Đà Lạt chiều thẳng đứng
Ban đầu tôi tính làm một quả phim ký sự về Đà Lạt có cái tên như vậy. Một cái tên rất là Trần Anh Hùng, nhưng lại không liên quan gì...
Ban đầu tôi tính làm một quả phim ký sự về Đà Lạt có cái tên như vậy. Một cái tên rất là Trần Anh Hùng, nhưng lại không liên quan gì đến cái phim đó của Trần Anh Hùng, vì thực ra cái gọi là "chiều thẳng đứng" chẳng qua chỉ là do tôi quay bằng smartphone theo chiều dọc, làm thành vertical video.
Nhưng quả là không ngẫu nhiên khi trong page orientation, người ta gọi chiều ngang là landscape - đối lập với chiều dọc là portrait, bởi không bao giờ có thể thâu tóm cảnh quan của một vùng đất theo chiều dọc - kể cả đó có là miền đồi núi. Hơn nữa, tôi cũng không có lens hỗ trợ để quay góc rộng, nên tôi bỏ hẳn cái ý định quay phim ngây thơ đó và chuyển sang thể hiện bằng phương tiện quen thuộc: văn bản.

Viết về Đà Lạt, hiển nhiên cần phải đọc về Đà Lạt. Những tài liệu khoa học mà tôi tìm kiếm được chủ yếu nói về khía cạnh phát triển đô thị, kiến trúc cảnh quan hoặc đa dạng sinh học ở Đà Lạt. Không có gì gây hứng thú cho lắm.
Hứng thú hơn cả, có lẽ là con người và văn nghệ. Trong cái lần đi Đà Lạt trước, tôi thử tìm kiếm Đà Lạt trong âm nhạc, và tự thấy là bài hát về Đà Lạt hay hơn cả là bài Ai lên xứ hoa đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Hoàng Nguyên là một trong những nhân vật gắn liền với thành phố lạnh này. Thuở ấy ông lên Đà Lạt để dạy học, và có một người học trò là Nguyễn Ánh 9.
Trước đó nữa, tôi có theo dấu một nhân vật khá là thú vị, đó chính là Alexandre Yersin. Trong bài cũ, tôi đặt một dấu chấm hỏi sau mệnh đề Yersin là người đồng tính, nhưng giờ thì tôi thấy ông giống người vô tính hơn.
Vậy còn có những nhân vật nào đã đến và sống ở Đà Lạt?
Nhiều người hẳn đã biết, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam từng sống ở đây một thời gian và viết tiểu thuyết Xóm cầu mới. Trong thời gian đó, ông rất say mê hoa phong lan. Nhưng Đà Lạt với Nhất Linh lại cũng là một câu chuyện dang dở khác, dang dở như bức tranh Nguyễn Gia Trí vẽ ông.
Ta cũng có ở đây dấu chân của Khánh Ly, mà trong album Một đời Việt Nam, bà có nói là mình nhận lời lên hát ở một cái night club tại Đà Lạt vào tháng 11 năm 1962 và ở lại đó trong 5 năm. Năm 1964, trong một đêm mưa, bà gặp ông Trịnh Công Sơn. À, bài viết của tôi về ông Trịnh Công Sơn nhận được không ít ưu ái, hihi. Phản ứng nhận được càng cho tôi thấy rõ Trịnh Công Sơn là bằng chứng cho sự trượt nghĩa và lộn ngược về nghĩa của thời này. Mà thôi, tôi sẽ đụng vào nhân vật ấy vào một ngày khác, khi tôi cảm thấy mình sưu tầm đủ lời chứng để nói về cái sự lập lờ đê tiện của Trịnh Công Sơn.
À có một nhân vật nữa cũng lấy Đà Lạt làm cảm hứng để viết truyện thiếu nhi. Đó là Nguyễn Nhật Ánh với Chuyện xứ Lang Biang - một sự hưởng ứng tiếng vang của Harry Potter ở Việt Nam. Tôi vẫn nhớ rõ cái chi tiết ông thầy Râu Bạc nói về làng ke có hình dáng của một con ngựa. Đà Lạt có hình dáng một con ngựa không nhỉ?
Nhưng nhân vật lần này khiến tôi cảm thấy đáng đọc nhất chính là người mà Hoài Thanh chê tơi tả: Nguyễn Vỹ. Theo mấy trang báo trên mạng thì Nguyễn Vỹ chính là người đã đặt tên cho Hồ Xuân Hương, khi đang là Chủ tịch Hội đồng Thị xã Đà Lạt. Đọc Văn thi sĩ tiền chiến và Tuấn - chàng trai nước Việt, tôi nhận ra bấy lâu nay không đọc Nguyễn Vỹ quả là một thiếu sót lớn.
25.02.20
Nhận xét của anh V. đã làm mình suy nghĩ một lúc. Nó dẫn ngay về phim Birdman, và mình tưởng mình là Tabitha, đang nghe Riggan Thomson nói rằng mình chỉ là một tên lười, không thể nhìn thấy một bông hoa nếu không dán nhãn cho nó, với những âm thanh hỗn loạn trong đầu mà mình tưởng là tri thức. "A thing is a thing, not what is said about that thing". Nghĩa là mắt thấy mà như đui, tai nghe mà như điếc, tay sờ chạm mà như tê liệt, bởi vì mình không thể phản ứng lại với những tiếp xúc vật chất một cách chất phác, ban sơ, đơn thuần, mà phải luôn suy nghĩ về chúng. Hình như khi người ta càng cố biết nhiều ký hiệu ngôn ngữ để gọi tên thế giới, nhằm tránh cảm giác anxious, thì họ lại chìm sâu hơn vào vòng lặp của anxiety. Dần, sẽ không thể chịu đựng nổi nếu như nạp vào đầu một tri nhận giác quan mà không có lớp vỏ ngôn ngữ tương ứng, hay nói như Saussure là có signifié mà không có signifiant. [liệu cách mà con người ngày nay chỉ thấy cảnh đẹp qua camera và đã được color grading có phải là một sự mất ngây thơ khác?]

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất