Kỹ năng nghe phải được quy vào nhóm kỹ năng sinh tồn
Kỹ năng nghe phải được quy vào nhóm kỹ năng sinh tồn
Thưa các bạn, một trong những kỹ năng mang tính sống còn của một người kinh doanh, đó chính là: kỹ năng lắng nghe.
NẾU CHỈ NGHE
Rất có thể bạn chỉ nhận được sự điều hướng để giải quyết nhu cầu cho người khác, một cách miễn phí. Điều này thực sự nguy hiểm, nếu bạn không nhận ra, đó là người xấu, dẫn dắt bạn làm những việc sai trái.
NẾU LẮNG NGHE
Bạn sẽ nhận biết được rõ ràng: Người đó muốn gì? Họ cần gì ở mình? Mình giúp gì được cho họ? Từ đó, bạn có thể đưa ra quyết định nhanh chóng.Lắng nghe, tức là thông qua ngôn từ, thái độ, cử chỉ, logic để nắm bắt được nhu cầu của người đối diện.
- Có những người nói trời nói biển, “chém phần phật”, cuối cùng nhu cầu của họ chỉ là muốn thể hiện bản thân. Và cái họ cần chỉ là 1 lời khen ngợi, 1 sự tôn vinh. Việc bạn nhận biết được rõ điều này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định, có cho họ cái họ cần không? Nên nhớ: 1 lời khen ngợi sai chỗ lại thành hại người ta đó, hãy cân nhắc.
- Có những người nói đủ thứ về trải nghiệm bản thân, cuối cùng nhu cầu của họ là muốn bán hàng. Họ bán 1 thứ gì đó cho bạn. Bất cứ thứ gì mà họ đang dẫn dắt.
- Có những người kể về đủ thứ khó khăn, vất vả, khúc mắc với bạn, cuối cùng nhu cầu của họ có thể là cần 1 sự động viên, chia sẻ, hoặc là họ đang tìm kiếm giải pháp cho bản thân. Vậy chúng ta hoàn toàn có thể cho đi 1 sự động viên, giúp họ vơi đi những vất vả đó.
Cho đi không chỉ là tiền đâu thưa các bạn, nhiều người chúng ta quá thực dụng, đo lường vạn vật trên thế giới này chỉ duy nhất bằng tiền. Tuy nhiên, đó là họ, không phải là bạn.
Nếu bạn có dư giả tiền bạc, cho tiền cũng là 1 cách cống hiến cho xã hội. Nếu không, chúng ta hoàn toàn có thể cho đi nụ cười, sự động viên, sự chân thành, sự ấm áp, sự giúp đỡ nho nhỏ, hay chỉ đơn giản là thể hiện lòng biết ơn, trân trọng … đó là tài sản vô giá trong mỗi chúng ta, giúp chính chúng ta và cả những người xung quanh luôn cảm thấy mình sống có ý nghĩa và tích cực hơn.
Mặc kệ những ai biết trân trọng những thứ đó hay không, chúng ta hãy cứ cho đi. Họ không trân trọng – đó là thái độ của họ. Ta cho đi – đó là lựa chọn của ta. Cũng đừng trách họ không trân trọng, nếu có khó chịu trong lòng, hãy hỏi tại sao bản thân mình vô giá trị với họ.
Sở hữu kỹ năng lắng nghe ở mức nhuần nhuyễn. Bạn sẽ tiết kiệm được vô khối thời gian giao tiếp.
Sở hữu kỹ năng lắng nghe ở mức nhuần nhuyễn. Bạn sẽ tiết kiệm được vô khối thời gian giao tiếp.

BIẾT QUAN SÁT VÀ LẮNG NGHE, BẠN SẼ THẤY NHIỀU THỨ HƠN

Tôi từng chứng kiến những buổi tụ tập đông người. Tại đó, có người chỉ quan tâm, hỏi han những người già có lợi cho họ, tức là họ chỉ quan tâm, hỏi han những người già cả đem lại mối quan hệ có lợi cho sự thăng tiến của họ trong xã hội.
Họ bỏ mặc những người già khác – mà họ cho rằng vô giá trị đối với họ. Hành động này thật đáng ghê tởm. Họ hiểu rõ nhu cầu của những người già luôn là muốn được thấy mình còn giá trị, người già cả, họ sợ nhất là mất giá trị trong lòng người khác, sợ mình không còn tồn tại, sợ bị bỏ rơi … những kẻ như vậy trong xã hội nhan nhản, vậy mới là xã hội.
Tôi gọi nhóm người đó là những kẻ trục lợi, tiểu nhân. Nhưng có 1 điều, họ có trí tuệ cảm xúc rất cao, rất thông minh, chỉ là họ dùng nó vào chỗ họ muốn mà thôi.
Lại 1 câu nói: Đó là việc của họ, không phải việc của mình. Quan sát như vậy để chúng ta nhận biết họ, và đối nhân xử thế cho phù hợp thôi. Không phải để tỏ thái độ, hoặc bóc mẽ, lên án họ – làm như vậy không có bất cứ cái lợi nào cho mạng lưới quan hệ, cộng đồng của bạn. Bởi vì, bạn nhìn thấy, người khác cũng thấy.
SỞ HỮU KỸ NĂNG LẮNG NGHE – BẠN CÓ RẤT NHIỀU CƠ HỘI
Giữa con người với con người, lắng nghe để hiểu nhu cầu, có đáng để ta tìm cách thỏa mãn họ hay không?
Giữa con người với cộng đồng, lắng nghe để hiểu nỗi đau chung, đưa ra giải pháp tổng thể, bạn sẽ có giá trị, Và khi có giá trị, mọi thứ sẽ tự nhiên đến với bạn. 
Cộng đồng, dưới góc nhìn kinh doanh, chính là những khách hàng tiềm năng của bạn, bạn càng thể hiện được giá trị thông qua giải pháp giúp đỡ cho cộng đồng. Doanh thu của bạn càng tăng, 2 thứ này là tỷ lệ thuận.
Lắng nghe nhu cầu, bạn sẽ hiểu từ gốc vấn đề, và sau đó dùng óc sáng tạo, kết nối để đưa ra giải pháp thỏa mãn nhu cầu đó, bạn là 1 doanh nhân thực thụ. 
Cộng đồng càng lớn, số tiền mà bạn nhận về cũng sẽ tỷ lệ thuận.
Ví dụ: Trong việc phát triển chuỗi Căn hộ mini Full House của tôi
Cộng đồng là: Những nhóm người có nhu cầu an trú, cư trú dài hạn.Nhu cầu là: Được chăm sóc, được bảo vệ, được an toàn, được ở 1 nơi thoải máiPhân khúc trung trong cộng đồng này là: muốn Ở sạch, được đề co có phong cách, đồ đạc đầy đủ có sẵn. Giải pháp là: Tạo ra phòng cho thuê thỏa mãn với nhu cầu đó, có tủ lạnh, có điều hòa, có dọn dẹp vệ sinh hàng tuần, có người đổ rác cho cư dân.
Và rồi, khi tạo ra được sản phẩm, dịch vụ mà cộng đồng, xã hội cần thì tất yếu là sẽ được đón nhận.
Hiểu rõ được điều này, tự nhiên bản thân tôi biết cách tìm kiếm cộng đồng ở đâu, những ngày đầu, tôi tự tìm vào những cộng đồng có sẵn trên Facebook để chào hàng, để thể hiện rằng: Mình có thể giải quyết nhu cầu của họ, bằng những bài viết, những thông tin … để bán hàng.
Vậy, dù bạn có đang kinh doanh hay không? Nhìn theo góc nhìn này dẫu sao vẫn có lợi hơn trong công việc.
Ví dụ, bạn làm nhân viên văn phòng, bạn đang bán sức lao động và trí tuệ, thời gian của mình.
Cộng đồng là: Những nơi có khách hàng của Công ty bạn, có thể là những Công ty khác hoặc nhóm người bạn đang có mặt để tương tác và giải quyết công việc.Nhu cầu: Chính là những gì mà sản phẩm, dịch vụ của Công ty bạn đang cung cấp để thỏa mãn khách hàng. Hay hơn, gọi là hài lòng. Ví dụ, Công ty viễn thông thì giải quyết nhu cầu về thông tin liên lạc, Shop thời trang thì giải quyết nhu cầu về mặc đẹp, thể hiện bản thân, phong cách.Giải pháp của Công ty bạn chính là những đặc tính, ưu việt, bản chất của sản phẩm, dịch vụ Công ty bạn cung cấp.
IM LẶNG CÓ LÀ VÀNG?
Người ta tin rằng: im lặng là vàng. Tôi không nghĩ vậy. Biết lắng nghe mới là vàng, quan trọng là: Trong lúc im lặng, chúng ta làm gì?
Đến đây, có thể bạn nào chưa kinh doanh, nghe có vẻ phức tạp, khó hiểu hơn rồi, bởi vì liên quan đến kinh doanh. Tôi xin phép được nói lại về việc lắng nghe nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày, để bạn dễ hình dung hơn nhé.
Khi lắng nghe 1 người nói chuyện về những chiến công của mình, những việc họ làm được, tùy từng thái độ của họ, chúng ta có thể nhận biết nhu cầu của họ có thể là muốn được trọng vọng, được tôn vinh.
Khi lắng nghe 1 người kể về những sai lầm của mình, rất có thể họ muốn chia sẻ những bài học kinh nghiệm, và muốn chúng ta ghi nhận, rút kinh nghiệm từ sai lầm của họ. Nếu bạn kết luận nhầm là họ muốn thể hiện, bạn lại tôn vinh họ thì chắc chắn họ sẽ mất hứng và không còn hứng thú chia sẻ với bạn nữa. Hãy đáp trả họ lại bằng sự trân trọng, rồi có thể chia sẻ những sai lầm của bản thân mình, và rồi điều này sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ giữa 2 người luôn gắn bó và cùng nhau phát triển, học hỏi lẫn nhau.
Có 1 số người, họ nói sai sự thật về những thứ họ có, tức là họ đang tìm kiếm những ảo tưởng. Họ tham lam thì rất có thể họ sẽ nhận lại sự ảo tưởng. Tuy nhiên mục đích của họ cuối cùng vẫn cứ muốn những thứ mà họ không có. Vậy nên hãy chân thành đối đãi với tất cả mọi người các bạn nhé.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
Tóm lại, trong cuộc sống, lắng nghe nhu cầu của người khác sẽ giúp bạn tối giản những vấn đề, giúp đầu óc bớt những thứ phức tạp, loằng ngoằng và để dành tâm trí cho những thứ quan trọng hơn. Từ đó phát triển bản thân và cuộc sống tốt hơn.
Bởi vì không phải ai cũng biết cách chia sẻ rõ ràng, có nhiều người họ luôn sợ hãi khi người khác nghĩ xấu về mình nên họ dẫn dắt câu truyện khá dài dòng, hãy thông cảm cho họ.
Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc hết bài viết này. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid, rất mong các bạn tuân thủ các quy định Pháp luật về giãn cách xã hội, về thông điệp 5K của Bộ y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo. Chúc bạn thành công!