Đa nhiệm hay chuyên môn hóa?
Với mình, thế giới lao động được chia làm hai kiểu người rõ rệt: đa năng và chuyên môn hóa. Những người đa năng thích ứng nhanh với...
Với mình, thế giới lao động được chia làm hai kiểu người rõ rệt: đa năng và chuyên môn hóa. Những người đa năng thích ứng nhanh với nhiều công việc, có thể hoàn thành tốt các việc ở một mức độ nào đó. Họ là những người khéo léo sắp xếp trong hoàn cảnh phải làm nhiều việc cùng lúc. Tuy nhiên, họ không thực sự nổi trội ở một lĩnh vực nhất định nào.
Trái ngược lại, những người chuyên môn hóa có thế mạnh và luôn tập trung làm tốt một (vài) việc nhất định. Họ không muốn và cũng ít có khả năng xử lý nhiều việc cùng lúc như những người đa nhiệm kia.
Từ những đặc điểm trên mà con đường sự nghiệp của hai kiểu người này khá là khác nhau. Trong khi những người chuyên môn xác định được hướng đi từ rất sớm, và luôn kiên trì theo đuổi lĩnh vực mình đã chọn thì những người anh em đa năng lại gian nan hơn. Họ mông lung vô định ở giai đoạn đầu, bởi gì cũng giỏi nhưng rút cục lại chẳng giỏi gì. Cùng với đó là áp lực từ những người bạn chuyên môn thành công sớm đè nặng khiến hội đa năng hay mắc bệnh tự ti và nóng vội. Bên cạnh đó, khi thay đổi môi trường làm việc, nhóm chuyên môn vẫn làm các công việc chuyên môn hóa như ở chỗ cũ. Còn với nhóm đa năng, họ gần như phải thay đổi tất cả: từ quy trình, đối tác, tính chất công việc,… Bởi mỗi đơn vị có một cách quản lý và vận hành khác nhau, buộc nhóm người này phải thay đổi để thích nghi.
Nhìn qua thì có vẻ nhóm chuyên môn có lợi thế hơn nhóm đa năng, và chúng ta nên chọn chuyên môn? Không, tự nhiên sinh ra mỗi người có những tính cách, tố chất và hoàn cảnh sống để hướng họ tới một trong hai nhóm người trên. Nếu cứ khăng khăng muốn vào nhóm còn lại thì họ sẽ khá mệt mỏi vì phải bó buộc bản thân lâu ngày.
Hơn nữa, dù giai đoạn đầu ở nhóm nào đi chăng nữa thì con đường phát triển sự nghiệp đều đưa chúng ta đến điểm trung hòa giữa hai nhóm này. Thời trẻ, bạn tập trung nghiên cứu các ngôn ngữ lập trình, làm ra các sản phẩm phần mềm. Đến một giai đoạn nào đó, bạn lên chức quản lý. Khi đó, bạn xử lý đa nhiệm như quản trị con người, lên chiến lược phát triển sản phẩm, lên kế hoạch tài chính,… Ngược lại, thời trẻ bạn kinh qua nhiều vị trí như bán hàng, chăm sóc khách hàng, tư vấn triển khai sản phẩm,… rồi dần dần bạn cũng lên quản lý. Trong quá trình đó, để vận hành tốt được doanh nghiệp, bạn phải đào sâu nghiên cứu về kỹ năng lập trình. Như vậy cũng là bạn đã từng bước vào chuyên môn phần mềm.
Là một người thuộc nhóm đa năng, mình cũng đã từng trải qua giai đoạn dài trong sự hoang mang, mơ hồ không định hướng. Nhưng rồi sau này, khi nhìn lại, mình thấy rằng tất cả mọi việc xảy ra đều có lí do của nó. Mình có kinh nghiệm ở nhiều vị trí, nhiều mảng khác nhau nên khi lên làm quản lý, mình không bị bỡ ngỡ quá nhiều. Thậm chí, mình có thể chủ động xử lý nhiều việc mà có lẽ, các bạn chuyên môn hóa phải trả giá đắt rồi mới học được. Qua đây, mình cũng muốn nhắn nhủ các bạn đa nhiệm rằng, vững tâm cố gắng từng ngày bạn nhé, rồi quả ngọt sẽ đến.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất