Theo WHO (2021) nam giới trên toàn cầu có khả năng tự tử cao gấp đôi so với phụ nữ [1]. Trong khi đó, tỉ lệ người nam báo cáo về tình trạng trầm cảm của họ lại ngược lại, thấp hơn đáng kể [2]. Mối quan hệ ngược đời này được cho thấy có liên quan mật thiết đến các định kiến và chuẩn mực giữa nam giới và sức khỏe tinh thần.

Từ những câu chuyện riêng tư…

Bàn về cuốn sách “Amateur: A True Story About What Makes a Man” (tạm dịch: Amateur: Một câu chuyện có thật về những gì tạo nên một người đàn ông) của Thomas Page McBee, tác giả Celeste Davis đã viết rằng:
Thomas là một người chuyển giới nam. Kể từ sau khi hoàn thiện quá trình chuyển giới, vào khoảng 31 tuổi, anh nhận thấy rằng mọi người đều im lặng mỗi khi anh cất lời. Không còn ai ngắt lời anh nữa. Thomas nói: “Thật tuyệt vời và kì lạ. Cho đến khi tôi trở thành một người đàn ông, tôi đã không biết đàn ông giỏi như thế nào trong công việc”.
Tuy nhiên, một năm sau khi chuyển giới, khi Thomas mất mẹ. Anh không nhận ra mình cần sự ôm ấp của con người đến mức nào cho đến khi nó biến mất khỏi cuộc sống của anh.
Anh cũng nhận thức được rất rõ ràng về việc sự tức giận của mình dễ dàng được người khác chấp nhận như thế nào, trong khi nỗi buồn thì ngược lại. Những người trong cuộc sống của anh – cả nam và nữ giới – đều thấy khó chịu khi Thomas khóc.
“Thật khó để kết thân khi tất cả yếu tố cần thiết cho tình bạn như khả năng bị tổn thương, lòng trắc ẩn và sự quan tâm, đều bị coi như mối đe dọa với sự nam tính” [3].
Jeremy Mohler – Nhà trị liệu cặp đôi, miêu tả sự cô đơn của của chính mình và những thân chủ nam giới của anh rằng:
“việc lớn lên, trưởng thành và trải qua quá trình xã hội hóa về việc đàn ông phải như thế nào khiến chúng tôi như một thỏi nam châm trái dấu, đẩy những người khác ra xa.” [4]

Đến những thực trạng chung…

Đây không chỉ là câu chuyện của Thomas hay Jeremy, đây là câu chuyện chung của những người đàn ông.
Oliffe và cộng sự (2016) chỉ ra rằng nam giới có nhiều khả năng đồng thuận với các tuyên bố như “trầm cảm là dấu hiệu của sự yếu đuối ở một người đàn ông”, “tôi sẽ không thuê một người đàn ông nếu tôi biết anh ta trầm cảm”, “tôi sẽ không bỏ phiếu cho một chính trị gia nam nếu tôi biết ông ấy bị trầm cảm”… [5]
Trong nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã hội tại 4 tỉnh trên Việt Nam với 2567 người nam, những tiêu chí thể hiện một “người đàn ông đích thực” được miêu tả bao gồm việc: “mạnh mẽ, không tỏ ra yếu đuối”, “cơ thể khỏe mạnh”, “phong thái mạnh mẽ dứt khoát”… [6]
Và vô số các diễn ngôn, văn thơ, giáo dục từ gia đình và nhà trường, quảng cáo, tương tác giữa nam giới với nhau cũng đã khắc họa rõ nét những kì vọng về một người nam: “không được khóc”, “phải mạnh mẽ lên”, “không sợ hãi”, “che giấu cảm xúc của mình tốt vào”, “đừng quên thể hiện khả năng tình dục và sự chủ động”, “cần thiết thì dùng bạo lực để đạt sự thống trị”…
Những chuẩn mực về sự nam tính không chỉ ngăn cản nam giới chấp nhận và bày tỏ những cảm xúc rất tự nhiên của họ, những kì vọng độc hại này còn đẩy đàn ông vào sự xấu hổ và tự kì thị nặng nề chỉ vì mình “rất con người”.

Đàn ông ơi,

Hỡi nhừng người đàn ông mà tôi yêu, nhân Ngày Quốc tế Đàn ông, tôi muốn bạn biết rằng:
Bạn đã rất vất vả, khi chiến đấu với đống nhãn mác mà bạn phải khoác lên người.
Bạn được phép tự do cho mọi cảm xúc bạn có. Bạn có thể khóc khi buồn. Cười khi vui. Tìm kiếm ai đó khi bạn cần giúp đỡ và nâng đỡ ai đó khi họ tìm đến bạn. Thật tuyệt vời khi biết bạn cần một cái ôm hay một phiên tham vấn tâm lý.
Và tất cả, không điều gì là lỗi của bạn.