Tình trạng lạm phát điểm số, lạm phát học thuật đã được nói đến trong quyển sách "Trường học sáng tạo" của Ken Robinson.
Kết quả điểm thi năm nay thật hỗn loạn. Nó rắc rối không chỉ vì tình trạng dịch bệnh, mà còn vì kết quả điểm thi không phản ánh và xếp loại đúng năng lực thật sự của các thí sinh.
Khi cạnh tranh và thi cử, người ta luôn cố gắng loại bỏ càng nhiều tính ngẫu nhiên càng tốt, nhưng không phải trong tình trạng như năm nay. Tính ngẫu nhiên đã xảy ra khi chỉ với 0.25 điểm, một câu trắc nghiệm cũng có thể khiến những người giỏi thật sự mất đi cơ hội vào tay những người khác. "Vì ai cũng mười điểm hết mà?" Lạm phát xảy ra, khi các trường đại học lựa chọn thí sinh có điểm top đầu. 27 điểm (trung bình 9 điểm mỗi môn) mà vẫn lo không trúng tuyển đại học là một vấn đề lớn. Khoảng cách giữa những người giỏi thật sự và những người còn lại xem chừng bị xóa nhòa.
Và cả điểm vùng, trong trạng thái hơn nhau một câu trắc nghiệm cũng có thể khiến người ta bị đánh giá không đúng, thì việc được cộng một, hai điểm vùng thật sự là việc thiếu cân bằng.
Môn toán thay vì được giảng dạy để học sinh tự tư duy tự luận và hiểu được vẻ đẹp của toán học, thì giờ đây lại được giảng dạy theo kiểu "Áp công thức", nhớ cách bấm máy tính cầm tay với hàng loạt công cụ hỗ trợ. Học sinh không còn cảm nhận được vẻ đẹp của Toán học, mà chỉ chăm chăm nhớ công thức sao cho càng nhanh càng tốt. Với đề toán tự luận, không biết làm tức là không biết làm, trong khi đề toán trắc nghiệm, không biết làm tức là có 25% cơ hội chọn được đáp án đúng, quá may rủi.
Nhưng những chuyện này có hại gì? Nó làm phát sinh tình trạng những người có khả năng học thuật - không có khả năng học thuật xếp cùng một rổ, và người ta lựa chọn dựa vào điểm số cao - thấp, là thứ mà cuộc thi năm nay không đánh giá được năng lực thật sự của thí sinh.
Với những người không có khả năng về học thuật, thì thật tồi tệ khi sống trong một xã hội mà người ta xem trọng những môn khoa học tự nhiên hơn nhiều, nó liên quan rất lớn đến "Tính tôn vinh" đã đề cập trong những bài trước.
"Chuột chạy cùng sào mới vào Sư Phạm". Khi ai cũng chăm chăm học Ngoại thương, Kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin,.. Thì lấy ai làm Nông dân? Việt Nam là được rất mạnh về nông nghiệp và ngư nghiệp, có thể nói là "Thiên thời, địa lợi". Nhưng nhìn xem, trong khi Thái Lan ngày càng bỏ xa Việt Nam trong mảng nông nghiệp, ta lại đi bỏ mất sở trường của mình là lại theo đuổi cái sở đoản: điện thoại, ô tô. Hiện tại, Thái Lan đang nắm giữ công ty Bia Sài Gòn, và công ty cổ phần C.P, một trong những công ty chuyên về chăn nuôi lớn nhất Việt Nam, đầu tư ngay tại Việt Nam, trong khi ta vẫn chưa có được những công ty nào tương tự. Nông nghiệp, hiện tại vẫn do cha, ông của ta ở nông thôn gồng gánh, trong khi giới trẻ không còn mặn mà với đồng lúa quê hương. Có nên lo lắng về một thế hệ không muốn đi "Bán muối", theo đúng nghĩa đen?
Và hậu quả của giáo dục, nó không đến trong hiện tại. Nó đến trong tương lai, khi những anh bác sĩ lẽ ra sẽ hạnh phúc hơn khi làm nông dân, và những chị ngân hàng sẽ hạnh phúc hơn khi làm họa sĩ.
Khi đó, sẽ muộn mất, và ta có một loạt những mảnh đời đau khổ vì xuất hiện một nhóm những cá nhân không hạnh phúc khi lao động - một khía cạnh cực kỳ quan trọng trong việc "Sống".