Mình đi học ở Mỹ 4 năm, sau đó đi làm thêm 3 năm nữa rồi về. Lúc mới về chắc câu mình được hỏi nhiều nhất là: "Sao con/cháu/ông/mày/cậu lại về?"
Đương nhiên, bạn cũng có thể hỏi, ơ thế ở lại thì làm gì?
Có lẽ ai muốn, đã, đang và sẽ đi du học cũng đều lăn tăn về quyết định tương lai to đùng và khá là nghiêm túc đó.
Thế nên đợt này bọn mình đang làm một series phỏng vấn các bạn du học sinh về việc đi học xong thì ở lại hay là về? Không có đủ nguồn lực để survey toàn bộ du học sinh nên bọn mình sẽ phỏng vấn một vài bạn đã và đang ở trong các hoàn cảnh khác nhau, với hy vọng phần nào giúp mọi người có những góc nhìn toàn diện hơn về việc đi nước ngoài, và quyết định xem lựa chọn nào là phù hợp với mình.
Người đầu tiên được phỏng vấn là Tùng, một người bạn thân của mình, hiện đã có thẻ xanh và đang ở bên đó làm software engineer ở Facebook. Mình xin đăng lại cả bài viết ở dưới đây. 



Năm 2011, sau khi tốt nghiệp trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, anh Phạm Thanh Tùng theo học ngành Khoa Học Máy Tính (Computer Science) tại University of Massachusetts, Amherst, Hoa Kỳ. Năm 2015, tốt nghiệp đại học, anh Tùng trở thành kĩ sư phần mềm tại công ty Facebook, phụ trách mảng xây dựng phần mềm cho Facebook trên nền tảng iOS.
Trước khi đi du học, anh Tùng xác định chỉ ở lại Mỹ một vài năm để tích luỹ kinh nghiệm rồi sẽ trở về Việt Nam. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian làm việc tại Facebook, anh lại lựa chọn định cư tại Mỹ.
Vậy điều gì đã khiến anh thay đổi quyết định? Những lợi ích và bất cập của lựa chọn này là gì?
Mời các bạn đọc bài viết để lắng nghe “ngọn ngành” câu chuyện của anh Tùng nhé!


“Ngày ấy, khi vừa tốt nghiệp cấp 3 và bắt đầu đi du học, mình xác định sẽ ở lại Mỹ ít nhất một vài năm để tích lũy kinh nghiệm rồi trở về Việt Nam. Đối với những bạn theo học ngành Computer Science như mình thì nước Mỹ, và đặc biệt là Silicon Valley, là nơi có nhiều cơ hội để phát triển nhất, vì đây là nơi tập trung những công ty công nghệ hàng đầu thế giới và rất nhiều công ty khởi nghiệp (startups) triển vọng.
Hiện tại, khi nhìn lại kế hoạch của mình từ hồi cấp 3, có lẽ điều khác biệt lớn nhất chính là thay vì ở lại một vài năm, thì mình quyết định định cư ở Mỹ. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến quyết định này như công việc hay gia đình. Nhưng tựu chung lại, mình thấy rằng kế hoạch của mình cũng không thay đổi là mấy. Mình vẫn luôn mong muốn có một ngày trong tương lai về góp sức xây dựng đất nước với những kinh nghiệm mà mình học được từ Mỹ.”


“Mình nghĩ rằng lựa chọn nào cũng có cái được (advantages) và cái mất (disadvantages). Khi đưa ra quyết định thì đơn giản là chọn một phương án mà cái được lớn hơn cái mất. Việc lựa chọn ở lại Mỹ cũng như vậy. Cái được lớn nhất đối với mình là một công việc tốt với nhiều cơ hội phát triển ở môi trường hàng đầu thế giới. Mặc dù hiện nay có rất nhiều nước đang muốn phát triển công nghệ nhưng có lẽ để đuổi kịp được Silicon Valley (trừ Trung Quốc) thì có lẽ vẫn còn phải mất ít nhất 5-10 năm nữa. Cái được thứ hai là về môi trường sống phát triển, văn minh và hệ thống giáo dục cũng như y tế tốt mà gia đình và con cái mình về sau sẽ được hưởng. Cái mất lớn nhất đối với mình có lẽ là về mặt tinh thần, khi không được ở gần gia đình và bạn bè ở Việt Nam.”


“Mình không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình làm được hiện tại. Mình nghĩ là khi nào bạn cảm thấy hài lòng có nghĩa là bạn đã dừng động lực để tiếp tục phát triển. Thế nên mình không bao giờ được cho phép bản thân tự hài lòng.
Mặc dù vậy, mình không bao giờ cảm thấy hối tiếc vì những việc mình đã làm trong quá khứ, dù cho đó là những thứ mình làm sai và phải trả giá đắt. Mình tin rằng mỗi việc bạn làm đều giúp bạn học hỏi được một điều gì đó mới mẻ và tạo nên bạn của ngày hôm nay.”