Phát hành: Capcom
Sản xuất: Capcom
Thể loại : Giải đố, kinh dị sinh tồn, trốn chạy 
Hệ máy: PS2
Năm: 2005
Sau khi Capcom trình làng Clock Tower 3 và nhận hàng loạt điểm số, đánh giá lên xuống thất thường. Đội ngũ phát triển Clock Tower 3 đã quyết định ngưng đầu tư cho series này mà thay vào đó là phát triển một tựa game hoàn toàn mới với cái tên Haunting Ground. 
Tuy nhiên, dù Capcom chưa bao giờ thừa nhận là sử dụng nền tảng cũ của Clock Tower 3, nhưng đối với các fan trung thành thì ngay tắp lự các “thánh soi” khẳng định chắc nịch rằng Haunting Ground chính là một phiên bản spin off của dòng Clock Tower bởi cả 2 tựa game sỡ hữu kha khá điểm tương đồng nhau như những màn trốn chạy, rượt đuổi cùng dàn phản diện hăng máu cũng như những địa điểm tủ đồ, gầm giường để lẫn trốn đều rất quen thuộc. Có thể coi đây là một lối đi mạo hiểm khi tách biệt khỏi một series  Clock Tower đã có tiếng lâu đời như vậy. Nhưng nguyên nhân vì sao lại có sự tách biệt chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về sau.

Haunting Ground là một gương mặt mới hoàn toàn của Capcom

Lối chơi được cải thiện vượt bậc

"bình mới rượu cũ" là câu nhận xét hợp lí nhất để mô tả về trò chơi Haunting Ground lần này. Dù có được “di hoa tiếp mộc” bằng một cái tên mới là Haunting Ground, nhưng gameplay thì vẫn không khác gì các phiên bản Clock Tower trước đây cả. Tuy nhiên đi sâu hơn vào lối chơi thì tôi hoàn toàn có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột một câu: mọi thứ Clock Tower 3 từng làm, bấy giờ Haunting Ground đã làm tốt hơn hẳn mọi mặt.
Vẫn là lối chơi phiêu lưu, giải đố quen thuộc như ngày nào, nói không với những màn jumpscares lười nhát thay cho những màn đuổi bắt cân não và điểm sáng lớn nhất ở phiên bản lần này là người chơi sẽ được có được một con “cờ hó” làm bạn đồng hành xuyên suốt cuộc hành trình. Hãy là một cô chủ nuôi chó tốt bụng nếu không bạn sẽ lãnh hậu quả.

Cậu vàng và cô hạc phiên bản kinh dị
Nếu như đã từng kinh qua tựa game hành động phiêu lưu nổi tiếng là Shadow of the Colossus thì hẳn mọi người sẽ thấu hiểu được cái cảm giác lẻ loi và đơn độc khi chỉ có một chú ngựa là điểm tựa duy nhất cùng mình trên xuyên suốt chuyến hành trình. Thế thì Haunting Ground cũng sẽ ban cho người chơi cái cảm giác tương tự như thế khi người chơi chỉ có một chú chó là bạn đồng hành duy nhất.
Haunting Ground sỡ hữu một hệ thống dạy bảo, chăm sóc vật nuôi rất phức tạp. Bởi chú chó này không hề hiền lành khi sỡ hữu tính phản chủ khá cao cũng như là nhân vật chính của chúng ta, cô nàng Fiona không phải chủ ban đầu của chú chó nên sau khi cứu thoát Hewie thì việc huấn luyện của người chơi bắt đầu từ con số 0 và mọi thứ diễn ra không phải là chuyện một sớm một chiều mà phải qua thời gian gắn bó có nhau trong hành trình, từ đó mới đẩy mức độ vâng lời và tin tưởng của Hewie nâng cao dần. Và kết cục xứng đáng khi bạn huấn luyện Hewie càng tốt thì mức độ trung thành, những câu lệnh của Hewie càng dễ bảo, thay vì ban đầu ra lệnh tận 3 lần chú chó vẫn còn đứng đực thè lưỡi phè phỡn ra như kiểu trêu ngươi thì đến khi bạn thuần phục được nó thì chỉ cần gạt nhẹ chiếc analog một lần là Hewie ngoan ngoãn đã tự biết phải làm gì rồi.

Hãy là một cô chủ nuôi chó tốt bụng nếu không bạn sẽ lãnh hậu quả.
Tuy nhiên một khi bạn đã thuần hóa Hewie không có nghĩa là bạn đã làm trùm tựa game, trò chơi vẫn để lại vô số thử thách khác để hành hạ bạn không cách này thì cách khác. Đầu tiên game đưa ra cho bạn một hệ thống combat không hề hoàn chỉnh khi thay vì cho người chơi sử dụng vũ khí để phòng thân thì cô nàng Fiona chỉ có thể tung những cú đá yếu đuối vô lực, nó gần như không tác động gì nhiều lên những kẻ phản diện mà chúng ta phải đối đầu cả.
Tại sao tựa game lại đưa do chúng ta một hệ thống combat như thế? Liệu nó có trở nên thừa thãi? Theo tôi đây là một điểm mà Capcom cố tình gây khó dễ lên chúng ta, bắt chúng ta tung những đòn cước túi bụi vào đám quái khiến chúng chỉ lăn té tạm thời chứ không bao giờ hạ được chúng, để rồi nhận ra nỗi bất lực của một cô gái khi phải đối đầu với một thế lực quá mạnh, việc duy nhất cô có thể làm là nên bỏ chạy, núp lùm để tránh những màn đụng độ thiếu lượng sức mình như thế. Đây có thể là một lỗi vô tình của Capcom nhưng trong cái lỗi đó tôi thấy hoàn toàn có thể biến nó thành một điểm "so bad it's good" - ồ tệ thật, nhưng tôi thích cái điểm tệ này bởi nó đánh lừa tôi bằng những pha combat đầy tính tuyệt vọng như thế.

Tẩu vi thượng sách là trên hết
Để nhằm tăng cường độ khó tựa game quyết định bỏ hẳn thanh HUD, thanh trạng thái quen thuộc ở Clock Tower, bỏ tất cả mọi thứ mà chỉ để lại một màn hình hoàn toàn trống trơn. Tạo nên một cảm giác nhập vai rùng rợn và khó hình dung hơn bao giờ hết. Giờ đây chính người chơi phải tự cân đo đong đếm thanh thể lực của cô nàng Fiona cho đến mức độ tin tưởng của Hewie tăng hay giảm đều không hề có nổi một con số hay cây đo hiển thị trên màn hình, tất cả đều phải dựa vào  tư duy theo trực giác của người chơi tự hình thành nên trong mình qua quá trình chơi. Tệ hơn khi Fiona bị rơi vào trạng thái tột cùng của nỗi sợ sẽ khiến màu sắc màn hình thay đổi thành trắng đen, những vết ổ bẩn mục bắt đầu nổi lộm cộm lên, chất giọng Fiona rơi vào trạng thái hoảng loạn, cùng những tiếng cầu cứu tuyệt vọng hơn bao giờ hết.

Capcom cũng dường như đọc người tâm lí người chơi muốn gì, sau lần bị phản ánh về việc Clock Tower 3 sử dụng lập trình cho quái liên tục xuất hiện với mức độ chóng mặt thì Haunting Ground lại có 2 cách để người chơi buộc phải đụng độ với phản diện. Một là luminescence được biết tới như những tia phát quang như đom đóm, người chơi buộc phải tránh né chúng mỗi khi thấy bởi khi đụng phải chúng sẽ gây ra một tiếng nổ lớn có thể thu hút sự chú ý của lũ phản diện dần lần mò về vị trí người chơi.
Thứ hai là trò chơi sử dụng tâm điểm là âm nhạc để báo hiệu khu vực nào có phản diện đang lẫn trốn, đầu tiên âm thanh  sẽ chỉ ở mức thanh thoát đủ báo động nhưng sẽ tăng độ xáo trộn và dồn dập dần mỗi khi người chơi ở gần vị trí kẻ phản diện hơn. Tuy nhiên tựa game cũng sử dụng âm nhạc để đánh lừa tâm lý người chơi không ít lần khi bổng ngươi chơi cảm thấy mức độ âm nhạc báo động đã lắng xuống dần và bắt đầu phở phào với suy nghĩ chắc cú "dào ôi mãi mới cắt đuôi được lũ quái" rồi yên tâm đi tiếp mở cửa đi tiếp, chợt có những pha vừa mở cửa ra đã chứng kiến kẻ phản diện đã đứng trực chờ sẵn ở đó, lúc này đây thì bầu không khí đang yên ắng dần thì bổng một lần nữa bị âm nhạc phá tan gây inh ỏi lên bởi cú bắt quả tang gây shock tinh thần từ cú lừa không tưởng của trong sự sắp đặt của Capcom.

Toàn cảnh màn hình khi Fiona ở trạng thái bình thường

Toàn cảnh màn hình khi Fiona bất ngờ bị rơi vô trạng thái hoảng loạn
Dàn phản diện thể hiện xuất sắc

Có thể khẳng định dàn phản diện của Haunting Ground mang tham vọng cực lớn, chúng học hỏi và hội tụ đầy đủ những yếu tố từng có ở trước đó tại dàn phản diện dòng Clock Tower. Mỗi một kẻ phản diện của Haunting Ground đều mang lại cho người chơi mỗi điểm nhấn, mỗi một cơn ác mộng riêng biệt không lẫn vào đâu được và không quên bổ sung cho chúng những câu chuyện nhỏ lẻ bên lề để góp phần tạo nên những góc tối trong tâm hồn hỗn loạn của từng kẻ phản diện.
Từ sự truy đuổi trâu lì và cục súc của gã khổng lồ Debilitas có thể lấy ý tưởng từ gã cục súc Sledgehammer của Clock Tower 3. Hay Cô hầu gái Daniella sỡ hữu một phong thái rất ung dung và hờ hững nhưng khi bộc phát cơn điên thì lại trở thành một tay giết người bằng những kế sách thâm độc như bỏ độc vô thức ăn, nung cháy chiếc vũ khí để tăng tính ớn lạnh, do đó Daniella có thể ví như một bản sao của  Mary Barrows từ  Clock Tower The First Fear. Về phần tay sát thủ Riccardo Belli cũng đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình khi đem tới những nỗi sợ mới như nỗi sợ vô hình bởi theo gameplay thì gã ta hoàn toàn chỉ là một chiếc bóng mờ mịt, khiến người chơi không thể hình dung ra được mình đang đối đầu với thứ gì và cuối cùng là gã cuồng tình Lorenzo Belli đã thể hiện sự dai dẳng đến hơi thở cuối cùng khi 5 lần 7 lượt đào mộ dậy sau khi thiệt mạng, sử dụng toàn bộ những gì gã đã chuẩn bị trong cái kế hoạch tự cho là "hoàn hảo" để hồi sinh mình liên tục và truy đuổi người chơi trong những giây phút sợ hãi, cấp bách và tuyệt vọng nhất.

Tay sát thủ Riccardo Belli sỡ hữu nâng lực vô hình cực kì nguy hiểm



Thử tưởng tượng cơn ác mộng sẽ diễn ra liên tiếp đến chừng nào khi người chơi lọt vào giữa một tòa lâu đài nơi mà các phản diện không hề có sự liên kết bè phái, thậm chí chúng gây ẩu đã với nhau để tranh giành miếng mồi, chúng thi nhau chiếm lấy Fiona để dành làm của riêng cho những mục đích đồi bại của chúng từ sự đố kị, dục vọng,  ham muốn v.v… Tất cả những thứ tội lỗi trên đều lần lượt luân phiên nhau  truy  đuổi tận cùng theo từng bước đi trên chuyến hành trình đầy mạo hiểm của Fiona và Hewie. Chỉ cần một bước chân sơ xẩy chúng ta có thể rơi vào những cạm bẫy hiểm ác của Daniella, một phút giây chủ quan chúng ta cũng có thể ăn một viên đạn vào đầu từ kẻ vô hình Riccardo Belli, không nơi nào có thể gọi là an toàn trong lâu đài.

Cực kì khan hiếm cảnh máu me, song trò chơi vẫn để lại ấn tượng riêng biệt
Cốt truyện khó dự đoán bù lại có tính nhập vai

Sự thành công của Clock Tower trong cách xây dựng kịch bản đều là nhờ sự vay mượn ý tưởng từ điện ảnh hay thuê những đạo diễn kỳ cựu để chỉ đạo dự án. Nhưng trái lại với Haunting Ground, tựa game sỡ hữu một cốt truyện rất mơ hồ, khó đoán bởi chúng không lấy ý tưởng từ bộ phim kinh dị nào cả. Xuyên suốt các diễn biến của trò chơi người chơi sẽ không ngừng đặt câu hỏi về số phận và tương lai của mình. Đây có thể là một điểm không lấy gì dễ chịu cho người chơi khi Capcom quyết định xây dựng cốt truyện theo lối khó tiếp cận và khó hình dung nhưng lại là cơ hội để người chơi có cơ hội nhập tâm vào diễn biến hơn. Lạt câu hỏi tòa lâu đài đây là đâu? Tôi là ai? Những kẻ truy đuổi họ muốn gì? Tất cả những câu hỏi đó cứ dấy lên trong tâm trí người chơi trong suốt câu chuyện trong game.
Trò chơi bắt đầu bằng khi cô nàng Fiona Belli tỉnh dậy sau cơn hôn mê sâu giữa một lâu đài rộng lớn sau một vụ tai nạn giao thông, tuy vậy tất cả những gì cô nhớ về rất mơ hồ, cô chỉ biết mình bị tai nạn chứ không nhớ chính xác kẻ đã gây ra nó. Dần dần, Fiona lấy lại được trí nhớ để nhận dạng ra chính hung thủ đã sắp xếp vụ tai nạn và giết hại gia đình cô, đồng thời cô cũng phát hiện ra một bí mật động trời về dòng dõi của mình sau biến cố. Trong xuyên suốt chuyến hành trình chạy khỏi tòa lâu đài, cô lần lượt đụng mặt với vô số ác nhân, từ những kẻ cục súc cho những kẻ thâm độc, hiểm ác và thậm chí sỡ hữu năng lực lẫn trốn trong vô hình cực kì nguy hiểm. Điều này khiến cho Fiona phải có những chiến thuật đối đầu hợp lí và tính toán khác nhau đối với từng kẻ thủ ác.
Nội tâm của các nhân vật phản diện cũng được thể hiện sâu sắc, đa dạng và không quá nghiên về một chiều chỉ biết giết chóc như Clock Tower 3. Người chơi đôi lúc sẽ phải mang lòng thấu hiểu cho Debilitas chỉ vì nỗi cô đơn khi không có người chơi cùng mới truy đuổi Fiona đem về làm của riêng hay như Daniella chỉ vì những đố kị, ghen tuông mù quáng mới biến cô từ một chỗ tựa của Fiona nay lại trở mặt thành kẻ địch đáng gờm, cũng như Lorenzo Belli vì đã quá điên vì yêu nên muốn chiếm lấy Fiona bằng mọi giá.

Daniella đang nung cháy chiếc vũ khí để tăng tính ớn lạnh
Tổng kết:

Tuy còn tồn đọng những điểm thụt không nhỏ như hệ thống giải đố tuy khó nhưng chưa tạo ấn tượng, mức độ ngụ ý đôi lúc tỏ ra quá đáng trong cách dẫn chuyện, hệ thống dạy bảo chó nuôi được mô phỏng quá thực tế gây khó khăn cho không ít người chơi bởi vô số lần họ bị thú nuôi bỏ rơi ở những pha nguy cấp và dẫn tới chết oan. Nhưng Haunting Ground mang lại nhiều hơn một trải nghiệm đơn thuần và độc lập, nó mang lại tất cả những kí ức, kỷ niệm đáng nhớ của dòng Clock Tower trở lại vào trong tâm trí mỗi người hâm mộ lâu năm.
Nếu Capcom quyết định dừng phát triển dòng game  ở Clock Tower 3 thì đây sẽ là một cái kết không mấy trọn vẹn bởi tựa game còn chưa làm tốt vai trò mình, nhưng bằng tất cả những ý chí và tham vọng, một lần nữa họ lại đem cái kết đẹp tới cho dòng game bằng một phụ bản là Haunting Ground. Dù như tôi đã nói không gì là chính thức nhưng quan trọng là kết quả và hưởng ứng của người hâm mộ như thế nào, Haunting Ground may mắn được các fans gọi bằng cái tên vinh dự như: "Clock Tower phiên bản thứ 4" để bày tỏ tình cảm của họ dành cho dòng game trốn chạy huyền thoại này.
Haunting Ground không phải một trò chơi dành cho tất cả mọi người, một ngày nào đó khi bạn hoàn thành hết dòng Clock Tower thì lúc này đây là cơ hội sáng giá nhất để bật Haunting Ground trên chiếc PS2 và bắt đầu hành trình cuối cùng với phiên bản được cho là khó khăn nhất để chinh phục nỗi sợ. Đồng thời qua câu chuyện đã lột tả những tấm lòng của chú chó Hewie dành cho cô chủ mình, người chơi có thể cảm nhận được điều khiến chúng xứng đáng với danh xưng tại sao chó nuôi lại là người bạn thân thiết nhất của con người.