"Đam Mê Bảo Chứng Thành Công", Liệu Có Đúng!?
Liệu rằng, đam mê có cần thiết để thành công? Hoặc nếu bạn đã có đam mê, bạn cần làm gì với thứ vô hình nhưng cháy bỏng đó để hiện thức hóa những giấc mơ của riêng mình?
“Theo đuổi đam mê và thành công sẽ theo đuổi bạn” là câu nói viral tạo nên làn sóng kiếm tìm “đam mê” như liều thuốc thần giải quyết cho mọi bế tắc sự nghiệp và giúp người sở hữu đam mê có bàn tay của vua Midas, chạm đâu cũng hóa vàng. Đam mê là mà xu hướng, là kim chỉ nam, là điều kiện tiên quyết để một người chạm đến đỉnh cao danh vọng.
Cơ mà, có thực sự “đam mê” sẽ “chuyển phát hỏa tốc” thành công đến tận đầu giường cho bạn? Quan sát chút nào, đúng thật là có nhiều người thành công, doanh nhân nổi tiếng đã nói về đam mê. Như Steve Jobs là hiện thân của sự đam mê bất tận để giúp Apple trở thành biểu tượng trên toàn thế giới, đã để lại câu nói “Bạn phải tìm ra thứ bạn yêu, đừng an phận”. Hay câu chuyện ca sĩ Hà Anh Tuấn cũng là một hình ảnh thành công với đam mê khi dũng cảm rẽ hướng khỏi con đường kỹ sư dầu khí để theo đuổi đam mê ca hát, để rồi chạm đến đỉnh cao danh vọng và khẳng định chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Và trong một bài phỏng vấn, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng từng nhắc đến đam mê là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công.
Hấp dẫn và đầy mê hoặc như vậy? Nhưng thực tế thì không ít người lạc lối cũng bởi chính “đam mê” của mình. Bởi vì chúng ta lao vào những cuộc tìm kiếm bất tận để “đi tìm” đam mê như một “viên kẹo ngọt” ở nơi nào đó. Và chẳng may, đôi khi chúng ta lại dùng quy chuẩn xã hội, ý kiến số đông, mong đợi của mọi người để xác định đam mê của mình.
Ngành này “hot”, ra trường lương cao? Vậy chắc đây là đam mê của mình rồi.
Bạn bè, bố mẹ đều ngưỡng mộ những ai làm công việc này. À há, có khi đây là đam mê mà mình đã tìm kiếm bấy lâu.
Nhìn cậu bạn làm công việc thiết kế oách quá nhỉ? Giờ giấc thoải mái, đi du lịch hoài rồi còn checkin mấy quán cafe đẹp đẹp nữa chứ. Rồi, kiếm ra rồi, đam mê của mình đây chứ đâu.
Nhưng đến khi vào làm và cảm nhận đời không như mơ, chẳng ngọt như kẹo thì đam mê lại trở thành lý do hoàn hảo để biện minh cho những công việc ngắn hạn và quyết định nhảy việc chưa thấu đáo. Không hoàn thành KPI? Do chẳng đam mê với công việc.
Bị đánh giá thấp nhất trong Team? Ừ thì chắc vì mình thiếu đam mê với công việc này.
Cuộc đời bế tắc và chông chênh? Chẳng sao, thầy trò Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn mới đến Tây Thiên thì mình tốn dăm ba năm đi tìm đam mê có há gì.
Để rồi, đam mê đâu không thấy mà chỉ còn một “cử nhân” không còn mới, chẳng biết mình giỏi gì, dở chi, rồi khác biệt như nào.
Sau khi đã quá chán ngán với hàng chục lần thử, hoặc là chúng ta chẳng còn tin vào hai chữ đam mê mà cứ lầm lũi bước theo guồng quay xã hội. Chúng ta điên cuồng chạy theo hình mẫu thành công của xã hội để đổi lại những lúc trống rỗng từ tận sâu bên trong, có tiền mà chẳng thấy niềm vui sống, có tất cả nhưng lại chẳng có gì. Nhưng nguy hại hơn khi đam mê được nhìn nhận như một liều doping một liều “ma túy tinh thần” được nhiều người tìm đến để trải nghiệm cảm giác vui vẻ nhất thời, ngắn hạn và thiếu vững bền. Khi đó, chúng ta thản nhiên bước vào con đường lầm lạc để đam mê các loại hình nguy hại cho xã hội, thiên nhiên như cờ bạc, rượu chè, buôn lậu,... chỉ để có tiền, để cảm thấy mình có giá trị hơn người khác, để cảm thấy cuộc đời mình không hề bế tắc. Nhưng thực ra, thay vì quả ngọt, ta đang gieo đắng cay cho chính mình và cuộc đời.
Thậm chí, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học Tâm lý (Psychological Science), lời khuyên "hãy theo đuổi đam mê" có thể sẽ khiến người ta... kém thành công hơn. Bởi vì, câu nói này vẽ ra con đường thành công dễ dàng một cách phi thực tế và thu hẹp sự tập trung của con người một cách quá mức. Với sự giúp đỡ của Paul O’Keefe - người từng là nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, hai nhà tâm lý học của Đại học Stanford là Carol Dweck và Gregory Walton đã tiến hành một loạt các thí nghiệm để tìm xem hệ thống niềm tin nào sẽ dẫn con người tới thành công hay thất bại. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Những lời khuyên đại loại như "hãy theo đuổi đam mê của bạn" khiến người ta nghĩ rằng việc theo đuổi một đam mê nào đó là chuyện dễ dàng. Và, những người tin vào lời khuyên này thường dễ bỏ cuộc khi phải đối mặt với khó khăn hay thử thách.
Vậy chúng ta có nên theo đuổi Đam Mê không nhỉ? Mình nghĩ để trả lời thì nên hỏi rõ hơn, Đam Mê là gì và vì sao phải theo đuổi Đam Mê? Qua quá trình va vấp và trải nghiệm, mình nhận thấy đam mê như một trong những "mảnh khuyết" của linh hồn, là hạt mầm tài năng thiên bẩm ẩn sâu trong mảnh đất tâm hồn mỗi người chờ được sinh sôi, nảy nở. Dẫu vô hình và không dễ chạm đến, những mầm xanh vẫn âm thầm chờ đợi những giọt nước tưới tắm để "chúng ta" không còn trống rỗng bởi "phần hồn" bị khuyết, để hạt mầm vươn mình theo năm tháng và lan tỏa bóng mát cho đời. Điều thú vị nữa là khi một hạt mầm đã vươn lên thì hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn mầm sống đang ủ mình cạnh đó cũng được “truyền niềm tin” để vươn lên từng xíu từng xíu, để cái cây không còn lẻ bóng mà sẽ là một khu rừng già kết chặt lại, đứng thật hiên ngang, cao lớn và vững vàng.
Để thực sự tạo ra giá trị, đam mê phải được dựa trên nền tảng hiểu mình, kiên trì theo đuổi và mang lại giá trị cho đời, cho người. Khi theo đuổi đam mê “fake” hoặc bị dẫn dắt bởi những tiêu chuẩn xã hội, chúng ta theo đuổi những “hạt mầm” không phải của mình bất chấp có lắp vừa chỗ khuyết hay không. Như câu chuyện bạn đam mê vẽ mà đi học ngành ngân hàng để chiều lòng ba mẹ, để đổi tuổi trẻ lấy những tháng ngày trống rỗng và bế tắc. Và đã chạm vào “mầm non” đam mê rồi mà bạn cứ buông xuôi, né việc khó, ngại nặng nhọc mà nằm sõng soài chờ quả rụng thì chẳng khác nào “chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng”, ước có hoàng tử để mắt như Lọ Lem dẫu chẳng một lần đi trẩy hội. Đến khi, bạn hái được quả ngọt thì niềm đam mê phải được trao đi để nhận lại giá trị tích cực cho riêng mình, bởi lẽ quả ngọt của bạn sẽ mãi là hoa nếu không có hạt phấn từ một cây khác mang đến bởi gió, côn trùng hay con người tác động. Và một cái cây không thể đứng vững trước những trận cuồng phong bão tố mà cần cả một khu rừng đan chặt rễ tạo nên thế đứng kiên cường. Khi đam mê được xây dựng trên sự thiếu hiểu biết, sự mong cầu có được nhiều hơn và chỉ muốn nhận cho riêng mình, đam mê trở thành lồng giam thay vì đôi cánh giúp cuộc đời tung bay.
Vậy cần gì để theo đuổi đam mê đúng cách? Trước hết là phải hiểu và chấp nhận chính mình. Bởi lẽ, mỗi chúng ta là một linh hồn với những đặc tính khác biệt ngay từ lúc sinh ra. Cần hiểu “hạt mầm” để gieo đúng “thổ nhưỡng”, hiểu “vũ khí” để chọn đúng “cuộc chơi. Ví dụ, bạn sinh ra với giọng hát không hay thì đam mê ca hát chỉ nên bung xõa trong phòng tắm hoặc các buổi karaoke thay vì nuôi ước mộng đứng trên sân khấu mà chôn vùi sở trường sắp xếp, tổ chức công việc cực kỳ logic. Khi đã biết mình là hạt “sầu riêng” thì nên chọn vùng đất miền Nam để ôm mộng vươn cao thay vì đâm đầu lên vùng núi Bắc Bộ để mãi là hạt mầm.
Có rất nhiều cách để bạn hiểu được bản thân như là dùng các bài kiểm tra tính cách như DISC, MBTI, Thần Số Học,... để tham khảo về những năng lực của riêng mình. Khi đã có một”profile” cơ bản về bản thân, chúng ta cần rèn luyện khả năng quan sát, phân tích rồi đúc kết những bài học cho riêng mình qua nhiều tình huống, nhiều môi trường để không ngừng nâng cấp bản thân.
Và trên hành trình bươn chải, một kỹ năng khác cần phải tập luyện là làm chủ tâm trí, lắng nghe cảm xúc của chính mình. Khi vội vàng chạy theo những trách nhiệm và đắm mình vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, chúng ta quên mất mình là ai mà để bản thân trôi dạt vô định giữa vô số luồng ý kiến bên ngoài mà không có sự chọn lọc. Chính trong những lúc hoang mang đó, sự quan sát tâm, lắng nghe chính mình như chiếc la bàn giúp chúng ta vững tay chèo và kiên định tiến bước trước những sóng gió cuộc đời.
Sau khi đã hiểu mình, biết rõ loại hạt giống có sẵn. Kế đến là gieo trồng, tưới nước cho hạt giống đến ngày đơm hoa, kết trái. Quá trình này đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực, tỉ mẩn trong thời gian dài để thu được quả ngọt. Có thể bạn có khả năng viết lách, viết post nào cũng được bạn bè, đồng nghiệp, người thân vào tung hô, thán phục nên bạn thử sức theo đuổi công việc copywriter. Nhưng ôi thôi, vào làm thì hàng tá quy trình, trăm nghìn tiêu chuẩn, bạt ngàn yêu cầu,... dẫn đến bản thân ngợp ngụa và không ham mê như khi viết bài đăng Facebook. Khi đó lại nghĩ chắc mình chưa đủ đam mê. Đa phần chúng ta sẽ trải tiến trình này khi nghĩ rằng đam mê là phải vui, phải sướng, phải không mệt mỏi. Nên thích rồi thử, thử dăm bữa mười ngày mà khó khăn thì bỏ. Dần dà, kho hạt giống vơi dần mà chẳng có cây nào ra trái để hưởng quả.
Nhưng quá trình trồng cây để có quả ngọt nào phải toàn niềm vui hay an nhàn? Như người nông dân đầu tắt mặt tối, thức khuya dậy sớm, lo lắng ngày đêm,... suốt cả năm trời mới hưởng được niềm vui vào ngày hái quả. Hành trình “gieo trồng” đam mê cũng vậy. Khi đã thích thì phải cam kết theo đuổi đến tận cùng, tiến từng bước nhỏ, kiên gan bền chí ít nhất là 2 - 3 năm mới mong tới ngày gặt hái thành quả.
Sau quá trình theo đuổi, có thể bạn nhận ra điều mình từng thích, từng đam mê không còn là điều muốn theo đuổi lâu dài nhưng không có nghĩa quãng thời nỗ lực “chăm bón” là uổng phí. Ví dụ bạn từng rất thích chụp ảnh và dành ra mấy năm trời để học hỏi, đầu tư, trau dồi,... và cũng kiếm được tiền từ công việc đó. Đến một lúc bạn nhận ra chỉ muốn giữ chụp ảnh là một sở thích và muốn theo đuổi sự nghiệp kỹ sư phần mềm. Dù vậy, hành trình 3 - 4 năm theo đuổi, mày mò, nỗ lực học hỏi không hề uổng phí khi vun bồn nghị lực, có được tư duy hình ảnh, kỹ năng sắp xếp bố cục,.. cũng như giúp bạn hiểu bản thân mình hơn để tiến xa trên hành trình sự nghiệp.
Và cuối cùng, bạn phải biến đam mê thành sản phẩm có giá trị với xã hội thì mới tạm gọi là thành công. Vì rằng, đam mê đọc sách là điều bạn thích nhưng bạn chỉ đọc rồi để đó, không mang lại giá trị gì cho xã hội thì chỉ dừng lại ở sở thích. Nói ví von thì hạt mầm sầu riêng của bạn đã sai quả thì bạn cũng không thể ăn mãi sầu riêng để sống, phải không nào? Thay vào đó, từ đam mê đọc sách (điều bạn thích), bạn viết những bài nhận xét, đúc kết ngắn gọn và lan tỏa trên mạng xã hội để mang lại giá trị cho mọi người (thứ thế giới cần). Dần dà, bạn đọc tốt hơn, nắm bắt được nhiều bài học sâu sắc hơn, viết tốt hơn hoặc làm video (thứ bạn giỏi) để mang lại nhiều giá trị tích cực cho người đọc. Sau cùng, bạn có thể nhận được nhuận bút từ những bài viết, tiền quảng cáo từ video hoặc có công việc phù hợp với sở thích của mình (điều được trả tiền).
Nếu được nói với bất kỳ ai, mình vẫn sẽ nói rằng “hãy cứ theo đuổi đam mê của bạn”. Bởi lẽ, đam mê là một thành phần không thể thiếu giúp chúng ta chạm đến hạnh phúc của riêng mình. Nhưng cũng chính vì phần thưởng hấp dẫn đến vậy, đam mê bị phủ lên bởi những hình ảnh hào nhoáng, giá trị tức thời. Để rồi chính việc chạy theo đam mê thiếu hiểu biết, không kiên trì và chỉ trục lợi bản thân đã khiến cuộc đời không ít người trở nên bất hạnh, xã hội bị ảnh hưởng và thiên nhiên bị tàn phá.
Mình cầu mong, những chia sẻ của mình giúp bạn dũng cảm lắng nghe để “hiểu và chấp nhận chính mình”, nhìn rõ “phần hồn còn thiếu”, chạm đến kho hạt mầm bên trong tâm hồn và tìm ra điều bản thân muốn làm. Khi đã lựa chọn, hãy tập trung và “kiên tâm gieo trồng”. Quả ngọt không đến từ một hai ngày chăm chỉ mà tính bằng nhiều năm nỗ lực, theo đuổi, trau dồi để giúp hạt mầm vươn cao, đón ánh nắng, cắm rễ vững chãi rồi cho quả ngọt. Và khi đã hiểu mình hơn, đã có một vườn cây xum xuê của riêng mình thì dùng quả ngọt “lợi thế cạnh tranh” đó để “mang lại giá trị cho mọi người” rồi nhận lại “lợi lạc” cho mình. Khi ấy, bạn không nhất thiết chứng minh thành công với bất kỳ ai mà sẽ cảm thấy hạnh phúc và vẹn đầy, từ bên trong.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất