Bằng trải nghiệm của chính mình sau 2 lần thử xem Money Heist thì mình khuyên thật là các bạn đừng xem nếu không muốn bị nghiện phim này huhu :’> một bộ phim tuyệt đỉnh trong lòng tôi các bạn ạ =)) Lần trước, vô tình thấy đoạn trailer đầy tình tứ của Rio và Tokyo trên youtube và ngay lập tức bị hấp dẫn bởi mối tình có vẻ rất thú vị này, nên mình đã tìm và xem thử Money Heist, chỉ vì tò mò về hai nhân vật đó cùng những biến cố tình cảm giữa họ thôi. Nào ai ngờ mình bị cuốn theo mạch phim và cày luôn cả 3 seasons, dù mình là một đứa rất thiếu kiên nhẫn để xem phim bộ. Còn lần này, bấm bụng bảo chỉ xem lại qua qua (kiểu vừa xem vừa tua) để giết thời gian mấy ngày nhàn rỗi sau Tết thôi, ai ngờ lại một mạch xem hết luôn 2 phần đầu (tức là trọn vẹn 1 vụ cướp) vì quá hấp dẫn.  
————————————
Money Heist kể về một vụ cướp ở Xưởng in tiền Hoàng gia Tây Ban Nha (với tên gốc là La Casa de Papel, tạm dịch là Ngôi nhà của giấy, ám chỉ xưởng in tiền kia) của 1 nhóm 9 tên cướp mang tên các thành phố: Rio, Tokyo, Berlin, Nairobi, Moscow, Denver, Helsinki, Oslo; riêng kẻ cầm đầu thì được mọi người gọi với một cái tên đầy kính trọng là Profesor (tiếng Tây Ban Nha: giáo sư). 
Mỗi tập phim sẽ hé lộ một chút về toàn bộ kế hoạch có thể nói là hoàn hảo của Giáo sư, và sẽ nhiều phen khiến người xem phải ồ lên vì ngạc nhiên đấy. 
Có rất nhiều thứ mình thích ở phim này, những tình tiết hay những thông điệp, những vấn đề được khéo léo lồng ghép trong phim, khiến mình phải suy nghĩ. Mình sẽ viết ở đây một vài thứ tiêu biểu, theo một thứ tự ngẫu nhiên, không sắp xếp.  
1. Câu hỏi lớn nhất xuyên suốt cả bộ phim mà mình luôn tự hỏi ấy là về cái thiện và cái ác cùng với cái ranh giới mỏng manh giữa chúng. Đâu là thiện, đâu là ác? Liệu một người nào đó có luôn thiện, hay luôn ác? Kẻ cướp cũng có lòng nhân hậu ư? Cảnh sát cũng hành động tàn nhẫn đến thế? Một viên đạn bắn ra, nếu từ tay một kẻ cướp thì xã hội oán thán, nếu từ tay một cảnh sát thì người người ca tụng?... Hàng loạt các câu hỏi tương tự cứ thế xoay vòng vòng trong đầu mình mỗi khi chứng kiến một hoàn cảnh mà mình không thể nào đưa ra nhận định đúng sai thông qua những lẽ phải đạo đức thông thường.
Thực ra bản thân mình từ lâu cũng đã học được cách không đánh giá một hành động nào đó chỉ dựa trên những gì mình nhìn thấy, những thứ nằm trên bề nổi, dưới hệ thống các tiêu chuẩn đạo đức và sách vở, truyền thông nói chung vẫn thường rao giảng. Có một số điều mình vẫn luôn tin, đến mức nó gắn chặt trong tiềm thức và trở thành cách mình tư duy nhìn nhận vấn đề, chẳng hạn như đằng sau một điều mình nhìn thấy, biết đâu là cả một câu chuyện mà người đời chẳng hay biết, người trong cuộc cũng không thể phô bày, hoặc là "chúng ta cảm thấy mình có đạo đức, chỉ là vì chưa có cơ hội để làm sai". Và mình vốn cũng đã hiểu rằng tâm lý con người như một ma trận cực kỳ phức tạp, có những trường hợp tưởng làm đúng nhưng lại là sai, tưởng chừng xấu xa nhưng lại được xuất phát bởi một cái tâm thiện lành. Đúng đúng sai sai, đến một lúc nào đó tưởng như chẳng còn thấy cái ranh giới phân định nằm đâu, mà khi ấy, phân định đúng hay sai, tốt hay xấu, thiện hay ác, dường như chẳng còn quan trọng đến thế. Vốn đã có cái nền tư duy như thế, vậy mà mình vẫn không thoát khỏi những câu hỏi bắt mình phải suy nghĩ về cái đúng cái sai mà bộ phim gài gắm thông qua các tình tiết và nhân vật.

2. Mình thích Berlin, và cũng thích cái cách mà người ta đặt tên cho Berlin, bởi anh thực sự giống như những gì mà mình cảm nhận về cái thành phố tiêu biểu của phe Đồng minh thời Thế chiến II ấy.
Anh cao ngạo, hào nhoáng, coi trọng danh dự, cho rằng dù mình có là một kẻ cướp thì cũng phải giữ thanh danh, anh cảm thấy bị xúc phạm khi bị cảnh sát gán cho cái tội danh là ma cô, từng chăn dắt và hãm hiếp nhiều cô gái, đến mức mà anh đã cho người ra tay với Denver vì cho rằng nguyên nhân là ở anh này.
Anh có cái nhìn mù quáng về chuyện tình cảm, khi tin rằng Ariadna thực sự yêu mình. Nhắc đến chuyện tình cảm thì mình cũng thấy một chi tiết khá là vô lý ở nhân vật này khi mà sai lầm trong hôn nhân đến tận 5 lần (chuyện hôn nhân sai đến 3 lần đã là nhiều lắm rồi, tích lũy cũng phải đến cả xe ô tô kinh nghiệm rồi chứ ít ỏi gì đâu mà vẫn tiếp tục sai thêm vài lần nữa), trải qua nhiều đời vợ như thế, mà anh vẫn tin vào tình cảm của Ariadna. Hoặc là anh thừa biết, nhưng vẫn cố tình tin, cố gắng lừa dối bản thân để tin vào một điều gì đấy đẹp đẽ giữa cuộc chiến này. (Theo mình thì ông này thực sự tin, nhìn qua ánh mắt, biểu cảm, cử chỉ là thấy, nhưng tin theo cách là hoàn toàn tin tưởng, hay vô thức tự kỷ ám thị bản thân đến mức tin tưởng, thì mình không chắc).
Dù sao thì, đấy cũng không phải là những cảm nhận chính của mình về Berlin, mà điều rõ nét nhất ở nhân vật này đối với mình là sự hình ảnh mà anh đại diện. Mình cho rằng, anh là một nguyên mẫu tiêu biểu của một Đức Quốc xã lạnh lùng, vô cảm, tàn bạo. Và cũng từ cảm nhận ban đầu về Berlin như thế, mình bắt đầu liên tưởng đến những nhân vật khác, và một cách bao quát, mấy chục con người, dù vô tình hay chủ ý, mắc kẹt trong Xưởng in tiền ấy tạo với nhau xã hội thu nhỏ, một xã hội tương tự như xã hội Đức thời Thế chiến II. Những con tin giờ đây trở thành những người bị bắt bớ, đe dọa như cách mà những người Do Thái từng phải trải qua. Những tên cướp còn lại thì giống như những người lính, một lòng trung thành với sứ mệnh cai trị và bài trừ những kẻ thù Do Thái, và tin rằng mình đang chiến đấu vì một tương lai tươi đẹp hơn ở phía trước. (Có một chi tiết mà Berlin đã nhắc đến hình ảnh "trại tập trung", và điều đó càng khiến mình tin rằng Berlin chính là hiện thân của vị Quốc trưởng Đức Quốc xã.) (Từ góc độ này, mình có rất nhiều liên tưởng thú vị khác từ những biểu cảm, những hành xử, những quyết định của Berlin mà trong phạm vi bài viết này, mình sẽ không đề cập thêm nữa).

3. Phim kể chuyện ăn cướp, nhưng lại thấm đượm những bài học nhân văn về tình người.
Là tình cha con giữa Moscow và Denver, qua những hồi tưởng về cuộc hội ngộ trên ô tô sau khi người cha ra tù, về cuộc trò chuyện trước sân nhà vào buổi sáng an nhiên trước khi cuộc chiến bắt đầu, như người ta vẫn thường hay ví von về bầu trời yên bình trước bão tố. Hay qua lần Denver mạo hiểm đưa người cha của mình lên sân thượng chỉ để hít thở khí trời.
Là tình mẫu tử của Nairobi và đứa con trai bị người ta đem đi mất. Mình nhớ mình đã khóc khi xem đến đoạn bà cảnh sát kia đưa đứa bé ra làm mồi nhử thách thức tình thương của cô. (Nhắc đến cái bà cảnh sát này là lại thấy sôi máu).
Là tình đồng chí giữa Helsinki và Oslo. Hai người đã cùng chiến đấu trên rất nhiều mặt trận, ấy thế mà lại chẳng thể cùng nhau đi hết cuộc chiến này, để lại cho người còn sống một nỗi đau thật lớn khi phải tự tay đưa người bằng hữu của mình về nơi yên nghỉ.
Là tình cảm vô hạn của Giáo sư dành cho người cho nghèo khó, và dành cho anh trai của mình. (Mình chưa xem lại phần 3 nên không nhớ nhiều lắm những chi tiết diễn tả tình cảm này, nhưng đọng lại trong mình là một thứ tình cảm bất diệt, rất đáng trân quý).
Còn nhiều, nhiều lắm, các bạn nên tự xem để cảm nhận và chiêm nghiệm thêm nhé!
4. Bên cạnh đó còn lồng ghép rất khéo léo các vấn đề xã hội, văn hóa, khoa học, chính trị,...
Mình chỉ muốn nhắc đến một chi tiết ở đây. Ấy là sau khi Berlin phạm sai lầm, Nairobi lên nắm quyền thay, và cô tuyên bố: "Xã hội Mẫu hệ bắt đầu" - Netflix dịch đại loại như thế, (mình đã cực kì thích thú với lời tuyên bố này, tuy nhiên). Dưới sự lãnh đạo của cô, xã hội thu nhỏ này đã có những sự chuyển biến trong cách vận hành. Mình sẽ không phân tích chi tiết đâu vì thú thực mình không am hiểu về chính trị cho lắm. Mình chỉ bằng những hiểu biết ít ỏi của mình và quan sát thấy có những sự thay đổi, tập trung vào những thứ mang tính cảm tính nhiều hơn. Cô tin rằng một xã hội có thể vận hành tốt bằng tình cảm và sự tin tưởng tôn trọng lẫn nhau. Để rồi cô phải khóc lên trong sự thất vọng và ngậm ngùi nhượng sự điều hành lại cho Berlin. (Có thể sau này khi suy nghĩ sâu sắc hơn về chi tiết này thì mình sẽ quay lại phân tích rõ ràng hơn những quan điểm của mình, còn hiện tại thì mình chỉ viết ra đây với tính chất gợi mở thôi).

5. Những cảnh tình dục trong phim thực sự rất cuốn. :D
Như nào nhỉ, có lẽ bởi nó thể hiện sự chủ động từ cả hai phía, không phải kiểu tình dục mà con gái e thẹn một cách thụ động. Và bởi vì những cảnh này được diễn rất thật, sinh động, mãnh liệt, nhưng không quá phô trương. (Mình cũng không suy nghĩ nhiều lắm về khía cạnh này, nên cũng không biết viết gì thêm, chỉ có một cái cảm nhận như trên đề mục thôi à).
 
6. Nói thêm một chút về bài hát trong phim: "Bella Ciao"
Có lẽ ai xem xong phim này cũng đều không quên được giai điệu âm vang, hào hùng, hừng hực khí thế của bài hát này. Mình cũng thế, và cũng từng tìm rồi nghe đi nghe lại nó. Và cũng nhờ đó mà mình có thêm câu chuyện nói với một bác tình nguyện viên 74 tuổi người Ý mà mình từng làm việc cùng. Khi mình nhắc đến bài hát này và ngân nga "Oh Bella Ciao, Bella Ciao, Bella Ciao ciao ciao...", bác ấy đã vô cùng ngạc nhiên và vui sướng, mình đoán là như thể mình nghe thấy giai điệu Tiến quân ca khi đang đứng trước thành Rome xa xôi vậy. Bác ấy nói không ngờ mình lại biết đến bài này, rồi sau đó kể cho mình nghe về nguồn gốc của nó, rằng đây là một bài hát gốc Ý, ra đời trong cuộc biểu tình (hay gì đó đại loại) của nhân dân Ý.... Mình đã thực sự cảm thấy rất vui khi có thể kết nối với một người chẳng cùng thế hệ, lại chẳng cùng ngôn ngữ hay màu da, tôn giáo, quê hương chỉ nhờ 1 bài hát như thế.

Lời kết: 
Hi vọng với vài phút bỏ ra để đọc bài viết này thì dù cho bạn vẫn chưa thấy đủ hứng thú để bắt đầu cày mấy chục tập phim, bạn vẫn có thể nhặt nhạnh được thứ gì đó hay ho, tích cực cho bản thân mình. 
Have a nice day!