Chúng ta sinh ra, chẳng là ai cả, một đứa trẻ vô danh. Và rồi xã hội, gia đình cho ta danh phận. Ta lớn lên với mong muốn tột cùng sẽ trở thành ai đó, phải là ai đó, trước khi trở về với tàn tro.
Thời còn đi học, ta cố gắng sao cho thật giỏi, tất nhiên là giỏi theo cái cách mà người đời mặc định, điểm số thật cao, bằng khen đầy tường, trường chuyên lớp chọn. Khi giỏi theo cách mà xã hội nhìn nhận, ta được tung hô, cảm thấy hãnh diện, cha mẹ tự hào, một cảm xúc mãnh liệt rằng "mình là ai đó". Nếu không thì... chẳng khác gì đồ bỏ đi. Tóm lại thì ta cũng chẳng quan tâm đến suy nghĩ của mình cho lắm, bởi người khác nghĩ gì về ta mới là quan trọng. Những xúc cảm phức tạp bên trong được quyết định bởi thái độ của ai đó bên ngoài. Tất nhiên là ta cũng chẳng bận tâm, vì đó là điều hiển nhiên, ta được dạy như thế từ nhỏ, ta phải biết nghe lời. Vậy là cuộc sống cứ thế kéo ta đi.
... Khi ra trường đời, ta bất ngờ nhận ra một sự thật, học giỏi không có nghĩa là kiếm tiền giỏi. Thật là oái oăm, vậy thì bấy nhiêu năm học để mà làm gì khi giờ đây kiếm tiền chẳng bằng ai? Thời thế đổi thay, bây giờ, "người khác" không còn ca ngợi ta qua năng lực học tập nữa, họ ca ngợi nếu ta kiếm ra nhiều tiền, bằng cách nào thì họ chẳng cần bận tâm. Cứ nhiều tiền thì là giỏi, thậm chí bây giờ xã hội còn quay lại hỏi ta: "học giỏi để làm gì, chẳng phải cái đích cuối cùng vẫn là để kiếm tiền hay sao?". Đau đơn hơn là những người thân xung quanh ta cũng tư duy như vậy. Lần đầu tiên ta thấy đời mình thật thảm hại.
Ta nhìn người, rồi lại nhìn mình, thất vọng chán trường, ta chẳng là ai, ta phải chứng tỏ cho xã hội thấy ta là ai chứ, nếu không thì cuộc đời này còn gì ý nghĩa? Và rồi ta quyết tâm, bằng mọi giá, hy sinh mọi giá để kiếm được nhiều tiền. Và... sau bao nỗ lực, ta có nhiều tiền thật. Những người trước kia coi thường lại bắt đầu tung hô, cảm giác như bản thân là trung tâm của vũ trụ, đúng là có tiền nói gì cũng phải, lần đầu tiên sau bao năm ta lại thấy "mình là ai đó". Nhưng sau tất cả, ta cũng chưa một lần ngồi lại hỏi bản thân thực sự muốn gì, cảm thấy thế nào, những xúc cảm rối ren vẫn cứ bị quyết định bởi thái độ của một ai đó. Người khác hết tôn trọng, mình hết vui.
... Đã đến lúc lập gia đình. Yêu đương thì thế nào cũng được, miễn là người yêu xinh đẹp, bởi người yêu có khác gì món trang sức? Nhưng lấy vợ thì lại là chuyện khác, không thể hồ đồ, cô vợ ấy phải biết lo việc nhà, biết đối xử tốt nội ngoại hai bên, làm sao để họ hàng nhìn vào sẽ không quở trách, tướng tá thì cũng phải "ích tử vượng phu". Kiếm người yêu thì dễ chứ kiếm vợ chẳng phải chuyện tầm phào. Gia đình sau này không hạnh phúc, người ngoài nhìn vào lại nói này nói kia. Và thế là cách mà ta chọn vợ, tiêu chuẩn đã có sẵn bao đời, cứ thế mà làm theo.
Thế rồi ta có con, và lẽ dĩ nhiên, đứa con ấy sẽ tiếp tục guồng quay cuộc sống như cha mẹ nó. Phải trở thành ai đó, phải tạo được công danh, phải lưu danh sử sách, nếu không, đời người thật tầm thường và tẻ nhạt. "Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông". Trước khi chết ta cũng muốn để lại một gia tài gì đó, nếu chẳng phải của cải thì cũng phải tiếng thơm đời đời, nếu không cái chết sẽ thật vô nghĩa, ta sẽ không can tâm nhắm mắt nếu chưa để lại thứ gì cho hậu thế mai sau. Người ta nói ai đó sẽ không bao giờ chết nếu vẫn còn được người đời ca tụng, họ sẽ bất tử trong lòng muôn dân. Thật vĩ đại.
Nhưng thật không may, cho đến cuối đời rồi, sau bao nhiêu nỗ lực, ta vẫn chẳng để lại được một di sản. Cuộc đời thật trớ trêu, cho khi cận kề cái chết, lần đầu tiên ta nhận ra rằng, không phải lúc nào cố gắng hết sức là sẽ đạt được mục đích. Nhưng cái chết thì không chờ đợi, nó vẫn tới, nó thật nghiệt ngã, nó chẳng chừa ai. Ta vẫn chưa sẵn sàng, nhưng nó chẳng thèm để ý. Và rồi ta chết, và thế là hết. Kiếp sau ư? có ai nhớ được kiếp trước của mình như thế nào đâu? Ta của kiếp này có vẻ chẳng liên quan gì đến kiếp trước, ta vẫn tự nhủ sống cho kiếp sau, nhưng ta có nhớ gì nữa đâu mà tận hưởng. Hai kiếp có vẻ như là hai con người tách biệt.
Vậy là hết, cố gắng cả đời để trở thành ai đó - và rồi chết đi, trở về chẳng là ai.