Điểm: 8.5/10
Đạo diễn: Jean-Marc Vallée
Sau những cái tên như Good Will Hunting, A Beautiful Mind, Pursuit of Happyness, khán giả quốc tế lại tiếp tục thấy một bộ phim “based on a true story” nữa của điện ảnh Holywood ra đời. Bộ phim có tên Dallas Buyer Club.
Thành công của bộ phim đến từ nhiều phía, mà một dàn diễn viên hạng A cũng là một lời bảo chứng cho chất lượng. Không phải phim dễ xem với số đông nhưng cũng không phức tạp đến mức kén khán giả. Câu chuyện phim kể đơn giản nhưng làm tốt được mục đích khơi lên đồng cảm của người xem. Hãy cùng mình điểm qua những lát cắt chính để hiểu bộ phim này hơn nhé.

Câu chuyện.

( SPOILER ALERT!!)
Khởi đầu với Woodroof, một tay du thủ du thực, phóng đãng với đầy những thói chơi bời: ma túy, chơi gái, cá độ,… Hắn mang bộ dạng gầy gò, khoác bộ đồ cao bồi, điệu cười nhạt và khói thuốc phì phèo suốt ngày. Đột ngột gã đi khám sức khỏe và nhận được chẩn đoán về HIV/AIDS, bệnh viện đảm bảo cho hắn 1 tháng (30 ngày) sống sót còn lại. Ban đầu hắn coi thường và vẫn tiếp tục sống như không ngày mai, nhưng rồi hoang mang dần và phải tìm cách để tự cứu mình.
Nhờ một tay hộ lý tuồn thuốc cho suốt 1 tháng, bệnh tình của hắn không thuyên giảm. Woodroof rốt cuộc chọn cách tìm trợ giúp ở một vị bác sĩ bên Mexico. Sau liệu trình khả quan, hắn đem một lượng lớn thuốc về Mỹ và bắt đầu tổ chức bán thuốc lậu dưới vỏ bọc là “Dallas Buyer Club”- câu lạc bộ cai nghiện “miễn phí mua thuốc nhưng phí thành viên là 400 đô/ tháng” :))
Tính linh hoạt và kinh doanh khéo đã khiến nhiều người biết tới hắn, hắn hút hết lượng bệnh nhân của bệnh viện, trở thành đối tượng trực tiếp bị FDA( Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chú ý tới. Hắn liên tiếp lên án phương pháp điều trị HIV bằng thuốc AZT của bệnh viện là sai lầm.
Chuyện kể lại đời thật của nhân vật Woodroof cùng sự chuyển hóa của ông, từ tâm tính, đến nhận thức. Ông là một người bình thường, và ông cũng đáng có những điều tối thiểu như tình yêu, hạnh phúc của mình.

Từ ghét đến đồng cảm.

Ai mà thích được Woodroof ngay từ đầu mới tài. Hắn hội tụ đủ thứ tệ hại, cũng chẳng có tham vọng hay ước mơ gì. Điều hắn cần là những cuộc cược nhỏ, những liều thuốc phiện và những đêm thác loạn cùng gái điếm.
Nhưng người xem trải qua 10 phút đầu tiên của phim thì dần có những đồng cảm nhất định dành cho Woodroof. Vì những lý do sau:

Góc nhìn của nhân vật chính.

Woodroof có tệ đến mấy thì hắn cũng là nhân vật chính, “chiếm sóng” nhiều nhất và giữ vị trí định hình khung câu chuyện. Thời gian người xem được ở lại lâu với nhân vật nào, chúng ta có phần thiên vị nhân vật ấy hơn, và tha thứ dễ hơn cho những điều anh ta làm. Joker (2019) cũng được kể với phương pháp tương tự như vậy.
Hơn nữa, có nhiều thời gian “ở” cùng nhân vật có nghĩa ta được nhìn thấy cả những phần nội tâm của anh ta, những hành vi “tranh cãi” của anh ta, để ta biết ai cũng là người tốt, chỉ là hoàn cảnh khiến bản tính trở nên sa đọa.

Câu chuyện có thật.

Khán giả bị thuyết phục khi biết đây là phim “based on a true story”, từ đó có niềm tin với nhân vật và hành trình mà nhà làm phim hướng chúng ta đến. Chúng ta cảm nhận được nhiều hơn nỗi dày vò tâm lý của nhân vật khi đối chiếu hình thái đấy với một nguyên mẫu ngoài đời của anh ta. Bạn có thấy nhẹ lòng hơn không khi biết nhân vật có thật đó còn sống? Ta đồng bộ cuộc đời của người thật với điện ảnh, khi kết thúc của bộ phim chưa phải là thỏa mãn của điều chúng ta mong cầu, ta sẽ lấy đời thật ra để giải thích.

Sự chuyển mình trong mục đích của nhân vật.

Thế nhưng để ta cảm thấy thương được cho một kẻ đáng ghét như Chí Phèo thì phải có những xúc cảm đời thường hơn nữa, cụ thể hơn nữa. Giống Chí, Woodroof cũng thay đổi dần mục đích vì tình yêu. Sự thay đổi này không đến dần dần, cũng không rõ ràng, mà ta chỉ hiểu được với nhau qua cách biểu hiện khác thường của nhân vật chính.
Dễ thấy hắn có tình cảm với cô tiến sĩ, nhưng hắn cũng thương cả Rayon- cô gái tội nghiệp sống với thân xác của nam giới. Hắn thay đổi 180 độ những phán xét từng có, vì hắn có thời gian gắn bó với những con người đó, cũng như người xem đã đau cùng hắn thế nào. Mối quan hệ của Woodroof và Rayon rất khó nói, mình thì cảm nhận tình cảm đó lớn hơn cả tình yêu: họ là tri kỷ.
Hành trình này đi từ việc kiếm chác cho bản thân ( vì tiền), rồi vì những người khác ( vì cộng đồng). Mặc dù về mặt pháp lý, thuốc mà Woodroof dùng sau cùng cũng không được chuẩn y. Nhưng anh ta tìm được bình yên trong tâm hồn, được mọi người đón nhận, đó cũng là một thành công.

Sự sống và cái chết-công bằng cho tất cả.

Bộ phim nhắc đến một vấn đề hiện sinh về sự tương khắc của cái chết- sự sống. 30 ngày mong manh hết dần của nhân vật Woodroof tạo cho chính người xem cảm giác kiệt quệ, bất lực. Như thế ta không ghét nhân vật được nữa vì anh ta cũng đang đau, và chính sự vô vọng đó hướng con người về với yêu thương. Sự sống như mây gió, cái chết thật vô thường. Từ giây phút nhìn Woodroof bật khóc trong cabin, hẳn đa phần chúng ta cũng chẳng còn ghét hắn nữa. Đằng sau cái lốt bất cần đó, cũng là một con người mong cầu được sống. Một con người còn muốn sống, thì dù bất kỳ lý do nào, con người ấy cũng đáng nhận được đồng cảm.

Tình yêu ở đâu giữa thế giới này?

Xã hội HIV hoành hành như tại Dallas vào những năm đó, ít có cơ sở để người ta tin vào tình yêu. Nhưng minh chứng là nó vẫn tồn tại, ở những hành động nhỏ của mỗi người quan tâm nhau.
Rayon là một kẻ nghiện hút, bị AIDS và đồng tính- tập hợp của những gì bị xua đuổi nhất trong cộng đồng. Theo lẽ thường hình ảnh này là phản diện, là mục tiêu đầu tiên của việc bị ghét bỏ. Tuy nhiên, ngược lại ta nhìn thấy sự đồng cảm, thương yêu đối với nhân vật này. Tại vì sao?
Cô khao khát được là chính mình- một người nữ với mong ước được “đẹp” như mọi cô gái khác. Từ đầu, chỉ là Woodroof và những kẻ nghiện khác coi thường, xua đuổi dân đồng tính. Trong khi Rayon luôn đón nhận, chia sẻ, chăm sóc cho Woodroof. Với Rayon, Woodroof dường như chính là nỗi đau lớn mà cô muốn xoa dịu. Bên ngoài Woodroof, ta cũng thấy cách mà Rayon quan tâm đến những người khác: cô bác sĩ, cô phục vụ bàn,… “Em cầm đi, em xứng đáng với số tiền đó”, là những lời mà Rayon dành cho cô bồi bàn ở quán pub nọ. Cuộc đời cô héo mòn, nên cô cảm thương cho số phận bươn chải xung quanh mình. Chỉ vì cô mang thân xác nam giới, đâu có nghĩa cô không được quyền yêu theo cách riêng.
Hình ảnh Rayon ngồi trước bàn trang điểm, ướm thử bộ váy làm mình vô cùng xúc động. Suốt bộ phim, mình quên mất về sự thủ vai của Jared Leto, mà chỉ cảm thấy ở đó là một cô gái tội nghiệp đang loay hoay tìm con đường cho mình. Có nhiều bộ phim với cảnh nhân vật đối thoại trực diện với nội tâm qua tấm gương: Joker trong Joker(2019), Tonya trong I,Tonya (2017),…
Khoảnh khắc Rayon ngồi ướm váy ngắn vỏn vẹn vài giây, nhưng khuôn mặt và cái bụm miệng nén tiếng khóc còn ghi dấu. Với mình, cái bụm miệng đó nói riêng là sự tranh đấu của giới tính, của định kiến, của hạnh phúc nhỏ bé ngắn ngủi mà cô gái tự tạo ra cho mình.
Nếu Woodroof là nhân vật khiến ta chuyển biến từ ghét thành thương cảm, thì Rayon khiến người xem thương từ đầu đến cuối ( hoặc ghét từ đầu đến cuối). Cô không thay đổi nhiều trong tiến trình, nhưng thừa nhận là Woodroof là nhân tố phản chiếu mạnh mẽ hơn khiến cô sống có mục đích hơn và vì thế ta thấy được nhiều hơn những điểm tốt ở cô. Cả Rayon và Woodroof đều là những người tốt.

KẾT.

Xem Dallas Buyers Club không chỉ để nghe lại một câu chuyện có thật, mà để thưởng thức sự kết nối của điện ảnh, sự hòa hợp của những cá tính dường như đối kháng. Trên đời này, ai cũng có quyền được yêu, được hy vọng và trân trọng. Thay lời Rayon, Woodroof và những người khác, mình hy vọng mang tới một thông điệp tích cực đến cho mọi người. Chúng ta may mắn biết bao vì đang sống ở một thời đại bình đẳng, y học phát triển. Hãy dành một lời cảm ơn cho cuộc đời, và chính bản thân bạn vì đang sống, và đang tích cực cố gắng cho tương lai.