Do we need to teach boys/men to be more emotionally honest (e.g. more vulnerable? Sensitive? In tune with their emotions?)

Xã hội ta từ xa xưa đã luôn tồn tại một lằn ranh rạch ròi giữa vai trò và vị trí của người đàn ông và người phụ nữ. "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", một lằn ranh thiêng liêng và cấm kị cho bất cứ giới nào dám bén mảng đến gần và chạm tới, nhận thức ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta như một điều hiển nhiên trong thời gian dài. Trong xã hội hiện đại, với những phong trào đấu tranh bình đẳng giới, nữ quyền, thì lằn ranh vô hình đó ngày càng được xóa nhòa, song nó vẫn còn tồn tại nhiều tàn dư. 
Những người trẻ ngày nay, có lẽ ta đã quen với việc nhìn một người đàn ông đảm nhận công việc nội trợ hay metrosexual (những chàng trai quan tâm chăm chút vẻ bề ngoài của mình). Nhưng điều đó cũng chưa đủ để thay đổi cái nhìn của chúng ta về hình tượng thân thuộc một người đàn ông đầu đội trời chân đạp đất, gánh vác giang san, trụ cột gia đình. Từ khi được sinh ra, những cậu con trai mặc nhiên được vinh dự gánh trên vai trọng trách nặng nề đó và khó có thể khước từ. Ngay từ nhỏ, họ đã được dạy bài học về giá trị của một người đàn ông, về trách nhiệm bảo vệ gia đình, về sự kế thừa và phát huy dòng dõi gia phả. Đó được xem là sự tôn nghiêm. Sự tôn nghiêm này không có chỗ cho mảnh đất của cảm xúc ủy mị. Sự tôn nghiêm này là sứ mệnh và trao cho đàn ông ý nghĩa của cuộc đời. Tuyệt nhiên họ sẽ phải cố gắng bảo vệ sự uy nghiêm này và thẳng tay trừng trị bất cứ ai dám bén mảng đến vùng đất linh thiêng ấy. 
Ngày xưa khi xã hội còn nhiều định kiến thì sự uy nghiêm này chính là tôn chỉ tối cao mà cuộc đời trao cho người đàn ông. Từ đó, họ dần hình thành tính gia trưởng vì trách nhiệm của người chồng là xây dựng sự nghiệp, gánh vác gia đình. Việc làm chủ ngôi nhà góp phần củng cố thêm cho quyền lực uy nghiêm tối cao của họ. Thế nên một khi người phụ nữ, người vợ nào đó dám xâm phạm đến sự uy nghiêm khiến cho họ cảm thấy giá trị mình bị hạ thấp thì người đàn ông sẽ ngay lập tức phản kháng dẫn đến bạo lực gia đình. Và cảm xúc cũng là điều không được chấp nhận trong tôn chỉ tối cao này. Một người đàn ông mạnh mẽ thì thật khó để treo cạnh hình ảnh dễ xúc động, ủy mị, yếu đuối được. Nhưng đâu phải đứa con trai nào sinh ra cũng mạnh mẽ, họ vẫn có những sự nhạy cảm của riêng mình nhưng không may lại phải phớt lờ nó để trở nên mạnh mẽ, oai hùng. Ngày này qua ngày khác, họ sống với cảm xúc giả, con người giả, đôi khi còn là cố gồng mình lên để sống trong chiếc vỏ bọc mà xã hội mong muốn nhìn thấy. Họ dùng những chiếc mặt nạ để đối xử với người khác thì tuyệt nhiên người ta chỉ thưởng thức phần trình diễn của họ mà thôi, sau cùng thì họ vẫn trơ trọi, cô đơn và thiếu sự cảm thông. 
Mối quan hệ con người ta bắt đầu khi hai tâm hồn cảm thấy đồng điệu, ta thấy hợp nhau ban đầu nên tiến đến tìm hiểu nhau lâu dài. Nhưng sẽ ra sao nếu ngay từ đầu người đàn ông đã phải đeo thật nhiều vỏ bọc bên ngoài và che giấu đi con người thật, cảm xúc thật của mình. Và tệ hơn nữa sẽ ra sao nếu khi cả hai tiến đến hôn nhân trong khi chàng trai vẫn ôm khư khư những cảm xúc giả. Thật buồn khi đó lại là nguyên nhân cho những cuộc chia ly, tan vỡ khi cả hai không còn thấy hợp với con người thật của đối phương. Tốn thời gian, tiền bạc, và thậm chí là tương lai của những đứa trẻ được sinh ra. 
Chính vì thế, tại sao ngay từ đầu người đàn ông không bộc lộ cảm xúc thật, sự nhạy cảm chân thật của mình để mọi người có thể hiểu mình hơn cũng như tìm thấy cộng đồng những người yêu quí, chấp nhận và sẵn sàng chia sẻ với mình. Hơn hết, đàn ông chúng ta được sống thật với cảm xúc, được tự do bộc lộ tình cảm, được khóc khi xem một sad ending, được mơ mộng trước hoa và gió. Và ta lại thấy cuộc đời ý nghĩa, ý nghĩa do ta tự tạo nên chứ không phải từ sự nhìn nhận của xã hội. 
Vậy theo như câu hỏi, ta có nên "teach" đàn ông bộc lộ cảm xúc thật của mình hay không? Theo mình nghĩ là không! 
Bởi vì mỗi người họ có những trải nghiệm riêng, và sẽ có thế giới quan và sự lựa chọn riêng. Niềm tin không được sinh ra bằng cách nhét chúng vào miệng nhau. Hãy để họ tự quyết định bằng chính trải nghiệm và sự nhạy cảm của riêng mình. Đôi khi là đàn ông, họ cảm thấy việc chấp nhận sự uy nghiêm, che giấu cảm xúc thật lại là một điều tốt và khiến cuộc đời họ có ý nghĩa, họ thấy vui nên sẽ không thay đổi cho đến khi họ cảm thấy mình cần. Hơn nữa là đôi khi việc dạy "sống thật" có thể dẫn đến việc các chàng trai cố gồng mình lên để "sống thật" thì lại rõ khổ. Tóm lại, cảm xúc của mỗi người do tự mỗi người định đoạt. 
Việc chúng ta có thể làm đó là hãy thay đổi suy nghĩ về hình ảnh người đàn ông phải mạnh mẽ, đầu đội trời chân đạp đất. Xóa bỏ những định kiến là tạo ra lối đi cho bình đẳng giới bởi vì 
Bình đẳng giới không phải là đấu tranh cho bất kì một giới nào, bình đẳng giới là khi cả nam và nữ đều thoát ra khỏi những định kiến và họ được sống hạnh phúc.