Đa sự nghiệp - cho một đời đa sắc màu
Bài này là chút gợi mở dành cho những ai cái-gì-cũng-thích và đang đứng trước ngưỡng phải chọn lựa giữa quá nhiều lựa chọn. ...
Bài này là chút gợi mở dành cho những ai cái-gì-cũng-thích và đang đứng trước ngưỡng phải chọn lựa giữa quá nhiều lựa chọn.
Khi còn bé, mình thích chơi nhiều trò lắm: Hết búng thun, tới dích bài, tạt lon, đá cầu, đá banh, thả diều, game thùng, đánh trận giả, đọc sách, vẽ vời, học toán, ca hát,... gì cũng thích, chỉ không thích bị nhỏ Dung to bự ngồi cạnh hay đập lưng mình bốm bốp mỗi khi mình trộm uống chai nước đá mát lạnh của nó thôi - nhà nghèo không có tủ lạnh, thông cảm. haha
Và thời gian thấm thoắt thoi đưa.
Những năm còn là sinh viên, mình vẫn loay hoay chẳng biết sẽ phải "gắn bó với 1 công việc" nào bởi vì mình thích quá nhiều thứ, trong khi ông bà ta lại có câu "một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Thế là thanh niên bối rối lắm.
Cứ thế cho đến khoảng năm 2017, khi đọc review cuốn tiểu sử Leonardo da Vinci (của Walter Isaacson), thì mình mới biết đến những khái niệm như Polymath, Generalist, Multipotentialites, Slash workers, rồi Multiple Careers - Đa sự nghiệp.
Và đó quả là một khoảnh khắc "eureka!" lớn đối với mình.
Từ đó mình nhận ra rằng thực chất một người hoàn toàn có thể nghiêm túc theo đuổi nhiều sự nghiệp khác nhau. Và sự nhận ra đó đã tạo cho mình sự tự tin rất lớn để dấn thân thử nghiệm với nhiều việc khác nhau, và trong khi gắn bó với một nghề, mình vẫn có thể dành ra thời gian cho các sở thích và kỹ năng để phục vụ cho các công việc khác trong tương lai.
Vậy đa tiềm năng, đa sự nghiệp là gì, và liệu chúng có phù hợp với bạn? Bài viết sẽ cố gắng đem đến cái nhìn tổng quan về các vấn đề này.
Phần I. KHÁI NIỆM
1. Người đa tiềm năng - multipotentialite
Để theo đuổi đa sự nghiệp, trước hết, bạn cần là một người đa tiềm năng.
Multipotentialite (tạm dịch: người đa tiềm năng) là những cá nhân có xu hướng thích theo đuổi nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nếu như Polymath, Renaissance Person, nhằm chỉ những người xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, như Aristolte, Leonardo da Vinci, Newton, Benjamin Franklin, và gần đây là Steve Jobs, Elon Musk; thì một người đa tiềm năng nói nôm na đơn giản là thích rất nhiều thứ thôi, không cần bắt buộc phải trở thành chuyên gia.
Thường thì từ bé chúng ta sẽ đi theo 2 xu hướng chính, là chuyên sâu (specialist), và tổng quát (generalist). Đây chỉ là 2 xu hướng, chứ không phải phân biệt rạch ròi là có 2 loại người. Rất nhiều người là specialist nhưng vẫn có thái độ tìm tòi mở rộng kiến thức ở các ngành khác.
Bạn biết tại sao hồi xưa người ta gọi tướng lĩnh là general (tổng) không? Vì họ phải nắm rõ và bao quát tất cả: từ vũ khí và các binh chủng hiện có, đến thời tiết, con người (tâm lý, văn hóa), chiến thuật, địa trận, chính trị.
Những người đa tiềm năng không có "tiếng gọi cuộc đời" như cách mà những nhà chuyên môn (specialist) nhận ra từ sớm. Đa tiềm năng, đã là một thứ có sẵn trong máu họ từ lâu rồi, nhưng nền giáo dục bắt buộc và chuẩn hóa sau này đã làm thui chột dần cái thôi thúc đó. Nhưng với một số người, thôi thúc đó vẫn còn rất mạnh, đến mức, khi họ chỉ mới nghe khái niệm đa-tiềm-năng lần đầu, họ sẽ:
Aaaa, trời ơi đúng là mình đây rồi!!!
Ừ, và mình cũng đã vậy đó.
Mà thật ra đa số con nít sinh ra đều ít nhiều mang dấu ấn đa tiềm năng cả.
Điểm đặc trưng nhất của những người đa tiềm năng, đó là sự dấn thân của họ trong cái sự học, khám phá, và rèn giũa những kỹ năng mới suốt cả đời người, họ là những lifelong-learner. Thêm vào đó, họ còn có khả năng phối hợp một cách tài tình những ý tưởng liên chủ đề mà tưởng chừng chả liên quan gì với nhau. Điều này khiến cho họ thường có những góc nhìn mới mẻ trong một vấn đề, và dễ dẫn đến những phát hiện tiên phong trong lĩnh vực mà họ theo đuổi.
Góc nhìn mới mẻ, là rất cần thiết, bởi nhiều vấn đề hóc búa của chúng ta hoàn toàn có thể được giải quyết dễ dàng bằng những cách rất "lạ", ví dụ như câu chuyện này:
"Vào tháng 9/2017, các tàu ngầm hạt nhân tân tiến nhất, thuộc lớp Virginia của Hải quân Mỹ đã thay thế những bộ điều khiển kính tiềm vọng truyền thống, trị giá 38000$ bằng những.... bộ điều khiển video game Xbox 360 trị giá 38$ của Microsoft. "
Quả là sự kết hợp thú vị ít ai ngờ!
2. Đa sự nghiệp - multiple careers
Đa sự nghiệp, là khi bạn theo đuổi cùng lúc, hoặc tiếp nối, nhiều hơn 1 ngành nghề.
Định nghĩa "sự nghiệp", thì mang tính chất chủ quan cá nhân, nên các bạn có thể google từ khóa "multiple careers" (khái niệm vẫn còn mới) để tham khảo thêm, tránh những tranh cãi không cần thiết.
Nếu gọi là đa nghề (multi-job), thì đó là một khái niệm cũ, vì nhiều người làm thêm việc chỉ để mưu sinh. Nhưng đa sự nghiệp (multi-career), thì là khá niệm mới, tức ta có thể kiếm tiền bằng đam mê thật sự. Nghề và sự nghiệp chủ yếu khác nhau ở thái độ với công việc.
Nếu gọi là đa nghề (multi-job), thì đó là một khái niệm cũ, vì nhiều người làm thêm việc chỉ để mưu sinh. Nhưng đa sự nghiệp (multi-career), thì là khá niệm mới, tức ta có thể kiếm tiền bằng đam mê thật sự. Nghề và sự nghiệp chủ yếu khác nhau ở thái độ với công việc.
Với mình, sự nghiệp là thứ mà ta đặt nhiều tình cảm cho nó, và có niềm tin lớn lao rằng sẽ gắn bó lâu dài. Khác hoàn toàn với những công việc mang tính chất ngắn hạn, thử coi có thích không, thời vụ, hoặc làm chỉ để kiếm tiền như chạy Grab, tạp vụ, trông giữ xe, phát tờ rơi.
Sự nghiệp do mang tính chất chủ quan cá nhân, nên sẽ không cần có đích đến, sự công nhận của xã hội gì cả. Van Goth vẫn vẽ dù chẳng có ai mua tranh của ông.
Thực chất là xã hội ở cả Tây lẫn ta đang có xu hướng xuất hiện nhiều hơn hiện tượng một người lấn sân và thành công trên nhiều lĩnh vực (ví dụ combo ca sĩ - diễn viên - MC - nhà báo, như MC Trác Thúy Miêu), nhưng ít ai nhận ra biểu hiện rõ ràng của xu hướng này. Những bài viết về đa tiềm năng, đa sự nghiệp, mà mình tham khảo trên Google bằng tiếng Anh, cũng chỉ mới nổi lên khoảng 5 năm nay, có lẽ bởi sự ra đời của cuốn tiểu sử Leonardo da Vinci rất nổi tiếng, khiến cho nhiều người biết đến và phấn khích với ý tưởng Polymath (người xuất sắc trên nhiều lĩnh vực).
Vậy tại sao Đa sự nghiệp tới bây giờ mới được biết đến?
Thực ra đa sự nghiệp đã có một lịch sử từ lâu đời, trải dài từ Hy Lạp cổ đại (Aristotle, Plato), đến Phục Hưng (Galileo, Leonardo da Vinci), rồi Khai Sáng (Isaac Newton, Benjamin Franklin), nhưng đa sự nghiệp vốn chỉ dành cho tầng lớp tinh hoa - những người được tiếp cận tri thức, lẫn hỗ trợ về kinh tế.
Sau thời kỳ Khai Sáng, cách mạng Công nghiệp hóa cuối thế kỷ 18 ập đến, cùng chủ nghĩa tư bản chính thức đi vào công cuộc phân công lao động, chuyên môn hóa tất cả mọi người. Thêm vào đó, Chủ nghĩa Lãng mạn vào thế kỷ 18 đã cổ vũ sự tự do cá nhân, cổ vũ mọi người hãy tìm lấy một tiếng gọi đích thực, một thiên chức (kiểu đam mê) cho mình, tìm kiếm ý nghĩa cho cả đời người trong một công việc. Đó là lý do ta vẫn đang chịu nền giáo dục chuẩn hóa và mang tính bắt buộc có tuổi đời hơn trăm năm vốn chỉ dành cho đào tạo công nhân trong các xí nghiệp, và về sau là nhân viên văn phòng.
Và tình trạng này vẫn đang kéo dài đến ngày nay.
Mỗi người chỉ nên ổn định với một công việc, đã trở thành một "lẽ thường tình" của xã hội khi nhìn nhận về công việc và sự nghiệp.
Ca sĩ thì lo hát hò đi, còn đòi đóng phim!
Nhưng thời thế đã khác rồi, chúng ta đang bước vào thời đại mới: kỷ nguyên của nền kinh tế số (hay chúng ta thường gọi là Cách mạng 4.0). Thời thế khác thì tất nhiên cũng cần tâm thế khác.
Phần tiếp theo mình sẽ làm rõ tại sao đa tiềm năng, đa sự nghiệp sẽ sống tốt với xu thế tương lai.
Phần 2. ĐA SỰ NGHIỆP TRONG XU THẾ TƯƠNG LAI
1. Dự đoán xu hướng của nền kinh tế tương lai
Để làm rõ hơn xu hướng của tương lai, mình xin chia sẻ những điểm đáng chú ý mà mình thấy, qua bản tóm tắt Future of Jobs của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018.
(bạn có thể coi bản cập nhật WEF 2020 ở link đây, nhưng các xu hướng dự đoán vẫn không khác với bản 2018 nhiều: http://www3.weforum.org/docs/WEF_Future_of_Jobs_2020.pdf)
- Sự phân công lao động giữa con người, máy móc và thuật toán (AI, apps,...) đang dịch chuyển nhanh chóng
Nếu như 2018, con người vẫn chiếm đa số tổng thời gian tác vụ (work hours) với 71%, thì đến 2025 sẽ chỉ còn có 48%.
- Công việc mới, sẽ đòi hỏi kỹ năng mới
Đến năm 2022, sẽ có 75 triệu công việc mất đi, nhưng tin tốt là, sẽ có đến 133 triệu công việc mới được tạo ra. (số liệu: WEF 2018)
Đến lúc đó, những kỹ năng nổi trội nhất sẽ gồm tư duy phân tích, học tập chủ động, cũng như các kỹ năng kiểu như thiết kế quy trình công nghệ, vốn đòi hỏi rất nhiều trong các ngành công nghệ cao. Tuy vậy, sự lành nghề đối với các nhóm ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cũng chỉ chiếm một phần của nền kinh tế.
Những kỹ năng đặc trưng "con người" như sự sáng tạo, độc đáo, tiên phong, tư duy phản biện, thuyết phục, đàm phán hay các kỹ năng như để ý đến chi tiết (attention to details), kiên trì, linh hoạt, và kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng, thậm chí còn hơn cả bây giờ, trong nền kinh tế của tương lai.
Thêm vào đó, trí tuệ cảm xúc, khả năng lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội cũng như những ngành liên quan dịch vụ cũng cho thấy dấu hiệu gia tăng nhu cầu không ngừng.
- Chúng ta đều cần phải trở thành những người học suốt đời ( lifelong learners)
Trung bình, một người lao động sẽ cần 101 ngày tái đào tạo (retraining) và nâng cao tay nghề từ đây cho tới năm 2022. Và khoảng cách trình độ giữa nhân viên và lãnh đạo nhiều khả năng sẽ cản trở sự hoạt động hiệu quả của tổ chức. Do vậy, tùy thuộc vào ngành nghề và địa lý, thì từ một nửa đến hai phần ba các công ty sẽ có khả năng chuyển sang các đối tác từ bên ngoài, nhân viên thời vụ và lao động tự do (freelancers) để giải quyết nhu cầu về kỹ năng của họ.
2. Đa sự nghiệp trong xu hướng tương lai
Trước tiên, để làm rõ đa sự nghiệp phù hợp với xu hướng như thế nào, thì hãy lướt sơ một số lợi ích của đa sự nghiệp:
+ Bạn sẽ thành thục rất nhanh một kỹ năng, kiến thức mới
+ Khả năng tổng hợp các ý tưởng
+ Thích ứng tốt với hoàn cảnh
+ Tìm ra giải pháp độc đáo cho vấn đề
+ Có góc nhìn tổng quát
+ Hăng hái, năng động
+ Có nhiều trải nghiệm mới lạ và đa dạng
+ Rất phù hợp với vị trí lãnh đạo
+ Có thể làm việc với nhiều người từ các nền văn hóa khác nhau
Và bạn có thể thấy các lợi ích trên khá phù hợp với các kỹ năng cần đòi hỏi trong báo cáo xu hướng việc làm của WEF 2018.
Về mặt lâu dài (khoảng 20-50 năm tới), mình tin rằng đa sự nghiệp sẽ trở nên còn phổ biến hơn là các specialist gắn bó với một công việc như hiện nay. Bởi vì đa phần chúng ta sinh ra đều có lòng ham học đa ngành thiên phú cả. Cho nên rất nhiều người khi phải gắn bó với một việc quá lâu thì sẽ đến một lúc bị ngưng tải, không còn tiến bộ được thêm chút nào nữa, và từ đó tạo sự bất mãn nhất định, khi đứa bé sáng tạo trong họ luôn thôi thúc kêu gào sự đổi mới.
Sau này khi robot, AI chiếm hầu hết công việc hiện tại của ta, chúng ta sẽ bắt đầu đi vào hình thức xã hội, kinh tế mới, khi con người không còn đề cao thành công, cạnh tranh nữa, mà đề cao phúc lợi, chất lượng sống hơn.
Với hình dung đó về tương lai, mình dự đoán thu nhập cơ bản (universal basic income) sẽ trở nên phổ biến, người ta thay vì lo đói, không chỗ ở, thì sẽ rảnh rỗi và sáng tạo nhiều hơn, nên họ sẽ dễ đi theo con đường artisan (nghệ nhân) hơn. Một món đồ sản xuất hàng loạt bởi robot sẽ không giá trị bằng món đồ anh hàng xóm làm cho riêng bạn, đúng không nào?
Con đường nghệ nhân không chỉ tạo ra vật phẩm, mà còn bán cả sự độc đáo của một cá nhân nữa. Dễ thấy xu hướng này qua ngành công nghiệp Livestream trị giá 4,4 tỷ USD (thống kê: Deloitte, 2018) của Trung Quốc, tăng 33% so với năm trước đó.
Ví dụ bạn có tài năng ca hát không quá xuất sắc, nhưng đủ thú vị vì bạn phối hợp với phong cảnh đồng quê có gà vịt quác quác, thì vẫn sẽ có những người tips cho bạn một ít tiền vì bạn đã làm họ vui. Càng nhiều người thì càng nhiều tiền, và tệp khách hàng thân thiết sẽ thành thu nhập ổn định cho bạn.
Hay như bạn chỉ viết lách trung bình, nhưng có thêm khả năng vẽ, lẫn kỹ năng trò chuyện trực tuyến, thì sự kết hợp các kỹ năng đó cũng tạo một thế mạnh cạnh tranh nhất định.
Cho nên lợi ích lớn nhất của Đa sự nghiệp, chính là bạn được theo đuổi một phong cách sống đúng với xu hướng tự nhiên và những thôi thúc sâu thẳm bên trong bạn.
Phần 3. VÀI GỢI Ý THỰC TIỄN
Bài viết này chủ yếu chỉ mang tính giới thiệu khái niệm Đa tiềm năng và Đa sự nghiệp. Do vậy mình sẽ không quá tham vọng mà đem tới giải pháp triệt để nào cho một vấn đề còn rất mới và phức tạp như vậy. Phần này chủ yếu để chia sẻ thêm quan điểm cá nhân.
1. Bạn sẽ không bao giờ biết, nếu bạn không bao giờ thử
Nếu bạn cái gì cũng thích cả, thì nhiều khả năng là bạn sẽ không thích cái nào luôn, đó gọi là nghịch lý lựa chọn (paradox of choice). Cho nên quan trọng nhất là phải đánh liều thử cho biết.
Cái lợi thế lớn nhất của tuổi trẻ (tầm 18-25t), đó là chúng ta có rất nhiều thời gian, và quyền được thất bại. Cho nên ở độ tuổi này, các bạn rất nên thử trải nghiệm sống rộng trên nhiều lĩnh vực. Sẽ tùy người tùy cảnh, mà các bạn tự quyết định. Nhưng đa số sinh viên mà suốt 4 năm đại học chỉ lo học không thôi, thì ra đời rất dễ lơ ngớ và tụt hậu so với những bạn đã năng nổ trải nghiệm các nghề part-time. Cho nên hãy dũng cảm apply một job nào ấy càng sớm càng tốt nhé (freelance là tốt nhất).
2. Bạn có dám chấp nhận làm kẻ thất bại trong mắt mọi người không?
Một trong những điểm trừ lớn nhất của đa sự nghiệp, đó là bạn sẽ khó có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Do vậy bạn phải chấp nhận bị coi là lông bông một thời gian, và người ta sẽ không biết gọi bạn là gì.
Hợp lý nhất chính là hãy có một nghề chính tạo thu nhập chính, và dành thời gian còn lại trải nghiệm những sở thích hoặc công việc phụ. Bạn cũng có thể cân nhắc không làm full-time khi còn trẻ, bởi rất nhiều công việc full-time hạn chế khả năng học tập và phát triển của bạn. Thậm chí có chuyên gia còn khuyên là nên đợi đến khi lập gia đình (khoảng 30-40) rồi hẵng nghĩ tới full-time.
Trong một thế giới đề cao chuyên môn hóa, việc bạn theo đuổi nhiều công việc cũng khiến bạn dễ tổn thương hơn. Nó giống như áp lực phải đi con đường khác người vậy.
Khi bạn đang có một công việc, và thử nghiệm một công việc khác, thì nhiều người có mối quan hệ mật thiết với bạn sẽ thầm mong bạn thất bại hơn là ủng hộ bạn. Bởi họ thích an toàn, và muốn bạn cũng an toàn như họ.
Vậy bạn có chấp nhận làm một việc bạn rất thích, bỏ nhiều thời gian cho nó, coi nó là một thứ bạn sẽ có khả năng gắn bó suốt cả đời, bất chấp khoảng thời gian đầu bị mọi người mỉa mai, coi là kẻ thất bại không?
Bạn muốn sống một cuộc đời như ý bạn, hay cuộc đời để làm hài lòng kẻ khác - những kẻ không bao giờ hiểu hoặc sống cuộc đời của bạn?
Đây là một câu hỏi khó đối với những ai muốn đi con đường của đa sự nghiệp.
3. Tấm gương từ ba mình: một người đa sự nghiệp điển hình
Ba của mình - Phú Trạm (Inrasara), cựu nông dân, cựu doanh nhân, hiện là nhà thơ, kiêm nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học (đã xuất bản khoảng 30 đầu sách, giành một số giải thưởng trong nước và quốc tế), nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội.
Ba mình hồi nhỏ thường bị mọi người gọi là Thằng Trạm Mát vì làm những thứ chẳng giống ai, ví dụ như chăn trâu mà đem theo sách triết Pháp văn để đọc.
Thế sống với một người đa sự nghiệp (ở đây là ba mình) thì thế nào? Ba đọc và viết rất nhiều, rất điều độ giữa công việc và thể dục; rất tôn trọng ý muốn của con, tinh thần tự do trong đối thoại, sẵn sàng lắng nghe, hiếm khi đánh đòn con (cả đời nhớ có 1 lần ba lấy chổi đánh nhẹ thôi), không bao giờ bắt con học thêm, thậm chí 3 năm cấp 3 mình áp chót lớp, ba cũng không trách móc hay áp lực gì (dù đi họp phụ huynh nghe con mình áp chót cũng thấy quê quê), ba chỉ kể hồi xưa ba học giỏi nhất tỉnh ra sao thôi.
Khi mình hỏi ba là ba làm nhiều thứ như vậy, đổi ngành nghề xoành xoạch như thế, rồi nuôi đàn con nheo nhóc, thì ba có bị stress, suy nhược thần kinh các thứ không? Thì ba bảo là "không bao giờ!", "làm cả ngày tuy mệt nhưng vui", và thực tế bây giờ mình cũng thấy vậy.
Khi mình hỏi thêm mẹ mình câu hỏi tương tự (mẹ xưa là giáo viên, rồi nông dân, nay là nghệ nhân múa, nghệ nhân dệt thổ cẩm, và doanh nhân), thì mẹ cũng trả lời là hồi xưa bố mẹ tuy vất vả nhưng hạnh phúc, sau này bố bỏ kinh doanh (đa sự nghiệp là vậy, sẵn sàng bỏ việc, mất thu nhập), thì có mâu thuẫn nhưng không quá nhiều. Mình nghĩ chắc hẳn bố mẹ ít thương nhau hơn từ đấy vì không còn làm chung với nhau. Nhưng dù sao họ vẫn giữ cho không khí gia đình tương đối hòa nhã, tới nay mỗi sáng ba mẹ và mình vẫn trà bánh trò chuyện vui vẻ với nhau.
Và bạn biết không? Nuôi dạy một đứa bé nên người cũng đã là một sự nghiệp vĩ đại rồi đó.
Lời kết
Trong một thế giới đang ngày càng kết nối và đa dạng hơn, cùng với sự trang bị những kiến thức, kỹ năng mới đang trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết, thì thế hệ trẻ nay đã nghĩ nhiều hơn đến việc luân chuyển giữa những ngành nghề khác nhau để không chỉ tăng trải nghiệm sống mà còn để tìm kiếm những ý tưởng mới, hướng đi mới, và đặc biệt là tăng khả năng thích ứng nhanh nhạy với sự thay đổi.
Nếu mục tiêu của bạn là một cuộc sống có nhiều trải nghiệm phong phú, một sự học không ngừng nghỉ, và một bộ óc luôn tò mò, tươi mới như một đứa trẻ. Thì việc lựa chọn theo đuổi nhiều hơn một ngành nghề chắc hẳn là một ý tưởng hấp dẫn mà bạn nên thử tham khảo.
Còn nếu bạn cảm thấy bạn thực sự là một người đa tiềm năng, nhưng vẫn còn quá e ngại, thì hãy nhớ rằng, mỗi chúng ta chỉ là 1 trong 7 tỷ người, sống trên một hành tinh nhỏ bé trôi dạt vô định trong vũ trụ bao la. 80 năm cuộc đời cũng chỉ thoáng chốc như bóng câu ngang cửa sổ: Hãy cứ thử làm đi, nó không tệ như bạn nghĩ đâu.
Bởi, nếu ta ngưng ước mơ, thì ta còn lại gì?
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.
Trà Kha
p/s.
Cái tủ sách trong ảnh cover đầu bài, chính là tủ sách của gia đình mình, và khi phóng to, bạn sẽ thấy ở góc phải có một cuốn sách với logo Nhện Spiderum dễ thương của chúng ta.Các bạn có thể mua sách Dăm ba cái tuổi trẻ tại link này:
Hoặc các sách khác của Spiderum tại đây:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất