Dẫn Truyện xin trân trọng thông báo về chương trình Dẫn Truyện Fanbox - một hộp thư để các bạn người dùng cũng như độc giả Dẫn Truyện có thể gửi những câu hỏi về cho Dẫn Truyện để nhận được câu trả lời từ Dẫn Truyện cũng như từ cộng đồng Dẫn Truyện nói chung. Các câu trả lời từ Dẫn Truyện cũng như các câu trả lời nổi bật từ cộng đồng sẽ được đăng tải trên fanpage và Blog Dẫn Truyện.

Gửi câu hỏi về: shorturl.at/nrHQS


#1: “Cho tớ xin vài tips để nghĩ BS* cho OCs* *nam được không ạ? Nếu có thể thì cho tớ xin luôn tips xây dựng tình cảm nam nữ với bí quá.”

Giải nghĩa

*Background Story: Cốt truyện nền, thường là quá khứ của nhân vật, là nền tảng để phát triển của nhân vật.
**Original Character: Nhân vật của riêng của người nói và không thuộc một sản phẩm sáng tạo nào khác.

Trả lời

Thực ra background story của nhân vật nam hay nữ về khởi điểm sẽ không có nhiều khác biệt do tính chất giới tính của họ, trừ phi là đặt trong gia cảnh (hoặc bối cảnh) có tính chất phân biệt giới tính, hoặc nhân vật có giới tính và xu hướng tính dục đang gặp phải sự kì thị. Lúc này chúng ta có thể đặt ra các câu hỏi về việc nhân vật đã đối mặt với vấn đề thế nào, gặp phải khó khăn và giải quyết ra sao, từ đó hình thành nên những mối quan hệ với các nhân vật xung quanh, cuộc sống, các lựa chọn… và tiếp đó phát triển lên thành câu chuyện.
Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục xây dựng thêm câu chuyện ở tuổi thiếu niên và sau đó nữa, tức là từ sau khi nhân vật dậy thì, thì tâm lý, lựa chọn và hành động của họ sẽ càng có sự thay đổi rõ rệt với các giới tính khác, do sự thay đổi về hormones và môi trường sống.
Giả dụ nhân vật nam có thể đến học ở một trường nam sinh, thay vì môi trường chung.
Nhân vật nam cũng có thể có những cậu bạn thân, và chắc chắn mối quan hệ giữa các cậu con trai sẽ khác biệt với mối quan hệ giữa các cô bạn gái với nhau. Bạn có thể cho nhân vật có một người anh em chí cốt, hoặc có niềm yêu thích đặc biệt với một cô bạn nào đó.
Cậu ta có thể bắt đầu suy nghĩ về nghề nghiệp tương lai. Dễ dàng nhất thì chọn những công việc có liên quan đến mơ ước tuổi thơ, hay bối cảnh gia đình (ví dụ có một người cha là doanh nhân và ngưỡng mộ ông ấy nên muốn nối nghiệp, hoặc là con trưởng trong gia đình và cần gánh vác vai trò trụ cột...). Nếu lựa chọn của nhân vật là một nghề nghiệp bị coi là ít phù hợp với nam giới, cậu ta có thể gặp phải sự phản đối của gia đình, bè bạn. 
Một điều nữa là tham vọng của nhân vật nam thường (không phải toàn bộ) sẽ cao hơn so với nhân vật nữ một chút. Chẳng hạn như việc một cậu thanh niên muốn trở thành thủ tướng chẳng hạn, người ta có thể cười nhạo nhưng vẫn sẽ phần nào khích lệ, trong khi với một cô gái thì chuyện này có thể trở thành cái gì đó áp lực hơn, và dễ bị những người xung quanh phản đối hơn.
Khả năng của nhân vật cũng là một điều đáng lưu ý.
Trưởng thành hơn nữa, nhân vật có thể đi học cao lên, có thể đi nghĩa vụ quân sự, hay bỏ học để đi làm chân tay. Lựa chọn đặt ra trước mắt lúc này cũng khá rõ ràng với vấn đề giới tính. Cần phải nói là dù nhân vật có xu hướng với sự nghiệp hay không thì đó cũng là một phần quan trọng trong cái nhìn của xã hội và gia đình lên anh ta, nên tôi nghĩ tập trung vào điều này cũng rất thú vị.
Bên cạnh đó, mối quan hệ xung quanh cũng là những điều đáng bận tâm. Nam giới sẽ không có nhiều xu hướng thân cận với cha mẹ (đôi khi vẫn có, và bạn có thể tập trung khai thác tâm lý ở điểm này nếu muốn), nhưng mối quan hệ với anh chị em thì lại có khá nhiều cách để phát triển. Họ cũng sẽ chú tâm đến bạn bè và các đối tác tiềm năng nhiều. Áp lực công việc và xã hội cũng là một điều đáng chú ý ở đây.
Muốn nói rõ hơn thì chúng ta cần quan tâm đến tuýp nhân vật và những kết cấu hạ tầng trong câu chuyện của nhân vật này. Nên nếu bạn muốn biết cụ thể có thể cho biết về nhân vật mà bạn đang muốn xây dựng, hoặc bạn có thể thử yêu cầu page mở thêm thảo luận về từng loại nhân vật hoặc từng bối cảnh khác nhau. Lúc đó chúng ta có thể bàn luận sâu hơn và các trường hợp và chi tiết.
Tương tự như vậy với vấn đề xây dựng mối quan hệ tình cảm nam nữ. Cái chúng ta cần quan tâm là nội tâm của nhân vật mà bạn đang xây dựng. Nam sẽ có tâm lý khác với nữ, nhưng đồng thời họ có thể có những phần tâm lý ảnh hưởng bởi ngoại cảnh.
Một chàng trai (trong phần lớn trường hợp) sẽ muốn đi chinh phục, hoặc có sự tự ti khi cho rằng mình chưa đủ năng lực và điều kiện để yêu đương với đối phương. Chẳng hạn như là muốn thành đạt đã, hoặc muốn chiến thắng cô gái về mặt nào đó đã, rồi mới theo đuổi và tỏ tình. Nhiều lúc họ có thể coi tình cảm là một động lực để tiến tới.
Tuy nhiên, khác với nữ giới, (phần lớn) nam giới không đặt nặng vấn đề tình cảm. Họ có thể cho rằng có nhiều thứ khác quan trọng hơn. Việc đấu đá tranh giành tình cảm giữa nam giới với nhau cũng ít có sự sứt mẻ tình cảm hơn là giữa nữ giới, thậm chí giữa các chàng trai có cùng đối tượng, hoàn toàn có thể tồn tại tình bạn.
Cách tư duy của nam giới cũng thường thẳng thừng và bộc trực hơn, ít có sự lắt léo kiểu gợi ý hay vòng vo, chỉ khác biệt là tùy độ tuổi và sự giáo dục, mà họ sẽ thể hiện khéo léo hay vụng về đến mức nào. Bạn cũng có thể dựa vào điều này để tạo các mâu thuẫn nhỏ trong mối quan hệ nam nữ này và giải quyết dần để khiến nhân vật gần gũi hơn.
Xa hơn nữa, thì chúng ta cần tính đến tính cách cụ thể của nhân vật, hoặc tính chất mối quan hệ bạn muốn viết (khắc khẩu, ngọt ngào, bi, hài… tùy câu chuyện), và cũng tương tự với câu trên, bạn có thể thử yêu cầu bài thảo luận với các trường hợp cụ thể mà bạn mong muốn triển khai.

#2: “[Cho mình hỏi về] Cách kết nối các nhân vật với nhau”

Trả lời

Câu hỏi của bạn không rõ ràng lắm. Chúng ta có hai trường hợp: Kết nối các nhân vật đều là của bạn, và kết nối nhân vật của bạn với nhân vật của người khác.
Trường hợp một: khi bạn đã tạo ra một câu chuyện hoàn chỉnh với các nhân vật khác nhau trong đó. Việc kết nối nhân vật dựa trên hai yếu tố: Bản chất nội dung câu chuyện và vị trí mà bạn phân cho những nhân vật này (không quá phức tạp khi bạn đã có một mạch truyện cụ thể). Sự kết nối về mặt tâm lý, điều này đòi hỏi bạn đi sâu vào xây dựng nhân vật.
Thường thì, với yếu tố đầu tiên, bạn chỉ cần tạo ra các mối dây liên hệ đơn giản và các chi tiết để buộc nhân vật phải tương tác với nhau (ở cùng nhà, là anh chị em ruột, bạn học, hàng xóm, đồng nghiệp, bác sĩ và bệnh nhân, đối tác làm ăn, tình cờ va vào nhau trên đường...)
Ở yếu tố thứ hai, bạn có thể đặt trường hợp để nhân vật có những mối quan tâm giống nhau, chia sẻ một bí mật nào đó, hoặc thông cảm cho một nỗi đau nào đó trong quá khứ… vấn đề đặt ra là bạn cần tạo tình huống để họ bộc lộ và hiểu cho nhau. 
Trường hợp hai: Nếu bạn muốn tạo mối dây liên hệ với nhân vật của người khác. Tôi thường thấy người ta dùng cách đơn giản nhất là cùng nhau vướng vào một rắc rối tình cờ nào đó, hoặc đi trên đường và va vào nhau. Tuy thế, đây không phải những tình huống được khuyến khích nhiều, vì với ai mà bạn cũng vậy cả thì cảm giác không thực lắm đúng không? Hãy để dành những tình huống này cho những mối quan hệ bạn muốn phát triển đặc biệt.
Tôi từng sử dụng một kiểu thế này: Bạn A là khách hàng của cửa tiệm tạp hóa, và sau tầm hơn chục lần quay lại mua đồ rồi trở thành khách quen thì bạn cảm thấy cởi mở hơn và nói chuyện với anh nhân viên nhiều hơn chỉ là câu nói “chào anh” “cảm ơn” hay “tiền của anh đây”. Và đó mới là lúc mối quan hệ thật sự bắt đầu.
Cũng tức là, ở ví dụ này, chúng ta sử dụng tần suất gặp gỡ để xây dựng một mối quan hệ từ từ, thay vì thúc ép nó. Đây cũng là cách thường thấy mà con người xây dựng mối quan hệ với nhau trong cộng đồng, bước từng bước một, từ từ cho đến lúc nhận ra nó đã trở thành một điều gì đó đủ lớn.
Ngoài ra thì, đôi khi có những nhân vật hợp nhau một cách bất ngờ, chỉ cần một vài lần gặp gỡ đã dễ dàng bắt sóng được nhau và trở nên thân thiết. Hay ngược lại, là khắc nhau một cách bất ngờ, vừa nhìn đã thấy khó ưa. Đây cũng là trường hợp không khuyến khích nhiều, nhưng nếu khéo tận dụng cũng có thể tạo nên những mối quan hệ thú vị.
Nếu bạn có câu hỏi cụ thể hơn như là muốn xây dựng mối quan hệ giữa hai nhân vật cụ thể nào đó bạn đã có, thì cứ thử gửi thông tin của hai nhân vật về hòm thư nhé. Biết đâu sẽ có những thảo luận và hỗ trợ thú vị.