Dạo này trên một diễn đàn triết học mình tham gia, cứ hiện lên những câu hỏi liên quan đến việc.
Có nên hay học đại hay không? 
Có nên bỏ đại học để theo đuổi đam mê? 
Có nên học đại học không, trong khi ra trường vẫn thất nghiệp, làm trái ngành? 
Thật ra, những câu hỏi này luôn không có một câu trả lời chính xác, vì tương lai là thứ con người không thể ngờ tới. Mỗi người một đời, không ai giống ai, nên quyết định chính xác của người khác, chưa chắc nó sẽ chính xác với bạn.
Mình không thể trả lời cho bạn nên hay không, chọn A hay B. Nhưng với góc nhìn của người đã học đại học, và đã tốt nghiệp, đã hàng ngàn lần muốn bỏ học nhưng rồi lại thôi. Nói cho bạn biết, cuộc sống đại học như thế nào? và mình đã vật vã như thế nào khi tốt nghiệp đại học. 
img_0
Ảnh bởi
Matese Fields
trên
Unsplash

Hãy ngừng cái suy nghĩ học đại học để ra trường kiếm một công việc tốt

Trong từ “đại học” - không có từ nào nhắc đến công việc, hay kiếm tiền mà thứ nó nhắc đến đó chính là việc học. Dù những trường đại cho nói với bạn chắc chắn 99-100% sinh viên ra trường có việc làm. Nhưng họ không nói 99% sinh viên đó làm việc gì? lương bao nhiêu? có đúng ngành không? và cũng chả có một báo cáo thống kê cụ thể cho những con số trên. 
Hãy nhớ kiếm việc làm là chuyện lúc bạn rời khỏi trường đại học rồi, không phải là lúc bạn còn đi học nên nhà trường đã không còn trách nhiệm với bạn nữa. Nhà trường không phải công ty, nó cho bạn kiến thức chứ không cho bạn việc làm.
Học đại học chỉ đơn giản là học thêm nhiều kiến thức mới về một cái ngành nghề mà bạn chưa được học mà thôi. Còn chuyện mà bạn có làm ngành đó hay không, thì còn nhiều yếu tố đi kèm nữa. Nên nếu cứ nghĩ học xong đại học sẽ có công việc ổn định, thì chắc chắn ra trường bạn sẽ thất vọng rất nhiều. 
Có vài người, ra trường làm đúng ngành, có một công việc ổn định, phù hợp. Nhưng cũng có rất nhiều người, ra trường thất nghiệp, loay hoay tìm kiếm công việc một công việc phù hợp. Bạn sẽ không biết mình sẽ gặp những gì trong tương lai đâu. 
img_1
Ảnh bởi
Edwin Andrade
trên
Unsplash

Có nên học đại học hay không?

Trả lời: Học cũng được mà không học cũng chả sao. Quan trọng là bạn phải chịu tránh nhiệm với hành động của mình.
Rất nhiều người học đại học rồi có công việc ổn định, nhưng cũng rất nhiều người học đại học vẫn thất nghiệp, chật vật.
Rất nhiều người không học đại học những vẫn giàu có, nhưng cũng có rất nhiều người không học đại học hối hận, thất bại.
Hãy nhớ rằng, cuộc đời mỗi con người là một hành trình học tập, bạn học đại học cũng là học, nhưng bạn không học đại học cũng là một kiểu học khác. Đơn giản như việc ăn cơm, bạn cũng cần phải học cách cầm đũa, học cách nấu cơm, học để biết cơm là một loại thực phẩm có thể ăn,... Mỗi phút giây chúng ta sống, chúng ta đều học nhưng chúng ta không biết mình đang học mà thôi. 
Riêng bản thân mình. Từ lúc chưa bước chân vào đại học cho đến khi mình rời khỏi đại học thì lúc nào mình cũng có ý định bỏ học cả. Mình luôn không biết bản thân muốn gì, thích gì, vì thấy mọi thứ đều vô nghĩa nên dường như mình rất hời hợt với cuộc sống, kiểu sao cũng được. Việc này có lợi đồng thời cũng rất có hại. Mình thoải mái, nhưng lại không kiên định, và không thể đưa ra quyết định.
Nhưng mình vẫn vào đại học đúng tuổi, tốt nghiệp đúng hạn. Như một sinh viên bình thường, không trễ, không rớt, nhưng cũng không cố gắng. Mình học bình thường, có tấm bằng bình thường, và là một người bình thường.
Mình không chọn bỏ học vì những ý tưởng về một tương lai sau khi bỏ học quá mơ hồ, và mình biết bản thân không đủ nỗ lực, kiên trì, kỷ luật để theo đuổi những thứ ( lệch khỏi số đông). Học đại học, mình có cái mác sinh viên, được bố mẹ chu cấp về tài chính, có lịch học và thời khoá biểu để còn biết hôm nay mình làm gì. Nhưng khi bỏ học, thì lúc đó mình sẽ càng hoài nghi về nhân sinh quan, vì mọi thứ phải tự xây dựng lại, phải tự giác rất nhiều, phải nỗ lực rất nhiều.
Nếu có điều kiện, hãy học đại học. Học hay không, không phải vấn đề, mà vấn đề ở đây là bạn đối diện với những thử thách của mình ra sao. Mình đã rời trường đại học rồi, nên mình biết ra đời mệt lắm, không giống như lúc được bố mẹ chăm sóc, chu cấp tài chính, không giống với lúc đi học, làm biếng thì nghỉ, học dốt thì học lại, bạn bè khó chịu thì khỏi chơi, thầy cô khác với sếp lắm. Nhưng ra đời là một chuyện khác, có mệt cũng phải đi làm, vì không đi làm lấy gì ăn, hàng trăm thứ phải lo, phải chi, chán công ty cũng không dám nghỉ, bị sếp chửi cũng phải im lặng mà sống,...
Nên hãy đi học đi, vì khi là sinh viên, bạn sẽ là vừa là người đi học, vừa tiếp xúc được những công việc thực tế, bạn sẽ hiểu đi làm nó cực như thế nào, người lớn áp lực ra sao. Nhưng lại không quá cực như người lao động thực thụ. 
Đi học cũng sẽ có thêm nhiều kiến thức, tham gia nhiều hoạt động mới, trải nghiệm nhiều thứ mình chưa biết. Bốn năm đại học, hãy chuẩn bị hành trang vững chắc để, đối diện với thị trường lao động nhen.
Nếu bạn không có đủ điều kiện, hay đã có những đam mê, có con đường mình theo đuổi, hay vì một lý do nào đó mà chọn không học đại học. Thì cũng hãy cố gắng lên, vì con đường của bạn sẽ rất khó khăn. Bạn phải tự giác rất nhiều, phải tự vạch ra hướng đi cho mình. Bạn phải đối mặt rất nhiều thứ, tài chính, công việc, xã hội,...Nhưng hãy kiên trì với những gì mình chọn. Còn khi đã đi đến cuối đường mà ở đó chỉ là ngõ cụt, thì đừng buồn mà hãy rẽ hướng khác tiếp tục đi. 
Nhưng thường những người đã quyết định được rồi thì họ sẽ không hỏi câu “nên hay không”. 
img_2
Ảnh bởi
Muhammad Akhir
trên
Unsplash

Đam mê, một từ quá xa vời

Lúc mình chọn chuyên ngành, mình đọc rất nhiều sách, xem rất nhiều video truyền động lực, hỏi người đi trước. Họ bảo mình nên chọn học ngành mình thích, mình đam mê. Nhưng bản thân thân mình chả biết mình giỏi gì, chả biết mình thích gì, cũng chả biết mình đam mê gì. Lúc đó mình hoàn toàn không hiểu về bản thân, vậy làm sao để lựa chọn đúng nhất?
Lại câu trả lời đó, không có gì là đúng cả, chỉ là cảm nhận của bạn với kết quả đó ra sao mà thôi. Dù bạn có suy nghĩ nát óc, chọn ra một lựa chọn tốt nhất, thì không cần sau này, tại lúc đó bạn cũng thấy nuối tiết rồi. Hãy nhớ không có lựa chọn nào là hoàn hảo cả, mọi thứ đều có rủi ro đi kèm. 
Dù bạn có ở độ tuổi 20, 30, 40, 50, 60,... thì bạn luôn có những câu hỏi như Tôi là ai? Tôi thích cái gì? Cuộc sống này có ý nghĩa gì? Những việc tôi làm liệu có đúng? Sứ mệnh của tôi là gì? Tôi nên làm gì?,...... Cũng là bạn nhưng mỗi độ tuổi sẽ có một câu trả lời khác nhau, hoặc cũng chả câu trả lời nào cả. 
Bạn à, nếu không biết chọn cái nào thì khỏi chọn cũng được (không chọn cũng là một loại lựa chọn), hoặc bạn có thể chọn đại cũng được. Nhưng đã chọn rồi thì phải đối xử với nó một cách đàng hoàng nha. 
Thật ra từ đam mê rất mơ hồ. Đam mê là gì? Cái mình thích là gì? Liệu cái đam mê đó có phải thật sự là đam mê hay chỉ là sự yêu thích nhất thời? Cái đam mê đó có phải là đam mê thật sự hay không? Hay chỉ là trò chơi tâm trí? Đam mê đó có nuôi sống chúng ta không? Có được sự công nhận của xã hội không?... Chúng ta không biết, nên mới phải chọn thử, nếu đúng thì may quá, còn không đúng thì phải chọn lại, phải tìm kiếm. Nên đừng đặt nặng quá về hai từ đam mê, vì có người cả đời cũng chả biết mình đam mê cái gì. 
Vậy mình đã chọn chuyên ngành như thế nào? Mình đã chọn một ngành mà mình có thể học được (mình không ghét nó), đủ điểm để vào mà không quá áp lực. Vậy thôi. 
Nếu hỏi, việc chọn ngành đó có đúng hay không thì cũng đúng mà cũng không. Vì đã chọn một ngành mình có thể học được, nên nó không khó với mình, mình có thời gian để học cái mới, làm những thứ mình thấy thú vị lúc đó, và mình rất tận hưởng khoảng thời gian đại học của mình. Nhưng mình học nó mới thấy, nó không hợp, mình không thể làm việc trong ngành đó, nên tốt nghiệp rồi mình lại tiếp tục loay hoay tìm công việc phù hợp hơn. Là vậy đó, mình rất mệt, cũng rất stress sau tốt nghiệp. Nhưng mình không thấy việc mình chọn sai ngành là điều tệ vì đại học của mình, nghĩ lại nó cũng rất vui. 
Hy vọng mọi người có thể vui vẻ, mà bước tiếp trên hành trình của cuộc đời.