Trong những lý luận để tranh cãi vụ cải cách tiếng Việt mới đây, có một điều khiến mình vô cùng chướng mắt, chính là một bộ phận học giả bảo "dân đen biết gì mà nói, giáo sư, tiến sĩ người ta nghiên cứu cả chục năm kia kìa", hay là "đã đọc qua đề tài của người ta chưa mà nói". Bạn nhớ gì không, mấy câu đó là cãi cùn cãi cố, giống như vụ lần trước "trong Luật không hề có chữ TQ nào" mà các bạn vẫn chửi ấy. Buồn cười là trong những người đề cao giáo sư để bác bỏ dân đen ấy lại có nhiều người vốn rất hay chửi bệnh thành tích, chửi các học hàm học vị của VN... Dân đen có thể nói 999 thứ sai và 01 thứ đúng, thì điều đúng đó vẫn đúng, GS TS nói 999 thứ đúng và 01 thứ sai thì vẫn là sai, đúng không?
Tại sao những vị thiền sư nổi tiếng hay thánh hiền, thì mỗi tiếng quát to hay đòn roi, hay im lặng đều có thể trở thành công án, đều mang đến bài học sâu sắc? Đó là do bản thân các vị đó vốn có dụng ý, dụng tâm trong lời nói, hành động, mà cũng là do người ta cố tìm ra ý nghĩa trong đó nữa. Mình để ý những bài học ngắn trong sách mới bị dân mạng bêu rếu, trong đó nhiều bài rất hay và ý nghĩa nhưng bị chê không thương tiếc. Ấy không phải bởi dân họ không hiểu, mà vì họ không chịu tìm hiểu, cái hay được gắn chung cái nhảm thì họ đều cho là nhảm, vậy thôi.
Về chữ viết, tiếng Trung có chữ viết dạng tượng hình, vẽ một ô vuông, nhìn giống cái miệng, thì đọc là khẩu, có người đọc khấu, người đọc khầu, nhưng vẽ ra thì vẫn là ô vuông đó. Chữ lâm thì vẽ mấy cái cây ghép lại, chữ gia thì vẽ mái nhà... Tiếng Trung là vẽ ra một chữ rồi nhìn vào đó phát âm.
Chữ Việt thì không phải như vậy. Chữ Việt là ký hiệu ghi lại âm thanh, đọc ra thế nào thì viết thế ấy. Tại sao trước giờ không có bảng phiên âm cho chữ Việt? Vì mỗi chữ cái là một âm khác nhau rồi.
C, K, Q, đều đọc là cờ, nghĩa là một âm có 3 chữ, phát ra 1 âm, rồi phải suy nghĩ xem trong tình huống nào thì dùng chữ nào, chi vậy? Còn hai âm còn lại đi đâu, thừa ư? Tiếng nói có trước hay chữ viết có trước? Chữ viết là để ghi lại tiếng nói hay tiếng nói là để đọc chữ viết?
R, D, Gi đều đọc là /dờ/?
Tr và Ch đều đọc là /chờ/?
Cuốc và Quốc khác nhau chỗ nào?
Riêng ở mấy âm này và cách đọc như vậy, mình chả thấy có gì hay ho cả, chỉ thấy có một số người không thể đọc đúng nên muốn người khác cùng nhau sai mà thôi.
Mình chưa bao giờ phân biệt vùng miền, giọng Nam, Trung, Bắc mình không nói ai hay ai dở, cũng không chế giễu như trong mấy hài kịch vô vị bao giờ. Tiếng miền Trung, Quãng Ngãi mình cũng cố nghe, vì mình nghĩ dù khẩu âm thế nào thì cũng là người Việt. Thế nên mình rất không thích chuyện một nhóm người lấy cái riêng hạn hẹp của mình mà làm chuẩn cho cả thiên hạ.
Đây chỉ là mấy ý kiến cá nhân, theo quan sát cá nhân mình, đừng ai hỏi "đã đọc công trình của giáo sư chưa mà phát biểu" nhé. Mình không đọc đâu.