Câu chuyện chọn ngành của tôi


Từ khi còn tiểu học, gia đình đã hướng cho mình học chuyên sâu môn Toán. Một phần vì hồi đó trong tư tưởng mọi người vẫn nghĩ Toán là bộ môn thượng đẳng, ai cũng thích con mình phải giỏi Toán trước tiên. Nếu so sánh giữa một học sinh giỏi Toán với một học sinh giỏi Văn thì tất nhiên đứa giỏi Toán sẽ được cho là học giỏi hơn. Chẳng ai coi trọng môn Văn cả. Rồi cứ thế lên cấp 2 đến cấp 3, mình vẫn trung thành với Toán, học thêm Vật Lý với Hóa Học nữa cũng bởi Toán liên quan nhiều đến các môn này nên mình sẽ học tốt hơn. Khả năng học các môn xã hội với Tiếng Anh thì dở ẹc vì không dành thời gian cho nó. Suốt ngày chỉ chú tâm vào mấy môn tự nhiên, cắm cúi với các con số, nghiễm nhiên nó ăn vào máu. Thành ra cuối cùng chọn thi khối A vì đấy là khả năng duy nhất để mình đỗ đại học.

Chọn khối thi là điều mình làm đầu tiên, thực ra cũng bởi không còn lựa chọn nào khác, rồi mình mới bắt đầu với việc chọn ngành. Mọi thứ trôi qua rất bình thường mà mình chẳng có định hướng gì cho bản thân. Bắt đầu khi lên lớp 12, lúc này mới chịu tìm hiểu xem dân khối A thì nên học gì. Có 2 lựa chọn lúc đó cho mình là các ngành liên quan đến kĩ thuật, cơ khí và khối ngành kinh tế. Nhận ra bản thân hồi đó cũng khá xông pha trong các hoạt động trường lớp. Có khiếu ăn nói một chút, thi thoảng được các thầy cô mời đi thuyết trình cho các bài giảng, rồi làm MC cho một vài chương trình văn nghệ. Cảm thấy trong người có chút năng động, nghĩ như vậy mà học kĩ thuật suốt ngày sờ linh kiện máy móc thì chán lắm. Nên thôi, chọn thi kinh tế, với nghĩ đơn giản đằng nào sau này làm kinh tế mới giàu được.

Kinh tế thì cũng đa dạng ngành học, nào là Quản trị kinh doanh, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế,… đọc một lượt chẳng biết cụ thể là nên học cái gì, càng đọc càng phân vân. Cuối cùng mình chọn ngành Marketing. Hồi đó chẳng biết Marketing là ngành quái quỷ gì, rồi học xong thì sau này làm gì cũng như gà mơ luôn. Chỉ thấy cái tên nghe tây và sang, đặc thù ngành rất năng động, với lại ngành này vẫn đang hot từ hồi đó đến giờ, có cơ hội việc làm cao vì bất kì doanh nghiệp nào cũng phải cần đến Marketing cả. Nhìn lại bản thấy khá phù hợp với đặc thù ngành nên quyết tâm chọn luôn. Ban đầu cũng sợ chọn sai, mông lung lắm, nhưng giờ học thấy rất thích vì phù hợp với cái tính ưa khám phá, không chịu ngồi yên một chỗ như mình.

Mình thấy rằng, việc chọn ngành phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân rất quan trọng. Nó quyết định đến sự hứng thú trong học tập của bạn sau này, phải có hứng học thì mới say mê tìm hiểu, mới giỏi được, nếu không bạn sẽ mất niềm tin vào đại học rất nhanh. Nhưng nếu bạn chưa biết rõ sở thích của mình là gì thì hãy cứ khám phá bản thân, tự hỏi rằng: Từ trước mình hay làm những gì? Điều gì làm mình cảm thấy hứng thú nhất? Tất nhiên, việc này cần khá nhiều thời gian nên bạn hãy làm nó từ sớm nhé.

Ngành nào cũng thế, mỗi trường sẽ có một cách đào tạo khác nhau, Marketing cũng vậy. Ngày ấy không biết nhưng mình cũng có ý thức hỏi các anh chị khoá trên đã từng học Marketing xem thực sự mình thích môi trường học ở đâu hơn. Bản thân phân vân giữa Digital Marketing với Marketing thương mại thế là mình lôi ngay 2 bà chị của mỗi trường ra để hỏi tới hỏi lui, tất nhiên là dựa vào mấy mối quan hệ quen biết thì mới tìm được chứ. Cuối cùng mình chọn và thi đỗ vào một trường đại học dạy chuyên Digital Marketing.

Muốn hiểu về một ngành học, cách tốt nhất bạn hãy hỏi trực tiếp với những người đang trải nghiệm nó sẽ có câu trả lời chân thực, đừng ngại vì các anh chị đều rất nhiệt tình khi tư vấn cho các em nhỏ đấy nhé. Vì lúc ấy sẽ được coi là “tiền bối” mà, ai mà chả thích.

Đâm đầu vào Marketing rồi mới thấy ngành này thật nghiệt ngã cho dân khối A như mình. May mắn là vì dù sao mình cũng cảm thấy thích thú với Marketing và học với một tâm thế tích cực không bị nhàm chán, nhưng bên cạnh đó cũng gặp không ít trở ngại. Với một cậu học sinh suốt ngày chỉ chăm chăm vào các con số rồi thì các phương trình hóa học hay định luật vật lý thì việc tiếp cận với các kiến thức chuyên sâu về Marketing khá khó khăn vì phần lớn những kiến thức hay đều từ các tài liệu tiếng anh.

Mình cảm thấy khá lép vế với bạn bè cùng ngành, mặc dù đặc thù ngành cần sự năng động và luôn biến đổi mình cũng thấy phù hợp bản thân nhưng Tiếng Anh là một trong những yếu tố then chốt khi tìm hiểu Marketing. Rồi vấn đề khi thiếu kiến thức ở các môn xã hội nữa, mặc dù cũng có kinh nghiệm ăn nói nhưng đôi khi mình khá bối rối trong cách diễn đạt câu từ, có lẽ một phần cũng vì bỏ bê môn Văn hồi còn trung học. Nói vậy không có nghĩa là không có cơ hội phát triển với học sinh khối A trong Marketing.

Cá nhân mình thấy việc học chuyên sâu khối A cũng cho mình khá nhiều lợi thế trong Marketing. Bản chất học sinh khối A có tư duy tốt, giúp mình rất nhiều trong việc nghiên cứu, phân tích số liệu và tìm ra vấn đề của các dự án, nhạy bén trong các mô hình chiến lược, rồi cả cách trình bày sao cho logic, rõ ràng mạch lạc. Lợi thế này đã giúp mình giành Giải Nhất trong một cuộc thi chuyên ngành Marketing của trường đại học đấy nhé. Tất nhiên mỗi khối thi có một ưu điểm riêng trong mỗi mảng miếng của Marketing nên người ta mới dành cơ hội cho các khối khác nhau. Dù có nhiều trở ngại cho dân khối A với Marketing nhưng mình vẫn đang lấp đầy những lỗ hổng từng ngày bằng việc học thêm Tiếng Anh và đọc thêm thật nhiều sách.

Mỗi khối thi đều phù hợp với đặc thù ngành học ở một khía cạnh nào đó. Nếu bạn cảm thấy khối thi của mình chưa thực sự giúp bạn phát triển tốt trong ngành bạn chọn cũng không sao. Chỉ cần bạn thấy bản thân thích thú với ngành đó thì sau khi lên đại học bạn vẫn còn rất nhiều cơ hội để bù đắp những lỗ hổng còn thiếu và tận dụng những điểm mạnh của bản thân để tiến xa hơn trong học tập.

Bài học cuối cùng mình rút ra được là: Các bạn học sinh nên tìm cho mình một định hướng từ sớm ít nhất là trước năm học lớp 12 để mở rộng con đường chọn lựa. Dành thời gian tìm hiểu sở thích cũng như năng lực của mình tốt ở điểm nào trước đã, rồi chọn khối thi và ngành học, cuối cùng là chọn trường và cố gắng thật nhiều để đạt được mong ước. Đừng buông thả để nước đến chân mới nhảy thì tỉ lệ chọn sai sẽ rất cao dẫn đến nhiều quyết định sai lầm sau khi lên đại học. Chúc các bạn thành công.