Phát hành: Rising Star Games
Sản xuất: Access Games
Thể loại : Giải đố, kinh dị sinh tồn, trinh thám, tấu hài
Hệ máy: PS3, Xbox 360, PC
Năm: 2010

Deadly Premonition là trò chơi open world trinh thám, kết hợp giữa yếu tố hài hước và kinh dị  một cách thất thường chả giống ai. Mang lại một trải nghiệm vô cùng quái đản, lạ thường.
Quá trình phát triển Deadly Premonition không mấy thuận lợi cho lắm. Được lên ý tưởng lần đầu vào năm 2004, rồi chính thức công bố vào năm 2007 dưới cái tên Rainy Woods và... biệt tăm luôn cho đến 2010 thì nhà sản xuất mới có thể trình làng một tựa game hoàn chỉnh qua cái tên mới là Deadly Premonition. Tưởng chừng như dự án mông lung này đã chết ngắc ở địa ngục sâu thẳm nào đó nhưng vì lý do gì mà Deadly Premonition được trở lại với trần gian? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về sau.

Deadly Premonition đã có một quá trình phát triển đầy chông gai
Lối chơi hỗn tạp và lỗi thời nhưng...

Trò chơi thả chúng ta vào một thế giới mở cực kỳ rộng lớn mang tên thị trấn Greenvale, sau vài giờ khám phá thì kết quả đáng shock khi cảnh vật đa phần na ná sao chép thiết kế của nhau, những bức tường vô hình rất nhiều và lối đi thì cực kì tù túng khi thường thì chỉ có 2 lối để đi đến điểm làm nhiệm vụ. Không biết đây có thể được gọi là Thế giới mở không? Riêng tôi thì có thể khẳng định là là không, nhưng không thì sao? Thì chúng ta vẫn phải cố chơi thôi vì cho gì ăn nấy không thể đòi hỏi hơn. Nhưng bình tĩnh, ngoài những điểm tệ hại tôi vừa kể phía trên thì chúng ta vẫn còn cơ hội 50/50 gỡ gạc lại cho con game này.
Để tránh việc làm game thủ lang thang trong thế giới mở nhàm chán, tựa game đã dùng nhiều biện pháp khắc phục như bổ sung một loạt nhiệm vụ phụ để người chơi có thứ khám phá, điều tra thêm những bí ẩn quanh thị trấn Greenvale. Bao gồm những câu chuyện bên lề về thường dân nơi đây, thi thoảng là những vụ điều tra hài hước mang tính giúp đỡ những vấn đề khó khăn trong cuộc sống của họ, thi thoảng là những vụ án rùng rợn như thu thập những mẫu xương khô từ người chết v.v… tất cả đều làm nên một thế giới đang thực sự sống quanh ta, dù rằng thế giới mở của game có thiết kế rất tệ nhưng cái hồn và câu chuyện của người dân nơi đây đã tạo nhiều động lực cho người chơi khám phá thêm bối cảnh này.

Một buổi chiều mưa tầm tã cùng mớ công tác chưa giải quyết. Nhưng vẫn phải lên đường thôi, đúng không Zach?
Khám phá thế giới là thế, còn khâu hành động của trò chơi tại sao lại bị tôi lại khẳng định là lỗi thời? Vì lên ý tưởng cho dự án từ tận 2004 nên khi Deadly Premonition phát hành vào 2010 đã giữ lại quá nhiều nhược điểm thời đó. Chẳng hạn như cơ chế bắn nhau ngớ ngẩn như móc súng ra thì không hề di chuyển được, cách ngắm bắn thì phải dựa vô auto target của những dòng game hành động cổ lổ thời PS2, nhưng đây là tựa game phát hành vào 2010 chứ đâu còn là thời PS2? Chưa kể hệ thống combat thực sự vô dụng khi nó chả làm được gì ngoài phá vỡ những vật chướng ngại để đi tiếp, còn nếu đem vũ khí ra phang quái thì lại không thích hợp bởi độ mất cân bằng giữa súng và vũ khí quá cao. Tệ hơn trò chơi không sỡ hữu nhiều trận đánh boss nào ngoài một vài trận cho có lệ và lũ quái thì chỉ có một loại thiết kế duy nhất. Đây là điểm trừ rất lớn đã vô tình kéo mức độ kinh dị trò chơi xuống vực thẳm bởi dàn quái vật không đủ gây ấn tượng cho chúng ta đối đầu. Giờ đây chúng ta chỉ có thể dựa vào thiết kế thế giới u ám, ma mị và cách dẫn dắt cốt truyện mà bù đắp lại mức độ kinh dị của trò chơi mà thôi.

Đây là cái mặt ngẩn ra của người chơi khi trải nghiệm hệ thống combat 3 chấm của tựa game. Rất tệ đúng không Zach?
Bù lại Deadly Premonition không phải trò chơi áp đặt chúng ta kiểu phải chạy một mạch hối hả đến nhiệm vụ, phải bắn giết liên tục. Bởi sau một ngày phá án mệt mỏi trò chơi bắt chúng ta phải đi ăn, phải ngủ theo chu kì của một con người bình thường để có khôi phục thể lực hoặc tìm vài thứ gì đó tiêu khiển cho qua ngày. Để rồi sáng hôm sau lại tiếp tục một vòng lập điều tra và ăn ngủ như vậy, bởi đây là một vụ án cực kì xoắn não không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Mức độ phức tạp và kì dị của vụ án cũng được mở rộng ra thêm trong quá trình chơi, nó tạo ra cơ hội cho người chơi có dịp khám phá và ghé thăm đều đặn những quán ẩm thực, quán bar theo từng ngày dài, đồng thời gặp gỡ những NPC tại quán để giao lưu và rà hỏi thêm những thông tin từ họ về vụ án. Dù rằng thiết kế chiếc open world có phần vô hồn nhưng nhờ chính những thiết kế địa điểm ăn uống, những câu chuyện người dân nơi đây lại thổi hồn lại vào nó, khiến cho trò chơi chiếm cảm tình người chơi thêm phần nào.

Ngoài việc phải ghé thăm các quán ẩm thực thì chúng ta cũng có thể mua đồ ăn vặt theo bên mình, có thực mới vực được đạo đúng không Zach?


Dành chút thời gian đánh một giấc trước khi đi đường để có một tâm trạng sung sức nhất đúng không Zach?
Một điểm nữa mà tôi muốn đề cập chính là game đã thành công khi truyền tải nỗi sợ vượt khoảng cách trong thế giới mở của nó. Nếu như những tựa game kinh dị phong cách tuyến tính có thể gây sợ hãi cho chúng ta bởi sự chật chội, ngột ngạt bởi bối cảnh thì đối với một game có thế giới mở rộng lớn như Deadly Premonition vẫn sỡ hữu cách riêng để truyền tải nỗi sợ. Cụ thể Deadly Premonition giới thiệu một tên sát thủ chuyên ám sát các người dân trong thị trấn. Khiến cho dù bạn đi đến đâu thì cảm giác sợ hãi vẫn bám theo mình tới đó, bởi số người bị ám sát ngày càng gia tăng và mỗi vụ án thì xảy ra ở khắp mọi nơi trong bản đồ mà không giới hạn bất kì khu vực nào. Chuyện xảy ra  ngỡ ngàng cứ như là bạn vừa trò chuyện với một người dân hôm qua thì hôm sau bạn đã nhận được tin báo họ bị ám sát. Qua đó chứng tỏ trò chơi làm rất tốt trong việc xây dựng bầu không khí lo âu, bồn chồn đứng ngồi không yên, bởi thế giới dù có rộng lớn cỡ nào thì không có nghĩa là bạn đã thoát khỏi vòng vây chết chóc khổng lồ của một thế lực tàn ác khác.

Open world đâu có nghĩa là nỗi sợ sẽ bị loãng đi, đồng ý không Zach?
Tuy nhiên nói gì thì nói, 2 điểm sáng ở trên cũng không thể nào bù được quá nhiều khuyết điểm mà game mang lại. Cụ thể đối với một game mang tính trinh thám như vậy mà trong quá trình chơi chúng ta chẳng hề có nỗi một câu đố nào ra hồn để thõa mãn trí tò mò, tăng tính trinh thám của game lên. Việc duy nhất chúng ta cần làm là thu thập toàn bộ vật phẩm rơi rải rác ở lề đường cho đến khi nhặt đủ manh mối là... kết thúc cuộc điều tra khiến đôi khi chúng ta tự hỏi "ủa chỉ có điều tra vậy thôi là nghỉ việc rồi đó hả?". Đôi khi game tạo giải đố khó quá thì bị chửi kén người chơi, dễ quá thì các bậc giáo sư bỉu môi chê không thõa mãn bộ óc siêu việt của họ. Còn riêng Deadly Premonition còn chẳng thể làm thõa mãn nổi bất cứ ai trong 2 đối tượng trên. Tựa game này lẽ ra không nên mang mác trinh thám thì hơn.

Giải với chả đố thế này thì có phải làm nản lòng người chiến sĩ đúng không Zach?
Cốt truyện là điểm nhấn quan trọng
Bối cảnh và kịch bản mà Deadly Premonition xây dựng mang rất nhiều điểm tương phản sâu sắc với nhau như những điềm lành hoặc điềm xấu được xuất phát từ ngôi rừng xanh hoặc những chiếc cây lá đỏ, giữa thế giới thực và thế giới mộng tưởng, giữa cuộc sống nay mai và cuộc sống vĩnh hằng, giữa ngày nắng và ngày mưa, giữa những tên sát nhân và những nạn nhân, giữa nhân cách thật và nhân cách thứ 2. Xuyên suốt trò chơi chúng ta thường bắt gặp đặc vụ York rơi vào một căn phòng ảo mộng gồm 2 màu trắng và đỏ, nơi anh ta phải đưa ra những lựa chọn, những nước đi đúng đắn. Trong khi căn phòng trắng đại diện cho sự công lý và sự thật chôn kín trong tiềm thức thật của anh, thì căn phòng đỏ lại đại diện cho sự che dấu và tội lỗi trong tiềm thức lãng quên của anh.

căn phòng lá đỏ nơi chúng ta thường xuyên ghé thăm trong mộng
Mở màn cốt truyện bằng một chuyến công tác của đặc vụ York Morgan tới thị trấn Greenvale để điều tra về cái chết của Anna Graham. Dù York rất tự tin với trình độ phá án đã có "trình" của mình nhưng ngay khi vừa khám nghiệm hiện trường York biết rằng đây sẽ là một vụ án không bình thường tí nào khi chứng kiến xác của Anna bị treo lên một chiếc cây, lưỡi cô bị cắt mất, bụng cô bị rạch một đường khổng lồ và bên trong chứa những chiếc lá đỏ kì dị. Trong quá trình điều tra York đã gặp gỡ 2 cảnh sát ở thị trấn này là Emily Wyatt và George Woodman để cùng giúp đỡ nhau vạch trần tên tội phạm mang tên "sát thủ đêm mưa" này. Bởi theo lời đồn của toàn dân thị trấn này cứ hễ trời mưa là người ta lại bắt gặp tên sát thủ này ngoài đường và hắn sẵn sàng lấy mạng ai bất cứ ra đường vào thời điểm này, từ đó mọi người dân đều sống trong sợ hãi và thu mình vào tại nhà, tuyệt đối không ai ra ngoài cho đến khi cơn mưa chính thức tạnh. Đồng thời trò chơi đã thể hiện sự che đậy khôn khéo và đánh lừa tâm trí người chơi rất tốt về việc giữ kín chân tướng thật của kẻ sát thủ, tôi cá rằng người chơi buộc phải có IQ lên tận 4 chữ số thì mới đoán ra chân tướng thật của tay sát thủ này trong quá trình chơi.

Cái chết đầy ám ảnh của Anna đã mở màn cho loạt vụ án giết người liên tiếp về sau
Tổng kết:

Sỡ hữu  nhiều điểm vô cùng tệ hại như đống mini games khá hời hợi, loạt nhiệm vụ phụ quá khó để hoàn thành, open world không thực sự tự do khi giới hạn khung giờ ép buộc dẫn tới ức chế cùng với mớ súng ống vũ khí chả giúp tựa game hành động tốt hơn. Ngoài ra còn có việc sử dụng quick time event bừa bãi vô tội vạ, phương tiện quá chân thực khi liên tục phải bảo quản và đổ nhiên liệu - những điểm quá ư mà thừa thãi, rỗi hơi mà chúng ta chẳng cần bận tâm đến, việc duy nhất để bảo đảm việc trải nghiệm Deadly Premonition đó chính là chỉ tập trung vào loạt nhiệm vụ chính và cốt truyện, thế là đủ.
Tìm điểm lên án trò chơi này thì quá dễ, nhưng tìm điểm sáng ẩn chứa trong nó thì mới gọi là khó. Điều cuối cùng tôi muốn gửi gắm tới fan dòng kinh dị đó là Deadly Premonition có thể sẽ là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn, độc lạ mà ngược lại cũng có thể dễ dàng trở thành một thảm họa không tưởng. Tùy vào cách mỗi người chơi nhìn nhận thế nào, tùy vào việc họ đã chơi qua nhiều dòng game kinh dị khác chưa, tùy vào họ có thích tìm hiểu cốt truyện phức tạp hay không, tùy vào việc họ có đủ kiên nhẫn với một chiếc gameplay cực kén như thế không.

Ngớ ngẩn, tồi tệ và quái đãn đến mức ai cũng muốn thử một lần cho biết Deadly Premonition nó tệ đến mức nào
Nhưng dù thích hay ghét, chúng ta vẫn phải công nhận Deadly Premonition làm quá tốt trong việc hễ chỉ cần nhắc tới tên trò chơi này bất cứ nơi đâu, 10 phút sau sẽ có hàng đống game thủ lao vào thi nhau đàm phán về chất lượng thật của game. Khiến cho Deadly Premonition trở thành một trong những sản phẩm khét tiếng nhờ việc "hít drama" và gây tranh luận lớn trong làng trinh thám, kinh dị. Hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi chơi Deadly Premonition bởi trò chơi không thuộc hàng thảm họa, cũng như quá xa vời với từ hoàn hảo nhưng nó vẫn là một trò chơi đáng chơi ít nhất một lần trong đời đối với các fan dòng game kinh dị, trinh thám. Nếu bạn chơi hết mà vẫn không tìm được điểm sáng của game hay tự xây dựng lên cách hưởng thụ cho lối chơi riêng biệt của mình, thì đó là lỗi của bạn không phải lỗi của game.