Cách đây nhiều năm, bố tôi có trang hoàng ngôi nhà bằng bộ sập gụ tủ chè. Ai tới cũng đều tấm tắc khen gia chủ nên ông cũng lấy làm khoái chí, cao hứng kể về một thời đã xa. Một mẫu người điển hình cho những tư tưởng truyền thống, tôi trân trọng điều đó!
Do thẩm mỹ của tôi với bố tôi khác nhau nên mọi nhận định đều là khập khiễng, còn chủ quan mà nói tôi thấy bộ sập gụ tủ chè không đẹp, tốn rất nhiều diện tích, và không phát huy được hết công năng. Những nhận định của tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi Howard Roark! Anh ấy theo chủ nghĩa cá nhân và đấu tranh cho phong cách hiện đại. Phải hiểu rằng những món đồ đó chỉ còn đẹp ở cái tên, xưa kia hợp thời, hợp người thì chúng rất đẹp, nhưng giờ hình dạng đã bị méo mó, méo luôn cả kim đồng hồ. Vặn ngược về miền ký ức, tôi luôn mơ màng về một Hà Nội kiều diễm, về một bóng hình do bản thân thêu dệt bằng những ảo mộng.
Cũng phải thông cảm rằng thói đời bao lâu nay vẫn là thế, xuất phát từ niềm kiêu hãnh và khát khao khẳng định bản thân, cách dễ làm và hiệu quả nhất đấy là chưng diện (xây nhà). Từ một vùng quê nghèo yên bình, giờ mọi chuyện đã khác, bê tông đã thay thế vật liệu truyền thống, mái tôn đã che kín xung quanh nhà. Thế nên bố tôi bị cuốn theo vòng xoáy đó, tôi mới bảo “cũng chẳng thể nào mà khác được”, người bố đáng mến của tôi hay nói rằng sinh ra ở quê phải theo quê, đâu như cái bè nay đây mai đó.
Xưa nay, vật liệu quen thuộc nhất để xây nhà hay làm đồ nội thất là gỗ. Nó tạo cảm giác dễ chịu, ấm cúng, đôi khi là sang trọng. Tôi rất thích những đồ gỗ nhà bà ngoại từ xa xưa, người thợ làm ra những món đồ đó rất tỉ mỉ, những nét chạm khắc tinh xảo, đơn cử như chiếc ghế đẩu hay khung ảnh các cụ trên bàn thờ. Đáng buồn là, ngoài tôi ra thì chẳng còn ai mảy may quan tâm đến số phận của chúng. Để chúng lay lắt "tồn tại" cùng với những món đồ nhựa là một sự sỉ nhục không thương tiếc.

Ao ước của tôi là sống trong một căn nhà gỗ giữa rừng và ngồi đó tự hỏi có phải đã qua rồi một thời đánh thức tiềm lực?

Có lần tôi đã có dịp bày tỏ quan điểm với các giám khảo chấm thi THPTQG về một đoạn trích trong bài thơ "Đánh thức tiềm lực" của cụ Nguyễn Duy, đó là một chủ đề hay, từng dấy lên trong tôi bao xúc cảm, nhưng cho tới giờ không còn phù hợp nữa, nhất là khi chủ nghĩa cá nhân đang dần thành hình hài trong tôi. Tôi là một người kể chuyện bằng hình ảnh, quan tâm nhiều tới môi trường, thế nên cuộc đổi chác tài nguyên thiên nhiên lấy sự giàu có tôi thấy không phải là một ý tưởng hay. Nhấn mạnh rằng nó chưa hay, vì nhờ thế hệ trước đã đánh thức tiềm lực nên thế hệ ngày nay mới có thể ngồi chiêm nghiệm về cuộc sống.
Quay về chuyện đồ gỗ, lướt sóng theo một chủ đề đang nổi lên gần đây, tôi thấy ranh giới giữa đúng và sai đang dần bị xoá nhoà, phụ thuộc vào góc nhìn mỗi người. Hiểu rằng cái gì quá cũng không tốt, khi thay thế đồ gỗ bằng đồ công nghiệp không giúp bảo vệ môi trường, đôi khi là ngược lại, sẽ có cả một ngành công nghiệp nhảy vào xâu xé miếng bánh béo bở này. Song song với đó, sẽ ra sao nếu như sự nổi tiếng của một làng nghề gỗ nào đó khiến cho mọi người đổ xô chạy theo? Họ sẽ lấy gỗ ở đâu để đáp ứng nhu cầu tăng vọt đó?
Thứ mà chúng ta quan tâm đầu tiên là hình dáng, tính thẩm mỹ của một vật. Người làm ra chúng và những người phê duyệt, cấp phép có lẽ tầm tuổi bố tôi, còn những người đưa ra ý kiến phần nhiều là tầm tuổi tôi. Tôi đang nói tới khoảng cách thế hệ. Cần lưu ý rằng, trước khi đánh giá cần đặt vật đó vào trong hoàn cảnh cụ thể, và ai sẽ là người sử dụng? Đến đây tôi mới phát hiện ra rằng, có thể ở thời điểm hiện tại nó rất phù hợp với thị hiếu, nhưng tính lâu dài của vật đó không cao, nhất là khi nhằm mục đích bảo tồn văn hoá tới các thế hệ sau. Cá nhân tôi đánh giá cách làm này không tiếp cận được tới nhiều người trẻ, đó là một điều đáng tiếc! Chủ trương thì ngày mai có thể thay đổi, nhưng những cây đã bị chặt và bị méo mó hình hài thì còn, như một sự xúc phạm của con người với thiên nhiên.
"Một đôi vợ chồng già ngồi trước hiên nhà và ngắm nghía cái cây to mọc lên ở mô đất giữa hồ. Người vợ từng phiêu du đây đó, đàm đạo với vũ trụ nhưng ngẫm vẫn thấy cái cây trước nhà là cái cây đẹp nhất trong số những cái cây mà bà đã thấy. Còn người chồng chưa từng một lần bước chân qua phía lưng đồi, tấm tắc khen đó là cái cây đẹp" - Câu chuyện tôi mới bịa ra giúp bạn thêm yêu cuộc sống.
Việc sử dụng đồ gỗ là rất tốt nếu như biết sử dụng hợp lý, gắn với phát triển bền vững, trồng rừng, bảo vệ rừng và khai thác có kiểm soát. Và đặc biệt, giúp các làng nghề gỗ truyền thống có cách tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ! Mong rằng bài viết này sẽ có tác động tích cực tới cộng đồng, tôi muốn tất cả lấp lánh giữa bầu trời đêm!
Ảnh người viết chụp tại một khu bảo tồn thiên nhiên nào đó ở Việt Nam
Ảnh người viết chụp tại một khu bảo tồn thiên nhiên nào đó ở Việt Nam