Diệt chủng, nạn đói, lạm phát, AI thay thế loài người, mức lương không đủ sống khiến người trẻ làm việc tới độ tuổi nghỉ hưu vẫn không đủ tiền để mua nhà nền kinh tế hiện nay, v.v. là những đề tài tràn ngập trên các trang tin tức bên cạnh những câu chuyện phù phiếm của người nổi tiếng khiến tôi không biết mình có phải đang sống trong thực tại của loạt phim The Hunger Games hay tôi đang chứng kiến thế giới này đang đi vào lụi tàn. Do Not Expect Too Much from the End of the World (2023) của đạo diễn người Romania Radu Jude là kiểu phim gợi nhắc khán giả rằng cuộc sống hiện đại này tồi tệ tới mức nào với một lối làm phim mới lạ, có phần quái đản và đầy châm biếm. Cái chất hài đen tối đầy yếm thế của phim được thiết lập ngay từ những phút đầu với câu chuyện đùa của nhân vật chính về một thiếu niên người Mỹ mua súng cho một cuộc xả súng tại trường học được người bán giới thiệu chương trình quyên góp súng máy cho Ukraine bằng cách mua một khẩu bazooka.
Do Not Expect Too Much from the End of the World mang thể loại ‘road trip’ (hành trình phiêu lưu trên đường) theo chân Angela Răducanu trong một ngày làm việc của cô diễn ra chủ yếu trong chiếc xe ô tô. Cô là trợ lý tại một công ty sản xuất phim ảnh đang đảm nhận dự án sản xuất video về đề tài đảm bảo an toàn trong lao động. Nhiệm vụ của Angela là đi tìm và phỏng vấn những người công nhân từng gặp tai nạn nghề nghiệp, khiến họ mất đi khả năng làm việc. Cô còn phải chạy việc vặt như đặt chỗ tại nhà hàng và đưa đón khách hàng tại sân bay. Ngày làm việc của cô bắt đầu lúc 5h30 sáng cho đến tối mịt, đồ ăn nhanh và cà phê là bạn đồng hành của cô, bên cạnh đó là những bài nhạc hiphop tục tĩu và ầm ĩ có vai trò giúp cô tỉnh táo trên suốt chặng đường của mình. Xuyên suốt phần lớn thời lượng của phim, ta chứng kiến cô lái xe băng qua những con đường giao thông đầy hằn học và ngột ngạt của thủ đô Bucharest, Romania – một nơi khiến tôi phát sợ bởi cách lái xe của người dân nơi đây. Một người đi phỏng vấn những công nhân gặp tai nạn nghề nghiệp lại trớ trêu thay cũng phải đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân kế tiếp trong khi bị cấp trên bóc lột sức lao động của mình.
Thú vui giải trí duy nhất của Angela trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi chớp nhoáng là quay các video TikTok với một bản dạng trực tuyến mang tên Bobita. Là một người lịch sự và ân cần với những người yếu thế hơn ở ngoài đời thực, nhưng khi Angela ‘đội’ lên một lớp filter đầu hói với hàng lông mày khổng lồ cùng bộ râu dê, cô trở thành một gã dân chơi xem thường phụ nữ, một kẻ đại diện cho tính nam độc hại và hắn luôn đưa ra nhận xét suy đồi nhất về mọi thứ xung quanh. Bobita là cách Angela giải tỏa căng thẳng sau hàng giờ ngồi sau tay lái, cô dùng nhận dạng này để phê phán và châm biếm mọi khía cạnh tồi tệ trong xã hội, đơn cử như khác biệt giàu nghèo thông qua cuộc hội thoại giả tưởng giữa Bobita và vua Charles III về cách sở hữu một bãi cỏ đẹp như của Hoàng gia Anh: “Bobita à, cậu chỉ cần tưới nước và cắt cỏ thôi. Rồi 300 năm sau, cậu sẽ có một bãi cỏ đẹp như vậy.” Ngoài phân đoạn cuối phim dài gần 40 phút, những khoảnh khắc ngắn ngủi của Bobita đều có màu sắc, trái ngược với tông màu đen trắng tối tăm của Angela, như thế cô tìm được niềm vui và sự tự do trong chính bản dạng đàn ông suy đồi này.
Nhận dạng trực tuyến Bobita của Angela
Nhận dạng trực tuyến Bobita của Angela
Những người được phỏng vấn buộc phải trả lời liệu lúc xảy ra tai nạn có đội mũ bảo hộ không như một cách doanh nghiệp đổ hết trách nhiệm sang chính nạn nhân mặc cho hầu hết các tai nạn đó không hề ảnh hưởng đến phần đầu và nguy cơ xảy ra tai nạn mang tính hệ thống lại đến từ sự vô tâm của các tập đoàn. Tuy vậy, doanh nghiệp đó vẫn cho rằng họ sản xuất đoạn phim này để thể hiện sự quan tâm đến nhân viên của mình. Trong quá trình lựa chọn nhân vật chính cho đoạn phim cảnh báo về tai nạn lao động này, người đại diện khách hàng lẫn đạo diễn đều lộ rõ sự phi nhân tính khi đưa ra những lời nhận xét tước bỏ đi tính người của một nạn nhân bị thương phần mặt và gọi anh bằng những cái tên như “sinh vật kì quặc” hay “quá giống phim Freaks (Những kẻ dị hợm) của đạo diễn Tod Browning.”
Don’t Expect Too Much From the End of the World là một sự chơi đùa đầy tinh quái và mang tính thể nghiệm giữa các định dạng video, từ phim điện ảnh trắng – đen với hình ảnh được tùy chỉnh đến mức vỡ nhòe, những đoạn clip được quay cùng filter trên TikTok bằng điện thoại, cho đến phân đoạn lặng thinh kéo dài 5 phút gồm một chuỗi các cảnh quay ngắn các bia mộ tưởng nhớ những người đã qua đời do tai nạn giao thông trên tuyến đường được mệnh danh là chết chóc nhất Romania. Không chỉ dừng lại ở việc làm mờ nhòe đi ranh giới của thể loại video mà Radu Jude còn tạo cầu nối giữa hiện tại và quá khứ để xét lại cuộc sống của con người nhỏ bé trong hai chế độ xã hội khác nhau bằng cách đan xen những đoạn cắt trong phim Angela Goes On (1981) – một bộ phim của đạo diễn Lucian Bratu trong thời kì cuối chế độ độc tài Nicolae Ceaușescu. Bộ phim cũng theo chân một nữ tài xế taxi tên Angela và bà phải lái xe hàng chục tiếng mỗi ngày khắp mọi nẻo đường của thủ đô Bucharest để mưu sinh. Sự xen kẽ giữa hai tác phẩm điện ảnh là một cuộc đối thoại giữa hai Angela, một thuộc chủ nghĩa Cộng sản trong quá khứ và người còn lại sống trong chủ nghĩa Tư bản ở hiện tại, trong cùng một đất nước Romania. Và đoạn hội thoại này đã đưa ra một câu trả lời rằng, dù đã trải qua nhiều thập kỉ nhưng người dân vẫn luôn đối mặt với một hiện thực bị bóc lột, và phụ nữ vẫn chịu sự xem thường từ những người đàn ông họ gặp trên đường. Song, trái ngược với mọi hi vọng rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn, dường như Angela của thời hiện đại lại chịu nhiều bất công hơn khi cô liên tục phải làm thêm giờ nhưng không được trả lương đúng với công sức mình bỏ ra và luôn phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông. Liệu trong một thời đại cấp tiến, dân chủ, hòa bình hơn thì liệu người dân, không chỉ ở mỗi Romania mà còn ở các quốc gia khác, có tránh được sự bất công hay vẫn chịu sự bóc lột được che đậy dưới nhiều vỏ bọc mới?
Tiêu đề của phim được vay mượn từ câu châm ngôn của nhà thơ người Ba Lan Stanisław Jerzy Lec. Ông từng sống sót qua hai trận Thế chiến và chứng kiến quê hương mình bị các quốc gia chiếm quyền cai trị. Có lẽ vì vậy nên nhà thơ này xem sự tận thế hay sự kết thúc của thế giới ông từng biết là một điều bình thường và ông không còn hi vọng nào cho tương lai. Đạo diễn Radu Jude cho biết rằng: “Tiêu đề của phim là sự pha trộn giữa góc nhìn nghiêm túc và tiêu cực với một thái độ châm biếm và hài hước, khắc họa rõ ràng nhất cả hai chiều hướng của bộ phim. Một mặt thì vô cùng nghiêm trọng còn mặt khác lại rất cợt nhả.”
Trong quyển Capitalist Realism (Hiện thực Tư bản) của mình, Mark Fisher nói rằng: “Ta dễ tưởng tượng ra ngày tận thế hơn là cái kết của chủ nghĩa tư bản.” Từ những cuộc diệt chủng của chủ nghĩa đế quốc thực dân bằng cách xóa sổ các nền văn hóa và lối sống đi kèm với sản xuất và trao đổi hàng hóa, cho đến sự biến đổi khí hậu nhân sinh đều có bàn tay của chủ nghĩa tư bản trong đó. Sự phi nhân tính của chủ nghĩa tư bản chính là cái kết của thế giới này, bởi vì đây là một trò chơi bị thao túng bởi một vài cá nhân và hàng tỉ người còn lại buộc phải tham gia: hoặc họ phải chịu đựng sự bóc lột, tước đoạt và giam cầm, hoặc họ bị vứt ra ngoài rìa xã hội. Ta đang chứng kiến và chịu đựng một thế giới nơi giá trị sống dần lụi tàn.
Chủ nghĩa tư bản đã ăn sâu vào cốt lõi của thế giới này đến mức nó trở thành một hiện thực mới len lỏi vào trong lối sống của nhiều thế hệ, đến mức ta không thể tưởng tượng ra một hiện thực nào khác mà không có sự tồn tại của nó. Chúng ta có thể nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống bóc lột, khủng khiếp, buộc hầu hết chúng ta phải bán rẻ bản thân để tồn tại trong một môi trường nơi người mua ngày càng ít đi - nhưng hành động của chúng ta lại tiếp tay cho hệ thống này dù vô tình hay hữu ý.
Đừng mong đợi quá nhiều ở thời khắc tận cùng thế giới, đừng mong đợi mua nhà chỉ với một hay thậm chí hai công việc trong nền kinh tế này, đừng mong đợi có một sức khỏe tốt khi mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng tại các đô thị lớn. Ta được bảo rằng việc hạ thấp sự mong đợi của bản thân là một cái giá nhỏ bé để đổi lại sự bảo bọc khỏi nạn khủng bố và chủ nghĩa toàn trị. Khi nói về vấn đề này, triết gia người Pháp Alain Badiou đã nhận định: “Chúng ta đang sống trong một sự mâu thuẫn, một tình trạng tàn bạo, bất bình đẳng sâu sắc - nơi mọi thứ tồn tại đều được đánh giá chỉ bằng tiền bạc - lại được trình bày cho chúng ta như là lý tưởng. Để biện minh cho chủ nghĩa bảo thủ của mình, những người ủng hộ trật tự hiện hành không thể thực sự gọi nó là lý tưởng hay tuyệt vời. Vì vậy, thay vào đó, họ tuyên bố mọi thứ khác đều tồi tệ. Đúng vậy, họ nói, chúng ta có thể không sống trong điều kiện hoàn toàn Tốt đẹp. Nhưng may mắn thay, chúng ta không sống trong điều kiện của cái Xấu xa. Nền dân chủ của chúng ta không hoàn hảo. Nhưng nó tốt hơn những chế độ độc tài tàn khốc. Chủ nghĩa tư bản bất công. Nhưng nó không tội ác như chủ nghĩa Stalin. Chúng ta để hàng triệu người châu Phi chết vì AIDS, nhưng chúng ta không đưa ra những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc như Milosevic. Chúng ta giết người Iraq bằng máy bay, nhưng chúng ta không cắt cổ họ bằng dao rựa như ở Rwanda, v.v
Triết gia người Pháp Alain Badiou
Triết gia người Pháp Alain Badiou
Don’t Expect Too Much From the End of the World là một bộ phim mới nhưng vô cùng quan trọng trong làn sóng điện ảnh mới của Romania vẫn đang bền bỉ phát triển mạnh mẽ, và nó tiếp tục mang lại cho người xem cảm giác ngột ngạt như thể bị bóp chặt bởi sự u uất với cuộc sống hiện tại và khủng hoảng hiện sinh. Bầu không khí này đặc quánh đến nỗi cảm tưởng có thể dùng dao xắt ra từng miếng. Đạo diễn Radu Jude cho biết rằng theo một cách nào đó, Romania luôn nằm ở phần rìa có tầm quan trọng kém hơn so với các nước châu Âu, không chỉ về mặt địa lí mà còn về mặt chính trị, kinh tế, và văn minh. Khía cạnh lịch sử còn phức tạp hơn khi đất nước này luôn bị kẹp giữa bởi các đế quốc như đế quốc Áo và đế chế Nga, còn trước đó là đế quốc Ottoman, vì vậy nó luôn nằm trong thế kìm kẹp. Vị thế này là một vấn đề đối với sự phát triển của Romania, nhưng nó cũng mang tính thú vị vì mọi thứ phát triển theo chiều hướng khác biệt và gay gắt hơn so với các nước châu Âu khác. Đạo diễn Radu Jude chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Tôi không có ý định khái quát hóa cuộc sống người Romania qua bộ phim này mà tôi chỉ muốn khắc họa đời sống của những con người nhỏ bé bị mắc kẹt trong cái mạng lưới của nền kinh tế và xã hội. Tôi hi vọng rằng mọi người ở bất cứ đâu trên thế giới cũng có thể cảm thấy sự tương đồng với câu chuyện trong phim.
Dịch: "It's later than you think."
Dịch: "It's later than you think."
*Các bạn có thể theo dõi blog cá nhân chuyên viết về điện ảnh của mình tại: