“Cháu ơi, về ngay đi, bố cháu chết rồi” chưa dứt câu, Dì An cúp máy cái phụp.
Thu - cô con gái lớn trong gia đình có bố mẹ và 3 chị em sống cùng nhau trong căn nhà gác 3 tầng rộng chừng 60 mét vuông sững sờ. Tim cô đập nhanh, đôi bàn tay buông thõng, hai mép cô run nhẹ. Gấp vội cái laptop, cũng chẳng kịp nói với ai trong công ty câu nào, cô lái xe thật nhanh về nhà cách đó chừng dăm cây số. Nước mắt cô rơi nhuốm nhoè con đường quen. cô nhìn ai cũng ra hình ảnh ông bố yêu thương mới gặp ban sáng. “Bố ơi, bố đừng chết…” Thu nấc lên từng cơn, từng cơn.
Chín giờ ngày mùng bảy tháng ba năm hai không hai mốt…. điện thoại của người chiến sĩ cách mạng rung lên rẹt rẹt…
Ai hay người nào mà trong người chẳng còn nấy đủ năm chục như tôi sẽ hiểu trong những ngày mà bất cứ lúc nào lương có thể về tài khoản, con người ta sẽ vô cùng nhậy cảm, nhất là với những loại âm báo tin nhắn. Tôi tóm lấy cái điện thoại trên bàn, bụng hồi hộp như đứa trẻ con mong mẹ chợ về. Nhưng không, thay vì ngân hàng thông báo số dư biến động, Đồng chí Hùng trưởng ca báo án trên nhóm zalo chung của ca trực. 
“phường Hồng Bàng có người treo cổ, anh em thu xếp công việc xuống hiện trường”
Là người seen đầu tiên, tôi được phân công cùng anh em kỹ thuật hình sự xuống chỗ cái xác làm hiện trường (ý là đi khám nghiệm).
Chín giờ hai mươi phút… bước qua cái dây phản quang công an phường vừa giăng ra hơn chục phút, trước mắt tôi là căn nhà gác có đặc điểm như đã nói ở khúc trên. Cửa cuốn kéo lên cách mặt đất chừng mét rưỡi, đủ cho người ta hơi khom người bước vào. Xung quanh, tốp này, tốp kia các ông bà hàng xóm đang bàn ra tán vào. Hỗn loạn và rất mất tập trung. Cách họ chỉ chỏ, nheo mắt, vuốt cằm, suy tư y như mấy tay thám tử hay xuất hiện trên phim Nhật.
Nghe đồng chí phường báo cáo nhanh, người tử vong ở tư thế treo cổ trong phòng bếp xác định là ông Thuận, tên đầy đủ là Như Thuận, sinh năm năm mốt, có vợ là bà Vy kém ông chín tuổi. Con gái lớn Như Thu năm nay hai mươi tám chưa lấy chồng, sau là Như Nguyệt và con zai út Như Thế vừa qua sinh nhật mười tám được ba ngày. Ông Thuận trước nay hay đánh vợ, đam mê bộ môn đánh chắn nhưng chưa để lại tai tiếng gì ở địa phương vì lấy được bà vợ giỏi chịu đựng và biết điều. Căn nhà không to và cũng không đầy đủ cho lắm. 
“Chắc rồi, để nuôi được ba người con và ông chồng cờ bạc, bà Vy phải vất vả lắm, đủ ăn đã là may” tôi nghĩ.  
Qua lớp cửa kính chắn bụi, Phòng khách nhỏ sát cửa ra vào kê cái ti vi sony đời cũ và bộ sofa sờn mép không có bàn. Bà Vy và Như Thu đang ngồi đó, hai tay nắm lấy nhau, mắt đỏ hoe nhưng không ai khóc. Mắt họ nhìn thẳng. Thấy tôi, bà Vy xua Thu đứng dậy “mời các chú vào xơi nước”. 
Để đồng chí phường giới thiệu qua, tôi hỏi bà Vy về Như Nguyệt và Như Thế, “ bà nói qua sự việc tôi nghe”. Bà Vy với lấy cốc trà gừng run run đáp:
“Nguyệt và Thế đi học, chưa ai báo tin cho chúng nó, huhu. Sáng nay, tôi dậy sớm sang bà Loan gửi dỗ, đã thấy ông Thuận dậy rồi, bình thường ông ấy đâu có thế, ông ý ngồi ở chỗ chú đang ngồi đây này, rít tận hai bi thuốc lào liên tục xong ho khụ khụ, tôi mặc kệ cứ thế đi luôn, tôi không bảo ông ý tôi đi gửi dỗ, tôi không nói gì với ông ý chục hôm nay rồi”. Miệng nói tay vung, bà Vy tiếp chuyện “Chả là chục hôm trước, Ông ý đi chơi về bảo tôi đưa cho ông ý năm mươi triệu tiền bán đất trả nợ trong số hai trăm còn lại để ông đi du lịch miền tây. Chúng tôi thống nhất để tiền đấy cho các con ăn học, ông ý cam kết rồi, thế mà bây giờ lại đòi tôi. Tôi không đưa, tôi bảo tiền cho các con tôi đóng học hết rồi thế là ba máu sáu cơn ông ý đánh tôi thậm tệ, xưng hết cả mồm với mắt. Lần này tôi không để yên, tôi điện thoại kể hết, tôi kể không thiếu gì cho các chị em nhà ông ý biết, tôi kể tôi khổ thế nào để chị em nhà ý bảo nhau xong tôi về ngoại, thằng út nó cũng hơn mười tám rồi, tôi cũng coi như là nhẹ gánh nên tôi còn gì để lo, không thể ở cái nhà này nữa” bà Vy kể một lèo không vấp lấy một chữ. 
Ngón trỏ kết hợp với ngón cái vuốt chỗ bọt sàu lên hai bên mép đến gọn, bà Vy nói tiếp: “ sau khi các bà chị điện thoại tế ông Thuận một trận, chừng ba hôm trước, ông ý xin lỗi tôi nhưng nói lý nhí, tôi cũng không nói gì vì tôi vẫn giận ông ý lắm, mồm tôi vẫn vều ra đây này đã hết đâu, chú xem. Chưa lần nào tôi giận ông ý lâu như lần này, lần nào ông ý đánh tôi, tôi cũng bỏ qua, nhưng lần này không thể dễ dàng như thế được, thế mà ai ngờ ông ý nghĩ dại, ông ý lại làm thế, huhu…ông ý trói tôi lại vào cánh cửa bếp, bịt miệng tôi, không cho tôi hét mặc cho tôi van xin ông ý nhiều lắm. Ông ý treo cổ trước mặt tôi, huhu” Nói đến đây, cả bà và Thu oà khóc, họ lại ôm lấy nhau mà nấc lên, nước mắt thành dòng chảy xuống ướt cả vai áo.
“Đã ai khác bước vào bếp hay chưa?” tôi quay sang hỏi thì đồng chí phường đáp: “ngoài ông tổ trưởng với một cậu hàng xóm thì chưa anh ạ, chúng em cũng chưa vào”. Qua phòng khách là cái cầu thang hẹp dẫn lên tầng 2 và khu nhà kho bên dưới ngăn cách với phòng bếp bên trong, nơi mà cái xác vẫn đang treo thõng. Vãi dưới nền gạch hoa, mấy giọt máu li ti mới khô cùng nhiều mẩu dây sợi dù bản dẹt màu xanh lá quấn rối vào nhau rải rác từ cầu thang vào trong bếp. Chính giữa căn phòng, tử thi ông Thuận treo lên móc quạt trần cũng bằng loại dây giống với chỗ dây rối dưới sàn, chân cách đất chừng bảy mươi phân, đầu cách trần cũng tầm đấy. Ông thuận cao trên mét bẩy, mặc bộ quần áo lao động màu nâu, hai tay buông thõng dọc theo thân người, hai mắt mở hờ, lưỡi thè nhẹ. Từ ngoài nhìn vào, đúng những gì mà người chết vì treo cổ hay có. Xung quanh ông, bao nhiêu là thứ đồ đổ ngổn ngang nằm đè lên nhau. Một mùi nồng nồng phảng phất.
Bà Vy chỉ tay vào đống dây buộc rối rít vào cánh cửa nói: “ông ý trói chân tay tôi vào đây này, tôi xin ông ấy mãi nhưng ông không nghe, ông bảo nay ông phải chết để chứng minh mình trong sạch, cho tôi sáng mắt ra nhưng tôi không hiểu”
Sau khi đo đạc, chụp ảnh, đánh số các dấu vết, thu vệt máu khô trên sàn, tôi yêu cầu hạ cái xác xuống. Về cơ bản, tử thi hãy còn mềm, vết hằn tụ máu do tổ chức dứoi da vùng cổ bị phá vỡ kéo dài từ mang tai trái qua mang tai phải, nút thắt dây kiểu thòng lọng lệch về bên trái. Khắp tử thi không phát hiện dấu vết thương tích do ngoại lực tác động. Liếc nhìn, bà Vy lúc này khá bình tĩnh, bà quan sát từng cử chỉ của tôi. “Anh em chụp ảnh xong rồi bọc xác lại đưa ra trung tâm pháp y giúp tôi” chưa kịp để tôi nói tiếp, bà Vy túm lấy tay tôi khẩn thiết: “tôi xin chú đừng mổ xẻ gì, để cho ông ý được sang bên kia nguyên vẹn, đây là nguyện vọng của gia đình chúng tôi”.
Nói đến đây, cái trực giác đang ngủ trong tôi bị bà Vy gọi dậy.
“Mình đã nói gì đến việc mổ xẻ đâu, sao bà này vội thế. Bà biết cả việc mình định làm hay gì? Bà đang muốn che giấu điều gì?” tôi nghĩ. Bớt đi phần nào thương cảm, tôi phải để mắt hơn đến bà.
Ghé vào tai anh em kỹ thuật nói nhỏ, tôi yêu cầu kiểm tra kỹ căn nhà, phòng ngủ, nhà kho, thùng rác, khe hở với nhà hàng xóm và mở rộng ra cả khu vực xung quanh xem có thu thêm được gì đáng nghi, còn tôi ở lại quan sát thêm cái xác. Bất ngờ, bà Vy bảo tôi xem kỹ xem ông Thuận có để lại thư từ gì không thì quả thật, bên trong túi quần đùi bên trái có một lá thư dài gần trang viết bằng nét chữ nguệch ngoạc gấp gọn gàng trong lớp nilong trắng. Chuyện với bà Vy cứ đến liên tục như thế, chẳng hề tự nhiên, cảm giác như bà biết về lá thư này, như thể bà sợ tôi không tìm ra sự tồn tại của nó. Dịch một lúc, nôm na đoạn thư gửi ba người con, ông Thuận dặn dò các con phải sống tốt, ông trách bà Vy đổ oan cho mình, ông muốn dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch nhưng bị đổ oan gì ông không nói.
Kéo tay cô con gái Như Thu ra một góc, một đằng để ý cử chỉ của bà Vy, một đằng tôi hỏi Thu về sự việc hôm nay. "Em có biết chuyện mâu thuẫn của bố với mẹ, bố em bình thường thế nào, có tiền sử tâm thần, trầm cảm hay dùng thuốc gì không. Bố em có nợ nần, có tâm sự với em về chuyện đấy? À mà bố em thuận tay nào? Mẹ em thuận tay nào? Em đọc thư bố để lại em thấy sao?"
Trả lời cho đống câu hỏi này, Thu đáp: “ để xem nào, cả bố mẹ em đều thuận tay phải, bố em hay đánh mẹ em lắm, em là đứa phải can ngăn nhiều nhưng dạo này bố mẹ em chẳng nói gì với nhau, chắc là từ vụ tuần trước. Bố em là dân cờ bạc nhưng đã thấy bố em báo nhà lần nào đâu, tuy cục tính nhưng bố yêu thương chúng em lắm. bố chỉ hay không vừa ý với mẹ em. Em chẳng hiểu sao bố em lại tự tử” mắt Thu rơm rớm ngầu đỏ.
Vẫn biết nhắc lại chuyện này với Thu là khó khăn cho cô bé, nhưng không hỏi thì sao làm sáng rõ được vấn đề. Mà trong tôi ngày càng nhiều dấu hỏi về vụ này và cả về bà Vy đang ngồi kia quan sát tôi.
“Lúc về là mấy giờ? Em thấy gì? Buổi sáng ra khỏi nhà em thấy có gì bất thường không?” tôi hỏi thì Thu đáp: “sáng ra em đi làm thấy bố em tự nấu ăn sáng và uống rượu, bình thường bố em toàn ngủ đến gần trưa mới dậy, xong có điện thoại của bác báo tin, em phi từ chỗ làm về, thấy cửa cuốn nhà đang đóng sập. Em gọi mãi, gọi rát cả họng mẹ em mới từ trong trả lời em, mẹ bảo mẹ không mở được cửa nên em bảo mẹ tìm sợi dây tời trong góc kéo mở cửa bằng tay. Vào nhà, em thấy tay mẹ em bị trói, cổ vẫn còn mấy sợi dây quấn quanh còn bố em thì chết rồi. Bình thường bố em ít nói cũng chẳng bao giờ thấy bố em viết lách gì”
Trên chuyến xe đưa xác ông Thuần đến điểm thực hiện mổ pháp y, trực giác nói với tôi nhiều điều.
. Mâu thuẫn phải đến mức nào để con người ta lựa chọn quyên sinh;
. Có chắc là thư kia do ông Thuần viết ra;
. Bà Vy đang che giấu điều gì;
. Tại sao xảy ra sự việc, bà Vy không báo tin cho các con mà phải thông qua người khác;
. Sau ngần đấy phút cho đến khi Thu về, chẳng nhẽ bà Vy không tháo được dây trói tay, trói cổ sau khi đã tháo được đoạn trói chân mà phải đến lúc con về mới tháo;
. Có thể, ông Thuần chết do ngạt thở vì treo cổ, có khi nào ông bị làm mê rồi mới treo lên hay là một vụ nguỵ tạo hiện trường;
. Mâu thuẫn giữa ông với vợ là quá rõ, động cơ hoàn toàn có thể xảy ra;
. Vết máu trên sàn là do đâu mà có;
Nhanh chóng thôi, một cuộc điều tra được mở ra để giải quyết mấy gạch đầu dòng này, cũng là tìm ra sự thật cái chết của người đàn ông xấu số. Mong sao, suy đoán của tôi là sai, để tối còn được đi dự sinh nhật với mấy thằng bạn. 
Mà bắt đầu là cuộc pháp y tử thi sẽ diễn ra ngay sau đây.
Anh chị em quan tâm phần sau để lại dấu vết ở phần bình luận để tôi khám nghiệm một thể nhé. 
Tôi đi làm pháp y đây. Bye!