Đánh giá và cảm nhận về ASOIAF
Xin chào các bác. Có lẽ không ít những người ở đây đã biết đến series truyền hình ăn khách Game of Throne, nhưng khó ai biết đến cuốn...
Xin chào các bác. Có lẽ không ít những người ở đây đã biết đến series truyền hình ăn khách Game of Throne, nhưng khó ai biết đến cuốn tiểu thuyết giả tưởng đồ sộ là nguồn cảm hứng để tạo nên nó - A Song of Ice and Fire (Asoiaf). Cũng nhờ series này và qua bài viết của những người đồng môn trong Game of Throne Vietnam và Hội Những Người Hâm Mộ Series Game of Thrones [một page rất tuyệt vời ], mà nhờ đó tôi mới có cơ hội được đọc một trong những cuốn tiểu thuyết fantasy hay nhất trong thập kỷ vừa qua.
GIỚI THIỆU CHUNG
A Song of Ice and Fire [ từ giờ tạm gọi là ASOIAF ] là một series fantasy của nhà văn Mỹ GRRM, và cũng chính là nguyên tác cho seris truyền hình nổi/tai tiếng Game of Thrones. ASOIAF là một câu chuyện có tầm vóc cực lớn diễn ra tại hai lục địa: Essos và Westeros. Lục địa thứ nhất chính là ở phương đông, kể về hành trình phục quốc của nữ hoàng Daenerys Targaryen cùng những tranh chấp tại đó. Lục địa thứ hai, Westeros nằm ở phương tây, phân bổ thành hai tuyến truyện lớm. Tuyến thứ nhất kể về hành trình bảo vệ nhân loại trước mối nguy cơ The Others của Jon Snow, trong khi tuyến thứ hai xoay quanh cuộc chiến vương quyền khốc liệt giữa những đại gia tộc phía aznam nơi đây. Mỗi tuyến truyện trên lại được cấu thành bởi hàng loạt tuyến truyện nhỏ, khiến cho series trở thành một thế giới cực kỳ chi tiết và đa chiều. Vậy, hãy cố gắng xem bài review của tôi nào :3
Thông tin chung:
Tên chính thức của tác phẩm: A Song of Ice and Fire. [ Bản chuyển thể trên phim được đặt theo tên của cuốn truyện đầu, Game of Thrones ]
Thể loại: Medieval European Fantasy, Grimdark
Tác giả: George RR Martin [ tạm gọi là GRRM ]
Thời lượng: 5 cuốn [ A Game of Thrones - quyển một, A Clash of Kings - quyển hai, A Storm of Swords - quyển ba, A Feast For Crows - quyển bốn, A Dance With Dragons - quyển năm ]
Tình trạng: Chưa hoàn thành [ 5/7 cuốn, dự định ban đầu là viết một trilogy, sau đó đẩy lên thành hai trilogy, cuối cùng chốt kèo là bảy cuốn truyện ].
Năm ra mắt: 1996 [ quyển một, A Game of Thrones ]
CỐT TRUYỆN - VĂN PHONG
Câu chuyện trong ASOIAF là một câu chuyện khổng lồ. Những nhân vật liên tục đan xen vào nhau giữa ba tuyến truyện lớn kia, khiến cho câu chuyện càng thêm chi tiết và phức tạp. Vì vậy, khi bạn mới bắt đầu đọc ASOIAF, thứ mà bạn cảm cảm thấy chính là sự sốc nhiệt trước hàng loạt tuyến truyện được phân bổ vào nhau. Nhưng khi đã quen được với cách viết này rồi, bạn sẽ dần thấy đây chính là một cách viết rất hay, càng đọc bạn sẽ càng thấy sự chi tiết cùng những nét độc đáo trong thế giới của GRRM. Đồng thời, trong lối viết này bạn thể nào cũng sẽ tìm được nhân vật mà mình yêu thích, chạm vào cảm nhận và lối suy nghĩ của họ, càng đọc bạn sẽ càng cảm thấy bánh cuốn.
Tuy nhiên lối viết này cũng có nhược điểm. Nhược điểm của lối viết này, mỉa mai thay lại nằm ở chính POV của nó. Bạn có thể tìm được những nhân vật yêu thích của mình, nhưng cũng sẽ gặp một số nhân vật mà bạn không thích và khó đọc những chương đó của nhân vật. Ngoài ra khi đọc truyện Martin còn bôi thêm cực kỳ nhiều tuyến, và khiến cho một số POV khá chán và vô nghĩa [ Arys Oakheart ]. Tuy vậy, nếu xét trên mặt bằng chung thì cốt truyện của ASOIAF vẫn cực kỳ lôi cuốn và thú vị, hàng loạt những tình tiết bất ngờ được diễn ra cực kỳ hợp lý cùng với đó là rất nhiều chi tiết ẩn để fandom chửi nhau như chó. Tin mình đi, cốt truyện của ASOIAF sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng đâu, nó được làm rất tốt bởi một nhà văn kinh nghiệm viết lách lên đến hàng chục năm.
Về mặt văn phong, cá nhân mình đánh giá cao khoản này của ASOIAF. Văn phong trong ASOIAF rất dễ hiểu, liền mạch, mượt mà và trơn tru. Có rất nhiều trường đoạn nói chuyện hoặc suy nghĩ của nhân vật trong ASOIAF cực tốt và cực kỳ sâu lắng. Nó vừa dễ hiểu lại vừa có chất thơ trong đó, cũng như tạo ra một khoảng khắc cảm động trong nhân vật. Một khoản cũng cực tốt trong văn phong của ASOIAF chính là khoản miêu tả, Martin miêu tả nhân vật và địa điểm nơi họ sinh sống rất sinh động, đa dạng và thú vị. Tiện nhắc đến địa điểm thì….
Ý TƯỞNG - THẾ GIỚI
Bối cảnh của ASOIAF diễn ra tại hai lục địa khổng lồ - Westeros và Essos. Nhiều tác phẩm mà tôi đọc thường chú trọng xoáy sâu vào nội tâm nhân vật thay vì thế giới trong tác phẩm đó. Vậy GRRM có xây dựng một thế giới nhạt nhòa không? Không! Thế giới trong ASOIAF là một thế giới cực hay, cái hay của nó chính là nằm ở sự phong phú và đa dạng của nó. Từ trên đỉnh Tường Thành đến miền nam sa mạc của xứ Dorne, từ Dragonstone đế Iron Islands, không hề có một địa điểm nào đáng quên, tất cả đều rất thú vị và chân thực như thế giới ngoài đời thực.
Tiện nhắc đến chân thực thì cũng có một yếu tố nữa trong ASOIAF chính là fantasy. Fantasy trong ASOIAF không xuất hiện nhiều, nhưng cứ mỗi lần xuất hiện nó đều mang trong mình màu sắc rất huyền bí, tăm tối và ghê rợn [ tôi lại nhớ đoạn Melisandre... ]. Điểm này của nó đã góp phần hình thành nên tính tàn bạo và trần trụi trong thế giới của Martin. Thế giới trong ASOIAF rất bạo lực và trần tục, trong nó có những cảnh tình dục, máu me, đâm chém nhau, không trừ một thứ gì hết. Một cái đáng nguyền rủa khác của Martin chính là việc lão ấy không bao giờ ngần ngại phơi ra, thậm chí là miêu tả kỹ lưỡng những cảnh tượng trần tục nó. Bản thân ASOIAF gần như là một tác hẩm xét lại [ deconstruction ] của những mô típ thường thấy trong một tác phẩm fantasy, và gần như không có sự mơ mộng hay thần tiên trong ASOIAF, mà chỉ có sự tàn khốc của thực tại.
Và đó là khi mình chưa nói đến điểm xuất sắc nhất của thế giới ASOIAF - Lịch sử. GRRM là một người cực kỳ đam mê lịch sử, lão béo không bao giờ quên việc chăm chút lịch sử cho thế giới của mình cả. Rất nhiều chi tiết lịch sử Tung Cổ được lão béo đưa vào và được xào nấu lại, khiến cho thế giới trong ASOIAF càng thêm thú vị và cuốn hút. Đỉnh cao của Martin chính là việc vun đắp lịch sử của triều đại Targaryen, tồn tại trong 283 năm và 17 đời vua nhưng không hề có chi tiết nào vớ vẩn, nó rất sâu sắc và vĩ đại. Lịch sử trong ASOIAF được xây dựng như thể một bộ sử được ghi chép lại vậy, nó không chỉ tạo một cảm giác chân thực , giúp người đọc hòa mình vào thế giới của ASOIAF mà còn bao trùm lên đó là một màu sắc bí ẩn khiến ta mò mẫm liên tục lúc nào không hay. Đọc sử trong ASOIAF giống như đang mò mẫm nghiên cứu theory vậy, càng vào sâu càng... dễ chửi nhau với fandom <(")
Martin cũng rất chăm chút cho thế giới của mình, bằng chứng là lão đã bơm đến tận một bộ sách khủng long về thế giới của mình: World of Ice and Fire, một bộ mở rộng về Nhà Targaryen: Fire and Blood, hơn năm trăm trang chỉ để nói về 136 năm đầu tiên của triều đại này, Tale of Dunk & Egg: Kể về cuộc hành trình của Dunk và Egg, hai người sau này sẽ trở thành hiệp sĩ Vệ Vương và vua của toàn cõi Westeros. Cơ mà chăm chút nhiều quá cho thế giới nên Martin cũng... quên luôn hẳn cái mạch chính <(") Cũng phải gần mười năm kể từ khi Martin ra cuốn thứ năm The Winds of Winter rồi <(")
DÀN NHÂN VẬT CỦA ASOIAF
Nhân vật trong ASOIAF thì rất đa dạng, cả năm quyển cứ tầm vài trang lại có thêm một thằng nhân vật mới được chui ra, từ đó tạo nên một thế giới nhân vật cực kỳ rộng lớn. Nhưg bỏ qua tất cả những điều đó, cái tuyệt vời của dàn nhân vật trong ASOIAF chính là sự đời của họ, họ rất chân thực và không hề chán ngấy tý nào cả. Bao trùm lên toàn truyện là một màu xám, nằm giữa thiện và ác.
Và đó chính là khi chưa nhắc đến dàn nhân vật chính trong ASOIAF. Dàn nhân vật chính trong ASOIAF được xây dựng cực hay và tuyệt vời. Nhìn chung ta có thể chia dàn nhân vật chủ chốt ra làm ba nhóm chính: Nhà Stark, Nhà Lannister và nhóm còn lại trong cuộc chiến vương quyền.
Về Nhà Stark, tuyến nhân vật này thường được cho là nhạt nhòa, nhàm chán. Cá nhân mình cho rằng điều đó không hẳn là đúng, bởi phải nói thật hành trình phát triển của Jon rất hay, còn Sansa và Arya dù mình không thích nhưng theo mình, những tuyến ấy vẫn có sự hấp dẫn riêng của họ, còn về phần tuyến Bran cùng một số chapter khác của Nhà Stark thì cốt truyện đúng là chậm thật.
Với những nhóm nhân vật khác, mình tạm chia một nhóm đặc biệt. Nhóm này thường không phải quý tộc và thường được xây dựng để chứng kiến những cuộc hội đàm quan trọng của những quý tộc [ ví dụ tiêu biểu chính là Ser Davos Seasworth và Areo Hotah ]. Cá nhân mình thấy dù nhân vật trong đây có tính cách rõ ràng và khá thú vị. Một điểm thú vị là qua những chapter của họ ta được chứng kiến những nét tính cách của những nhân vật quý tộc.
Ví dụ tiêu biểu nhất chính là qua Ser Davos Seaworth, Martin đã khắc họa rất xuất sắc Stannis Baratheon. Nếu nói về Stannis Baratheon, tức là ta đang nói đến One True King của Westeros. Ông là con người sở hữu nhiều tính cách đáng chê và cả đáng nể. Con người của One True King chính xác là không thể nào kết bạn được, và cũng không thể nào gây dễ mến được. Stannis luôn luôn biết rõ điều đó, và ông hiểu rõ số mệnh của ông là phục vụ, là đứng đằng sau Robert để có thể giúp đỡ anh trai cai trị vương quốc. Nhưng rồi, vận mệnh trớ trêu thay, khi Robert chết và không có con nối dõi, Stannis lại trở thành người thừa kế chính xác ngai vàng của Robert. Càng mỉa mai hơn nữa khi những kẻ mạo danh người thừa kế của Robert [ như Renly và Joffrey ] lại được người người công nhận trong khi ông bị gọi là kẻ mạo danh, là kẻ phản loạn.
Stannis có vui vẻ khi nhận lấy ngai vàng hay vương miện không? Không, với Stannis vương miện đắng ngắt và chỉ mang cho ông nỗi sầu muộn, nhưng ông vẫn nhận lấy nó, vẫn quyết chiến với những kẻ thù của mình cuối cùng. Bởi đó chính là nghĩa vụ của ông, là trách nhiệm của ông với tư cách là một thành viên của Nhà Baratheon và là người thừa kế của vua Robert, của anh trai ông. Ông chính là vị vua đích thực của Westeros. Thử hỏi ai đã bảo vệ Seven Kingdoms khi quân du mục tới tấn công The Wall? Không có ai trong số những kẻ tự mạo nhận danh bản thân mình là vua ca, trừ Stannis. Thử hỏi ai là người chính trực nhất Seven Kingdoms, khi người đó đã giết chết chính đứa em trai của mình vì tội phản loạn và là người khiến cho cả những tên gian thần bậc nhất Westeros như Tywin Lannister, Petyr Baelish hay Varys cũng phải run sợ? Dẫu có phải giết chính những kẻ phản loạn, trong đó bao gồm cả em trai của chính mình nhưng cuối cùng Stannis vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, ông vẫn sẽ là One True King với tôi.
Về Nhà Lannister, đây chính là dàn nhân vật mình yêu thích nhất trong truyện. Đỉnh cao của toàn Nhà Lannister chính là Tyrion và Jaime Lannister. Hai nhân vật này sở hữu hai arc phát triển trái ngược nhau: Nếu Tyrion là một hành trình sa ngã thì Jaime lại là một hành trình chuộc tội. Nhưng cả hai hành tình đều cực kỳ hay và thuyết phục.
Với Jaime, anh chính là sự mâu thuẫn đỉnh cao nhất trong truyện. Bản thân Jaime chính là một Vệ Vương, nhưng anh lại giết chính vị vua của mình bởi sự điên loạn của vị vua trước kia mà anh từng phục vụ, Aerys II. Không chỉ như vậy, Jaime còn phạm một tội tày trời: Loạn luân với chính chị gái của mình, Cersei Lannister Trong suốt gần mười sáu năm sau đó, Jaime luôn sống với hư vô và thầm lặng, anh sống với sự kiêu ngạo của một chiến binh, anh khinh bỉ tất cả những kẻ chửi bới mình, bởi nếu họ chửi bới anh vì là một kẻ phá vỡ lời thề, sao không ai để ý anh chính là người đã chấm dứt sự điên loạn của vua Aerys II, là người đã cứu hàng ngàn dân vô tội khi Aerys muốn cho nổ tung cả thành phố?
Jaime có thể ban đầu sai, đúng vậy, anh đã sai khi loạn luân với chính chị gái của mình, nhưng cuối cùng, sau khi chịu đựng những cú sốc, những lần "thông não", Jaime cuối cùng đã hiểu ra được. Anh đã nhận ra được sai lầm của chính mình, và dần dần quay trở lại hành trình của một hiệp sĩ đích thực. Hành trình của Jaime còn dài và còn đối mặt với nhiều thử thách, nhưng hiện tại, với tôi, anh đã có thể đối diện những thử thách ấy với tư cách một hiệp sĩ chân chính, chứ không phải gã kỵ sĩ vô sỉ ngày nào nữa.
Còn Tyrion, anh sở hữu hành trình phát triển trái ngược lại với Jaime. Cũng thật mỉa mai trong mối quan hệ của người con trưởng và người con út. Nếu Jaime là người khước từ quyền lực, thì Tyrion lại là người tìm kiếm quyền lực. Tyrion tìm kiếm quyền lực để tạo ra di sản cho riêng mình, để có thể làm được thứ gì đó, bất chấp cơ thể lùn tịt của chính anh. Nhưng vận mệnh một lần nữa mỉm cười thật tàn nhẫn, khi chính Tyrion lại luôn luôn nằm dưới cái bóng của cha anh. Tywin đã giết đi chính người vợ của Tyrion, Tysha, Tywin đã vùi dập chính người con trai của ông, chỉ vì đứa con ấy là một gã lùn, và cũng vì chính người vợ mà Tywin hằng yêu quý đã chết sau khi sinh Tyrion.
Cha anh, đúng, Tywin Lannister. Tywin chưa bao giờ yêu quý Tyrion. Vì lòng tự cao đến ngu xuẩn của mình cùng những quan niệm mù quáng, Tywin đã hành hạ con trai mình rồi lợi dụng nó, đến khi nó không còn gì nữa thì đem đi vứt bỏ như một túi rác. Để rồi, đến cuối cùng, Tyrion lại là một kẻ đầy hận thù khi đã giết chết chính Tywin để xả nỗi trút giận, khi biết Tywin đã giết chính người phụ nữ mà anh yêu nhất. Tyrion giận dữ và hận thù, phải, nhưng cuối cùng, anh vẫn sẽ trở lại như xưa để có thể trở thành một Lannister, anh sẽ phải đối mặt với tội ác của mình cùng di sản của gia tộc. Có thể anh sẽ mất mạng trong những sự kiện mới của ASOIAF, nhưng với tôi, anh vẫn sẽ bền bỉ, vẫn sẽ là một Hand of The King tài giỏi nhất mà thế gian từng biết đến.
TỔNG KẾT
ASOIAF là một trong những bộ fantasy tuyệt vời nhất mà tôi từng biết đến. Không chỉ là một thiên sử ca hùng tráng, ASOIAF còn là sự thực tế và tàn bạo, là khi bóng đêm bao phủ lấy thế giới kỳ vĩ của GRRM nhưng những nhân vật vẫn kiên cường chống chọi với nó. Nếu có thời gian, tôi mong các bác hãy tiếp tục đọc ASOIAF, và hãy nhớ, đọc từ từ thôi nhé, vì sẽ còn một thời gian dài trước khi GRRM ra mắt cuốn sách thứ 6 của mình, The Wind of Winter đấy.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất