ĐỪNG CHỈ BIẾT KHUYÊN NHAU HÃY LẮNG NGHE TRÁI TIM
Đây là blog tập làm văn dành cho người đang học kĩ năng lắng nghe trái tim bằng cách viết 1 lượt với thách thức không dùng nút "backspace"...
Đây là blog tập làm văn dành cho người đang học kĩ năng lắng nghe trái tim bằng cách viết 1 lượt với thách thức không dùng nút "backspace" - trừ khi sai chính tả. Xin cảm ơn vì đã quan tâm.
Lắng nghe không phải bản năng, lắng nghe là kĩ năng bao gồm: nghe (bản năng), phân tích (lý trí), thấu hiểu (kinh nghiệm) và chia sẻ (cảm xúc) - nó thực sự là một kỹ năng phức tạp và cần nhiều kiên nhẫn. Kiên nhẫn đến bao nhiêu thì mình chưa biết - vì mình dường như vẫn chưa đạt được đến một điểm thuần thục cho kĩ năng này. Vốn dĩ là kĩ năng khó nên để lắng nghe bản thân lại càng rắc rối hơn vì chúng ta không thực sự "nghe" được trái tim nói gì - nghĩa là ta không có bản năng/kĩ thuật cơ bản nhất trong bước lắng nghe.
Ngày hôm nay trái tim bạn cảm thấy thế nào?
Ngày hôm nay trái tim mình đang hân hoan, rạo rực, sôi động, hồi hộp, bối rối, mệt nhoài.
Trái tim không có ngôn ngữ diễn đạt, như những lời văn vẻ vẫn truyền tai nhau - chúng mình cần cảm nhận trái tim. Nhưng bạn biết không, càng nghe nhiều lời truyền tai như vậy thì "cảm nhận" càng khó. Một trong những thể loại sách mình không hề thích (thậm chí ghét) là sách "self-help". Cảm giác của mình là khi "cảm xúc" của bản thân ta bị một lời nói của người khác can thiệp thì ta sẽ càng đẩy mình đi xa những "cảm xúc" chân thật. Giống như là - mình đang cố tìm một hình ảnh so sánh hợp lý - trái tim của mình và lý trí của mình là hai nửa nam chân cân bằng. Đặt chúng ở một môi trường tự nhiên hoàn hảo - không có can thiệp khác, trong khoảng cách phù hợp - thì chúng sẽ tự hút lấy nhau. Nhưng lời khuyên của người khác, sự sẻ chia cảm xúc của người khác là một nửa nam chân lớn hơn, sẽ kéo lý trí mình lại gần bên họ và đẩy cảm xúc của mình ra ngày càng xa. Những người có tầm ảnh hưởng giống như cục nam châm cảm xúc ấy đấy. Kéo lí trí của mình lại gần nhưng đẩy cảm xúc của mình ra xa. Dần thì - khi đã ở xa quá, làm sao có thể "nghe" thấy tim mình nói gì?
Tự do là độc lập. Mình đang nỗ lực để tìm thấy sự độc lập trong tâm hồn và lí trí. Mình đang nỗ lực để đạt bước đầu tiên trong 4 kỹ năng "lắng nghe trái tim": ở gần - và thực sự nghe thấy nó.
Cảm xúc của mỗi người lại mỗi khác khi đặt trong những hoàn cảnh khác nhau - đó là lý thuyết, nhưng lý thuyết này là sự thật. Không thể lấy ví dụ của người khác để đối chiếu vào trường hợp của mình, cũng không thể lấy kinh nghiệm của người khác để rút kinh nghiệm cho mình, càng không thể lấy tư duy của người khác để làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Mỗi cá nhân là một cá thể độc lập - đó là lý thuyết, nhưng lý thuyết khó thành hiện thực.
Lần sau, nếu gặp nhau, đừng khuyên nhau hãy biết cách lắng nghe trái tim đang bảo gì nữa. Cũng đừng chỉ cho người ta biết làm thế nào để lắng nghe trái tim họ. Tai của mình không vừa tai của họ. Nếu lần sau, gặp nhau, chỉ cần an ủi rằng: có những chuyện, ai cũng phải trải qua. Cứ để kệ vậy thôi, miễn là còn sống, thì vẫn còn ổn. Không ai ép mình phải làm người lớn năm 25 tuổi, không ai ép mình phải yêu chung thủy một người, không ai ép mình làm người tốt... Những người ích kỉ nhất, xấu xa nhất đôi khi lại là những người yêu bản thân nhất, hiểu bản thân nhất, biết trái tim mình muốn gì nhất.
Chỉ là, mình thấy vui một chút - vì có lẽ, mình đã dần tìm lại được phần hồn của mình rồi. Chỉ là, có lẽ tai mình đã không còn điếc, tim mình đã không còn cứng, lí trí mình đã không còn căng. Chỉ là, có điều gì đó - giống như người điếc lần đầu được cảm nhận âm thanh, mình đang rên rỉ sung sướng.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất