Đột quỵ là căn bệnh, trong đó xuất hiện những tổn thương ở hệ thống mạch máu cung cấp cho não, từ đó khiến cho một phần của đại não không có đủ oxi, chất dinh dưỡng để hoạt động và có thể dẫn tới tổn thương vĩnh viễn không thể khắc phục.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đột quỵ là nguyên nhân dẫn tới tử vong hàng đầu chỉ sau nhồi máu cơ tim, với tần suất 15 triệu người mỗi năm, trong số đó 5 triệu người tử vong và 5 triệu người sẽ bị di chứng về sau. Đặc biệt, Việt Nam là đất nước có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới với ước tính 200.000 ca bệnh mỗi năm.
Qua những số liệu trên, chúng ta có thể thấy được sự nguy hiểm và phổ biến của đột quỵ, trong bài viết này, tôi sẽ đề cập khái quát về cơ chế, biểu hiện và quan trọng nhất đó là cách xác định, sơ cứu ban đầu cho những người bị nghi ngờ mắc đột quỵ.

1. Nguyên nhân, cơ chế.

Có 2 loại cơ chế chính dẫn tới đột quỵ:
+Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
+Đột quỵ do xuất huyết

A. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đây là loại đột quỵ phổ biến hơn cả, chiếm 85% những ca mắc đột quỵ.
Trong trường hợp này, không có xuất hiện sự xuất huyết từ mạch máu, mà khi đó, dòng máu trong mạch bị chặn lại, không thể đi tiếp tới các mao mạch để cung cấp các tế bào não.
Những nguyên nhân chủ yếu có thể dẫn tới tình trạng này bao gồm:
+Xơ vữa động mạch: Đây là tình trạng xuất hiện sự tích tụ cholesterol ở dưới lớp niêm mạc của thành mạch máu, theo thời gian cholesterol tích tụ ngày một nhiều và khối tích tụ đó sẽ vỡ ra, gây tắc mạch máu. Do đó trường hợp này thường gặp ở những người bị thừa cân, béo phì, có hàm lượng cholesterol cao trong cơ thể.
+Thuyên tắc: Là sự xuất hiện một khối vật liệu làm chặn dòng máu chảy trong mạch. Khối vật liệu này có thể có nguồn gốc từ bên ngoài ví dụ như bọt khí trong khi tiêm (nếu y tá không làm đúng thao tác, kỹ thuật), và phổ biến hơn là từ các huyết khối (các khối máu đông dính trên thành mạch máu hình thành khi mạch máu bị tổn thương). Bạn hãy tưởng tượng như sau, các mạch máu trong cơ thể phân bố theo hình dạng từ lớn đến bé, từ động mạch đến tiểu động mạch đến các mao mạch để cung cấp cho các cơ quan, những khối vật liệu kể trên có thể di chuyển tự do trong các động mạch do kích thước đường ống lớn, tuy nhiên khi di chuyển xa hơn, tới các tiểu động mạch hoặc mao mạch, kích thước của đường ống giảm dần và đến một lúc khối vật liệu kia sẽ chặn kín đường ống.

B. Đột quỵ do xuất huyết

Tình trạng này xuất hiện khi có mạch máu não vỡ ra, khi đó sẽ xuất hiện máu vùng não bị tổn thương.
Đột quỵ do xuất huyết
Đột quỵ do xuất huyết
Trường hợp này xảy ra chủ yếu ở bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, khi đó, dưới tác động của áp lực máu lớn trong lòng mạch, thành mạch máu sẽ dần xơ cứng lại và dễ dàng bị vỡ ra dưới áp suất cao.

3. Biểu hiện của đột quỵ.

Yếu tố hàng đầu quyết định đến mức độ nghiêm trọng, tổn thương não và di chứng để lại sau này của bệnh đột quỵ chính là yếu tố thời gian
Mỗi một giây trôi qua là một phần tế bào não đang dần chết đi
Chính vì thế chúng ta cần phải có kiến thức nhất định để có thể nhanh chóng xác định người bệnh bị đột quỵ và cung cấp những sơ cứu ban đầu kịp thời.
Để có thể giúp chúng ta dễ dàng ghi nhớ và xác định các triệu chứng, Hội tim mạch Mỹ (AHA) đã đưa ra bộ quy tắc BE FAST ( tiền thân là FAST ). Đây là 6 từ viết tắt với ý nghĩa sau:
B: Balance - Người bệnh cảm thấy mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt
E: Eyesight - Mất thị lực một phần/hoàn toàn. Tầm nhìn bị mờ đột ngột
F: Face - Một bên gương mặt bị méo lại, liệt một bên mặt.
A: Arm - Một bên tay bệnh nhân bị yếu, người bệnh không thể giơ cùng lúc 2 tay lên được.
S: Speech - Người bệnh mất khả năng nói, bị khó nói, nói ngọng
T: Time - Yếu tố vàng trong cấp cứu đột quỵ: THỜI GIAN - cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Để có thể dễ dàng nắm được bộ quy tắc này, bạn có thể tham khảo video dưới đây:

4. Sơ cứu ban đầu.

Khi đã xác định được bệnh nhân bị mắc đột quỵ, điều đầu tiên chúng ta phải làm là nhanh chóng gọi cấp cứu, cung cấp cho nhân viên y tế thông tin của người bệnh.
Khi đó, chúng ta phải để người bệnh nằm ngang, nâng cao đầu, kiểm tra trạng thái hơi thở, động mạch cổ để đánh giá trạng thái của hệ hô hấp, tuần hoàn. Nếu không xác định được hơi thở, mạch đập thì cần nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi cho người bệnh và chờ sự giúp đỡ của nhân viên y tế.
Trên đây là những kiến thức tổng quan về căn bệnh đột quỵ, một căn bệnh rất nguy hiểm, có thể xảy đến với bất cứ ai, hy vọng qua bài viết có thể giúp các bạn biết cách xử trí những trường hợp không may xảy ra với những người xung quanh.

Nguồn tham khảo:

Stroke, Cerebrovascular accident // WHO URL: https://www.emro.who.int/health-topics/stroke-cerebrovascular-accident/index.html
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh nguy hiểm này // Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế URL: https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/moi-nam-viet-nam-co-khoang-200-000-ca-ot-quy-nhieu-nguoi-tre-tuoi-mac-benh-nguy-hiem-nay
BE-FAST (Balance, Eyes, Face, Arm, Speech, Time): Reducing the Proportion of Strokes Missed Using the FAST Mnemonic // AHA JOURNALS URL: https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/STROKEAHA.116.015169