Câu trả lời chỉ được tìm thấy khi bạn đi tìm!
Trước khi đặt bút viết những dòng này, mình đã từng có một khoảng thời gian đặt ra nghi vấn cho câu hỏi “Tại sao khi nhắc đến người yêu cũ trong giai đoạn mới hẹn hò (mặc dù không còn tình cảm), đối phương lại tự động rút lui?”. Liệu cái tên “người yêu cũ” kia có vấn đề gì chăng? Bởi vì nếu để ý, cứ 10 người thì đã hết 8,9 người sau buổi hẹn hò đầu tiên đã “không cánh mà bay” rồi hoặc nếu có nói chuyện cũng trong trạng thái rất gượng gạo. 
Mình tin rằng, đây không chỉ là thắc mắc của riêng bản thân mình mà kể cả nam hay nữ, ai cũng từng ít nhất trải qua sự kiện khó hiểu này trong đời mà không biết lý giải làm sao. Tất nhiên, ngoại trừ những bạn chưa bao giờ hoặc không có ý định hẹn hò ra nhé! :D
Có thể sau một vài lần thất bại, bạn đã rút ra được kinh nghiệm xương máu cho bản thân. Tuy nhiên, nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết “điểm ngừng” của đối phương, chứ không thật sự hiểu nguyên nhân gốc rễ thì bài viết này chính xác dành cho bạn. 
Từ góc độ tâm lý học, mình sẽ chỉ ra nỗi sợ đằng sau hành vi “bay màu” của đối phương, dù cho cả hai đã có một buổi hẹn hò đầy vui vẻ và thân mật trước đó. 
Trước khi đi vào lý thuyết, chúng ta hãy cùng điểm qua trường hợp cụ thể dưới đây để xem có quen thuộc với bản thân không nhé. 
“Tôi và anh quen biết nhau qua công việc, cả hai đã nhắn tin qua lại cũng một thời gian rồi, tuy nhiên cũng chưa gặp mặt lần nào vì đang trong giai đoạn cách ly. Đến một hôm, khi hoàn cảnh đã thuận tiện hơn, anh hẹn tôi một buổi dating off. Vì là ngày đầu tiên nên tôi cũng khá hồi hộp, tuy nhiên cũng đã có thời gian trao đổi qua tin nhắn rồi nên coi như cũng biết nhau kha khá. 
Đối với tôi, buổi hẹn hò hôm đó quả là tuyệt vời! Anh là một người nói chuyện thú vị, biết cách lắng nghe và còn rất lịch sự nữa. Mặc dù lúc đầu còn khá e dè, nhưng độ hài hước của anh nhanh chóng đã kéo tôi sang trạng thái cởi mở và bắt đầu chia sẻ những câu chuyện. 
Mọi thứ dường như rất vui vẻ cho đến khi anh hỏi tôi về chuyện làm ăn gần đây, tôi bảo tôi với bạn trai cũ vẫn còn hợp tác làm cùng với nhau để phát triển dự án A, tuy nhiên cả hai chỉ trao đổi qua email hoặc gặp gỡ khi thật sự cần thiết thôi. Không khí lúc đó dường như có chút chậm lại, anh vẫn chăm chú lắng nghe và lịch sự hỏi han tôi. 
Buổi hẹn hò đã kết thúc sau khi anh chở tôi về nhà, dĩ nhiên không quên lời chào tạm biệt, tôi cũng đã rất vui và gửi một tin nhắn cảm ơn anh về ngày hôm đó. Tôi tưởng mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp và chúng tôi còn gặp nhau vào những lần sau, tuy nhiên mọi thứ nằm ngoài dự đoán. 
Kể từ ngày hôm ấy, anh không gửi bất cứ một tin nhắn nào đến tôi nữa và dường như trở thành một người “không cánh mà bay” luôn”. 
Nếu cảm thấy những gì mình vừa kể nghe quen quen, thì có lẽ bạn đã từng trải qua ít nhất một lần tương tự như thế rồi. Lúc đó bạn đã làm gì? Nghi ngờ bản thân mình có vấn đề ư? Hay nghĩ theo chiều hướng xấu hơn, anh ta là một kẻ chẳng ra gì? 
Mình không đánh giá hay phán xét bất kỳ suy nghĩ nào ở đây. Như đã nói, mình sẽ chỉ phân tích tâm lý - Điều gì đã thực sự diễn ra sau “lớp màn sương mù” kia. 
Ở mỗi khía cạnh trong cuộc sống, mỗi một hành động chúng ta thể hiện ra bên ngoài đều bị ảnh hưởng bởi những gì được dạy, được trải nghiệm trong quá khứ. Trong đó, bản chất nỗi sợ cũng được hình thành và xuất phát từ những sự kiện đã qua, của mình hoặc của người khác.  
Vậy nên, khi đối tượng hẹn hò nhắc về người yêu cũ trong những buổi gặp đầu, điều đó đã vô tình kích hoạt vào nỗi sợ bản năng của người đàn ông - Nỗi sợ Cuckoldry (tạm dịch: Mọc sừng), khiến cho anh ta biến mất mà không rõ lý do. 
Theo G.S, T.S tâm lý học William McKibbin, trạng thái Cuckoldry bắt nguồn từ những con chim cúc cu đẻ trứng của mình vào một tổ chim khác, trong khi những con chim đó không hay biết gì. Chúng dành thời gian, sức lực để tận tình chăm sóc cho những quả trứng nở ra mà không phải con đẻ của mình. Nói một cách khác, đó là “bạn không những không có con ruột, mà còn đang đầu tư thời gian, công sức và nguồn lực cho đứa con của một giống đực khác”. 
Cuckoldry còn được hiểu là hành vi ngoại tình hay giao phối ngoại đôi ở động vật. Tuy nhiên, những kiến thức đó nằm ngoài phạm vi mục tiêu bài viết hướng tới nên mình sẽ không đề cập, các bạn có thể tìm hiểu thêm về chủ đề này trên internet (lưu ý kiến thức có liên quan đến giáo dục giới tính, 18+ đó nhé!)  
Quay trở lại với hành động biến mất kỳ lạ của người đàn ông, ngoại trừ khả năng anh ta là một người “khập khiễng” thật, trường hợp còn lại cũng được coi là cơ chế bảo vệ tự nhiên của con người. 
Đôi khi, nỗi sợ đó được lập trình sẵn trong chính tiềm thức của người đàn ông mà họ cũng không hiểu vì sao mình lại có những tưởng tượng và cảm giác bất an như vậy. 
Dưới đây là 3 trong 5 thuyết giải thích nguyên nhân vì sao đàn ông có những suy tưởng về hiện tượng cuckold.
#1. The pain slut theory (tạm dịch: thuyết nỗi đau lẳng lơ): Là một dạng rối loạn trong tư tưởng, họ dùng cách này như một kiểu làm dịu tinh thần và nỗi đau trong khi tưởng tượng bản thân là người bị “cắm sừng”. Suy tưởng này được ví như khi bạn chơi trò chơi mạo hiểm, cơ thể bị kích thích bởi những cảm giác sợ hãi, nguy hiểm, thích thú, nhịp tim đập nhanh đồng thời giải phóng hormone Adrenaline để làm giảm những cảm xúc tiêu cực. 
#2. The fear factor (nhân tố nỗi sợ): Những nỗi sợ từ bên trong như lừa dối, bị rời bỏ, phụ thuộc vào một ai đó, cảm thấy bản thân không đủ tốt, không thể đem lại cảm giác an toàn cho đối phương… (Hành động biến mất của người đàn ông trong ví dụ trên xuất phát từ nỗi sợ bị lừa dối hoặc bị rời bỏ. Anh ta tự cảm thấy không an toàn và có thể nghĩ rằng đối phương chưa sẵn sàng bước vào mối quan hệ mới). 
#3. The sperm competition (Cuộc chiến “nòng nọc”): Trong thuyết tiến hóa tự nhiên, bất kỳ sinh vật nào cũng có sứ mệnh đưa gen di truyền của mình vào thế hệ sau. Trừ một vài ngoại lệ, chúng sẽ sẵn sàng lao vào “cuộc chiến” để tống khứ các gen khác và bảo vệ huyết thống của mình. Điều đó lý giải hành vi ghen tuông ở người đàn ông và khiến cho anh ta trở nên kích động, thậm chí mọi thứ chỉ diễn ra trong tiềm thức. 
Cuối cùng, bài học mà mình rút ra trong suốt quá trình trưởng thành chính là dù trong bất kỳ mối quan hệ nào, chúng ta cũng không nên đốt cháy giai đoạn. Đối với mình, thà chậm để cả hai có thời gian tìm hiểu còn hơn bỏ qua các bước chỉ với mong muốn rút ngắn thời gian. 
Một điều nữa cũng quan trọng không kém, đó là hãy yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình. Đừng chỉ vì một hành động khó hiểu của ai đó mà vội quay ra nghi ngờ bản thân, bởi vì biết đâu chính họ là người “khập khiễng” hay bị thắt nút ở đâu đấy thì sao? 
* Đọc thêm các bài viết khác tại: