Một vấn đề luôn được đem ra tranh cãi rất nhiều, đặc biệt lại được công đồng mạng đào xới lại sau khi Dế Choắt đăng quang ở cuộc thi Rap Việt. Anh có những hình xăm rất to, ở khắp nơi trên cơ thể và cả ở mặt nữa. Các bậc phụ huynh đa phần không thích một người xăm mình mà lại nổi tiếng, vì họ sợ cái “tấm gương” ấy sẽ làm cho con cháu họ làm theo. Vì não trạng của các bậc lão thành vẫn gán ghép hình xăm với tù tội, với đĩ điếm, với lăng loàn và cơ man thói hư tật xấu khác ở cái thế giới mà các cụ gọi là “Giang Hồ”.

Nhưng xăm mình không nên được liên tưởng với những điều xấu xa. Ngay chính trong dân tộc Việt Nam ta, từ ngàn xưa, cái tập tục xăm mình cũng đã xuất hiện từ rất sớm. Về nguyên nhân xuất hiện của tục này, sách “Lĩnh Nam chích quái” (phần Hồng Bàng thị truyện) chép: Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói: “Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại”. Thế rồi, nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy. Nhằm khẳng định lý do xăm mình của người Việt cổ, Từ điển Lễ tục Việt Nam cũng ghi: Người Việt cổ từ 2000 - 3000 năm trước có tục xăm hình những con thủy quái (rồng, rắn..) lên bụng, ngực, lưng, chân, tay…. Tương truyền, thuở xa xưa con người lặn lội vùng sông nước kiếm ăn, nên xăm hình lên người để không bị thủy quái làm hại và hòa nhập với động vật ở dưới nước, từ đó mới săn bắt được chúng. Không dừng ở đó, dưới vương triều Trần, những thành viên thuộc đội quân Thánh Dực bảo vệ xa giá thì xăm lên trán ba chữ Thiên Tử Quân (Quân đội Thiên Tử); hay dân chúng thì thường xăm lên bụng những chữ “Nghĩa dĩ quyên khu”, “hình vu báo quốc” thể hiện tinh thần thượng võ, vì việc nghĩa liều thân, báo đền ơn nước. Như vậy, tục xăm mình của người Việt cổ không chỉ thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên, mà còn mang ý nghĩa quyết tâm chống địch; thậm chí là hình thức làm đẹp của người đương thời.
Hình xăm có lẽ là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên trên đời. Nó là một cách thức để con người làm chủ hoàn toàn da thịt của chính mình. Một bắp chân không lông sẽ nhìn trông mạnh mẽ hơn với một hình xăm to đè lên? Một hình xăm ngày tháng trên cánh tay để khắc ghi một vết thời gian nào đó? Hay một hình xăm hổ ngự trên lưng để khiến cho mọi người nể sợ ta hơn khi ta cởi trần? Tôi tin là những người đã dũng cảm để cho kim xăm đâm vào da thịt, khắc sâu từng dòng mực lên cơ thể mình, họ muốn chứng tỏ một điều gì đó, muốn công khai một hình ảnh mà họ không thể nói ra thành lời.
Với những bạn có hình xăm trên người, tôi khuyên thật là không nên vừa muốn khoe hình xăm, vừa muốn được lòng tất cả mọi người. Vì con người luôn sợ hãi những gì họ không hiểu. Làm sao những người sống một cuộc đời giản dị, bình yên, trong một khuôn khổ của lễ giáo có thể hiểu được lý do cho người muốn xăm một con rồng lên ngực được? Các bạn phải hiểu, khi đã xăm mình, các bạn đã tự tách mình ra khỏi những cộng đồng ngoan đạo (dù là giả hiệu), giống như từ con cừu đổi lốt sang con sói. Và lúc này chắc chắn không có chuyện con sói quay lại đòi con cừu phải tôn trọng mình như tôn trọng đồng loại được.

Ngoài ra, trong công việc, nếu như bạn là người đi làm thuê, bạn phải chơi theo luật của nơi bạn làm việc. Nếu tập khách hàng của họ không thích sử dụng dịch vụ của người xăm trổ, bạn không thể ép Công ty đó phải nhận mình và quy kết họ phân biệt đối xử. Nếu thích thể hiện cái tôi thì hãy làm chủ, hãy trở thành người định nghĩa cuộc chơi, người vẽ ra các quy định, lúc này sẽ chẳng ai dám phản đối bạn hết.
Minh Hiếu
17/11/2020