Không một ai có thể phủ nhân thành công của Scorpions – sức hấp dẫn từ những bản power ballad lẫn sự yêu mến từ khắp nơi trên thế giới của họ, từ cả bên bên phía cộng sản hay phía tư bản chủ nghĩa, đã chứng minh sự đúng đắn trong cách làm nhạc của Scorpions. Dẫu vậy, hình ảnh được pop hóa và những toan tính đầy thương mại của họ, hẳn là phải trải những sự đắn đo không nhỏ thời cuối thập niên 70s bước sang thập niên 80s, khi Scorpions chấp nhận rũ bỏ thứ âm thanh nặng và giàu ảnh hưởng mà họ dày công phát triển suốt thập niên 70s, để bước sang thập niên 80s hòa vào sự bùng nổ của glam rock và sức quyến rũ khó tả từ thị trường Mỹ.
Nói vuốt đuôi thì, Scorpions rõ ràng thông minh hơn hẳn các động nghiệp của họ từ nước Anh láng giềng, những người khuynh đảo thế giới trong nửa đầu thập niên 70s nhưng bỗng nhiên yếu ớt trước làn sóng Punk Rock và chợt hoang mang khi bước vào thập niên 80s đầy lạ lẫm. Black Sabbath, Rory Gallagher, Deep Purle, rồi Led Zeppelin, đều lùng túng trong việc chấn chỉnh và cập nhật lại tư tưởng, để rồi kẻ thì tan rã, người thì chết khi còn trẻ. Scorpions, có lẽ khá giống với một người đồng nghiệp thực dụng từ xứ sở Ăng lê khác, Judas Priest, có vẻ đã nhanh chóng “bắt trend” trước tất cả.
Tất nhiên cái giá phải trả không hề nhỏ. Họ mất đi Uli Jon Roth, tay guitar góp phần tạo ra âm thanh rock nặng cực đặc trưng xuyên qua 4 album của Scorpions: Fly To The Rainbow (1975), In Trance (1975), Virgin Killer (1976), Taken by Force (1977), và một trong những album live hay nhất lịch sử hard rock: Tokyo Tapes (1978). Và cũng từ đó, những bài hát có cấu trúc phức tạp, hơi hướng và màu sắc prog rock, lẫn những tư tưởng nhạc tiền đề cho neo-classical đều ra đi cùng Uli Jon Roth. Không còn người chia sẻ gánh vác việc viết nhạc cùng cặp Klaus/Rudolf, may chăng tin tốt hiếm hoi là Klaus Meine cũng không còn ai tranh hát nữa.

Sự xuất hiện của Van Halen năm 1978, nghe thì không liên quan, nhưng có vẻ lại đứng về phía ý tưởng cải hoán của Scorpions. Bởi khi chơi guitar bỗng trở nên cool, chơi lead guitar không cần sáng tác ca khúc bỗng trở thành một nghề và hóa ra tìm một tay guitar chơi được và có khả năng phô diễn với cây đàn trên sân khấu kiểu EVH hóa ra không quá khó. Tôi nghĩ Scorpions đã tìm ra một tay guitar “dễ bảo” hơn ở Matthias Jabs để có thể trụ lại cùng họ lâu dài. Chính xác là Matthias Jabs đã đi cùng Scorpions qua hơn 3 thập kỷ mà không mưu cầu phải viết nhạc tranh cùng với cặp Klaus/Rudolf, và Scorpions thì vẫn hiên ngang tồn tại qua những dấu mốc thập kỷ tàn nhẫn chứng kiến sự lụi tàn của những thế loại Rock cùng thời với họ.
Nhắc mới nhớ, trước Uli Jon Roth, Scorpions còn có một cú vấp khác với tính khí bộc trực của ông em nhà Schenker, Michael, khi đội hình này chỉ ra được một album Lonesome Crow năm 1972 và suýt tan đàn xẻ nghé sau khi Michael chạy sang UFO mất. Ở bên kia eo biển, Michael Schenker chỉ ra rằng trong khi anh chỉ thích chơi nhạc, Scorpions lại chỉ nghĩ về thương mại. Chưa kể, trong khi hầu hết những bài hát của Lonesome Crow được viết bởi Michael, ông anh Rudolf lại nhận luôn cả credit cho riêng mình. Với các fan hâm mộ nhạc rock nặng còn đầy mới mẻ thời đầu thập niên 70s, có lẽ cặp Klaus Meine và Michael Schenker mới đúng với trend hình ảnh ca sĩ xịn hát cặp với tay guitar thần sầu. Và theo như Michael, Rudolf Schenker muốn tự gắn mình với vị trí hình ảnh tay guitar nguy hiểm guitar đó. Michael đành bỏ Scorpions để sang UFO, còn Scorpions trở thành ban nhạc của Rudolf Schenker.
Ai cũng đều có lý của họ, nhưng chữ “thương mại” lẩn quất giữa chữ Scorpions có lẽ đã được nhõn ra bởi Michael từ rất sớm. Cặp anh em Rudolf và Michael Schenker này xem ra cũng chả khác gì anh em nhà Gallagher, Noel và Liam, từ khi hai an hem nhà Gallagher còn chưa xuất hiện.
Chả sao, Rudolf Schekner đã dành sẵn một kế hoạch mang tên “ăn thịt đồng loại”. Lúc này có Dawn Road là ban nhạc có một tay guitar cực tài năng vốn gốc gác chơi nhạc cổ điển và thời đó chuyên cover những thứ đẹp đẽ kiểu Emerson, Lake & Palmer. Và mặc dù đội hình của Dawn Road (Ulrich Roth, Francis Buchholz (bass), Achim Kirschning (keyboards) và Jürgen Rosenthal chơi trống) đông hơn hẳn phần còn lại của Scorpions lúc đó (còn mỗi Rudolf Schenker và Klaus Meine), họ vẫn chọn lấy tên là Scorpions. Bởi trong tay Rudolf Schenker lúc này đã có hợp đồng ghi âm rồi mà lị.
Scorpions nhanh chóng vào phòng thu và cho ra Flying to the Rainbow (1975) với âm thanh đã hoàn thiện hơn Lonesome Crow rất nhiều, và Uli Jon Roth chứng tỏ mình là tay guitar siêu đẳng không thua gì người tiền nhiệm Michael Schenker về mặt nghệ thuật, thậm chí còn nhỉnh hơn về kỹ thuật. Cái là, chả hiểu sao các đồng đội của anh từ Dawn Road cũng dần rơi rụng khỏi Scorpions chỉ còn lại Francis Buchholz (anh này trụ được đến năm 1992) chơi bass.
Điểm chung của Michael và Uli, ngoài việc đều là những cây guitar quái thú xuất sắc, thì họ đều là những người có lòng tự tôn cao hơn hẳn so với hoài bão của cặp Klaus/Rudolf, mà theo như lời cặp đôi hoàn hảo này mô tả, thì rõ là hai “cựu” guitar của Scorpions đều có cái tôi cá nhân và sự ích kỉ, và rõ là không phải kiểu người có lối chơi đồng đội (Kcid tôi rất công bằng nhé, trích dẫn tin tức từ cả hai phía).
Tất nhiên ở thời giữa thập niên 70s, Scorpions vẫn rất cần Uli Jon Roth khi anh cân đến gần nửa số ca khúc của Scorpions (trừ Flying to Rainbow, đĩa nào Roth cũng góp bút 4 – 6 bài) và giúp hoàn thiện dần âm thanh rock nặng mà phiêu của nhóm. Chưa kể, khả năng viết nhạc bằng tiếng Anh đến lúc này của Klaus Meine hãy còn hạn chế lắm. Thậm chí có thời điểm, lời nhạc của Scorpions được viết rất nhiều bởi tay trống vào thay là Herman Rarebell (anh này trụ được đến năm 1995), lúc đó được đánh giá là người “giỏi tiếng Anh nhất hội”. Nhưng chờ đấy, vì Rudolf và Klaus không bao giờ thôi nung nấu về kỷ nguyên mà Scorpions xoay xung quanh họ, cho dù có phải mất vài năm luyện thêm sinh ngữ lẫn đi tìm công thức chiến thắng cần thiết.
 
Vốn là một người học nhạc cổ điển nhưng lại chịu ảnh hưởng từ những tay chơi guitar rock có gốc Blues như Jimi Hendrix hay Eric Clapton, không quá khó để nhận ra cái gốc trong nhạc của Uli thời Scorpions. Hỡi ôi, với lối chơi nhạc say sưa trên cây strats và những ngón tay như múa trên phím đàn thế kia, liệu khán giả có còn cần nhìn thấy những tay guitar dáng ngầu, nhảy múa lắc cần đàn, và chơi những câu riff có vẻ nguy hiểm?
Và đó, khi đôi mắt của Klaus/Meine còn mải nhìn sang bên kia Đại Tây Dương, những người tân thời ở châu Âu thời đó đã kịp nhận ra xu hướng nhạc neo-classical cực chất mà Uli Jon Roth và Ritchie Blackmore là những người đặt nền móng. Nhắc đến những ca khúc như “Sails of Charon” của Roth hay “Gates of Babylon” của Rainbow là nhắc đến một thế giới âm nhạc hoàn toàn mới, mà sau đã giúp sản sinh ra những bậc kỳ tài như Yngwie Malmsteen, "phiên bản Mỹ" của anh, hay John Norum cự phách, lẫn những sự vị nể từ những đồng nghiệp danh tiếng khác như K.K Downing (Judas Priest), Alex Skolnick (Testament), hay Paul Gilbert (Racer X).
Ngay từ đĩa In Trance (1975), những yếu tố phức tạp kiểu prog rock trong bài hát khán giả đã xuất hiện dày đặc, và khán giả thậm chí có thể nghe thấy những nốt cao chói vói trong phần solo của Uli Jon Roth, khi anh nhíu dây đến một nốt rưỡi ở nốt cao nhất trên phím cao nhất – phím 21 – của cây Stratocaster. Vốn chịu ảnh hưởng từ nhạc cổ điển, Uli Jon Roth luôn muốn chơi ở những nốt cao như ở trên đàn violin. Những thử nghiệm sau đó trên cây Strats chỉ có thể đem Uli thêm 2 – 3 phím, anh quyết định tự thiết kế cây đàn riêng cho mình có thể chơi cao thêm một quãng tám so với đàn guitar bình thường.
Đó chính là khởi thủy của cây Sky guitar có 36 phím và 7 dây, cây guitar signature đã gắn liền với hình ảnh Uli Jon Roth từ đầu thập niên 80s đến nay. Cây guitar mà chính Uli cũng thừa nhận là bán đại trà chỉ tổ tốn tiền bọn trẻ vì chả ai đánh được đâu.

Với Uli, mỗi album sau của Scorpions lại càng trở nên khó nhằn và thách thức hơn, không phải về sáng tạo nghệ thuật, mà việc tạo ra sự cân bằng giữa nhạc do anh viết với phần của cặp Klaus/Rudolf càng trở nên khó hơn. Uli Jon Roth dần thấy nản, và thậm chí chỉ mang một nửa số bài anh viết đến phòng thu vì biết chắc nửa còn lại sẽ chỉ gặp những câu bàn lùi. Chưa kể, hướng đi giàu tính thể nghiệm của Uli Jon Roth cũng không hợp ý đám quản lý của Scoprions lúc đó, những người toan tính một kế hoạch chi tiết để thâm nhập thị trường nước Mỹ nơi có mạng lưới kênh radio rộng khắp. “Steamrock Fever” trong album Taken By Force chẳng hạn, là một bài Uli Jon Roth không hề thích vì phong cách poppy và cả bài Roth chỉ phải đánh “có vài nốt”, nhưng lại bị ép bởi đám quản lý của Scorpions để trở thành single quảng bá cho album. Và dù album cuối cùng của Uli, The Tokyo Tapes (1978), nhanh chóng trở thành album live kinh điển đã tàn phá thế giới, về mặt tinh thần, Uli đã rời khỏi Scorpions từ rất lâu trước đó vì không thiết tha ngồi đếm số lượng album được bán. Anh thậm chí còn khuyên anh em trong Scorpions đi tìm tay guitar khác đi, nhưng có vẻ chả ai để ý đến lời khuyên như đùa của anh.
Uli Jon Roth ra đi thật, tạo ra cây Sky guitar cho riêng mình và ra album solo dưới cái tên Electric Sun từ năm 1979 (sau là Uli Jon Roth). Chấp nhận việc Electric Sun không thể bán được đĩa theo kiểu Scorpions (cũng có thể do Roth lúc đầu còn ham hát nên ít người mua?).

Tất nhiên là Rudolf Schenker có lẳng lặng làm theo lời Uli Jon Roth. Matthias Jabs kể lại rằng, Rudolf gọi cho anh và nói rằng đang chuẩn bị ghi âm solo album và muốn Jabs chơi cùng. Matthias Jabs biết thừa kiểu “lả lơi” của Rudolf, nhưng vẫn ham vào Scorpions lắm.
Mắc cười cái cho Scorpions lúc đang câu kéo Jabs, thì ông em nhà Schenker lại rời UFO. Rudolf bỏ rơi Matthias Jabs và quay qua ve vãn ông em, kết quả là vài ba track thu dang dở cho album Love Drive thì Michael cũng không chịu nổi Rudolf thêm một lần nữa và lại bỏ đi. Tôi có thể tưởng tượng được vẻ mặt của Rudolf Schenker lúc đó khi gọi điện lại cho Matthias Jabs “việc này…”
Cũng may là Matthias Jabs không phải tay chấp nê, hoặc cũng có thể danh tiếng của Scorpions cũng là cái tên đảm bảo, sau rất nhiền nhặng xị khi Uli Jon Roth ra đi cuối thập niên 70s, Scorpions vẫn kịp cho ra Love Drive (1979) để đón chào thập niên mới. Công thức chiến thắng của cặp Klaus/Rudolf nay đã chin muồi với âm thanh được gọt giũa đầy thương mại, âm nhạc chặt chẽ và cấu trúc bài hát gần với nhạc pop hơn, chủ đề thì pha lẫn giữa nhạc nặng và power ballad. Blackout (1982) sau đó tiếp nối thành công của Love Drive, rồi cả Love At First Sting nữa. Scorpions có lẽ không bao giờ cần nuối tiếc những gì họ đã bỏ lại.
Thật khó để có thể đặt ra câu hỏi “đáng nhẽ” trong câu chuyện của Scorpions và Uli Jon Roth, vì mỗi bên đều trở nên thành công theo cách họ muốn. Nhưng nếu nhìn vào màn trình diễn của Scorpions sau này có sự tham gia của Uli Jon Roth, như bản “In Trance” với phần guitar Uli Jon Roth đánh cặp với Matthias Jabs sau đây, tôi mới thấy thật tiếc giá như Scorpions trở thành band progressive tiên phong của thập niên 80s?

Chả đâu xa, việc mời Uli Jon Roth đánh cùng để câu kéo fan xem ra cũng lại là một nước cờ hợp lý và nhất quán với tính cách của Scorpions, bất chấp sự phản đối kịch liệt của chính… Matthias Jabs, khi anh cho rằng fans đâu có đến show để học lại lịch sử của Scorpions đâu? Ơ nhưng, trót đi với Bụt rồi thì cứ mặc áo ca sa thôi anh, nên dù Michael, Uli, Matthias, và cả những tay trông và bass không thể nhớ hết tên có thích hay không, thành công của cái tên Scorpions vẫn ngoài sức tưởng tượng của cả thế giới này. Và chính tôi cũng đã được chứng kiến đấy thôi, ở tuổi 70, những ông già Scorpions vẫn làm không khí đêm hội Monsoon Hà nội năm 2016 trở nên cuồng nhiệt như thế nào.
Có thể hiểu cho Klaus Meine và Rudolf Schenker, khi từ còn rất trẻ họ đã rất ý thức được rằng, lớn lên sau thế chiến 2 ở Đức không phải là điều làm cho những chàng trai đó quá tự hào. Họ, dù cách này hay cách kia, đã có một niềm tin và sự cống hiến chính đáng để được tôn trọng trong thế giới nhạc rock trên khắp thế giới.
Và cũng có lẽ, những thứ chúng ta không gọi tên ra được ấy lại chỉ càng chứng tỏ rằng người Đức mới là những người thông minh và thực dụng hơn cả.

Hẹn gặp lại.
Kcid
Xem các bài khác của EmoodziK tại website