt và đi ra ngoài ban-công rộng rãi bao phía ngoài căn hộ, ngự ở mạn cuối cùng phía tây thành phố Beirut, nơi gió biển để lại từng tảng gỉ sét trên tòa nhà.
Tôi chuẩn bị hộp trứng và sơn màu cho Leo, rồi đi ra ngoài lấy nước cho tôi cùng hai đứa. Tòa nhà chao đảo. Tôi cứng người. Tòa nhà lại chao đảo. Liệu có phải một trận động đất? Tôi nhìn quanh và một luồng gió thình lình như mang điềm gở thốc vào ban công trước khi cái âm thanh lớn nhất tôi từng được nghe ập xuyên qua cơ thể chúng tôi và làm rung chuyển cả thành phố. Chạy tới bên Leo, tôi bị vây quanh bởi một cảm giác chờ đợi mơ hồ.
Ở Beirut, người Lebanon đã từ lâu than khóc. Ngày này sang ngày nọ, từ khi Cuộc cách mạng 17 tháng 10 bị quét phăng khỏi đường phố vì đại dịch Covid-19, chúng tôi vẫn đang chôn đi từng mảnh của thành phố Beirut. Chúng tôi giã biệt tiền của, đồng tiền cũng chết bặt, và cùng với nó là sinh kế và những thú tiêu khiển. Chúng tôi giã biệt bạn bè và gia đình những người không còn có thể sinh tồn tại đây. Chúng tôi giã biệt nốt những thiết chế hãy còn chú trọng tới những đồng bạc cuối cùng. Chúng tôi tất thảy đều thắt lưng buộc bụng dưới áp lực của lạm phát phi mã, tham nhũng, và tuyệt vọng. Mỗi khi một cơ sở kinh doanh đóng cửa hay một người bạn lên máy bay bỏ xứ hay một ai đó bị buộc thôi việc, chúng tôi cảm nhận được cái cảm giác mất mát sâu thẳm bại nhược – lại là một phần khác của thành phố, một phần khác của chúng tôi đang rời bỏ vì sẽ chẳng bao giờ được cải thiện. Nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng: nó cũng chẳng thể nào tệ hại hơn được nữa. Chúng tôi không còn có thể lún sâu thêm vào sự tan tác của tất cả mọi điều chính chúng tôi đã tạo nên.
Ảnh: Sarah Attalah
Và rồi cảng Beirut phừng lên. Kính vỡ đổ ào xuống lấp lánh khắp những con đường. Người ta bước đi, máu rỏ xuống khắp người. Các xác chết ở cảng, gồm cả xác của lính cứu hỏa được phái tới để dập đám cháy vừa bừng lên cách đó ít phút trước vụ nổ, bốc hơi cùng với vụ nổ, khuôn mặt họ vẫn còn hiện diện trên một tài khoản Instagram liệt kê những người mất tích. Nhân viên phục vụ thức uống hay làm hầu bàn, cha mẹ ở nhà cùng con cái, bạn bè đang ngồi ở các quán nước, phụ nữ đang sinh nở, những người đang tiếp diễn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như lấy một cốc nước từ nhà bếp, bất thình lình mắc kẹt dưới đống đổ nát, bị xé toạc bởi kính vỡ, bàng hoàng, thất kinh hoặc đã chết. Nhà cửa và văn phòng của họ chẳng còn. Người ta cố sức lôi người thân yêu của mình ra khỏi đống hoang tàn. Bệnh viện nêm kín bệnh nhân. Đó chính là thời khắc thay đổi tất cả chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ tiếp tục sống tại thành phố mà chúng tôi từng biết như trước đây nữa. Ai sẽ tái thiết nó? Ai sẽ không? Ai có thể quên đi được?
Trong vòng mười tháng, từ ngày 17 tháng 10, vẫn canh cánh một câu hỏi: đó là một cuộc nổi dậy hay một cuộc cách mạng? Người ta không ngừng viện dẫn lịch sử: nếu chúng tôi muốn có cách mạng, máu phải đổ. Nhưng chẳng ai  trong chúng tôi muốn đổ máu. Chúng tôi lấy làm tự hào vì yêu chuộng hòa bình, vì văn minh. Thế hệ hậu chiến đã dẫn dắt cuộc tranh luận giữa lúc hàng triệu con người tuần hành ở các quảng trường trên khắp đất nước và thế giới, tuyên bố rằng: “Cuộc nội chiến đã kết thúc.” Chúng tôi chắc chắn rồi sẽ có một cuộc cách mạng; chẳng thể nào bọn họ có thể tiếp tục nếu nhiên liệu và ngũ cốc trở nên khan hiếm, ngân hàng đã tịch biên tiền của chúng tôi, và ngày càng có nhiều người phải ra đường ngủ hay thiếu ăn. Hy vọng dâng cao khi người Lebanon khắp đất nước và trên toàn thế giới tham gia. Về sau, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi chỉ va lấy nhau rồi cùng sụp đổ. Giai cấp thống trị không hề thay đổi.
Tháng Một năm nay, họ bầu ra một chính quyền mới biến tấu thành “kỹ trị độc lập,” con rối của chính những thủ lĩnh quân sự đã buộc người dân chúng tôi xuống đường. Trong lúc mọi người vây quanh quốc hội hòng chặn các nghị viên đến bầu tín nhiệm, cảnh sát bạo loạn bắn đạn hơi cay vào người biểu tình giữa lúc chính quyền mới được công bố trên truyền hình. Chúng tôi đang chiến đấu cho sinh mạng mình. Chúng tôi đang chiến đấu để không mất nước. Chúng tôi đã đánh mất quá nhiều. Khi đó chúng tôi nào biết được chẳng bao lâu mình sẽ tiếp tục mất mát trong một đại dịch tiếp tục đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh, khiến nhiều người đói khát, và càng gây thêm tuyệt vọng vô song, và khi chính ông bà cha mẹ chúng tôi cho hay nó còn tệ hại hơn cả cuộc nội chiến?
Và rồi: 2750 tấn amoni nitrat nổ tung giữa trung tâm Beirut.
Giờ đây máu đã đổ.
Buổi sáng hôm sau khi xảy ra vụ nổ, Olfa giàn giụa nước mắt nói với tôi rằng căn hộ mới của cô bên kia cảng đã hoàn toàn bị tiêu hủy.
“Không sao, chúng ta sẽ dọn sạch,” tôi bảo Olfa.
“Không, không phải, chị không hiểu. Nó đã tiêu tan,” cô đáp.
Tôi không hiểu.
“Tòa nhà đã bị tiêu hủy,” cô nói.
Nỗi hoang mang bao trùm sau một sang chấn dường ấy được các nhà tâm lý xem là “bình thường” lúc cơ thể và tâm trí còn đang phải xử lý quy mô to tát của các diễn biến và tìm cách thấu hiểu bằng được hiện thực mới mẻ đang bày ra trước mắt. Ai tôi quen cũng đều thấy khó ngủ, giật mình trước tiếng động dù là nhỏ nhất, cảm thấy uể oải và đầy căm tức lẫn buồn rầu. Chẳng có gì là bình thường cả.
Ở đất nước này, trong suốt một năm qua, chúng tôi đã phải tính toán lại cách sống của mình ở nhiều phương diện - chính trị, tài chính, sức khỏe, và giờ đây trong hậu quả vụ nổ hủy hoại thành phố thủ đô. Trong suốt một năm qua, chúng tôi ngốn mình vào việc tìm hiểu và bàn luận về kinh tế và nạn đói và chính trị và đại dịch và amoni nitrat; khi thiếu vắng sự hiện diện của một chính quyền và đầy sự vỡ toang các kiến trúc xã hội, chúng tôi bỗng nhiên trở thành những người hoàn toàn chịu trách nhiệm cho đất nước của mình. Sau vụ nổ, chúng tôi dọn dẹp đống đổ nát và mang người chết ra ngoài, chúng tôi quyên góp để tái thiết. Chính phủ tuyệt đối vắng bóng – quả thật, chính phủ vừa mới từ nhiệm hôm qua – ngoại trừ những khi nó muốn tự biện minh cho mình. Chúng tôi ngập ngụa trong hậu quả các tội ác của chính quyền gây ra đến nỗi không xử lý xuể những mối bận tâm khác, chẳng còn bất cứ dòng trạng thái nào trên mạng xã hội về các webinar hay các buổi đọc sách tại những chốn an toàn đáng yêu ngoài kia. Chúng tôi từng có những nơi như thế. Chúng không còn nữa. Ký ức và cú sốc đã vào thay chỗ.
Trong một post trên Facebook sau vụ nổ, Olfa viết: “Cú sốc cứ tái diễn trong mỗi khoảnh khắc hồi tưởng về vụ nổ. Ban ngày, chúng tôi chẳng nói gì khác ngoài trải nghiệm đau thương tập thể vừa trải qua, về cách mọi người phản ứng trước nó theo cách riêng của mình, chúng tôi chẳng nói về gì khác ngoài sự căm tức, về mất mát, sự u uất và về báo thù. Chúng tôi chẳng còn điều gì khác để nói với nhau. Các bạn có thể tưởng tượng được nó như thế nào hay không?”
Ảnh: Rima Rantisi
Đi băng qua những quận bị thổi tung gần cảng là một hành trình băng qua ký ức, những ngày trước vụ nổ và sự sụp đổ của đồng tiền và đại dịch. Chúng tôi phải tua lại đồng hồ dừng lại vào đúng 6 giờ 7 phút chiều ngày 4 tháng 8, sau phong tỏa đại dịch, trở lại quãng thời gian trước tháng Mười, khi mối yêu ghét với thành phố này vẫn miên mải tiếp thêm năng lượng đồng thời rút cạn nó ra khỏi chúng tôi như những con nghiệm cần tiêm thuốc. Chúng tôi biết sự mục ruỗng của nó thâm căn, nhưng tình yêu chúng tôi dành cho sự hỗn độn của thành phố này cũng sâu chẳng kém, và câu chuyện về nó chẳng nơi nào khác có thể có được. Chúng tôi, như những chiến binh thần phong , đang lao mình ra, bất chấp sự mục ruỗng chôn vùi có thể tóe tung vào mặt mình.
Chúng tôi không bao giờ mô tả khu vực này là “gần cảng.” Nhưng giờ thì chúng tôi đã làm như vậy, và sẽ mãi như vậy. Trước kia nó chỉ là một thắng cảnh. Những chuyện kinh dị họ kể, phải đút lót hàng đống tiền cho bất cứ món gì cập cảng khiến nơi đây từng là nơi cuối cùng ta muốn bén mảng tới. Đây chẳng phải là kiểu hải cảng mà ta bắt gặp ở Athens, nơi hải âu hạnh phúc chao liệng, hứa hẹn đại dương phía trước mặt. Nó giống như bất cứ định chế chiến lược nào khác tại Lebanon, dưới ảnh hưởng của Hezbollah, những kẻ cần tới nó để sinh hoạt quân sự bên trong và bên ngoài Lebanon. Giờ đây chúng ta đang nhìn thấy cảng Lebanon qua đường chân trời lồi lõm những phố quận mà chúng tôi hằng quen thuộc. Giờ đây chúng tôi thèm thuồng nó như thèm thuồng một quá khứ đã không còn.
Gần như tất cả các tòa nhà trong quận gần cảng nơi người dân Beirut đến dùng bữa tối, đến dự khán các phòng tranh, đến để đối ẩm, các hiệu sách, đều bị tiêu hủy, ngoại trừ một vài ít ỏi còn sót lại bởi may mắn và bởi đặc tính vật lý của xung sóng. Nơi đây là nơi tôi và Rami bên nhau mỗi kỳ kỷ niệm ngày cưới. Nơi đây là chiếc bàn, giờ phủ bụi bẩn, mà chúng tôi từng ngồi lại hàng năm cùng với cha tôi vào Ngày của Cha. Nơi đây là địa chỉ mà chúng tôi tổ chức đọc sách năm nay, xa khỏi trường đại học. Đây là nơi hẹn hò đầu tiên của tôi tại Beirut. Nơi đây là nơi chúng tôi đã từng vô số không đếm xuể lần tản bộ dọc theo vỉa hè lát gạch mịn dọc theo dãy nhà màu pastel có trần cao và các ban công và hàng cột thoáng đãng, gợi nhớ về một quá khứ chúng tôi chưa bao giờ trải qua.
Giờ đây nó ắp đầy những con người bước băng qua kính vỡ, cửa vỡ, tấm gỗ, đồ đạc chất thành những đống cao. Chúng tôi bước qua mặt tiền một ngôi nhà cổ để tiến vào khoảnh sân, tìm kiếm một con mèo già bị vấn đề về thận mà chủ của nó giờ đây đang trong bệnh viện. Chúng tôi gọi con mèo, nhưng tôi không hiểu nổi làm sao có thể tìm thấy nó giữa tất cả ngần ấy thứ. Tôi thấy tội lỗi vì chỉ quan sát qua loa. Tôi cảm thấy như mình bạc nhược khi đứng giữa đống hoang tàn cuộc sống của người khác. Tôi cảm thấy như một kẻ xâm lăng. Chúng tôi di chuyển cùng dòng dân quân tay cầm chổi, đeo khẩu trang và nón bảo hộ, và chúng tôi biết chính mình đang cáng đáng tất cả. Chúng tôi gần như chẳng biết mình đang làm gì. Chúng tôi chỉ biết đó là điều mình phải làm. Đó là Beirut lúc này.
Ảnh: Jad Melki
Đã một tuần trôi qua, nhưng cảm tưởng như bốn mươi năm chiến tranh và tham nhũng và dối trá vẫn đang tái diễn.
Người bạn tôi cũng là một nhà văn, Lina Mounzeer, mới đây đã viết thế này sau vụ nổ ngày 4 tháng 8 tại cảng Beirut: “Lớn lên tại Lebanon đã dạy tôi rằng một vụ nổ sẽ âm vang mãi theo thời gian, rằng xung chấn sẽ kéo dài suốt phần đời còn lại, và áp lực của nó thay đổi hình dạng của tâm trí. Tôi biết rằng một vụ nổ sẽ thay hình đổi dạng tất cả mọi thứ ta cho rằng mình xứng đáng trên thế gian này. Con người Beirut bị định hình bởi chính những quả bom thay đổi hình của thù đất nước.”
Mẹ tôi ở Illinois có những ý muốn giết chóc. Bạn bè tôi cũng có những ý muốn giết chóc. Beirut muốn những kẻ chỉ huy quân sự chuyển dạng thành nghị viên quốc hội bị treo cổ. Giá treo chất đầy các quảng trường, với những chiếc đầu bằng các-tông của những kẻ sát nhân dôi ra ngoài. Làm sao mà chúng tôi có thể nghĩ khác đi cho được? Làm sao chúng tôi có thể nghĩ tới một kết cục nào khác cho những kẻ đã ra lệnh sát hại hàng trăm ngàn con người trong cuộc nội chiến? Có phải chúng đáng phải như vậy? Có phải chúng tôi chưa cho rằng mình xứng đáng nhận được điều gì khác? Có phải khi gọi đó là một cuộc “cách mạng”, bất giác chúng tôi nhận ra rằng một thứ gì đó hãy còn chôn vùi quá sâu chúng tôi không sao chạm tới được?
Leo vẫn ngồi tại chỗ cũ của nó bên cạnh căn nhà ma, nó chẳng la hét hay khóc lóc. Tôi chạy tới bên con để bế dậy. Tôi không biết phải đi đâu và rồi mơ hồ nhớ lại những câu chuyện từ cuộc nội chiến rằng hành lang chính là nơi an toàn nhất. Tôi thở dốc. Leo muốn biết tại làm sao tôi lại nói năng như vậy, tại sao vẻ mặt tôi đang như thế. Tôi không nhớ đã nói gì với con, nhưng hy vọng điều tôi nói ra sẽ không trú lại ở các nếp nhăn não mới hình thành, không rỏ ra ngoài và đầu độc con. Tôi không còn nhớ con có ở bên mình hay không lúc tôi quay trở lại ban công. “Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi người hàng xóm bên kia. “Nhìn kìa!” bà chỉ vào ụ khói màu cam đỏ thẫm dường như ở sát khu chúng tôi. Tôi không còn nhớ liệu con có nghe tôi cứ lặp đi lặp lại tên của Rami hay không. Tôi không còn nhớ liệu tôi có ôm con vào lòng khi Rami facetime với tôi từ dưới đường trên xe đạp; Quả đất gần như đã hất anh tung lên khi kính lao xuống như mưa, và tôi hạnh phúc biết bao anh ấy vẫn còn sống.
Mỗi ngày chúng tôi lại nhớ tới một ai đó cần thăm hỏi. Chúng tôi nay đã biết được mức độ khủng khiếp của tổn thất, nhưng khi chờ họ trả lời chúng tôi không hề biết ai là người may mắn sống sót và ai không. Các xung chấn khiến nhà cửa nổ tung. Những ai trong chúng tôi mở cửa sổ và cửa cái chịu ít tổn thất hơn hoặc không bị gì cả. Lina đi xin cho tôi một cốc nước sau cuộc biểu tình phản đối dâng trào bốn ngày sau vụ nổ, khi tôi đang nhễ nhại mồ hôi và thở dốc, sau khi vừa rời khỏi cảnh tượng một vùng chiến sự. Cô chỉ tìm được một chiếc cốc duy nhất, bị mẻ, trong chiếc tủ mà trước đó cô không để ý thấy. Xung chấn của một vụ nổ như thế sẽ tái diễn trong cuộc sống của chúng tôi theo những cách kỳ bí, nhắc nhở về sự may mắn và về gánh nặng của những thứ bất khả vãn hồi.
Chúng tôi đã hóa gầy gò và xám nhợt, chúng tôi hầu như không uống không ăn, hay nghĩ ngợi về ăn uống. Đôi lúc chúng tôi tự nhủ, “Tốt, chúng ta đang dành dụm.” Đại dịch vẫn còn là một thực tại mịt mờ. Những chiếc khẩu trang đang đeo bảo vệ chúng tôi trước virus, rác bẩn tanh nồng và amoni nitrat cùng hơi cay. Vào ngày biểu tình phẫn nộ, tôi chạy trốn một tiếng nổ hơi cay đốt cháy mặt và nghẹn ngang cổ họng. Người ta gần như giẫm đạp lên nhau để thoát thân. Khi cuối cùng cũng thoát ra khỏi đám đông, tôi tìm thấy một tòa nhà kiên cố đã bị thổi tung – tôi không còn nhớ nổi nó đã từng như thế nào. Tôi ngồi ngoài sàn cẩm thạch mát lạnh, tựa vào tường, và hít vào từng vốc hơi thật sâu. Ánh sáng từ những cửa sổ và cửa chính không còn kính đẹp lạ lùng.
Cái đẹp từ giã chúng tôi. Beirut luôn là một nơi quyến rũ du khách ghé thăm. Khi đặt chân tới thành phố để sinh sống mười ba năm trước, tôi đã phải lòng ngay tức thời. Ta có thể ngửi thấy mùi xăng và bánh mì mới ra lò và nước tiểu và hoa nhài ngay trong chỉ một dãy nhà. Ta yêu mến người hàng xóm to tiếng gọi với xuống phố từ ban công tầng bảy. Ta cảm nhận và chứng kiến tất cả sự bê trễ về chính trị lẫn xã hội của nó từ rác rến và người vô gia cư và những hạ tầng hỏng hóc nằm bên cạnh những ngôi nhà cổ được chỉnh trang trở lại, những cơ sở kinh doanh và những thương hiệu quốc tế. Ta tự hào rằng mỗi khi bạn bè đến thăm, ta có thể giao tiếp với họ bằng một trong ít nhất bốn thứ tiếng. Ta có thể sang thăm một người bạn mà chẳng cần hẹn trước. Chính những va đập dữ dội giữa đẹp và xấu là thứ luôn quyến rũ chúng tôi. Là thứ khiến chúng tôi cảm thấy mình thật sự đang sống.
Thế nhưng hôm nay, toàn thể những ước lệ về cái đẹp từng định danh đất nước này – niềm vui sống, sự quật cường, lòng hiếu khách, thức ăn, sự dung hòa Á và Âu – chẳng còn chút trọng lượng nào. Cái xấu đã áp đảo cái đẹp, và áp đảo bất cứ thứ gì còn mang dáng dấp của bản dạng đã luôn bềnh bồng giữa cái chốn mục ruỗng ung nhọt này suốt ngần ấy năm. Ngày nay Beirut là hiện trường một vụ thảm sát diện rộng. Vụ nổ không chỉ tiêu hủy thành phố của chúng tôi, nó đã tiêu hủy bất cứ ảo tưởng nào từng có trước đây rằng chúng tôi có thể có được nó trở lại mà không cần phải đổ máu.
Để lấy lại đất nước, để lấy lại thành phố, bọn chúng cho rằng chúng tôi cần tới máu. Nhưng máu của chúng tôi đã đổ. Giờ chúng tôi cần máu của chúng.

k.