Mạnh T. Nam
“Dân chơi vào trường” là quyển truyện của Gordon Korman, lấy chủ đề xoay quanh cuộc sống của một cậu bé chừng 12 tuổi. Cậu bé đó tên là Capricorn Anderson. Cap mất cha mẹ từ sớm, cả cuộc đời của mình, cậu chỉ gắn bó với bà ngoại của mình và trang trại Garland. Trang trại Garland là cả một tuổi thơ yên bình của cậu. Ở Garland, cậu được tiếp nhận những điều hay lẽ phải ở đời mà chính người bà - mà cậu gọi thân thương là Rain - truyền dạy cho. Nhưng bỗng nhiên bà Rain gặp tai nạn, phải ở viện vài ngày; Cap phải chuyển ra thị trấn sống và theo tại trường trung học của thị trấn. Và từ đây, cậu bắt đầu bước lên võ đài đầu tiên của cuộc đời mình, bắt đầu so găng với cuộc sống bên ngoài Garland.
Đối với Cap, Thị trấn và trường trung học ấy là một thế giới hoàn toàn khác, không phải khác theo kiểu mỗi nơi một vẻ, nhưng là đối lập hoàn toàn: “Có lẽ một nơi phức tạp như trường trung học thì không thể nào phân tích được từng việc đang xảy ra” .
Ở Garland, cậu không biết gì đến tiền và nếu có được nghe nói đến, cậu chỉ biết tiền là để làm từ thiện, để giúp người. Lối sống ấy khi hoà nhập với trường trung học lại sinh ra vấn đề: cậu không mường tượng được vì sao người ta lại chi tiền cho các lễ hội, và khi cậu cầm tờ chi phiếu vốn được cấp cho lễ Halloween, chi cho mục đích từ thiện, cậu đâu có biết gì đến hạn giá, đến ngân hàng và đến lắm thứ rối rắm khác.
Ở Garland, cậu chỉ học với bà; lớp học thường ngày của cậu chỉ có bà Rain là cô giáo và Cap là học sinh. Nhưng ở trường trung học, cậu phải vắt óc để hiểu thế nào là chủ tịch hội học sinh, và phải tìm cách ghi nhớ mọi cái tên của mọi đứa bạn lướt qua mặt cậu mỗi ngày.
Ở Garland, cậu sống chân thật, hồn nhiên, làm gì biết đến những trò chơi khăm của đám bạn đồng trang lứa ở trường trung học.
Ở Garland, cậu được học lái xe rất sớm, và khi cấp bách, như cứu ông tài xế xe bus học sinh ở ngoài Thị trấn chẳng hạn, cậu có thể sẵn sàng nhảy vào “ghế nóng”, cầm vô-lăng và lượn xe đưa bệnh nhân đến nhà thương. Nhưng ở Thị trấn, khi vừa đến nhà thương, cậu đã bị cảnh sát lấy “con vô cực” còng tay lại, mà không hiểu vì sao lại thế, cũng không chút sợ hãi nào.
Với bọn trẻ ở trường trung học, và cả các thầy cô ở đó nữa, Cap của Garland là một tên hippie dị hợm của thập niên 60 của thế kỷ trước. Họ không hiểu nổi Cap, Cap cũng không hiểu nổi họ. Hai bên sống trong cùng một thời, nhưng lại ở hai thế giới khác nhau.
Việc Cap phải loay hoay làm sao để thích ứng được với cái mớ xa lạ ấy chính là một biểu tượng của cuộc so găng của những đứa trẻ ở vùng ven khi chúng về thị trấn, thành phố để học tập, của cuộc so găng giữa tuổi thơ của thời tiền-hiện đại với tuổi thơ thời hiện đại của thế kỷ XXI. Không chỉ thế, đó còn là cuộc so găng của chúng ta: Làm sao ta có thể giữ lại sự hồn nhiên, giữ lại được cái tâm thiền khi đối mặt với bao trò chơi khăm, gài bẫy của cuộc đời này?
Bà ngoại Rain đã dạy cho Cap nhiều điều. Những điều này khi áp dụng vào cuộc sống ở trường trung học dường như là một bất lợi, à không, là vô số bất lợi, có thể dìm chết Cap bất cứ lúc nào. Nhưng sau hết, chính Cap là kẻ thắng cuộc trong cuộc so găng ấy. Cậu đã chinh phục được đám bạn ở thế kỷ XXI kia, rằng chúng không thể sống, không thể học hành, không thể vui chơi nếu thiếu đi chàng hippie của thập niên 60 này.
Cap có bí quyết gì vậy?
Bạn đọc sẽ có thể tự rút ra cho bản thân nhiều bổ ích từ cách ứng xử của Cap. Với tôi, tôi vội ghi chú lại đây hai điểm:
Trước là, bà ngoại Rain đã tập cho Cap cách thiền từ lúc cậu mới 5 tuổi. “Bà giải thích rằng nếu như mình có thể quán niệm cho tinh thần và thể chất quy về một điểm thì mọi phiền toái sẽ tan biến”. Đó là bà tập cho Cap giữ lòng bất biến giữa dòng đời vạn biến. Chính vì vậy mà dù cậu bị chơi khăm từ lần này đến lần khác, cậu vẫn bình chân như vại, vẫn là chính mình – một cậu bé hồn nhiên, nhân hậu.
Sau là, bà ngoại Rain đã dạy cậu lối sống biết nghĩ đến người khác, biết nghĩ đến việc giúp tha nhân tìm kiếm hạnh phúc đời mình. “Đời này không có gì quan trọng bằng có trách nhiệm dùng khả năng của mình giúp cho người khác cảm thấy hạnh phúc hơn”. Cậu không chinh phục được người khác bằng lời lẽ hoa mỹ, nhưng bằng lối sống nhân hậu, khiêm nhu, đầy thông cảm. Do đó mà cậu đã giúp được cô chị Sophie đanh đá kia thấy ngập tràn hạnh phúc trong lòng, đã giúp cho đám bạn như vỡ òa khi gặp lại cậu trong đêm Halloween.
Các bạn thân mến, cuộc so găng của chúng ta chính là như vậy đấy. Ta là những “dân chơi vào đời”, phải chiến đấu với đời để giữ lại phần trẻ thơ trong con người mình. Đó là lòng nhân hậu. Lòng nhân hậu giúp ta sống vững chãi, giúp ta sống xả thân. 


DÂN CHƠI VÀO TRƯỜNG
Tác giả: Gordon Korman
Dịch giả: Tuấn Khanh 
Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức 
Công ty phát hành: Khai Tâm
DÂN CHƠI VÀO TRƯỜNG Tác giả: Gordon Korman Dịch giả: Tuấn Khanh Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức Công ty phát hành: Khai Tâm