Thời gian vừa qua tình hình xung đột quân sự tại Myanmar có nhiều diễn biến bất ngờ, nhanh chóng. Lực lượng ly khai tại Myanmar đã thành lập liên minh quân sự và mở chiến dịch mang bí số "Kế hoạch 1027" tổng tấn công quân đội chính phủ trên nhiều địa điểm và giành được kiểm soát bang Shan tại phía Đông của đất nước.
Quân đội Myanmar thừa nhận đang gặp khó khăn, mất quyền kiểm soát một phần lãnh thổ quan trọng. Các nước, trong đó có Việt Nam đã nhanh chóng triển khai phương án sơ tán công dân khỏi nước này trước khi tình hình có diễn biến xấu hơn.
Ngoài yếu tố manh nha của một cuộc nội chiến giữa chính quyền quân sự Myanmar và phe ly khai thì yếu tố Trung Quốc đang ảnh hưởng rõ nét đến tình hình đất nước này.
Sau cuộc đảo chính năm 2021, chính quyền quân sự Myanmar đã gặp phải sự chống đối quyết liệt về dân sự và vũ trang của một bộ phận dân chúng ủng hộ bà Aung San Suu Kyi.
Trong lĩnh vực đối ngoại, chính quyền quân sự Myanmar đối mặt với cô lập của cộng đồng quốc tế và phải nhờ đến sự trợ giúp về chính trị và kinh tế của nước láng giềng Trung Quốc.
Trong những ngày vừa qua tình hình xung đột đã có những bước leo thang đáng lo ngại khi quân ly khai đã tấn công đốt 120 xe hàng tại khu vực biên giới và chiếm giữ được cửa khẩu Kyin San Kyawt thuộc huyện Muse, bang Shan. Đây nút giao thương quan trọng giữa Myanmar và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Trước tình hình này, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Trần Hải đã có cuộc gặp với các quan chức Myanmar để thảo luận về tình hình an ninh và triển khai việc sơ tán công dân.
Theo Reusters, Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc vừa ra thông báo tổ chức tập trận bắn đạn thật từ ngày 25 tháng 11 tại khu vực biên giới với Myanmar nhằm "kiểm tra khả năng cơ động nhanh chóng, khả năng phong tỏa biên giới và tấn công hỏa lực của binh sĩ".
Dự báo trong thời gian tới tình hình chiến sự còn diễn biến phức tạp khó lường. Không ngoại trừ khả năng quân đội Myanmar thua trận, mất dần quyền kiểm soát lãnh thổ và cần sự trợ giúp trực tiếp về quân sự từ Trung Quốc để kiểm soát tình hình.
Việc Trung Quốc đưa lực lượng quân sự sang lãnh thổ Myanmar sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh khu vực Đông Nam Á. Việc triển khai lực lượng quân sự tới Myanmar sẽ giúp Trung Quốc đạt được 4 mục đích sau:
Thứ nhất, thiết lập lại trật tự tại vùng giáp biên giới của tỉnh Vân Nam, trấn áp phe ly khai cũng như các băng nhóm tội phạm đang lẩn trốn tại đây, đảm bảo an ninh ngoại biên, bảo vệ các lợi ích kinh tế và giao thương của Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc sẽ tạo thế đứng chân được tại bang Shan, nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng khi tiếp giáp cả với Lào và Thái Lan, đồng thời cũng là nơi Trung Quốc có tham vọng xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Salween, dự án này hiện đang bị trì hoãn vì sự phản đối của người dân địa phương do các lo ngại về vấn đề môi trường.
Thứ hai, tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc với chính quyền quân sự Myanmar, tạo sự ràng buộc để chi phối lâu dài tình hình nước này với vai trò như một quốc gia "đỡ đầu", nhất là trong bối cảnh chính quyền Myanmar đang bị cô lập sau cuộc đảo chính năm 2021. Đồng thời việc triển khai quân đến Myanmar sẽ đưa ra tín hiệu cảnh báo với các nước lớn khác (như Mỹ và Ấn Độ) rằng Đông Nam Á là thuộc quyền ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là tín hiệu ngầm cho thấy Trung Quốc sẽ không ngần ngại hành động quyết liệt để bảo vệ các "lợi ích cốt lõi" của mình, trong đó có cả vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
Thứ ba, thể hiện vai trò nước lớn, sẵn sàng triển khai quân đội để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại hải ngoại trong bối cảnh các lợi ích kinh tế của Trung Quốc ngày càng mở rộng ra thế giới với chương trình Vành đai và Con đường (BRI). Đây cũng là hành động trấn an các nước đối tác trong dự án BRI rằng Trung Quốc sẽ không "bỏ rơi" nếu các nước này gặp biến động về chính trị, Trung Quốc sẽ sẵn sàng can dự để giúp chính quyền các nước đối tác giữ ổn định nhằm bảo vệ tài sản chung.
Thứ tư, việc triển khai quân đội đến Myanmar sẽ góp phần lấy lại hình ảnh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sau những bê bối thanh trừng gần đây liên quan đến cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc và lãnh đạo lực lượng tên lửa chiến lược. Hành động này cũng sẽ tăng cường hình ảnh và quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình khi tái hiện lại được hình ảnh của lãnh tụ Mao Trạch Đông đưa quân sang giúp Bắc Triều Tiên chống lại liên quân Mỹ-Hàn vào năm 1950 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Trước tình hình hiện nay và khả năng Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự đến Myanmar, Việt Nam cần thực hiện những công việc sau:
Một là, tiếp tục nhanh chóng triển khai phương án sơ tán công dân mắc kẹt tại vùng chiến sự về nước trước khi tình hình có diễn biến xấu. Cố gắng không để công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở lại và phải chịu sự "quản lý" của bất kỳ lực lượng nào, nhằm tránh những khó khăn về ngoại giao trong quá trình bảo hộ công dân.
Hai là, thường xuyên tham vấn tình hình và hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN, nhất là 2 nước có chung biên giới với Myanmar là Thái Lan và Lào, trong đó bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của Việt Nam đến an ninh khu vực nếu Trung Quốc triển khai quân đội đến Myanmar.
Ba là, trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cần nêu rõ lập trường, đó là yêu cầu các bên tôn trọng nguyên tắc độc lập tự chủ của ASEAN, không can thiệp vào công việc nội bộ của Khối. Nhấn mạnh rằng mọi hành động quân sự đều cần phải nằm trong khuôn khổ Chương trình giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc, tránh các hoạt động vũ trang mang tính chất đơn phương.
Bốn là, các lượng lượng vũ trang của Việt Nam cần tăng cường tuần tra kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới tiếp giáp với Lào. Đề phòng trường hợp có biến động quân sự, bên tham chiến bị thua trận hoặc các băng nhóm tội phạm bị truy quét sẽ rút chạy sang Lào để đến Việt Nam ẩn náu, trốn chạy.
Hùng Nguyễn
Người nghiên cứu tự do tại Cộng hòa liên bang Đức