Trận Thổ Mộc Bảo là 1 trận đánh quyết định giữa quân đội Đế Quốc Đại Minh với bộ lạc Ngõa Lạt (1 bộ lạc nhỏ của Mông Cổ) vào năm 1449. Hậu quả là hơn 500 nghìn quân Minh cùng toàn bộ bá quan văn võ triều đình nhà Minh (khoảng 1 vạn người) bị 20 ngàn quân Mông Cổ bắt giết hoàn toàn. Hoàng Đế Minh Anh Tông bị bắt sống.
Vào 1 năm, hoàng cung tuyển chọn 1 loạt thái giám. Một tên lưu manh ở Úy Châu (nay là huyện Úy, Hà Bắc) tên là Vương Chấn, hồi trẻ có được học hành chút ít, đi thi mấy lần không đỗ, chỉ làm chức giáo quan ở huyện. Sau, hắn phạm tội, đáng ra phải sung quân, nhưng nghe nói trong cung tuyển thái giám, liền tình nguyện xin hoạn để vào cung. Trong cung, rất ít thái giám biết chữ, chỉ có Vương Chấn là tương đối biết chữ nghĩa nên được bọn thái giám gọi là Vương tiên sinh. Sau, Minh Tuyên Tông cử hắn giúp thái tử Chu Kỳ Chấn đọc sách. Chu Kỳ Chấn tuổi trẻ ham chơi, Vương Chấn liền bày ra đủ trò vui để chiều ông hoàng đế tương lai. Vì vậy, hắn được Chu Kỳ Trấn rất yêu mến. Minh Tuyên Tông chết, Chu Kỳ Trấn nối ngôi khi vừa tròn 9 tuổi. Đó là Minh Anh Tông. Vương Chấn liền được phong làm Tư lễ giám, giúp Minh Anh Tông phê duyệt mọi sớ tấu. Minh Anh Tông chỉ 1 mực say mê hoan lạc, không hỏi han gì tới quốc sự, Vương Chấn nhân cơ hội đó, nắm đại quyền về quân sự chính trị trong tay. Các quan trong triều ai làm hắn phật ý, thì nếu không bị cách chức, cũng bị sung quân. Nhiều vương công quí thích xúm vào nịnh nọt Vương Chấn, gọi hắn là "Ông phụ" (tức coi như cha, ông). Quyền lực của Vương Chấn lên tới tuyệt đỉnh trong triều.
Lúc bấy giờ, bộ lạc Ngõa Lạt (Oirat) của Mông Cổ ở phía bắc Trung Quốc rất lớn mạnh. Năm 1449, thủ lĩnh Ngõa Lạt là Dã Tiên dẫn sứ đoàn 3000 người tới Bắc Kinh, đem tiến cống 1 số ngựa và yêu cầu ban thưởng vàng bạc. Vương Chấn phát hiện thấy Dã Tiên báo gian số người, nên giảm bớt tiền thưởng. Dã Tiên cầu hôn con gái triều Minh cho con trai hắn, cũng bị Vương Chấn cự tuyệt. Điều này làm Dã Tiên nổi giận, liền dẫn 2 vạn quân Ngõa Lạt tiến công Đại Đồng.
Tướng Ngô Hạo nhà Minh ra chặn đánh Dã Tiên ở Miêu Nhi Trang bị đại bại và tử trận cùng 3 vạn quân sĩ. Tướng Minh giữ Đại Đồng là Tỉnh Nguyên đem quân ứng cứu cũng bị quân Ngõa Lạt đánh cho đại bại. Toàn bộ 4 vạn tướng sĩ tiếp viện đều tử trận hoàn toàn. Quan chức phòng thủ biên giới gửi công văn cáo cấp lên triều đình. Minh Anh Tông hoảng hốt triệu tập các đại thần lại bàn.
Đại Đồng ở cách Úy Châu, quê hương của Vương Chấn không xa. Ở đó có nhiều ruộng nương của Vương Chấn. Hắn sợ Úy Châu bị quân Ngõa Lạt xâm chiếm, nên tìm mọi cách xin Anh Tông dẫn quân thân chinh. Thượng thư bộ binh là Quảng Dã và Thị lang bộ binh Vu Khiêm đều cho rằng triều đình chưa chuẩn bị đầy đủ, không thể để hoàng đế ngự giá thân chinh được. Minh Anh Tông vốn không có chủ kiến, Vương Chấn nói gì cũng nghe theo. Vì vậy, mặc cho các đại thần khuyên ngăn, Anh Tông hấp tấp quyết định thân chinh.
Tuy nói Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn năm ấy đã 23 tuổi, nhưng nhà vua cũng chỉ như một Thiếu vương tử, làm việc gì của phải đợi dựa vào “Tiên sinh” Vương Chấn. Vương Chấn nói cần phải thân chinh, lại nói nguời Ngõa Lạt không dám tiến công, nhà vua tin ngay là thật, hạ lệnh cho các quan, trong ba ngày phải huy động đủ 50 vạn quân để theo Minh Anh Tông ngự giá thân chinh. Quan viên trong triều nghe Thánh chỉ, nguời nguời quỳ xuống ở Ngọ môn đều nói Ngự giá thân chinh không phải trò đùa, muốn tập hợp và chuẩn bị hậu cần cho 50 vạn quân ba tháng cũng không kịp, muốn Anh Tông thu lại mệnh lệnh. Nhưng nhà vua mãi mãi chỉ tin có Vương Chấn, không chú ý đến kiến nghị của các đại thần, vẫn giữ nguyên mệnh lệnh đã ban ra.
Dù đã làm mọi cách, nhưng vét sạch binh sĩ vùng Hà Bắc vẫn không sao kiếm đủ 50 vạn quân, binh lính từ các nơi khác muốn tập kết tại kinh thành ít cũng phải nửa năm mới đến. Các quan không muốn bị tội, buộc phải cưỡng bức thêm hàng chục vạn nông dân quanh vùng vào quân ngũ và trưng thu lừa, lợn, cướp bóc tài sản của dân chúng để làm chiến mã, lương thực.
Hạn 3 ngày hết, Minh Anh Tông để em là Thành vương Chu Kỳ Ngọc cùng Vu Khiêm ở lại giữ Bắc Kinh; còn mình cùng Vương Chấn, Quảng Dã và hơn 100 quan đại thần, 1 vạn bá quan văn võ lớn nhỏ, dẫn 50 vạn đại quân xuất phát từ Bắc Kinh, rầm rộ tiến lên Đại Đồng. Lần ra quân này không được chuẩn bị kỹ lưỡng, kỷ luật quân đội lỏng lẻo, trên đường lại gặp mưa to gió lớn, mới đi được mấy ngày, lương thực đã không được tiếp tế đủ. Binh sĩ, dân binh vừa đói vừa rét, nên vừa chạm trán với quân Ngõa Lạt, đã kêu khổ gầm trời. Tới gần Đại Đồng, quân lính thấy trên đồng ruộng phơi đầy thi thể quân Minh, thì càng mất tinh thần. Có đại thần thấy tinh thần quân lính xuống thấp, liền khuyên Anh Tông lui quân, bị Vương Chấn chửi mắng thậm tệ, lại phạt quì 1 ngày.
Lúc này ở ngoài mặt trận, Dã Tiên áp dụng chiến lược dụ địch vào sâu và đã phục kích quân tiên phong của nhà Minh, chỉ qua nửa ngày, hai cánh quân tiên phong đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Các tướng tiên phong là Tống Anh, Chu Miện, Chu Anh tử trận cùng nhiều quân sĩ, chỉ còn Thạch Hanh chạy trốn thoát thân.
Nghe tin bại trận, các cánh quân Minh vội vã lùi lại. Lúc này Dã Tiên sau trận thắng đã chủ động rút về phía bắc chờ đợi thời cơ. Vương Chấn muốn phát lệnh bắc tiến, thái giám thân tín là Quách Kính vội báo với Vương Chấn về tình hình bi đát ngoài mặt trận của quân Minh. Vương Chấn biết tin thật, bắt đầu lo lắng, bèn quyết định tuyên bố "chiến thắng" và vội vàng rút quân trở về.
Lẽ ra, đã lui quân thì cần càng nhanh càng tốt, nhưng Vương Chấn lại muốn vênh vang với quê hương Úy Châu, nên khuyên Anh Tông về Úy Châu đóng lại mấy ngày. Mấy chục vạn tướng sĩ rời Đại Đồng, đi 40 dặm tới Úy Châu. Lúc đó, Vương Chấn nghĩ lại, thấy để số quân đông như thế về Úy Châu, sẽ xéo nát hết hoa màu trên đồng ruộng của hắn, nên vội vàng hạ lệnh quay lại. Vì đi quanh co như thế nên đã kéo dài thời gian hành quân, bị quân truy kích của Ngõa Lạt đuổi kịp.
Anh Tông bèn hạ lệnh đóng quân dựng trại một chỗ, cử anh em Ngô Khắc Trung, Ngô Khắc Cần mang 5 vạn quân ra chặn hậu. Dã Tiên đánh tới, giết chết anh em họ Ngô cùng toàn bộ quân Minh.
Thành Quốc công Chu Dũng tiếp tục mang 4 vạn kỵ binh tinh nhuệ ra chặn hậu, nhưng lại bị Ngõa Lạt quét sạch trong có 1 trận đánh khiến tinh thần quân Minh sụt thê thảm.
Lúc đó, trời đã xế chiều, có người khuyên Anh Tông nên nhân lúc trời chưa tối, đi gấp tới thành Hoài Lai gần đó rồi hãy nghĩ, đề phòng khi quân Ngõa Lạt đánh tới, đã có thành quách cố thủ. Nhưng Vương Chấn thấy mấy ngàn cỗ xe chở tài sản của hắn chưa tới kịp, nên nhất định bắt toàn quân dừng lại ở Thổ Mộc Bảo. Thổ Mộc Bảo tuy gọi là "bảo" (có nghĩa là thành quách, pháo đài) nhưng thực ra không có thành quách gì. Đại quân Minh, cả người và ngựa đi suốt mấy ngày, khát cháy cổ nhưng không tìm ra nguồn nước. Cách Thổ Mộc Bảo 15 dặm có 1 con sông, đã bị quân Ngõa Lạt chiếm. Quân lính phải đào giếng lấy nước, nhưng đào sâu tới 2 trượng (6,6m) vẫn không thấy nước.
Dã Tiên là nguời rất am hiểu việc thần tốc trong dụng binh, sau khi tiêu diệt được quân của Chu Dũng hôm trước, ngay trong đêm lại nhanh chóng tiến tới gần thành Thổ Mộc. Buổi sớm hôm sau, Minh Anh Tông còn đang nghĩ tới việc thu trại để đi tiếp, kỵ binh của Dã Tiên đã xuất hiện khắp nơi, bao vây quân Minh ở thành Thổ Mộc.
Minh Anh Tông biết khó phá được vây, đành cử người sang gặp Dã Tiên xin hòa. Dã Tiên biết Minh còn nhiều quân, nếu chỉ dùng sức mạnh thì sẽ bị thiệt hại, liền giả vờ đồng ý nghị hòa, cho ngừng tiến công. Minh Anh Tông và Vương Chấn ngỡ là thực, rất vui mừng, liền ra lệnh cho quân lính ra vùng xung quanh tìm nước. Quân lính tranh nhau tìm tới các hào rãnh và ngòi lạnh, tất cả ồn ào hỗn loạn, các tướng không thể ngăn lại được. Lúc đó, quân Ngõa Lạt từ các nơi mai phục ở 4 phía ào ạt xông tới, vung trường thương đại đao thét lớn: "Kẻ nào đầu hàng sẽ không giết".
Quân Minh bị bất ngờ, cuống cuồng vứt bỏ khôi giáp, chạy thục mạng tan tác. Quân Ngõa Lạt đuổi theo dồn vào vách núi. Mấy chục vạn quân Minh chạy vào ngõ cụt, không có đường chạy trốn, quân Ngõa Lạt đứng 2 bên bờ vực lăn đá tảng, khúc gỗ, bắn tên xuống chân núi, nơi mấy chục vạn quân Minh đang đứng nhung nhúc chen chúc nhau, và bị tàn sát bằng mưa tên, thây nằm ngổn ngang. Thượng Thư bộ binh Quảng Dã cũng chết trong đám loạn quân. Dã Tiên xếp trọng binh hùng hậu chắn ngang cửa vực không cho quân Minh chạy ra ngoài, Minh Anh Tông và Vương Chấn được cấm quân hộ tống, mấy lần muốn phá vây, nhưng không ra được. Vương Chấn thường ngày tác uy tác phúc, lúc đó sợ hãi run như cầy sấy. Tướng lĩnh cấm quân là Hàn Trung xưa nay vốn đã căm giận tên hại nước hại dân đó, phẫn nộ xông tới nói:
- "Ta vì nhân dân trăm họ, phải giết tên gian tặc là mày!".
Nói xong, vung búa lớn trong tay nện thẳng vào đầu Vương Chấn, kết thúc tính mạng của hắn. Hàn Trung giết Vương Chấn xong, liền lao thẳng vào quân địch và ngay lập tức bị giết chết.
Minh Anh Tông thấy không còn hy vọng chạy thoát, liền xuống ngựa, ngồi dưới đất chờ chết. Các đại thần, văn võ bá quan theo phò tá đều bị quân Ngõa Lạt tàn sát bằng hết (trong số đó có Trương Phụ, viên tướng tàn bạo đã từng cầm quân xâm chiếm Việt Nam thời Hồ). Trong hẻm núi xác chết quân Minh chất cao như núi, chỉ còn 1 nhóm nhỏ tàn binh được tha chết để về báo tin thảm bại cho Bắc Kinh.
Dã Tiên giành toàn thắng, nhắc nhở quân lính thu dọn chiến trường. Ngoài số khí giới và áo giáp của quân Minh thu được, còn bắt được Minh Anh Tông đang trốn dưới gốc cây. Một tên lính Ngõa Lạt thấy Minh Anh Tông mặc cái áo giáp đặc biệt bèn đi tới ra lệnh cho nhà vua cởi áo giáp. Tuy sợ hãi, Minh Anh Tông cũng vẫn còn biết giữ thể diện của Hoàng đế, không chịu cởi. Tên lính đó định ra tay hạ sát thì tên lính đứng bên cạnh thấy Minh Anh Tông không giống nguời bình thường, giải nhà vua tới gặp Dã Tiên.
Dã Tiên nhận ra nguời bị tên lính áp giải đến chính là Minh Anh Tông, rất vui vẻ như bắt được của quý. Biết có được Hoàng đế trong tay là có được điều kiện quyết định để thương lượng với vương triều Minh. Dã Tiên liền mang theo Minh Anh Tông đưa quân xuống phía nam, bao vây thành Bắc Kinh...
Trong trận chiến này, lực lượng nhà Minh vốn đông đảo hơn đã thất bại hoàn toàn trước đội quân của Ngõa Lạt do Dã Tiên chỉ huy, toàn bộ bộ tư lệnh quân Minh bị bắt sống và tiêu diệt trong đó có Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn, hoàng đế đương triều của nhà Minh. Với việc toàn quân bại trận, hoàng đế bị bắt sống, Sự biến Thổ Mộc bảo được coi là thảm bại lớn nhất trong lịch sử quân sự Trung Quốc và là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi cán cân quyền lực ở biên giới phía Bắc Trung Quốc giữa nhà Minh và các bộ tộc gốc Mông Cổ.
NGUỒN:
Tác giả tổng hợp từ:
- Minh Sử
- Minh Thực Lục
- 12 Đại hoạn quan Trung Hoa
- Bước Thịnh Suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc
- 5000 năm (éo đến) lịch sử Trung Quốc